Thả lỏng cơ thể và dành thời gian để thích nghi lối sống mới, cách làm việc mới là những gì con người nên thực hiện trong thời điểm hiện tại.
Zing trích dịch bài đăng từ The Chronicle of Higher Education, đề cập tới vấn đề thế giới sẽ bị thay đổi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19. Theo tiến sĩ Aisha S. Ahmad, mọi người nên dành thời gian chuẩn bị tinh thần đối phó với dịch bệnh trong thời gian khá dài, đồng thời đón nhận thế giới mới sau đại dịch.
Đa phần thế giới có một phản ứng chung đối với cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây nên. Họ cố gắng chiến đấu để giữ được nhịp sống thường ngày. Họ hối hả tham gia các khóa học trực tuyến hoặc duy trì lịch trình làm việc nghiêm ngặt. Mọi người hy vọng chỉ phải duy trì thói quen này trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, với người từng có kinh nghiệm đối phó với cuộc khủng hoảng thế giới, họ nhìn nhận việc cố gắng bù đắp năng suất làm việc trong thời điểm này thực sự khó khăn.
Thế giới sẽ thay đổi hoàn toàn mới sau khủng hoảng Covid-19. Ảnh: Getty Images.
Ngay cả khi thế giới có thể kiểm soát đại dịch Covid-19, hậu quả của dịch bệnh sẽ tồn tại nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ tới. Không có cách nào để cuộc sống tiếp tục như thể đại dịch chưa từng xảy ra. Nó sẽ làm thay đổi cách con người học hỏi, kết nối, di chuyển và xây dựng.
Vì vậy, lao vào làm việc và học tập điên cuồng ngay bây giờ là một lựa chọn sai lầm. Mặt khác, mọi người nên chuẩn bị tinh thần sẵn sàng tiếp nhận một thế giới mới sẽ thay đổi hoàn toàn sau đại dịch.
Để hỗ trợ mọi người cải thiện tinh thần trong thời điểm dịch bệnh, tiến sĩ Aisha S. Ahmad chia sẻ về những kinh nghiệm cô đúc kết được trong khoảng thời gian nghiên cứu thực địa ở những vùng đất tồn tại vô số khủng hoảng như Somalia, Pakistan, Afghanistan…
Không nên lao đầu vào làm việc trong thời gian đầu khủng hoảng
Vài tuần đầu tiên trong cuộc khủng hoảng rất quan trọng và bạn được phép sử dụng nhiều thời gian để tìm cách thích nghi. Đây là điều hoàn toàn bình thường nếu bạn cảm thấy lạc lõng. Ở giai đoạn này, bạn nên tập trung vào gia đình và bạn bè, đồng thời chăm sóc sức khỏe bản thân.
Trong vài ngày đầu, hãy bỏ qua những bài đăng về chuyện học tập và làm việc trên mạng xã hội. Chẳng sao đâu khi bạn thức đến 3 giờ sáng, quên ăn bữa trưa hoặc lỡ mất lớp học yoga qua phần mềm Zoom.
Thay vào đó, bạn hãy tập trung vào thể trạng và tinh thần của bản thân. Ưu tiên hàng đầu thời gian này là bảo vệ gia đình bạn. Nếu người thân của bạn làm việc ở các ngành nghề thiết yếu như y tá, điều dưỡng, bác sĩ… hãy hỗ trợ họ hết sức có thể.
Đồng thời, hãy trò chuyện với các thành viên trong gia đình nghiêm túc về một số trường hợp khẩn cấp có thể xảy ra. Bạn cần xây dựng tinh thần đồng đội vững chắc để cả gia đình có khả năng đương đầu với đại dịch Covid-19.
Xây dựng lối sống mới từng bước một
Một khi bạn đã củng cố tinh thần cho bản thân và gia đình, bạn sẽ thấy cuộc sống ổn định hơn và sẵn sàng cho những thử thách khác. Sự thay đổi về tinh thần sẽ giúp bạn học tập hay làm việc đạt năng suất cao. Tuy nhiên, đừng vội vàng làm quá sức mình.
Khoảng thời gian cách ly xã hội này giống như một cuộc đua marathon. Nếu bạn chạy nước rút ngay từ điểm xuất phát, bạn sẽ đuối sức và ngất xỉu ở vạch đích. Vì vậy, bạn nên dành thời gian chuẩn bị tinh thần và phục hồi khủng hoảng tâm lý do những biến động dịch bệnh gây ra.
Hãy thực hiện từng bước một bằng cách xây dựng một thời gian biểu hàng tuần cho gia đình. Bạn có thể phân chia thời gian cho các loại công việc khác nhau một cách hợp lý như dậy sớm, tập thể dục, học tập hay làm việc.
Nhờ có kế hoạch công việc hàng tuần, cuộc sống của bạn sẽ dần đi vào quỹ đạo mới. Bạn cảm thấy thoải mái hơn và hiệu quả làm việc tăng lên nhiều lần so với trước.
Không ai trong chúng ta biết cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 sẽ kéo dài bao lâu. Sự không chắc chắn ấy khiến mọi người phát điên.
Tuy nhiên, đại dịch chắc chắn sẽ kết thúc. Khi đó, chúng ta sẽ được ôm chặt bạn bè và người thân, được trở lại trường lớp, công ty và ghé thăm quán xá thân quen. Biên giới sẽ được mở lại, việc di chuyển tự do hơn. Nền kinh tế sẽ dần phục hồi sau thời điểm suy thoái nặng vì dịch bệnh.
Nguồn zingnews.vn-TT