Malaysia ngày 16/3 ghi nhận 125 trường hợp mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 553, trở thành nước có dịch Covid-19 nặng nề nhất ở Đông Nam Á.
Ngày 16/3, sự căng thẳng cao độ đang bao trùm Malaysia khi số trường hợp dương tính tăng cao – cao nhất ở Đông Nam Á, cùng làn sóng dư luận xoay quanh các các chủ đề #LockDownMalaysia (Phong tỏa Malaysia) và #CoronavirusOutbreak (Bùng phát virus corona) tràn ngập các phương tiện truyền thông đại chúng.
Đến đêm, Thủ tướng Muhyiddin Yassin lên truyền hình, chính thức tuyên bố lệnh phong tỏa toàn quốc trong hai tuần, một nỗ lực mạnh tay nhằm chặn đà lây lan của dịch bệnh.
Trong lúc các chuyên gia vẫn tranh cãi nhau về tác động và cả hậu quả của lệnh cấm, nhiều người dân Malaysia đã vội vàng tích trữ nhu yếu phẩm, chuẩn bị cho những ngày bị phong tỏa.
Cú sốc trong kỳ nghỉ cuối tuần
“Ở đâu cũng hết sạch thịt”, South China Morning Post dẫn lời Norashikin Aziz, một trợ lý pháp lý cho biết. “Không đâu có hành tây. Xếp hàng mất cả tiếng đồng hồ, và dòng người chỉ ngày càng dài hơn. Tôi đang tìm kiếm một số loại thịt hoặc protein khác, nhưng ngay cả những thứ đắt tiền như cá hồi cũng hết sạch rồi”.
Nhiều người đã chuyển sang đặt hàng trực tuyến, nhưng các chuỗi bán lẻ lớn như Tesco đã kín lịch giao hàng cho đến tuần sau. Các kệ hàng giấy vệ sinh, sữa và bánh mì trên toàn Kuala Lumpur, thủ đô của Malaysia, đều gần như trống rỗng.
Chỉ vào cuối tuần trước, nước này được xem như đã bước đầu thành công trong việc ngăn chặn sự bùng phát của dịch, với 117 ca nhiễm sau hơn một tháng. Trong cuối tuần qua, số ca nhiễm đột nhiên “nhảy vọt” thêm 190 trường hợp, sau đó là 125 trường hợp mới được ghi nhận vào đầu tuần nay, trong đó có 95 ca liên quan tới một cuộc họp lớn của cộng đồng hồi giáo Hồi giáo được tổ chức vào tháng trước.
Đất nước đã bước vào “giai đoạn hai” của cuộc chiến, kéo theo những gì mà Bộ trưởng Y tế mới Adham Baba mô tả là “phải có hành động quyết liệt”.
Sự kiện tôn giáo, hay còn gọi là “tabligh”, là nơi khoảng 16.000 người tụ tập cầu nguyện từ ngày 27/2 đến 1/3. Trong số 14.500 người Malaysia tham dự chỉ có 7.000 người chủ động đi xét nghiệm, dù chính phủ và các quan chức tôn giáo nhiều lần khẩn thiết kêu gọi, bộ trưởng Y tế cho biết.
Những người nhiễm virus tham gia sự kiện này đã lây lan cho các trường hợp mới đến từ Brunei, Singapore và Indonesia, trong khi Thái Lan đang ráo riết truy tìm 132 công dân tham dự. Singapore đã đóng cửa tất cả các nhà thờ Hồi giáo vào cuối tuần trước, sau khi 5 người tham dự sự kiện ở Malaysia có kết quả xét nghiệm dương tính virus.
Cho đến nay, 42 bệnh nhân Covid-19 ở Malaysia đã hồi phục hoàn toàn và được xuất viện, còn lại 511 trường hợp vẫn tiếp tục điều trị, 12 người trong số họ đang ở trong tình trạng cần sự chăm sóc đặc biệt.
Thủ tướng Muhyiddin Yassin. Ảnh: Reuters.
Chính phủ bị chỉ trích
Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin hôm 16/3 tuyên bố Chính phủ sẽ hỗ trợ 600 ringgit (khoảng 140 USD) hàng tháng trong tối đa sáu tháng cho những người lao động buộc phải nghỉ việc không lương bắt đầu từ ngày 1/3.
Ông cũng cho biết sẽ giảm giá điện sáu tháng từ tháng 4 trở đi.
Nhiều người dân Malaysia đã tránh tụ tập, chuyển sang làm việc tại nhà để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Số ca nhiễm tăng vọt chỉ vài ngày sau khi chính quyền Malaysia quyết định vẫn tiến hành buổi cầu nguyện chung bắt buộc đối với người Hồi giáo vào thứ sáu, bảo đảm các biện pháp an toàn như rút ngắn bài giảng và cung cấp nước rửa tay sát khuẩn. Một số tỉnh sau đó tuyên bố hoãn các buổi cầu nguyện.
Điều này, cùng với các quyết định gây tranh cãi khác như việc Bộ Du lịch từ chối hủy bỏ Hội chợ Du lịch Malaysia, đã làm dấy lên sự chỉ trích rộng rãi đối với chính quyền mới của ông Muhyiddin, người vừa lên nắm quyền vào đầu tháng 3 sau khi thủ tướng cũ bị lật đổ chỉ sau 21 tháng nắm quyền.
Bộ trưởng Y tế Adham Baba đã đặc biệt trở thành mục tiêu nhạo báng dữ dội trên mạng. Ông bị chỉ trích là hành động chậm chạp và làm dấu hiệu hoà bình tại một cuộc họp báo. Từ khi chính phủ mới lên nắm quyền, số lượng các cuộc họp báo cũng giảm hẳn, khiến các nhà báo phàn nàn về sự thiếu minh bạch.
“Trước đây thường có một cuộc họp báo hàng ngày để cập nhật cho người dân về các trường hợp mới và phổ biến thông tin. Nhưng giờ chỉ mới có hai hoặc ba lần họp báo kể từ khi chính phủ mới tiếp quản”, một phóng viên người Malaysia giấu tên cho biết.
việc cách ly và đề xuất tổ chức các cuộc họp báo trực tuyến nhưng đều không được giải quyết, và đã có những nhầm lẫn và hoang mang về dịch bệnh khi nhiều bộ trưởng đưa cùng phát biểu, trong khi trước đó chỉ có một đầu mối duy nhất là Bộ Y tế.