VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Thế giới khó có thể lạc quan


 >> Những điểm sáng giữa các thách thức của năm 2017
 >> Bàn cờ đối ngoại 2017
Khó đột phá kinh tế
Bức tranh kinh tế thế giới 2016 không có nhiều khởi sắc so với năm 2015: Nhật Bản vẫn loay hoay khi chính sách kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe – Abenomics, không còn hiệu quả rõ nét như năm 2015. Ở châu Âu, vấn đề khủng hoảng nợ công Hy Lạp, khó khăn của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italy khiến bức tranh kinh tế của lục địa già vẫn ảm đạm.
Trong ba trung tâm kinh tế thế giới, chỉ có Mỹ khá hơn cả khi thị trường chứng khoán nước này hồi phục mạnh mẽ và liên tục chinh phục những đỉnh cao mới. Nhưng đầu tàu kinh tế thế giới này vẫn chưa bước vào một giai đoạn phát triển mới. Trong các nền kinh tế đang phát triển, chỉ có Ấn Độ – với chính sách kinh tế mới của Thủ tướng Narendra Modi, có thể phát triển tương đối khả quan hơn so với Trung Quốc và các nền kinh tế khác.
Năm 2016 xuất hiện sự giằng co mạnh mẽ giữa xu hướng khu vực hóa và toàn cầu hóa. Ở Đại Tây Dương, câu chuyện khó khăn của Hiệp định Thương mại tự do Xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, may thay được cứu vớt lại ở nửa cuối năm bởi hiệp định thương mại giữa EU và Canada. Bên cạnh đó, sự tiến bộ không thể phủ nhận của Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP) chưa đủ bảo đảm cho tương lai của thỏa thuận quan trọng bậc nhất nửa Đông bán cầu này.

Năm 2016 cũng nổi lên sự giằng co giữa toàn cầu hóa và chống toàn cầu hóa. Sự kiện Brexit hay bầu cử Tổng thống Mỹ đều là những biểu hiện thực chất của cuộc đối đầu giữa bảo hộ mậu dịch và tự do thương mại.

Những khó khăn chồng chất này sẽ khiến nhân tố kinh tế thế giới 2017 khó có đột phá. Toàn cầu hóa vẫn sẽ là xu thế tất yếu của thực tiễn quốc tế và song hành với nó là sự tồn tại khách quan của sự chống toàn cầu hóa. Cho nên trào lưu chống toàn cầu hóa được Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nêu cao sẽ còn lan tỏa mạnh mẽ ở nhiều quốc gia.
Nỗ lực hợp tác quốc tế nhằm bình ổn giá dầu tới từ thỏa thuận đóng băng sản lượng khai thác của các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và sự chung tay của Nga, Venezuela chưa tạo được cú hích lớn đối với thị trường dầu mỏ.
Trong năm 2017, nền kinh tế Mỹ sẽ có những thay đổi nhất định với chính sách có phần táo bạo của Tổng thống Trump, kéo theo đó là những thay đổi của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Hệ quả của nó sẽ khiến thị trường tài chính toàn cầu biến động lớn, có thể theo chiều hướng xấu. Tuy nhiên, cả thế giới đều nỗ lực để không có thêm một đợt suy thoái mới.
Ổn định theo hình thái mới
Tình hình an ninh – chính trị thế giới 2016 có những mảng sáng tối căng thẳng đối đầu và hợp tác xen lẫn nhau nhưng không có sự kiện đột phá nào làm thay đổi tương quan lực lượng của các trung tâm quyền lực. Nhưng đối đầu theo cặp quan hệ lại gay gắt hơn.
Ở Đại Tây Dương là Mỹ – Nga, vốn hợp tác chống khủng bố ở Syria đầu năm cho đến tháng 10/2016 – khi cục diện chiến trường Syria có bước ngoặt có lợi cho Nga và chính quyền Damascus, quan hệ Mỹ – Nga xuống thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Ở Châu Á – Thái Bình Dương, đối đầu Mỹ – Trung cũng cam go hơn so với năm trước bởi một số yếu tố như những hành động bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông hay cách hành xử của Triều Tiên. Các nhân tố đó khiến cục diện khu vực này lâm vào thế giằng co khi liên minh Mỹ – Nhật – Hàn ngày càng thắt chặt và đỉnh cao là việc Seoul cho phép Washington triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) khiến không chỉ Triều Tiên cả Trung Quốc, Nga e dè.
Ở những góc khác của thế giới, vấn đề khủng bố cùng với mặt trái của vấn đề nhập cư vẫn làm đau đầu nhà cầm quyền; các mâu thuẫn truyền thống ở Ấn Độ – Pakistan, Israel – Palestine tiếp tục bùng phát. Đặc biệt, năm 2016 chứng kiến một loạt bê bối nội chính từ Đông sang Tây và sự thắng thế của chủ nghĩa dân túy khiến thế giới đứng trước nguy cơ bất ổn kéo dài ở khắp mọi nơi.

Trật tự thế giới 2017 cũng tương tự như năm 2016, không có gì đột biến. Trên phạm vi toàn cầu, cục diện chính trị – an ninh sẽ ổn định hơn, ít có sự kiện “gai góc” như năm 2016 trong mối quan hệ Nga – Mỹ, Trung – Mỹ.

