Thế giới ghi nhận hơn 264.000 người chết vì nCoV trong hơn 3,8 triệu ca nhiễm, giữa lúc nhiều nước nới phong tỏa và các hoạt động dần khôi phục.
212 quốc gia và vùng lãnh thổ hôm nay ghi nhận tổng cộng 3.812.513 ca nhiễm và 264.109 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 91.120 và 6.242 so với hôm qua, trong đó 1.288.726 người đã hồi phục, theo thống kê của WorldoMeters.
Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với 1.258.051 ca nhiễm nCoV, tăng 20.418 ca so với hôm trước. Thêm 1.919 người chết vì nCoV, nâng tổng số trường hợp tử vong lên 74.190.
Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe thuộc Đại học Washington, Mỹ, tăng ước tính số người chết vì nCoV tại nước này từ hơn 72.000 lên 135.000, trong bối cảnh nhiều bang nới phong tỏa. Trump nói rằng hậu quả từ Covid-19 đối với Mỹ nặng nề hơn so với vụ ném bom Trân Châu Cảng ngày 7/12/1941 và vụ khủng bố 11/9.
Tây Ban Nha, vùng dịch lớn nhất châu Âu, ghi nhận thêm 244 người chết do nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 25.857, xếp thứ 4 thế giới, sau Mỹ, Italy và Anh. Số ca nhiễm tăng 3.121, lên 250.561.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh hạ nhiệt, Tây Ban Nha bắt đầu nới lỏng một số biện pháp hạn chế. Người dân được phép đi dạo hoặc tập thể dục, các doanh nghiệp nhỏ cũng được tiếp những khách hàng hẹn trước. Tuy nhiên, quốc hội Tây Ban Nha hôm qua nhất trí kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia tới ngày 23/5.
Italy ghi nhận thêm 1.444 ca nhiễm và 369 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 214.457 và 29.684. Cả hai chỉ số đều tăng so với một ngày trước đó. 93.245 người đã bình phục. Một phân tích do Istat, cơ quan thống kê quốc gia Italy, công bố hôm 4/5 cho rằng số người chết vì nCoV trên thực tế tại nước này có thể cao hơn nhiều so với báo cáo của Cơ quan Bảo vệ Dân sự.
Italy từ tuần này bắt đầu nới lệnh phong tỏa được áp đặt từ hồi tháng ba. Người dân được phép đi lại trong vùng để thăm người thân, nhưng phải đeo khẩu trang. Trường học và nhiều hoạt động kinh doanh khác vẫn phải đóng cửa. Các hoạt động tôn giáo và đám cưới chưa được khôi phục.
Anh là vùng dịch lớn thứ 4 thế giới với 201.101 ca nhiễm, tăng 6.111 ca, nhưng là vùng dịch chết chóc thứ hai thế giới với 30.076 ca tử vong, tăng 649 so với hôm trước.
Thủ tướng Boris Johnson ngày 6/5 thông báo ông sẽ đánh giá công tác chống dịch và đưa ra bước tiếp theo vào ngày 9/5. Ông cho biết có thể bắt đầu nới lỏng phong tỏa vào tuần tới, nhưng nhấn mạnh ông “sẽ không làm gì đặt ra nguy cơ gia tăng các trường hợp mới”.
Pháp xác nhận thêm 3.640 ca nhiễm và 278 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 174.191 và 25.809.
Với một số dấu hiệu khả quan, như số trường hợp điều trị tích cực liên tục giảm, Pháp dự kiến bắt đầu nới lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài gần 8 tuần từ ngày 11/5. Giới chức cho biết tình hình dịch bệnh đang ổn định, nhưng cảnh báo vẫn phải thận trọng để tránh làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Đức ghi nhận thêm 1.155 ca nhiễm, nâng tổng số lên 168.162, trong đó 7.275 người chết, tăng 282 ca. Tỷ lệ tử vong tại nước này thấp hơn nhiều so với các quốc gia châu Âu khác.
Chính phủ ngày 6/5 nới lỏng thêm một loạt hạn chế. Nhiều cửa hàng được phép hoạt động trở lại, miễn là tuân thủ quy định vệ sinh và giãn cách. Người dân vẫn phải đeo khẩu trang khi di chuyển bằng phương tiện công cộng. Giải bóng đá Bundesliga sẽ trở lại vào ngày 15/5. Trường học tất cả các cấp dần dần tái mở cửa.
Tuy nhiên, Đức cũng thiết lập cơ chế “phanh khẩn cấp”, tái áp đặt hạn chế nếu một khu vực ghi nhận hơn 50 ca nhiễm mới trên 100.000 dân trong vòng 7 ngày.
Nga đánh dấu ngày thứ tư liên tiếp ghi nhận trên 10.000 ca nCoV mới, khi báo cáo thêm 10.559 trường hợp, nâng tổng số người nhiễm lên 165.929. Trong số ca nhiễm mới, 4.314 người không triệu chứng, tương đương 40,9%. Số người chết tăng lên 1.537 sau khi ghi nhận 86 ca tử vong mới.
