Trung Quốc, một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đang dần đánh mất vị thế “công xưởng của thế giới” và Thái Lan đang chạy đua để chớp lấy cơ hội này.
Thái Lan có cơ sở hạ tầng vững chắc để hỗ trợ công tác đầu tư nước ngoài. Ảnh: Bangkok Post.
Bangkok Post, tờ báo Thái Lan, bình luận rằng với nước này, việc dịch chuyển chuỗi cung ứng chính là thời cơ để họ thu hút các doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Kriangkrai Tiannukul, Phó chủ tịch Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI), cho rằng thương chiến Mỹ-Trung khiến cộng đồng doanh nghiệp cảm thấy bất ổn. Việc đặt nhà máy tại Trung Quốc – vốn được mệnh danh là “công xưởng của thế giới” – có thể khiến các công ty chịu nhiều quy định thuế quan từ Mỹ.
Sau khi dịch Covid-19 bùng phát, việc sản xuất các mặt hàng thiết yếu bị đình trệ do Trung Quốc phong toả trên diện rộng. Đến lúc này, nhiều quốc gia và doanh nghiệp mới nhận thấy việc đã phụ thuộc hoàn toàn việc sản xuất vào Trung Quốc..
“Trung Quốc tạm dừng sản xuất, khiến nhiều đơn đặt hàng trên toàn thế giới không được giao đúng hạn. Các doanh nghiệp buộc phải cân nhắc ý tưởng nội địa hoá chuỗi cung ứng của họ”, ông Kriangkrai phân tích với Bangkok Post.
Trước khi có dịch, nhiều doanh nghiệp tập trung phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu để tối ưu hoá việc sản xuất và giảm thiểu chi phí. Giờ đây, đại dịch chứng minh rằng việc “bỏ trứng vào cùng một giỏ” có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Ứng cử viên sáng giá: ASEAN
Đại diện của FTI hy vọng cộng đồng doanh nghiệp quốc tế sẽ dịch chuyển khâu sản xuất từ Trung Quốc sang các nước trong khu vực ASEAN.
“Thái Lan và Việt Nam là những thỏi nam châm thu hút đầu tư tại ASEAN”, ông Kriangkrai nhận định.
Thái Lan vốn là điểm đến quen thuộc cho các nhà đầu tư Nhật Bản sau khi chính phủ nước này thúc đẩy chương trình thu hút nguồn đầu tư từ nước ngoài.
“Thái Lan có vị trí đắc địa, nằm ở trung tâm khu vực ASEAN. Nước này cũng có cơ sở hạ tầng vững chắc để hỗ trợ công tác đầu tư nước ngoài”, ông Kriangkrai nhận xét.
Song Thái Lan không thể cạnh tranh với Việt Nam, quốc gia sở hữu lực lượng lao động trẻ và đòi hỏi chi phí thấp.
“Thái Lan nên nâng cao kỹ năng của người lao động để thúc đẩy tính cạnh tranh. Lĩnh vực công nghiệp đang tập trung vào việc phát triển công nghệ cao”, đại diện từ FTI cũng cho rằng khu vực ASEAN sẽ đón một làn sóng đầu tư trong những tháng tới.
“Các doanh nghiệp Nhật và nhiều tập đoàn đa quốc gia đang muốn dịch chuyển khâu sản xuất sang khu vực ASEAN để giảm thiểu rủi ro và đa dạng hoá chuỗi cung ứng. Chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc tái cấu trúc chuỗi cung ứng”, ông Kriangkrai dự đoán.
Ông Viboon Kromadit, giám đốc của công ty quản lý bất động sản Amata, cho rằng các khu công nghiệp của Thái Lan nên tận dụng cuộc khủng hoảng Covid-19, đồng thời gây ấn tượng với các nhà đầu tư đang nhen nhóm ý định rời Trung Quốc.
“Chính phủ nên đưa ra nhiều ưu đãi hấp dẫn hơn nhằm thu hút giới đầu tư đến Thái Lan”, ông Kromadit nhận xét. Song ông này cũng cho rằng các quốc gia láng giềng đang có nhiều lợi thế hơn với chi phí thấp, lực lượng lao động hùng hậu và điều kiện đầu tư thuận lợi.
Chính phủ Thái Lan đã phát triển chương trình Hành lang Kinh tế phương Đông (EEC) với 5 cụm cơ sở hạ tầng nhằm hỗ trợ giới đầu tư nước ngoài tại nước này.
Các dự án bao gồm một tuyến đường sắt cao tốc nối liền 3 sân bay; thành phố hàng không U-tapao; một trung tâm bảo trì, sửa chữa và đại tu (MRO), cảng biển Laem Chabang và cảng biển Taphut.
Trọng tâm là ngành sức khỏe và du lịch
Thứ trưởng Công nghiệp Warawan Chitaroon nhận định thành tích chống dịch hiệu quả và hệ thống y tế vững vàng của Thái Lan đang là những điểm cộng đối với giới đầu tư.
“Thái Lan đối phó với virus corona tốt hơn Mỹ và các nước châu Âu. Điều này giúp các nhà đầu tư tự tin hơn khi có ý định rót vốn vào Thái Lan”, bà Chitaroon nêu ví dụ bằng việc chính phủ Hàn Quốc mới “ngỏ ý” mở rộng kinh doanh và đầu tư.
Theo số liệu từ Đại học John Hopkins, Thái Lan ghi nhận hơn 3.000 ca nhiễm virus corona chủng mới và 57 trường hợp tử vong. Con số này ít hơn nhiều nước phương Tây và một số nước Đông Nam Á như Malaysia, Singapore, Indonesia, nhưng không tốt bằng Việt Nam, Lào hoặc Campuchia.
Thái Lan vẫn đang duy trì lệnh cấm đối với các chuyến bay quốc tế không chở công dân nước này. Trong thời gian chờ đợi, chính phủ sẽ tiếp tục phát triển Hành lang Kinh tế phương Đông (EEC), đồng thời thúc đẩy giao thương và sự cải tiến.
Bộ Công nghiệp nước này hy vọng Thái Lan sẽ là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực sức khoẻ và du lịch.
“Đại dịch tạo ra nhiều cơ hội mới cho lĩnh vực đầu tư”, bà Warawan nhận xét. “Người nước ngoài có thể đến Thái Lan để sử dụng dịch vụ y tế. Xu hướng này sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành chăm sóc sức khoẻ và ngành du lịch trong tương lai”.
Nguồn zingnews.vn-TT