VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Ngành vận tải toàn cầu chưa sẵn sàng phân phối vaccine Covid-19

Sản xuất nhanh được vaccine Covid-19 đã khó nhưng phân phối chúng trên toàn thế giới khó không kém.
Bên cạnh các vấn đề về cơ sở hạ tầng và năng lực sản xuất của ngành dược phẩm, ngành công nghiệp vận tải hàng hóa toàn cầu bằng tàu, máy bay và xe tải thừa nhận họ chưa sẵn sàng xử lý các thách thức trong việc vận chuyển vaccine Covid-19 từ các nhà sản xuất cho hàng tỷ người. Cái khó đầu tiên là năng lực về quy mô và kỹ thuật, thiết bị vận chuyển.
Đại dịch đã ảnh hưởng khả năng hoạt động của các công ty vận chuyển. Nhiều năm nay, các hãng còn phải vật lộn để giảm bớt giấy tờ rườm rà và nâng cấp công nghệ cũ. Trừ khi các vấn đề được giải quyết sớm, nếu không, nó sẽ làm chậm cuộc đua tiếp sức vận chuyển các lọ vaccine mỏng manh với số lượng lớn chưa từng thấy.
“Chúng ta chưa được chuẩn bị”, Neel Jones Shah, Giám đốc toàn cầu của nhà vận tải hàng không Flexport có trụ sở tại San Francisco bình luận. “Thành thực mà nói, chuỗi cung ứng vaccine phức tạp hơn theo cấp số nhân so với chuỗi cung ứng PPE, ông đề cập đến các thiết bị bảo hộ cá nhân như khẩu trang y tế và găng tay, “Bạn không thể làm hư hại PPE bằng cách để nó trên đường băng trong một vài ngày nhưng vaccine thì sẽ hỏng”.
Julian Sutch, người đứng đầu bộ phận vận chuyển dược phẩm của Emirates SkyCargo, ước tính rằng một máy bay chở hàng Boeing 777 có thể mang theo một triệu liều vaccine mỗi lần bay. Điều đó có nghĩa là để bảo vệ một nửa dân số thế giới sẽ yêu cầu khoảng 8.000 máy bay chở hàng.
Nó có thể làm được, nhưng phải có một chiến lược toàn cầu phối hợp. Cụ thể, để giải phóng năng lực vận chuyển hàng không thì cần trang bị thêm cho các máy bay chở khách đang nhàn rỗi sang chở hàng.
Một vấn đề năng lực khác liên quan đến điện lạnh. Các chuyên gia y tế cho biết vaccine có thể sẽ cần được bảo quản ở mức 2 đến 8 độ C trong suốt quá trình vận chuyển. Một số loại với công nghệ mới hơn có thể cần tủ đông hiện đại hơn để bảo quản ở -80 độ C. Bất kỳ sự sai lệch nhiệt độ nào cũng có thể làm hỏng sản phẩm.
Điều này dẫn đến câu hỏi khác, liên quan đến sự công bằng và khả năng tiếp cận. Đó là làm sao để một sản phẩm đòi hỏi việc vận chuyển tinh vi và đắt đỏ thế này có thể đến được các vùng xa xôi, nghèo nàn, những nơi mà hiện vận chuyển thuốc men đang dùng đến máy bay không người lái.
Những vấn đề này chưa được các nhà vận chuyển hàng hóa nhận thức đầy đủ hoặc nếu có cũng chưa rõ cần làm những gì. Shah cho biết Flexport đã thảo luận từ sớm với một số công ty dược phẩm sản xuất vaccine nhưng đến nay vẫn chưa chốt được họ cần chuẩn bị ra sao.
Hơn 160 loại vaccine Covid-19 đang được phát triển trên thế giới. Ảnh: Reuters

Hơn 160 loại vaccine Covid-19 đang được phát triển trên thế giới. Ảnh: Reuters.