Trong cuộc họp giữa Putin với các quan chức địa phương, Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin đề xuất dần nới lỏng hạn chế, cho phép một số doanh nghiệp ngành công nghiệp và xây dựng trở lại làm việc từ ngày 12/5, nhưng kêu gọi công dân tiếp tục ở nhà nếu có thể. Putin bày tỏ sự ủng hộ với đề xuất này.
Tại Mỹ Latin, Brazil là vùng dịch lớn nhất khu vực với 125.218 ca nhiễm và 8.536 ca tử vong, tăng lần lượt 10.503 và 615. Các chuyên gia đang chuẩn bị cho tình huống tồi tệ hơn tại nước này, do dịch bệnh được dự báo vài tuần nữa mới đạt đỉnh.
Trong khi đó, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro kiên quyết chống lại việc phong tỏa đất nước, chỉ trích những thống đốc bang đang duy trì các biện pháp hạn chế nhằm chống Covid-19 là “vô trách nhiệm và không thể chấp nhận”, bởi cho rằng điều này khiến người dân mất việc làm.
Mexico báo cáo 26.025 ca nhiễm và 2.507 ca tử vong, tăng lần lượt 1.120 và 236 ca. Số ca nhiễm và tử vong thực tế có thể còn cao hơn nhiều so với thống kê.
Thứ trưởng Y tế Mexico Hugo Lopez-Gatell tuyên bố nước này “đang chiến thắng” trong cuộc chiến chống Covid-19 và đủ khả năng vượt qua đỉnh của đại dịch, được dự báo diễn ra trong tuần này. Tuy nhiên, ông cảnh báo làn sóng lây nhiễm thứ hai có nguy cơ tấn công vào tháng 10.
Tại Trung Đông, Iran vẫn là vùng dịch lớn nhất với 101.650 ca nhiễm, tăng 1.680 ca trong vòng 24 giờ. Nước này cũng ghi nhận thêm 78 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì nCoV lên 6.340. Bộ Y tế Iran cho biết 81.587 người đã bình phục và xuất viện.
Iran đã mở cửa lại các nhà thờ Hồi giáo tại một số vùng được cho là có nguy cơ thấp, sau khi thông qua kế hoạch nối lại hoạt động của doanh nghiệp theo giai đoạn từ hôm 11/4. Tuy nhiên, thành phố Qom, tâm dịch của đất nước, vẫn có “xu hướng gia tăng” số ca nhiễm mới.
Arab Saudi ghi nhận thêm 1.687 ca nhiễm và 9 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 31.938 và 209.
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) báo cáo 546 ca nhiễm mới và thêm 167 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 15.738 và 157.
Trung Quốc phát hiện hai ca nhiễm mới, đều là ca ngoại nhập, nâng tổng số ca nhiễm lên 82.883. Số ca tử vong không tăng, duy trì ở 4.633. Họ đang theo dõi 880 trường hợp nhiễm không triệu chứng.
Tại Nam Á, Ấn Độ ghi nhận 3.587 ca nhiễm nCoV mới, nâng tổng số lên 52.987. Thêm 92 người chết, nâng tổng số ca tử vong lên 1.785, trong khi 15.331 người đã hồi phục.
Ấn Độ dường như đã tránh được kịch bản bị Covid-19 tàn phá nặng nề như một số nước khác dù có dân số đông thứ hai thế giới. Giới chuyên gia cho rằng điều này có thể do Ấn Độ áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt ngay từ 25/3, khi mới ghi nhận 60 ca nhiễm và 10 ca tử vong. Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại số liệu thực tế có thể cao hơn nhiều so với thống kê, do nhiều người tại Ấn Độ không được tiếp cận dịch vụ y tế.
Chính phủ Ấn Độ đã mở chiến dịch “khổng lồ” nhằm hồi hương hàng chục nghìn công dân mắc kẹt ở nước ngoài, huy động các máy bay chở khách và tàu hải quân thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, người dân sẽ phải tự trả chi phí chuyến đi và bị cách ly 14 ngày sau khi về nước.
Đông Nam Á ghi nhận thêm 1.528 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số trên toàn khu vực lên 52.613, trong đó 1.740 người chết. Singapore là vùng dịch lớn nhất khu vực với 20.198 ca nhiễm và 18 ca tử vong. Indonesia đứng thứ hai về số ca nhiễm nhưng đứng đầu khu vực về số ca tử vong, lần lượt là 12.438 và 895. Philippines, vùng dịch lớn thứ ba, ghi nhận 10.004 người nhiễm nCoV và 658 người chết.
Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong nào do nCoV.
Cập nhật: 9:31, 7/5|Nguồn: WorldOMeters
Nhiễm | Tử vong |
---|
Nguồn VnExpress.net-TT