Trong bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội 13 của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, con đường phát triển tiến lên thịnh vượng Việt Nam đã dần lộ rõ.
Theo đó, các mục tiêu cụ thể hướng tới những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước ta đã được xác định như sau:
Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Những mục tiêu khát vọng
Những mục tiêu kèm theo mốc thời gian cụ thể như trên thể hiện khát vọng vào tương lai thịnh vượng hơn của quốc gia, dân tộc trong bối cảnh đất nước đã hội nhập kinh tế sâu rộng và cam kết hướng tới một nền kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại.
Theo Ngân hàng Thế giới, các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp là những nền kinh tế có GNI bình quân đầu người trong khoảng từ 1.036 USD đến 4.045 USD; các nền kinh tế có thu nhập trung bình cao là những nền kinh tế có GNI bình quân đầu người trong khoảng từ 4.046 USD đến 12.535 USD; các nền kinh tế có thu nhập cao là những nền kinh tế có GNI bình quân đầu người từ 12.536 USD trở lên.
Với GDP đầu người đạt trên 2.700 USD năm 2019, Việt Nam sẽ còn một khoảng cách nữa để tiến tới các mốc thu nhập trên.
Những mục tiêu kinh tế rõ ràng cần những khát vọng lớn lao và đất nước đang ở giai đoạn mang tính quyết định để đặt nền móng những mục tiêu đó. Ảnh: Thanh Tùng
Ông Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, người đã tham gia viết các báo cáo kinh tế cho 4 kỳ đại hội Đảng gần đây viết trên báo: “Từ tầm nhìn cho thấy, đến năm 2030, GDP bình quân đầu người của nước ta kỳ vọng sẽ đạt khoảng 8.000 USD (nếu tính theo sức mua tương đương khoảng PPP là 15.000 USD), và đến năm 2045 đạt khoảng 20.000 USD, tiến tới một xã hội thịnh vượng, trong đó tầng lớp trung lưu tăng nhanh, chiếm trên 60% dân số”.
Theo tính toàn của Ngân hàng Thế giới, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang hình thành – hiện chiếm 13% dân số và dự kiến sẽ lên đến 26% vào năm 2026. Tính từ năm 2014, trung bình mỗi năm có 1,5 triệu người Việt Nam gia nhập vào tầng lớp trung lưu toàn cầu, cho thấy các hộ gia đình đang tiếp tục leo lên bậc thang kinh tế cao hơn sau khi thoát nghèo.
Tất nhiên, sự gia tăng của lớp người tiêu dùng trung lưu làm thay đổi nguyện vọng của xã hội, trọng tâm của chương trình xoá đói nghèo và chia sẻ thịnh vượng chuyển từ chống nghèo cùng cực sang cải thiện mạnh mẽ chất lượng cuộc sống và hỗ trợ sự gia tăng của tầng lớp trung lưu.
Theo ông Sinh, khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế; đến năm 2030 có khoảng 2 triệu doanh nghiệp tư nhân với sự đóng góp của khu vực này vào GDP đạt 65%.
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng quan trọng để tăng năng suất, nhiều mô hình kinh doanh mới xuất hiện, kinh tế số phát triển mạnh mẽ, chiếm 30% GDP. Chất lượng môi trường kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch của Việt Nam được cải thiện mạnh mẽ, các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh bị bãi bỏ; đến năm 2030 được xếp vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu về môi trường kinh doanh trên thế giới”.
Triển vọng và thách thức
Những mục tiêu kinh tế như vậy rõ ràng cần những khát vọng lớn lao và đất nước đang ở giai đoạn mang tính quyết định để đặt nền móng những mục tiêu đó.
Vì vậy, những quyết sách vào thời điểm hiện nay có ý nghĩa quan trọng đối với việc có đạt được khát vọng tăng nhanh thu nhập trong dài hạn hay không.
Theo đánh giá của Báo cáo Việt Nam 2035 do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ, nếu tiến hành những cải cách cần thiết để nâng tăng trưởng GDP bình quân đầu người lên mức 7% một năm, thì đến năm 2035 Việt Nam có thể đạt mức thu nhập như của Hàn Quốc, và Đài Loan (Trung Quốc) vào đầu những năm 2000.
