– Đại dịch COVID-19 đang trở thành một cuộc khủng hoảng thách thức nhất kể từ sau Thế chiến thứ II bởi nó đã đe dọa tới tất cả mọi người trên thế giới và có nguy cơ gây ra một cuộc suy thoái mà có lẽ chưa từng xảy ra trong quá khứ.
Phun thuốc khử trùng tại Cascais, Bồ Đào Nha, ngày 28/3. (Ảnh: Xinhua)
Đây là thông điệp do Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đưa ra trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 31/3 nhằm công bố bản báo cáo của Liên hợp quốc có tựa đề: “Chia sẻ trách nhiệm, đoàn kết toàn cầu: Ứng phó với các tác động kinh tế-xã hội do COVID-19 gây ra”.
Theo quan điểm của người đứng đầu Liên hợp quốc thì sự kết hợp giữa hai thực tế và rủi ro từ COVID-19 trong việc tăng cường bất ổn, thúc đẩy xung đột…đã khiến chúng ta nhận định rằng đây chính là cuộc khủng hoảng thách thức nhất kể từ sau Thế chiến thứ II. Điều này cần tới một phản ứng mạnh mẽ và hiệu quả hơn – vốn là kết quả của tinh thần đoàn kết, chỉ xuất hiện khi mọi người cùng xích lại gần nhau, quên đi các trò chơi chính trị và nhận thức được rằng loài người đang bị đe dọa.
Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết ông đã liên lạc với các nhà lãnh đạo trên thế giới về đại dịch COVID-19 và ghi nhận rằng, mọi người đang ngày càng nhận thức sâu sắc hơn trước việc chúng ta đang cùng phải đối mặt với đại dịch và cần cùng nhau vượt qua nó.
“Vấn đề hiện giờ là làm thế nào để đưa ra những biện pháp khả thi để hiện thực hóa mục tiêu này” – ông Guterres nói, đồng thời lưu ý thêm về vai trò thiết yếu của việc cần hành động một cách nhanh chóng.
“Chúng ta đang tiến tới phương hướng đúng một cách chậm chạp. Chúng ta cần phải tăng tốc và hành động nhiều hơn nữa nếu muốn đánh bại virus và hỗ trợ những người cần thiết” – ông Guterres nói.
Những lời kêu gọi trên được người đứng đầu Liên hợp quốc đưa ra trong bối cảnh COVID-19 vẫn đang tiếp tục lây lan chưa có điểm dừng trên phạm vi toàn thế giới. Theo số liệu do Worldometers công bố sáng 1/4, bóng đen của đại dịch nguy hiểm này đã bao phủ hầu hết các ngõ ngách của hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với 857.487 ca mắc và 42.114 ca tử vong, trong đó mới chỉ có 177.141 ca bình phục.
Hiện Mỹ đang đứng đầu bảng thống kê của Worldometers về số các ca nhiễm COVID-19 với 187.917 trường hợp. Ngoài Mỹ, Châu Âu cũng đang trải qua những ngày u tối khi đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 24.000 người – nhiều hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới.
Trong ngày 31/3, tâm dịch của châu Âu là Italy đã ghi nhận thêm 4.023 ca dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 105.792 trường hợp. Trong đó, số ca tử vong là 12.428 trường hợp, số bệnh nhân điều trị thành công là 15.729 trường hợp.
Điểm nóng thứ 2 tại châu Âu là Tây Ban Nha, ngày 31/3 cũng đã công bố thêm 849 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 lên con số 8.189, trong khi số ca nhiễm mới hiện đã lên tới con số 94.417 trường hợp.
Trong 24 giờ qua, Pháp cũng ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 lên đến 499 người, nâng tổng số ca tử vong lên 3.523 người kể từ khi bùng phát dịch. Hiện quốc gia này đứng thứ 3 thế giới về số người tử vong do đại dịch COVID-19, sau Italy và Tây Ban Nha. Với 7.578 ca mắc mới vừa ghi nhận được, tổng ca nhiễm COVID-19 tại Pháp tính đến ngày 1/4 là 52.128 trường hợp./.
Nguồn (ĐCSVN)-TT