Thế giới ghi nhận gần 7,2 triệu ca nhiễm nCoV, hơn 408.000 ca tử vong, một số nước tuyên bố quét sạch dịch bệnh và nhiều nơi nới phong tỏa.
213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 7.183.907 ca nhiễm và 408.028 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 105.010 và 3.053 so với hôm qua. Tổng cộng 3.506.725 người đã bình phục. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết tình hình ở châu Âu được cải thiện nhưng trên toàn cầu đang xấu đi.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 2.025.441 người nhiễm và 113.049 người chết, tăng lần lượt 18.474 và 103.
Tất cả 50 bang của Mỹ đã nới lỏng phong tỏa ở các cấp độ khác nhau. Thành phố New York, tâm dịch ở Mỹ, đã bắt đầu mở lại một phần nền kinh tế hôm 8/6 sau gần ba tháng bị phong tỏa. Tổng thống Donald Trump nói nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh hơn nếu các bang và địa phương chấm dứt lệnh phong tỏa.
Tuy nhiên, giới chức và cơ quan y tế lo ngại đại dịch sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, số ca nhiễm sẽ tăng vọt trở lại vì các cuộc biểu tình phản đối cảnh sát ghì chết người đàn ông da màu George Floyd. Nhiều người biểu tình không đeo khẩu trang và giữ khoảng cách cần thiết.
Vệ binh Quốc gia Minnesota đã phát hiện một binh sĩ nhiễm nCoV và nhiều người có triệu chứng nhiễm virus khi tham gia ứng phó các cuộc biểu tình.
Vùng dịch lớn thứ ha thế giới Brazil báo cáo thêm 15.450 ca nhiễm và 635 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên 707.142 và 37.134.
Website của Bộ Y tế Brazil, cổng thông tin quan trọng để theo dõi tình hình Covid-19 ở nước này, bị đóng hôm 5/6 và mở lại vào ngày 6/6 với giao diện mới, chỉ thể hiện số ca nhiễm, trường hợp tử vong và hồi phục trong 24 giờ qua. Toàn bộ số liệu Covid-19 thời gian qua, ở từng bang và thành phố đều không còn. Tổng số ca nhiễm và ca tử vong ở nước này cũng không hiển thị. Các nhà phê bình đang cáo buộc Tổng thống Jair Bolsonaro thao túng các số liệu dịch bệnh.
Bất chấp tình hình nghiêm trọng, chính quyền Rio de Janeiro đã khởi động quá trình nới lỏng hạn chế từ ngày 2/6, bắt đầu với tái mở cửa những địa điểm tôn giáo và khu thể thao dưới nước.
Mỹ Latinh là tâm dịch toàn cầu mới. WHO cảnh báo về tình trạng quá tải đối với hệ thống y tế tại Peru, Chile và Mexico. Tuy nhiên, Mexico vẫn khởi động lại nền kinh tế sau hơn hai tháng đình trệ, cho phép các ngành công nghiệp ôtô, khai thác mỏ và xây dựng hoạt động trở lại.
Nga, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 112 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số người chết lên 5.971. Số ca nhiễm tăng thêm 8.985, lên 476.658. Nước này bắt đầu nới dần phong tỏa từ ngày 12/5 và các địa phương được phép áp dụng cách chống dịch khác nhau.
Chính phủ Nga hôm qua cho biết sẽ nới hạn chế biên giới và dỡ các biện pháp phong tỏa ở thủ đô Moskva từ ngày 9/6. Thủ tướng Mikhail Mishustin thông báo một kế hoạch ba giai đoạn nhằm vực dậy đà suy giảm của nền kinh tế do dịch bệnh. Ông tin nền kinh tế sẽ ổn định vào cuối năm nay, hoàn toàn phục hồi vào nửa đầu năm sau và sẽ đạt được tăng trưởng bền vững vào cuối năm 2021.
Tây Ban Nha ghi nhận thêm 167 ca nhiễm và không có thêm ca tử vong nào, nâng ca nhiễm lên 288.797, trong khi số tử vong vẫn là 27.136. Nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế từ hôm 25/5, nhưng tình trạng khẩn cấp vẫn được duy trì ít nhất tới 21/6.
Anh báo cáo thêm 1.205 ca nhiễm và 55 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 288.797 và 40.597. Anh là một trong những quốc gia châu Âu cuối cùng nới lệnh phong tỏa, vốn có hiệu lực từ 23/3. Một số trường học và nhà hàng được mở cửa trở lại vào 1/6.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng giới chức Anh mở cửa quá vội vàng khi số ca nhiễm và chết mỗi ngày vẫn cao.
Y tá Brazil theo dõi bệnh nhân Covid-19 trong phòng chăm sóc đặc biệt thuộc một bệnh viện ở thành phố Marica, bang Rio de Janeiro. Ảnh: AFP.