Có nghĩa, Việt Nam phải có mức tăng trưởng cao và ổn định liên tục trong 20 năm tới với mức tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm bằng 7% (tương đương với mức tăng trưởng GDP 8%/năm) để đến năm 2035 đạt mức thu nhập bình quân đầu người từ 15.000 – 18.000 USD.
Từ vị trí nước thu nhập trung bình cao, Việt Nam có cơ sở vững chắc để đạt mức thu nhập cao trong tương lai. Việt Nam cũng sẽ có cơ hội thuận lợi hơn để bắt kịp, thậm chí vượt trên các nước láng giềng có thu nhập trung bình như Indonesia và Philippines.
Tuy nhiên, nếu tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người chỉ quanh quẩn ở mức 4%/năm thì đến 2035 Việt Nam sẽ chỉ đạt mức gần bằng Thái Lan hay Brazin hiện nay và ít có cơ hội bắt kịp với các nước láng giếng có thu nhập trung bình cao hơn.
Từ khát vọng tới hành động
Theo phân loại mới nhất của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm nền kinh tế có mức thu nhập trung bình thấp, trong nhóm các quốc gia Timor Leste, Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines trong khu vực Đông Nam Á.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao, như lộ trình đã chọn, theo các nhà kinh tế, con đường duy nhấ là phải tăng năng suất.
Mức tăng năng suất lao động của Việt Nam đã liên tục sụt giảm từ cuối những năm 1990 đến nay khiến năng suất lao động Việt Nam ở mức rất thấp so với các quốc gia trong khu vực. Điều đặc biệt năng suất lao động ngay cả khu vực tư nhân của Việt Nam cũng đang liên tục sụt giảm và ở mức rất thấp. Người ta lý giải có vài nguyên nhân chính.
Thứ nhất, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của Việt Nam rất lạc hậu: Lao động trong khu vực phi chính thức cao hơn nhiều so với trong khu vực chính thức, có tới hơn 44% lao động trong tổng số lao động của đất nước làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, khu vực tạo ra giá trị gia tăng thấp.
Thứ hai, nền tảng kinh tế thị trường chậm hoàn thiện gây phương hại đến quyền sở hữu tài sản và làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường hàng hóa.
Thứ ba, thị trường các yếu tố sản xuất như vốn, đất đai, tài nguyên khoáng sản được phân bổ chưa theo cơ chế thị trường, chủ yếu bằng mệnh lệnh hành chính.
Vì thế, phải tập trung cao độ thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, cả về số lượng và chất lượng, coi đây là nhiệm vụ của bộ máy nhà nước các cấp. Sức khỏe của doanh nghiệp trong nước chính là sức khỏe của nền kinh tế. Trước mắt phải nâng cao được năng lực cạnh tranh và hiệu quả cho các doanh nghiệp trong nước thông qua việc hoàn thiện, củng cố nền tảng của kinh tế thị trường, đặc biệt là quyền sở hữu tài sản và xác định các chính sách công bằng, cạnh tranh lành mạnh trong tiếp cận vốn, đất đai, tài nguyên và thông tin.
Bên cạnh đó, phải thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp. Nhà nước phải tạo dựng môi trường thuận lợi, xây dựng những trung tâm hướng dẫn và đào tạo cho các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, cung cấp những kiến thức cũng như nguồn vốn thông qua việc hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, ngân hàng đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ cho các doanh nghiệp này…nhằm tạo ra một làn sóng khởi nghiệp và tinh thần doanh nghiệp mạnh mẽ trong xã hội. Phải coi vị thế của doanh nghiệp là vị thế của quốc gia.
Hơn nữa, để duy trì tăng trưởng cao trong một thời gian dài, bền vững cần tăng cường cải cách và tích cực đẩy mạnh học hỏi và đổi mới sáng tạo. Cả doanh nghiệp lẫn các tổ chức nghiên cứu khoa học hiện nay đều chưa có động lực để theo đuổi một chương trình tăng năng suất.
Do vậy xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia chính là cách thức để cải thiện tình hình về năng suất lao động của Việt Nam.
Nguồn VNN-TT