Chi phí xây dựng đập cao, hủy hoại môi trường, gây thiệt hại cả về người và của đã khiến cho kỷ nguyên đập thủy điện khổng lồ của Trung Quốc đang dần đi vào dĩ vãng.
Đập Tam Hiệp là đập thủy điện lớn nhất thế giới, chặn trên sông Dương Tử dài nhất Trung Quốc. Ảnh: Britannica
Tờ Bloomberg hôm 4/7 đưa tin, tập đoàn Tam Hiệp của Trung Quốc đã cho khởi động đơn vị phát điện đầu tiên tại nhà máy thủy điện lớn thứ 7 thế giới Ô Đông Đức nằm trên ranh giới tỉnh Tứ Xuyên – Vân Nam -Trung Quốc.
Cách đó khoảng 170 km, xuôi dòng sông Kim Sa (nhánh thượng du của sông Trường Giang), là nhà máy thủy điện khổng lồ Baihetan – dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2021.
Nếu hoạt động hết công suất, 2 nhà máy thủy điện khổng lồ này có thể sản xuất ra nhiều điện hơn mọi nhà máy điện ở Philippines cộng lại. Ngoài giá trị về thủy điện, đây cũng là 2 con đập siêu khổng lồ cuối cùng trong kỷ nguyên bùng nổ xây dựng của Trung Quốc, kéo dài hơn nửa thế kỷ qua.
Kỷ nguyên này cũng làm dấy lên tranh cãi gay gắt về sự đánh đổi giữa lợi ích của năng lượng tái tạo, phòng chống lũ lụt và cái giá phải trả về môi trường cũng như xã hội.
Khi Baihetan đạt đến công suất tối đa vào cuối 2022, Trung Quốc sẽ hoàn thành 5 trong số các nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới chỉ trong vòng 10 năm. Trong năm 2017, các đập thủy điện Trung Quốc được cho là tạo ra dòng điện năng lớn hơn tổng nguồn cung của tất cả quốc gia khác gộp lại, ngoại trừ Mỹ và Ấn Độ.
Mối quan tâm hàng đầu của chính phủ Trung Quốc là làm sao có thể tận dụng các con sông lớn, vốn thường chảy từ các đỉnh núi tuyết ở phía tây đến các đồng bằng màu mỡ ở phía đông.
Năm 1949, ông Mao Trạch Đông nắm quyền và ưu tiên việc xây đập. Tuy nhiên, kỹ thuật xây dựng khi đó còn yếu. Hậu quả là không ít thảm họa xuất hiện như vỡ đập Bản Kiều hay đập Shimantan năm 1975, cướp đi sinh mạng của 24.000 người. Đây là tiền đề để Trung Quốc hoàn thiện và phê duyệt dự án đập Tam Hiệp sau đó.
Khi kinh tế Trung Quốc bước vào giai đoạn phát triển thần kỳ từ những năm 1990, ngành công nghiệp xây dựng đập cũng có những thành tựu mới. “Bước vào thế kỷ mới, quốc gia này đã tăng gấp 4 lần công suất lắp đặt và chiếm hơn một nửa mức tăng trưởng thủy điện toàn cầu”, Samuel Samuel Law, chuyên gia thuộc Hiệp hội Thủy điện Quốc tế cho biết.
Bước chuyển mình đánh dấu giai đoạn xây dựng các công trình thủy điện khổng lồ là dự án đập Tam Hiệp chặn dòng Dương Tử, con sông vắt qua các ngọn núi có chiều dài lớn nhất Trung Quốc.
Tuy nhiên, đây cũng là dự án chịu tai tiếng nhiều nhất. Ban đầu, dự án này có tham vọng tốt đẹp nhằm mang lại nguồn năng lượng sạch, cải thiện thông thủy và chế ngự dòng sông gây bão lũ nhiều nhất đất nước. Sau đó, dư luận lên án mạnh mẽ mặt trái của công trình khi đánh đổi cuộc sống của hơn 1 triệu người, số này phải di dời khỏi mảnh đất sông bồi màu mỡ sang nơi ở khác khắc nghiệt hơn. Thêm vào đó, loạt di tích, địa điểm văn hóa, có giá trị khảo cổ cũng bị phá hủy.