Có hơn 160 loại vaccine Covid-19 đang được phát triển, theo Tổ chức Y tế Thế giới, và chỉ có 25 loại đang được nghiên cứu ở người. Các ứng cử viên nhanh nhất đang triển khai các thử nghiệm ở giai đoạn cuối và có tham vọng được cấp phép sử dụng khẩn cấp từ các cơ quan quản lý trước cuối năm nay. Vì vậy, khả năng ban đầu được tiếp cận vaccine có thể bị giới hạn trong đội ngũ nhân viên y tế và các nhóm người dễ bị nhiễm bệnh khác.
Các quốc gia sẽ cần quyền tiếp cận vaccine Covid-19 rộng hơn để ngăn chặn virus đã tàn phá các nền kinh tế và cướp đi hơn 633.000 sinh mạng trên toàn cầu. Nhưng hầu hết tiến độ hiện tại cho thấy khả năng cung cấp sớm nhất là vào năm 2021.
Các thỏa thuận sản xuất vaccine đang được chốt lại, và các cơ sở nghiên cứu đang được trang bị thêm năng lực để phát triển tiếp sản phẩm, nếu vaccine thử nghiệm bị thất bại. Giới khoa học nhấn mạnh rằng việc tiêm chủng vẫn chưa được kiểm chứng hiệu quả và sản xuất hàng loạt vẫn là một nhiệm vụ khó khăn. Tuy nhiên, các lãnh đạo công ty dược dự đoán, chính việc phân phối mới là thách thức lớn nhất.
“Thông thường mọi người đang nói về câu hỏi khoa học hóc búa là hiệu quả của vaccine. Nhưng ở một phương diện khác, thậm chí vấn đề có thể khó khăn hơn là phân phối”, Kenneth Frazierc, CEO của Merck & Co, cho nói rằng không ai trong chúng ta an toàn cho đến khi tất cả an toàn. “Chúng ta cần một loại vaccine có thể sản xuất và phân phối trên toàn thế giới”, ông nói.
Emir Pineda, Giám đốc thương mại hàng không và hậu cần tại Sân bay Quốc tế Miami, một trong số ít các sân bay trên thế giới là điểm tập trung các hãng vận chuyển có chứng chỉ để vận chuyển dược phẩm, nói rằng họ chưa sẵn sàng. “Nếu tất cả 20 đến 30 chuyến bay thuê bao bất ngờ hạ cánh tại Sân bay Quốc tế Miami đều chỉ chuyên chở dược phẩm phân khối đi khắp nước Mỹ thì đó sẽ là thách thức cho chúng tôi”, ông nói.
Một yếu tố phức tạp khác là hành vi bảo hộ của một số chính phủ, có ý định phá hoại hợp tác quốc tế bằng cách can thiệp vào chuỗi cung ứng. Thái độ đó đã được thể hiện trong tuần qua. Tại một phiên điều trần ở Washington của tiểu ban Năng lượng và Thương mại, một số nhà lập pháp gây áp lực với các CEO của AstraZeneca, Johnson & Johnson, Merck, Moderna và Pfizer về việc vaccine phải được sản xuất chính tại Mỹ và những quốc gia mà Mỹ mua nguyên liệu.
“Đe dọa sức khỏe hệ thống là những vấn đề ít có hứa hẹn nhất trong hợp tác toàn cầu”, Simon Evenett, Giáo sư Đại học St. Gallen (Thụy Sĩ), người quan sát về các rào cản thương mại, bình luận.
Nếu ngành công nghiệp logistics tư nhân không tăng được khả năng vận chuyển thì có một lựa chọn là sự can thiệp hoàn toàn của chính phủ. Ví dụ, tại Mỹ, Lầu năm góc có thể kêu gọi các hãng hàng không thương mại ký hợp đồng theo một phần của Hạm đội Không quân Dự trữ Dân sự, một chương trình được thành lập vào năm 1951, có thể được sử dụng trong thời bình vì lý do an ninh quốc gia.
Đặt qua một bên vấn đề vận chuyển thế nào, giá vận chuyển tăng do thiếu hụt công suất cũng là vấn đề. Các ồn ào chính trị đang ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của các nền kinh tế, và thời gian bận rộn cho các công ty để trữ hàng hóa trước kỳ nghỉ cuối năm là giai đoạn tháng 8-9.
Michael Steen, Phó chủ tịch Atlas Air Worldwide, một hãng vận chuyển trụ sở tại New York, cho biết vài tháng tới sẽ chứng kiến sự gia tăng đột biến của vận chuyển hàng hóa. Trước đó, ngành công nghiệp dược phẩm đã phải chịu chi phí vận chuyển cao khi ngành hàng không rơi vào hỗn loạn. Từ đầu tháng 2, các nhóm thương mại công nghiệp và các tổ chức phi lợi nhuận đã vật lộn để giúp các công ty dược phẩm điều hướng các chuyến bay thương mại và hàng hóa.
“Đây là một vấn đề về nhu cầu, trong đó giá cả gấp bốn, năm, mười lần so với mức bình thường”, Anne McDonald Pritchett, Phó chủ tịch cấp cao về chính sách và nghiên cứu của Viện nghiên cứu và sản xuất dược phẩm Mỹ, đánh giá.
Để giải quyết, các công ty Mỹ cũng đã có nhiều sáng tạo hơn. Một số đến Canada thuê xe tải vận chuyển hàng vào Mỹ. Số khác thuê máy bay tư nhân để vận chuyển các sản phẩm phục vụ điều trị. Nhưng những giải pháp nhanh và tốn kém này có thể vô dụng nếu kết hợp với yêu cầu vận chuyển phức tạp của vaccine.
“Chúng ta không lên kế hoạch chủ động cho việc phân phối vaccine trong tương lai vì các bên khác nhau không kết nối với nhau”, ông Michael Steen cho rằng nhà sản xuất và các hãng vận tải chưa có sự kết nối.
Dẫu sao, theo ông là vẫn còn có tin tốt. Các nhà sản xuất dược phẩm, các công ty trong chuỗi phân phối và các chính phủ vẫn còn thời gian để hiểu rằng việc mở rộng năng lực và hỗ trợ phân phối vaccine chính là giúp kích thích nền kinh tế và hơn hết là để mọi người khoẻ lại.

Nguồn vnexpress.net-TT