– Mỹ và Trung Quốc nhất trí “đình chiến thương mại”, biểu tình tại Pháp tiếp tục leo thang, Nga tiếp tục cảnh báo Mỹ trước kịch bản rút khỏi INF, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính Huawei bị bắt tại Canada… là những thông tin thế giới đáng chú ý trong tuần qua.
Mỹ và Trung Quốc nhất trí “đình chiến thương mại”
Tại cuộc gặp diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Argentina ngày 1/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đạt được những đồng thuận quan trọng và nhất trí không áp đặt thêm các biện pháp gây sức ép về thuế.
Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng chỉ thị cho các nhóm phụ trách kinh tế của mỗi nước thúc đẩy tiến trình đàm phán hướng tới việc gỡ bỏ toàn bộ các biện pháp đánh thuế bổ sung.
Tổng thống D.Trump đã nhất trí với Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tạm thời ngừng các chính sách tăng thuế nhằm vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và cho nhau giới hạn 90 ngày, bắt đầu từ ngày 1/12 để tìm kiếm giải pháp cho cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc được hãng thông tấn Tân Hoa đăng tải ngày 5/12 cho biết, phía Trung Quốc sẽ sớm thực thi những vấn đề cụ thể mà hai bên đã nhất trí.
Biểu tình tại Pháp tiếp tục leo thang
Mặc dù Chính phủ Pháp ngày 4/12 đã thông báo hoãn tăng thuế nhiên liệu cùng một số biện pháp nhượng bộ khác nhằm xoa dịu tình hình, song lực lượng “Áo vàng”, trong đó có nhiều phần tử cực hữu, vẫn huy động lực lượng biểu tình.
Theo Bộ Nội vụ Pháp, trong ngày 8/12 đã có khoảng 136.000 người tham gia các cuộc biểu tình trên toàn nước Pháp, 1.723 người biểu tình bị bắt giữ, trong đó có 1.220 người bị tống giam.
Tại thủ đô Paris, xe bọc thép đã được huy động, nhiều tuyến đường bị phong tỏa và cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay để trấn áp những kẻ quá khích.
Các cuộc biểu tình của lực lượng “Áo vàng” xuất phát từ bất mãn đối với việc tăng thuế nhiên liệu đã không ngừng leo thang tại Pháp trong 3 tuần qua, gây ra nhiều hậu quả nặng nề. Nhiều đại sứ quán nước ngoài tại Paris đã khuyến cáo công dân của nước mình đề cao cảnh giác, tránh bị ảnh hưởng bởi các cuộc biểu tình.
Nga tiếp tục cảnh báo Mỹ trước kịch bản rút khỏi INF
Nga sẽ phát triển các thiết bị tên lửa và xây dựng hệ thống vũ khí riêng nếu kịch bản Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) trở thành sự thật.
Đó là thông điệp do Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra ngày 5/12, nhằm đáp lại tối hậu thư của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo rằng, Washington sẽ khởi động tiến trình rút khỏi INF trừ khi Moscow quay trở lại tuân thủ các điều khoản của Hiệp ước này trong thời hạn 60 ngày.
Người đứng đầu điện Kremlin cho rằng Mỹ đang muốn “đổ vấy” cho Nga vi phạm các điều khoản trong INF nhằm “tạo cớ” để rút khỏi Hiệp ước này.
Tuyên bố trên được ông Putin đưa ra trong bối cảnh quan hệ Nga – Mỹ đang căng thẳng do nhiều bất đồng chưa được tháo gỡ, trong đó có việc mới đây, Tổng thống D.Trump đã tuyên bố ý định rút khỏi INF. Hai Tổng thống Nga và Mỹ đã lên kế hoạch gặp gỡ bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Argentina vào cuối tuần trước để thảo luận về INF. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ đã tuyên bố hủy cuộc gặp này vào phút chót do những căng thẳng xung quanh vụ đụng độ giữa Nga và Ukraine trên eo biển Kerch.
Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính Huawei bị bắt tại Canada
Bà Mạnh Vãn Chu, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính của tập đoàn viễn thông Huawei (Trung Quốc), đã bị cảnh sát Canada bắt giữ tại thành phố Vancouver ngày 1/12 khi đang quá cảnh tại sân bay.
Bà Mạnh Vãn Chu đang đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ với cáo buộc cố tình bán các thiết bị cho Iran bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tại phiên tòa diễn ra ở Vancouver ngày 7/12, bà Mạnh Vãn Chu bị cáo buộc nhiều tội danh, trong đó có gian lận nhằm né tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Iran.
Ngày 8/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu Đại sứ Canada tại nước này nhằm phản đối việc bà Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ.
Trước đó, Canada đã lên tiếng bảo vệ quyết định bắt bà Mạnh Vãn Chu, khẳng định sự việc này là hoạt động độc lập của hệ thống tư pháp, không có bất kỳ sự can thiệp hay động cơ chính trị nào.
OPEC nhất trí cắt giảm sản lượng dầu
Ngày 7/12, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu thô ở mức 1,2 triệu thùng/ngày nhằm ổn định thị trường và ngăn chặn sự sụt giảm của giá dầu thế giới. Thị trường dầu mỏ thế giới đã có phản ứng ngay tức thì khi giá dầu đồng loạt tăng khoảng 5%.
Kết quả trên được coi là thành công của hội nghị OPEC mở rộng diễn ra ở Vienna (Áo) sau khi Qatar tuyên bố rời khỏi tổ chức này từ năm 2019.
Theo số liệu do Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), hiện Mỹ, Ả rập Xê út và Nga là các nước có sản lượng dầu thô khai thác ở mức kỷ lục. Đây được xem là nguyên nhân dẫn tới tình trạng vượt quá nguồn cung và khiến giá dầu thô bị đẩy xuống mức thấp.
COP24 nêu cảnh báo mới về hậu quả biến đổi khí hậu
Trong khuôn khổ Hội nghị của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu năm 2018 (COP24) diễn ra tại Ba Lan, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 6/12 đã công bố một báo cáo đặc biệt về mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và sức khỏe con người.
Theo WHO, hiện đã có bằng chứng rõ ràng cho thấy biến đổi khí hậu gây tác động nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống con người. Biến đổi khí hậu đe dọa những nhu cầu căn bản của con người như không khí sạch, nước uống đảm bảo, thức ăn đủ dinh dưỡng và nơi ở an toàn. Biến đổi khí hậu cũng hủy hoại các tiến bộ về sức khỏe đã đạt được trên toàn cầu.
WHO cho rằng, hành động quyết liệt chống biến đổi khí hậu có thể sẽ cứu sống rất nhiều người và tiết kiệm rất nhiều ngân quỹ./.
Nguồn ĐCSVN-TT