Công trình bắt đầu khởi công từ năm 1994, tới mãi đến 2012 mới hoàn thành. Với công suất 22,5 Gigawatt, đây là công trình thủy điện lớn nhất thế giới. Hai siêu dự án lớn hơn, với công suất trội hơn tới 6,4 Gigawatt Xiangjiaba và 13,9 Gigawatt của đập Xiluodu (Khê Lạc Độ) cũng được hoàn thành sau đó vào năm 2014 trên dòng Kim Sa. Cùng với Ô Đông Đức và Bạch Hạc Than (Baihetan), trên đoạn sông 1.200 km sẽ xuất hiện 5 trong số 10 nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới.
Sau đỉnh cao là suy thoái
Công suất thủy điện hàng năm của Trung Quốc giảm mạnh kể từ năm 2013.
Một câu chuyện tương tự xảy ra ở Mỹ, nơi các dự án đập thủy điện lớn của chính phủ đã giúp kéo quốc gia này khỏi cuộc Đại Suy thoái vào cuối những năm 1930. Cuối Thế chiến II, thủy điện cung cấp hơn 1/3 nhu cầu tiêu thụ điện năng của Mỹ.
Việc xây dựng đập đạt đỉnh vào những năm 1960, sau đó dần dần chững lại khi năng lượng hạt nhân phát triển và sự phản đối xây đập thủy điện ngày càng tăng của nông dân, các nhà môi trường cũng như người bản địa Mỹ. Năm 2019, thủy điện chỉ chiếm 6,6% nguồn cung cấp năng lượng của Mỹ, theo Cục Thông tin Năng lượng Mỹ.
Quay trở lại với Trung Quốc, việc cạn kiệt các vị trí tiềm năng để xây dựng đập thủy điện khổng lồ không đồng nghĩa Bắc Kinh không còn không gian cho thủy điện. Trung Quốc vẫn có nhiều vị trí thuận lợi để xây dựng đập thủy điện nhỏ hơn với công suất 1-3 GW. Các vị trí xây dựng siêu đập khổng lồ vẫn còn nhưng chúng rất khó tiếp cận.
Vị trí tiềm năng nhất nằm ở sông Yarlung Tsangpo, Tây Tạng, nơi được cho là có thể xây dựng đập thủy điện với công suất 38 GW, gần gấp đôi đập Tam Hiệp. Chính phủ Trung Quốc đang nghiên cứu tính khả thi của dự án này, một người giấu tên trong dự án nghiên cứu chia sẻ với Bloomberg.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng tính khả thi của dự án này không cao. Để đưa được công nhân và vật liệu xây dựng tới khu vực hẻo lánh như Tây Tạng sẽ rất tốn kém, chưa kể việc phải có các đường dây điện đủ dài để đưa điện về các địa điểm thiếu điện. Ngoài ra, yếu tố chính trị cũng tác động phần nào khi con sông là nguồn chảy về nhiều nhánh sông khác ở Ấn Độ.
Trong khi đó, việc Trung Quốc tạm dừng xây mới các siêu đập thủy điện, các công ty đang chuyển hướng ra nước ngoài.
Theo Trung tâm chính sách phát triển toàn cầu của Đại học Boston, các ngân hàng lớn của Trung Quốc đã tham gia tài trợ cho các công trình thủy điện tổng trị giá gần 44 tỷ USD trên toàn cầu kể từ năm 2000. “Các công ty thủy điện của Trung Quốc đang rót vốn mạnh vào các quốc gia khác tại Nam Á, Đông Nam Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh”, nhà phân tích Vyakaranam cho hay.