Mới đây, báo VietNamNet đưa một thông tin rất đáng suy nghĩ về chủ trương đã được Chính phủ đề ra từ 20 năm trước, là di dời trụ sở các cơ quan bộ, ngành ra khỏi các quận nội thành. Có thể thấy rõ chủ trương này sẽ giúp cải thiện môi trường làm việc hơn trước ở nhiều khía cạnh cho các công, viên chức, khi mà nhiều bộ, ngành thậm chí còn phải thuê nhà làm việc với giá nhà phố đắt đỏ, lãng phí ngân sách do trụ sở đã quá tải…
– Bộ Tài chính sẽ là đầu mối thay mặt Chính phủ nắm giữ rồi tiến hành đấu giá công khai một số trụ sở có giá trị đất cao.
|
Bộ KH-ĐT dự kiến sẽ di dời lên Tây Hồ Tây |
Tuy nhiên đến nay, xem ra chưa được bao nhiêu đơn vị thực hiện. Có một số bộ ngành dù đã chuyển về trụ sở mới nhưng vẫn giữ trụ sở cũ với nhiều lý do được viện ra. Rồi việc chưa di dời cũng có thể vì nhiều lý lẽ khác nhau, do ngân sách chưa thể đáp ứng để làm cùng trong một thời gian ngắn (mà thực ra, việc này sẽ được thực hiện đến năm 2030); do có một vài bộ ngành còn lăn tăn chọn vị trí và cũng có thể còn do nuối tiếc khi phải rời khỏi trung tâm Thủ đô, nên cũng chưa vội và chủ động nếu không bị hối thúc chăng (?).
Đến nay, mới chỉ có 7 bộ, ngành đã và đang thực hiện xây dựng ở vị trí mới gồm Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban dân tộc, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an.
Được biết, Chính phủ cũng đã tính đến đề xuất của bộ Xây dựng. Theo đó thì:
– Một là, Chính phủ đầu tư xây dựng toàn bộ các trụ sở xong giao các bộ ngành khai thác sử dụng. Các bộ ngành bàn giao lại toàn bộ cơ sở trong nội thành để nhà nước quản lý, khai thác sử dụng chung.
– Hai là, Chính phủ giao các bộ ngành chủ động xây dựng trụ sở của bộ ngành trên các ô đất được phân chia theo quy hoạch được duyệt. Cụ thể là tại Mễ Trì và Tây Hồ Tây.
Việc chúng ta không thể huy động ngân sách trong khoảng dăm ba năm để có thể hoàn thành cũng không có gì lạ. Nhưng theo tôi, có lẽ Nhà nước cũng nên tính đến một giải pháp khác mang tính kinh tế, hiệu quả hơn. Đó là một khi đã tính di dời các bộ ngành ra khỏi thành phố thì phải khẩn trương bàn giao lại cho Chính phủ mà không nên lấy lý do gì giữ lại. Lúc này, cụ thể là bộ Tài chính sẽ là đầu mối thay mặt Chính phủ nắm giữ rồi tiến hành đấu giá công khai một số trụ sở có giá trị đất cao. Những khu vực giá trị thấp hơn thì hãy tính chuyện làm vườn hoa hoặc bãi đỗ xe…
Theo con số mà bộ Xây dựng trù tính và đề xuất, tổng nhu cầu vốn đầu tư xây mới 13 trụ sở bộ ngành còn lại cần di dời vào khoảng 17.000 tỷ đồng. Con số này là rất lớn nếu dùng vốn ngân sách cho đầu tư xây dựng. Song nếu tổ chức đấu thầu công khai và làm tốt thì chỉ cần 5-6 trụ sở bộ, ngành hiện nay như trụ sở bộ LĐTBXH, Bộ GTVT, Bộ VHTTDL,… là những khu đất có giá trị “trên cả vàng” ấy, chúng ta đã có thể thu về trên chục ngàn tỷ đồng, gần đủ làm trụ sở mới cho 13 bộ ngành như dự kiến. Số trụ sở khác, đất ít giá trị hơn một chút hoặc lại là khu giáp với cơ quan của Đảng, của quân đội, cần bảo đảm an ninh, ví dụ như bộ Kế hoạch Đầu tư, thì có thể dành phục vụ công ích như chủ trương ban đầu cho người dân Thủ đô.
Trong báo cáo tháng 9/2012 gửi Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở các bộ, ngành và các cơ quan đoàn thể trung ương tại Hà Nội, Bộ Xây dựng cũng từng đưa ra đề nghị đấu giá một số trụ sở bộ, ngành sau khi di dời “để tạo nguồn vốn xây trụ sở mới”.[1]
Tuy nhiên, để tránh mắc phải sai lầm trong đấu thầu trụ sở, nhà đầu tư không được xây dựng chung cư cao tầng. Điều này cần phải dứt khoát, nếu không sẽ gây ảnh hưởng đến quy hoạch giao thông, dễ gây ách tắc giao thông nội đô như đã từng xảy ra.
Điều cuối cùng, để trách hiện tượng quân xanh trong dự thầu, cần mở phiên đấu giá công khai không hạn chế đối tượng dự thầu. Như vậy sẽ tránh hoặc chí ít cũng hạn chế việc thông thầu, dìm giá… gây thiệt hại cho nhà nước.
Nguồn VNN-TT