Tuy nhiên, trật tự thế giới 2017 cũng tương tự năm 2016, không có gì đột biến. Trên phạm vi toàn cầu, cục diện chính trị – an ninh sẽ ổn định hơn, ít có sự kiện “gai góc” như năm 2016 trong quan hệ Nga – Mỹ, Trung – Mỹ.
Nguyên nhân một phần do sự lãnh đạo kiểu mới của ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng – Donald Trump. Những mối liên minh truyền thống của nước Mỹ như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay Mỹ – Nhật – Hàn – Australia sẽ không thể bị ông Trump dễ dàng loại bỏ như cách ông tuyên bố bởi mục tiêu tối thượng của tất cả các đời Tổng thống Mỹ luôn là củng cố và nâng cao vai trò chi phối của nước Mỹ trong trật tự quốc tế đương đại sau năm 1945.
Đó là bởi vì những thách thức khách quan đối với vai trò lãnh đạo của Mỹ, ở châu Á – Thái Bình Dương là Trung Quốc hay là Nga ở châu Âu vẫn còn tồn tại. Nhưng chắc chắn, với cam kết của mình, ông Trump sẽ buộc những liên minh này phải làm mới, các đồng minh của Mỹ sẽ phải chia sẻ trách nhiệm nhiều hơn.
Quan hệ Nga – Mỹ có thể tiến triển tích cực. Năm 2016, quan hệ song phương đã ở mức thấp nhất, do đó sắp tới sẽ là đi ngang hoặc đi lên chậm do sau lưng chính quyền Trump vẫn là lưỡng viện Mỹ do phe Cộng hòa bảo thủ chi phối.
Với sự “ngưỡng mộ” mà ông Trump dành cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, quan hệ Mỹ – Nga chắc chắn sẽ không đi tới đổ vỡ mà thậm chí từng bước được cải thiện. Nhiều khả năng hai bên sẽ hợp tác giải quyết vấn đề xung đột Syria.
Khi hai cường quốc hàng đầu thế giới bắt tay, căn cứ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Mosul (Iraq) sẽ nối gót Aleppo (Syria) bị liên quân tiêu diệt. Tuy nhiên, hệ lụy của nó sẽ là các cuộc khủng bố trả đũa sẽ diễn ra ở khắp các quốc gia, châu lục trên thế giới. Nếu kịch bản này xảy ra đến quý IV/2017 các bên ở Syria sẽ đi đến một giải pháp chính trị có tính hài hòa.
Quan hệ Nga – châu Âu vẫn sẽ dựa trên quan hệ Nga – Mỹ. Về cơ bản, các quốc gia đầu tàu EU như Đức, Pháp, Italy vẫn có lợi ích kinh tế gắn chặt với Nga và chẳng mấy mặn mà với lệnh cấm vận, vốn đang làm hai bên suy yếu.
Trong năm 2017, khi quan hệ Nga – Mỹ sẽ không thể xấu hơn, quan hệ Nga – EU vẫn dừng lại ở những thay đổi nhỏ trong việc cân bằng giữa cấm vận kinh tế và điều động lực lượng quân sự. Việc ông Trump không sẵn sàng chi tiền rải quân dọc biên giới miền Đông NATO có thể sẽ giúp vấn đề miền Đông Ukraine dễ giải quyết hơn.
Moscow đã bộc lộ rõ mục tiêu lớn nhất khi sáp nhập bán đảo Crimea và xung đột với Ukraine là không để kho vũ khí hạt nhân và công nghệ vũ khí quan trọng từ thời Xô Viết rơi vào tay NATO. Do đó, chỉ cần Kiev cho phép các tỉnh miền Đông được hưởng quy chế độc lập cao hơn, phủ quyết các vấn đề trọng đại như gia nhập NATO, về cơ bản xung đột sẽ chấm dứt.
Một vấn đề khác nổi lên chính là hai miền đảo Cyprus đang có triển vọng hòa hợp. Đối với Nga, miền đảo Cyprus Hy Lạp như “con ngựa thành Troy” trong lòng EU. Nếu như đảo Cyprus thống nhất đi theo quỹ đạo của EU-NATO, biên giới phía Tây của Moscow sẽ bị đe dọa. Điều này sẽ kéo theo việc Nga sẽ có những triển khai chiến lược cần thiết để bảo vệ vùng biên giới sườn Đông dễ bị tấn công của mình.
Còn về quan hệ Mỹ – Trung, là một người hiểu rõ tương quan sức mạnh giữa hai bên cũng như những chiêu bài kinh tế của Trung Quốc, ông Donald Trump sẽ giữ mối quan hệ ở thế cân bằng, nhưng sẽ có những cạnh tranh gay gắt hơn về kinh tế và hòa hoãn hơn về an ninh – chính trị.
Xu hướng giảm bớt cam kết đồng minh, can dự quốc tế của chính quyền Trump sẽ tạo khoảng trống quyền lực để Trung Quốc hoạt động mạnh mẽ hơn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trước mắt, Bắc Kinh sẽ không “động chạm” vào TPP. Đổi lại, có khả năng Washington sẽ điều đình việc triển khai THAAD và không can thiệp sâu vào vấn đề Biển Đông. Bên cạnh đó, hai bên sẽ lại tiếp tục dàn xếp vấn đề eo biển Đài Loan. Bộ ba vấn đề này chắc chắn sẽ được hai cường quốc đem ra thương thảo.

Nguồn DTO-TT

Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an)