– Doanh nghiệp nước ngoài có cả một nền tảng tư tưởng, hệ triết lý, pháp lý làm bệ đỡ, trong đó bao gồm triết lý chính trị, thể chế nhà nước, hệ thống luật pháp, và niềm tin xác tín nơi dân chúng. Còn doanh nghiệp Việt Nam.
Chính phủ đã và đang tạo nỗ lực tìm mọi cách để giúp doanh nghiệp làm ăn thuận lợi, thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên, vẫn cần đặt câu hỏi, doanh nghiệp còn cần gì nữa, còn thiếu gì nữa để sẵn lòng dốc túi ra làm ăn kinh doanh, góp phần tạo ra thịnh vượng cho đất nước.
Để xem doanh nghiệp cần gì, thiếu gì, tôi muốn so sánh giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài nhằm giúp hình dung ra những vấn đề của doanh nghiệp Việt Nam chúng ta.
Doanh nghiệp nước ngoài có cả một nền tảng tư tưởng, hệ triết lý, pháp lý làm bệ đỡ, trong đó bao gồm triết lý chính trị, thể chế nhà nước, hệ thống luật pháp, và niềm tin xác tín nơi dân chúng.
Hoạt động trong môi trường mà mọi thứ đều nhằm mục đích phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp như vậy thì có thể nói doanh nghiệp nước ngoài họ được hưởng đủ những thuận lợi và không còn mong gì hơn thế.
Còn doanh nghiệp ở Việt Nam có gì?
Về triết lý chính trị
Như đã biết, chúng ta xuất phát từ những quan niệm về kinh tế tập thể bao cấp không có chỗ cho doanh nghiệp và doanh nhân. Doanh nhân một thời bị coi là thành phần bóc lột, bị điều chỉnh, thậm chí bị trấn áp. Nhưng quá khứ đó đã qua.
Từ mấy chục năm nay về cơ bản chúng ta đã có được nhận thức thống nhất về coi trọng kinh tế theo hướng thị trường, coi trọng doanh nghiệp và doanh nhân. Mới năm ngoái Ban chấp hành trung ương đã ban hành Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân; và Chính phủ hiện nay thì luôn rà soát các rào cản kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.
Song nói gì thì nói, vẫn còn đó những tàn dư ảnh hưởng của triết lý cũ, vẫn còn đó những khoảng không gian bị choán chỗ không dành cho phát triển kinh tế do vì mô hình thể chế quyền lực Nhà nước hiện nay.
Điều này là sự thật bởi vẫn tồn tại quan điểm “không phát triển kinh tế bằng mọi giá”, “năng lực quản lý đến đâu thì mở ra đến đó” – những cụm từ có thể thấy đâu đó trong các quyết định chính sách, mà theo đó đổi mới phát triển kinh tế phải cầm chừng tương thích với năng trình độ còn hạn chế trong quản lý kiểm soát.
“Không phát triển kinh tế bằng mọi giá”, “năng lực quản lý đến đâu thì mở ra đến đó”, hay “giữ ổn định để phát triển” kể ra cũng đúng ở góc độ nào đó. Chúng ta không ai mong muốn một tình thế lộn xộn, không có lợi cho mưu cầu hạnh phúc và thịnh vượng của nhân dân.
Nhưng có câu hỏi ngược lại, phải chăng những mục tiêu đó đang khiến cho nền kinh tế không phát triển được hết các tiềm năng vốn có, và đi kèm với một cái giá quá cao?
Liệu chúng ta có thể vẫn “giữ được ổn định” mà vẫn nới lỏng không gian cho phát triển kinh tế hay không?
Đâu là những việc có thể làm giúp ích cho phát triển kinh tế mà vẫn giữ được ổn định?
Năng lực quản lý có thực sự là không kịp với nhu cầu đổi mới phát triển hay là khả năng vẫn đủ nhưng là muốn níu giữ những “xưa cũ” vì lợi ích cục bộ hẹp hòi?
Về thể chế nhà nước và hệ thống luật pháp
Các doanh nghiệp nước ngoài được bảo vệ hữu hiệu bởi một bộ máy nhà nước tản quyền có tính chất cân bằng kiểm soát; doanh nghiệp nước ngoài họ không phải chịu áp lực trước một nhà nước tập quyền với quyền lực áp chế khuất phục quá cao.
Ở đây tôi sẽ chỉ ra một việc vừa giữ được sự ổn định vừa lại tạo ra dư địa cho phát triển kinh tế, kích thích lòng tin của doanh nghiệp: vai trò của nền tư pháp. Nền tư pháp có khả năng tạo ra thêm dư địa rộng lớn cho phát triển kinh tế.
|
Liên quan đến vấn đề giấy phép con và các điều kiện kinh doanh không cần thiết, chúng ta vẫn phải loay hoay xử lý vấn đề này. Ảnh minh họa: VTC |