– Theo Bộ Công Thương, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) không chỉ đem lại lợi ích và cơ hội cho Việt Nam, mà còn đặt ra những thách thức về kinh tế, hoàn thiện khung khổ pháp luật và thể chế…
Bộ Công Thương cho biết, khi Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực kỳ vọng sẽ đem lại nhiều lợi ích và cơ hội cho Việt Nam về xuất khẩu, tạo việc làm và tăng thu nhập… Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng khá nhiều thác thức đặt ra.
Thách thức về kinh tế
Xét theo mặt hàng, một số chủng loại nông sản mà một số nước CPTPP có thế mạnh như thịt lợn, thịt gà là những mặt hàng Việt Nam đã sản xuất được nhưng sức cạnh tranh còn yếu. Tuy nhiên, do Hoa Kỳ đã rút khỏi Hiệp định nên sức ép cạnh tranh giảm đi đáng kể. Hơn nữa, với hai mặt hàng này, Việt Nam đã bảo lưu được lộ trình thực hiện tương đối dài (với một số chủng loại thịt gà là trên 10 năm). Đây là lộ trình dài hơn nhiều so với cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam trong ASEAN vốn cũng rất cạnh tranh trong việc sản xuất một số loại thịt.
Một số sản phẩm công nghiệp mà một số nước CPTPP có thế mạnh cũng có thể gây khó khăn cho sản xuất của ta, ví dụ như giấy, thép, ô tô. Tuy nhiên, có cơ sở để cho rằng sức ép cạnh tranh sẽ không lớn vì hiện tại và trong tương lai 10 – 15 năm nữa sản phẩm của ta vẫn chủ yếu hướng đến phân khúc thị trường trung bình trong khi sản phẩm của các nước CPTPP thường hướng đến phân khúc thị trường cao cấp.
![]() |