Covid-19 có thể trở thành một mầm bệnh theo mùa, tồn tại vĩnh viễn như cúm, sởi và HIV.
Kể từ tháng 12/2020, các quốc gia bắt đầu khởi động chiến dịch chủng ngừa Covid-19 nhằm đưa cuộc sống của người dân trở về bình thường sớm nhất có thể. Song các nhà khoa học cảnh báo: căn bệnh sẽ lưu lại trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ.
Ảnh minh họa.
Chuyên gia dịch tễ cho rằng bản chất dễ lây lan của virus, sự xuất hiện của biến thể và chương trình vaccine hạn chế ở nhiều nơi khiến Covid-19 chuyển từ đại dịch thành mầm bệnh đặc hữu. Xã hội phải học cách chung sống cùng nó như đã làm với cúm, sởi và HIV.
Thomas Frieden, cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, cho biết: “Trải qua giai đoạn đau khổ, chúng ta cần tiến đến chấp nhận rằng cuộc sống sẽ không bao giờ giống với trước đây. Tôi không nghĩ rằng thế giới đã thấm thía sự thật: đây là những thay đổi mang tính lâu dài”.
Theo các chuyên gia bệnh truyền nhiễm, khi Covid-19 trở thành đặc hữu, thế giới không nhất thiết tiếp tục duy trì các lệnh hạn chế. Phần lớn vaccine hiệu quả ngăn ngừa bệnh chuyển nặng, giúp giảm thiểu ca nhập viện và tử vong. Tỷ lệ bệnh nhân ở Israel đã giảm 30% sau khi triển khai tiêm chủng cho một phần ba dân số. Lượng người tử vong dự kiến giảm mạnh trong những tuần tới.
Song nhiều tổ chức đang lên kế hoạch cho tương lai xa hơn. Kịch bản là vẫn duy trì biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, thông gió nơi ở và xét nghiệm chủ động. Trong khi đó, ngành công nghiệp liên quan đến Covid-19 đã manh nha hình thành, có tiềm năng sinh lời. Các doanh nghiệp đầu tư vào hàng hoá, dịch vụ như giám sát chất lượng không khí, sản xuất thiết bị lọc, bộ kit xét nghiệm và nghiên cứu hình thức điều trị mới.
Số xét nghiệm PCR toàn cầu dự kiến tăng trong năm nay. Theo phân tích của công ty Quest Diagnostics, hàng nghìn người sẽ cần lấy mẫu dịch họng hoặc mũi trước khi tham gia một buổi hoà nhạc, trận bóng rổ hoặc các hoạt động gia đình.
Jiwon Lim, phát ngôn viên của SD Biosensor, hãng sản xuất kit xét nghiệm tại nhà, nhận định: “Điều này có thể tồn tại nhiều năm hoặc vĩnh viễn, tương tự bệnh cúm. Các nhà sản xuất thuốc hàng đầu, như Novartis hay Eli Lilly & Co, đã đầu tư vào liệu pháp chữa Covid-19 tiềm năng. Hơn 300 sản phẩm như thế đang được phát triển”.
Nhiều hãng hàng không tái cơ cấu để tập trung vào chặng bay ngắn trong châu Âu, loại bỏ thị trường Thái Bình Dương, nơi các quốc gia tuyên bố sẽ đóng cửa biên giới ít nhất đến hết năm nay. Một số sân bay lên kế hoạch triển khai hộ chiếu vaccine, cho phép hành khách đã tiêm chủng đi du lịch.
Các bệnh được coi là đặc hữu khi chúng tồn tại dai dẳng, nhưng vẫn có thể kiểm soát được và không bùng lên thành đại dịch. Chuyên gia dịch tễ cho biết mức độ lây lan của chúng khác nhau, tuỳ theo vị trí địa lý và loại virus, vi khuẩn. Dại, sốt rét, HIV và Zika đều là những bệnh truyền nhiễm đặc hữu, nhưng mức độ phổ biến và số người bị ảnh hưởng khác nhau trên từng khu vực.
John Mascola, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vaccine, Viện Y tế Quốc gia, cho biết: “Ngay từ rất sớm, khi các quốc gia không thể ngăn chặn nCoV lan ra toàn cầu, các nhà virus học đoán đây sẽ trở thành bệnh đặc hữu. Khi một virus dễ truyền từ người sang người tồn tại trong quần thể dân cư thiếu khả năng miễn dịch, nó sẽ lan ra bất cứ đâu, giống như vết rò rỉ trong một con đập”.
Chuyên gia miễn dịch hy vọng vaccine có thể phá vỡ chuỗi lây truyền, làm giảm đáng kể độ ảnh hưởng của virus. Nghiên cứu được Đại học Oxford công bố tuần trước cho thấy người tiêm vaccine AstraZeneca có ít khả năng truyền bệnh hơn. Song rất nhiều nhóm dân cư trên thế giới không đủ khả năng tiếp cận chương trình tiêm chủng trong tương lai gần, tạo điều kiện cho virus tiếp tục lây lan.
