VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Chuyên gia đề xuất với Thủ tướng: Doanh nghiệp làm tốt phải được thưởng bằng tiền

     PGS. TS Trần Đình Thiên đề xuất cơ chế thưởng tiền cho những doanh nghiệp làm tốt, đặc biệt là trong xây dựng hạ tầng.
Hội thảo Thúc đẩy hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ vừa được tổ chức với mục đích tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong hạ tầng giao thông khu vực này. Hiện vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn tiếp tục là vùng có đóng góp lớn nhất về GDP, ngân sách. Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, mức đóng góp GDP (50,8%), vùng kinh tế trọng điểm phía Nam lớn hơn cả 3 vùng kinh tế trọng điểm còn lại cộng lại.
Tuy nhiên, tốc độ tăng GDP giai đoạn 2016-2018 chỉ đạt 6,72% (trong khi vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là 9,08%). Vị thế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong nền kinh tế tuy vẫn đứng đầu nhưng bị sụt giảm, vai trò động lực và dẫn dắt suy yếu.
Chuyên gia đề xuất với Thủ tướng: Doanh nghiệp làm tốt phải được thưởng bằng tiền - Ảnh 1
Theo ông Thiên, một trong những lý do là thiếu kết nối vùng, các tuyến đường vành đai và tuyến cao tốc còn ít, triển khai chậm, ách tắc lưu thông tại các trung tâm tăng trưởng quốc gia và kết nối quốc tế, các nút giao thông TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Cho rằng giao thông chính là “điểm nghẽn” nghiêm trọng của vùng Đông Nam Bộ, ông chỉ ra cụ thể nghẽn trên cả 3 tuyến: Đường bộ, hàng không và đường biển. Vùng kinh tế trong điểm phía Nam mới có 91 km (11%) đường cao tốc cả nước, sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải thiếu đồng bộ, thiếu kết nối đường bộ, đường sắt…
“Chúng tôi nhiều lần đề nghị Thủ tướng, người nào, tập đoàn, doanh nghiệp nào làm tốt phải được thưởng, căn cứ trên lợi ích mang lại cho đất nước. Doanh nghiệp cần được thưởng bằng tiền”, ông Thiên nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, quy hoạch ở vùng Đông Nam Bộ đủ 5 phương thức vận tải, tư vấn trong và ngoài nước đều đã đánh giá là quy hoạch khá hợp lý, nhưng thực hiện thì quá chậm. Hiện nay đã có 11 tuyến cao tốc trong khu vực, với tổng chiều dài 970 km, Theo quy hoạch đến năm 2020  đưa vào khai thác 497 km nhưng hiện tại mới đưa vào khai thác 122 km, đang đầu tư khoảng 278 km.
Riêng sân bay Long Thành, Thủ tướng “nóng ruột” đến mức phải nhắc đi, nhắc lại: “Tháng 10, tỉnh Đồng Nai phải có 1.800 ha đất sạch để khởi động một số hạng mục dự án sân bay”, các bộ ngành tính toán kết nối hạ tầng đồng bộ với sân bay với tinh thần tích cực tháo gỡ vướng mắc, không chờ  đợi, bị động… Thủ tướng đã thẳng thắn, “ai không làm thì đứng sang một bên”.
PGS. TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cũng chỉ ra, nhận thức về lợi ích nối kết hạ tầng giao thông chưa rõ, vẫn còn xoay quanh trong ranh giới địa phương. Chưa hình thành, cập nhật và chia sẻ dữ liệu chung cho toàn vùng. Chưa thành lập được Quỹ đầu tư phát triển hạ tầng cho toàn vùng, do chưa có cơ chế phù hợp và sự đồng thuận. Chưa giải quyết bài toán lợi ích giữa các địa phương trong toàn vùng, lợi ích của từng tỉnh thành khi triển khai các dự án đầu tư theo quy hoạch, đứng trên góc độ liên vùng.

NGuồn doanhnhan-TT