Hiện chưa vaccine nào được phê duyệt dùng cho trẻ nhỏ. Vấn đề về nguồn cung khiến hầu hết nước đang phát triển không thể tiêm phòng cho đến cuối năm sau. Tỷ lệ người từ chối chủng ngừa tại châu Âu vẫn ở mức cao. Cụ thể, chưa đến một nửa công dân Pháp sẵn sàng tiêm vaccine, theo một cuộc thăm dò của YouGov.
Rachel Bender Ignacio, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle, cho biết: “Khi các nhà khoa học phát triển phương pháp điều trị mới, Covid-19 trở thành một căn bệnh nhân loại có thể sống chung”.
Theo bà, điều quan trọng là xử lý những di chứng dai dẳng như suy nhược cơ thể mà căn bệnh để lại. Đến nay, nhiều bệnh nhân vật phải vật lộn với tình trạng rối loạn trí nhớ, mất khứu giác, vấn đề tiêu hoá và tim mạch dù đã khỏi Covid-19 nhiều tháng.
Một số quốc gia như Australia và New Zealand giữ lượng ca nhiễm ngày ở mức thấp, chưa từng trải qua đợt bùng phát lớn như châu Mỹ và châu Âu. Cả hai đều áp dụng biện pháp hạn chế nghiêm ngặt.
“Tôi không tin rằng chúng ta nên lấy việc diệt trừ hoàn toàn virus làm thước đo thành công. Đến một thời điểm, chúng ta phải kiểm soát được virus, chứ không để nó kiểm soát chúng ta”, Mike Ryan, giám đốc chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhận định.
Trong lịch sử y tế hiện đại, chỉ một loại virus duy nhất bị tiêu diệt hoàn toàn, đó là đậu mùa. Tuy nhiên đậu mùa chỉ lây nhiễm giữa quần thể người, nCoV có thể lưu hành giữa cả động vật có vú như chồn, hổ, đười ươi. Các trang trại lông thú trên khắp thế giới vẫn trở thành ổ virus tiềm tàng, kể cả khi mầm bệnh đã biến mất ở người.
Hàng chục triệu ca nhiễm trên khắp thế giới tạo cơ hội để virus đột biến, lan nhanh hơn hoặc kháng vaccine. Biến thể Nam Phi và Anh thậm chí lây sang cả chuột. Lúc này, các ca mắc không triệu chứng, đặc biệt khó truy vết, trở thành rào cản với công tác dập dịch của mọi quốc gia. Sau nhiều thập kỷ cố gắng và hàng tỷ đô la đầu tư, thế giới vẫn chưa loại bỏ được mầm bệnh khác có tính chất tương tự, đó là bại liệt. Căn bệnh biến mất khỏi Mỹ vào những năm 1970, bị xóa sổ ở châu Âu năm 2002. Đến nay, nó vẫn tồn tại ở Afghanistan và Pakistan.
Các loại virus đường hô hấp nhìn chung dễ tồn tại vĩnh viễn vì lan truyền được thông qua hành vi thông thường, như thở và nói chuyện. Chúng cũng có khả năng lây nhiễm tế bào cao. Năm 1890, chủng virus corona có tên gọi OC43 đã gây ra Dịch cúm Nga. Căn bệnh giết chết 1 triệu người. Virus vẫn tồn tại đến ngày nay, là nguyên nhân của nhiều trường hợp cảm cúm thông thường, dù ít nghiêm trọng hơn vì người dân đã sinh miễn dịch.
Đột biến mới của nCoV giúp nó dễ dàng bám vào tế bào và né tránh một số loại kháng thể, gây lo ngại ảnh hưởng đến hiệu quả vaccine. Các nhà khoa học cho biết việc theo dõi biến thể mới rất quan trọng với chương trình tiêm chủng lâu dài. Hiểu rõ đặc điểm của chúng giúp xác định liệu mũi tiêm có cần tinh chỉnh định kỳ, giống với vaccine phòng cúm hay không.
Khi Covid-19 trở thành dịch bệnh theo mùa, chương trình tiêm phòng vẫn quan trọng. Angela Rasmussen, chuyên gia virus của Trung tâm Khoa học và An ninh Y tế Toàn cầu tại Đại học Georgetown, cho biết: “Nhiều người nghĩ rằng khi virus chuyển sang đặc hữu, nó sẽ không nguy hiểm như trước. Đây là quan niệm sai lầm, bắt nguồn từ thực tế rằng virus tiến hoá để tăng tối đa lượng người chúng lây nhiễm, trước khi gây tử vong hàng loạt và tự biến mất. Song hầu hết người mắc Covid-19 đều sống sót. Virus không chịu áp lực phải suy yếu. Nó tiếp tục tìm kiếm vật chủ mới và nhân lên trước khi vật chủ cũ có triệu chứng bệnh”.