Chùa Tam Chúc, dự án tâm linh 5.000ha, do “đại gia” Xuân Trường làm chủ đầu tư, chưa hoàn thành đã mở cửa đón khách gây nhiều ý kiến trái chiều.
Chùa Tam Chúc tại Hà Nam chưa hoàn thiện đã thu phí khách tham quan – Ảnh: T.T
Đáng nói, hiện tượng Nhà nước bỏ tiền đầu tư để doanh nghiệp kinh doanh thu tiền cũng xảy ra tại loạt dự án du lịch tâm linh khác của Xuân Trường như khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính – Tràng An (Ninh Bình) hay dự án ở Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên).
Vốn công trong dự án tư nhân kinh doanh, thu tiền
Những năm gần đây, hàng loạt dự án quần thể du lịch tâm linh đồ sộ đua nhau mọc lên tại các địa phương trên cả nước. Nếu như miền Nam có Đại Nam ở Bình Dương thì tại miền Bắc, Công ty Xây dựng Xuân Trường đã đổ hàng chục nghìn tỷ đồng vào những đại tự như: Khu du lịch tâm linh quần thể Bái Đính – Tràng An (Ninh Bình); Khu Du lịch Tam Chúc – Ba Sao (Hà Nam), khu tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp (Hải Phòng), Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên)…
Theo tìm hiểu, các dự án này đều do doanh nghiệp xin cấp đất từ địa phương thời hạn khai thác lên đến 70 năm. Tuy nhiên, hầu hết các khu du lịch tâm linh tại miền Bắc đã và đang có sự đan xen đầu tư giữa vốn của doanh nghiệp và vốn Nhà nước.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Sở KH-ĐT Ninh Bình cho hay, trong Khu du lịch Tràng An – Bái Đính có 5 hạng mục hạ tầng gồm các công trình đường sá, cầu cống được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước. Các hạng mục còn lại đều do Xuân Trường bỏ vốn đầu tư. “Tới nay dự án chưa thực hiện xong, chủ đầu tư Xuân Trường cũng chưa có báo cáo giám sát nên không có cơ sở đánh giá hiệu quả dự án”, vị đại diện cho biết.
Cụ thể, dự án Khu tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) có tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu khoảng 15.000 tỷ đồng, gồm nhiều hạng mục, trong đó có cả hình thức đầu tư công lẫn hợp tác công – tư (PPP) và đầu tư tư nhân. Sau hơn 2 năm kể từ khi dự án được triển khai đã có khoảng gần 2.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách được chi cho công tác GPMB. Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Hoàng Thái Cương, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Vốn ngân sách Nhà nước cũng được Sở đề xuất làm hệ thống đường xung quanh hồ.
Trước đó, năm 2004, Xuân Trường khởi công xây dựng Khu Du lịch Tràng An – chùa Bái Đính (Ninh Bình) trên diện tích 700ha với 20 hạng mục. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, chùa Bái Đính mới chỉ hoàn thiện được khoảng 10 hạng mục và vẫn còn hơn 10 hạng mục nữa chưa được xây dựng xong. Với phương thức đầu tư “đan xen” vốn Nhà nước, doanh nghiệp Xuân Trường cùng một lúc đảm nhận “hai vai”.
Trước hết, Xuân Trường trực tiếp là bên B chịu trách nhiệm thi công các hạng mục công trình từ nguồn vốn ngân sách để xây dựng cơ sở hạ tầng. Còn bên A là Ban Quản lý quần thể danh thắng Tràng An thừa ủy quyền của UBND tỉnh Ninh Bình ký hợp đồng với doanh nghiệp.
Mặt khác, Xuân Trường cũng là đơn vị tham gia vào lĩnh vực kinh doanh hoạt động du lịch khi bỏ vốn xây dựng khu chùa Bái Đính từ chân lên tới đỉnh núi Đính thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn và đầu tư một phần vốn vào Khu du lịch sinh thái Tràng An.
Năm 2006, Xuân Trường tiếp tục xin xây siêu dự án về văn hóa tâm linh – nghỉ dưỡng sinh thái – vui chơi giải trí khác là Tam Chúc – Ba Sao với tổng mức đầu tư 11 nghìn tỷ đồng. Tới nay, Dự án đã hoàn thành các hạng mục về cơ sở hạ tầng (đường, cống thoát nước, trồng cây…). Đây đều là những hạng mục thuộc vốn Nhà nước đầu tư, phần còn lại thực hiện do nguồn vốn xã hội hóa thì vẫn còn dang dở.
Mới đây, Sở KH&ĐT Hà Nội vừa có công văn gửi UBND TP Hà Nội về đề xuất của Xuân Trường xin đầu tư xây dựng Khu du lịch tâm linh Hương Sơn tại xã Hương Sơn, với tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng. Đề xuất là vậy song chính doanh nghiệp này cũng chưa nói nói rõ dự án này sẽ được đầu tư dưới hình thức nào.
Dự án tâm linh không thuộc diện ưu đãi
Dù đưa ra mục tiêu xây dựng công trình văn hóa tâm linh song dự án nào của Xuân Trường cũng đi kèm với khách sạn, nhà hàng, biệt thự nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và cả casino. Ngay cả khi các hạng mục của dự án chưa hoàn thành song chủ doanh nghiệp này đã thu tiền khách tham quan. Tới nay, tất cả dự án này đều chưa được tổ chức kiểm toán xác định rõ tổng mức đầu tư, từ đó phân định rõ quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ trong quản lý.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ KH&ĐT cũng thừa nhận: “Nếu xét về góc độ nhà đầu tư, ai cũng mong muốn tối đa hóa hiệu quả dự án. Do vậy, việc đưa vào hoạt động nhiều dịch vụ, ngành nghề khác nhau trong một dự án cũng là lẽ thường tình. Chỉ có điều hoạt động đầu tư ấy có phù hợp đáp ứng với lợi ích chung của xã hội hay không? Phải quản lý như thế nào để đảm bảo hiệu quả cả về phía Nhà nước lẫn chủ đầu tư, tránh việc lợi dụng biến tướng”, vị này nhấn mạnh.
Cũng theo vị đại diện, ngoài các hạng mục có vốn ngân sách, các dự án du lịch tâm linh do chủ đầu tư tự bỏ vốn triển khai, cũng không khác gì các dự án đầu tư kinh doanh thông thường, đều thuộc phạm vi điều chỉnh Luật Đầu tư. Đối với các dự án có nhu cầu thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải có quyết định chủ trương đầu tư. “Trong quá trình phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, cơ quan chức năng phải xem xét dự án có phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch phát triển ngành hay không; điều kiện giao đất cho thuê đất chuyển mục đích sử dụng như thế nào, hiệu quả kinh tế – xã hội ra sao…”, vị này nhấn mạnh.
Xét về mức độ ưu đãi, vị đại diện nhận định: “Du lịch tâm linh không nằm trong danh mục ngành nghề được ưu đãi, tuy nhiên nếu dự án này nằm trên địa bàn ưu đãi thì cũng sẽ được hưởng chính sách ưu tiên về thuế, đất…”. Tuy nhiên, theo danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư và ưu đãi thuế, hiện chỉ có 2 dự án tâm linh do Xuân Trường thực hiện gồm: Khu tâm linh Hồ Núi Cốc và Khu tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp.
Việc đổ vốn khủng xây dựng những siêu dự án tâm linh cần phải được xem xét thận trọng, vì đó là biểu hiện của sự đầu tư bất thường. Lẽ thường, không ai kinh doanh trên lĩnh vực tâm linh. Cũng không thể có chuyện doanh nghiệp chấp nhận bỏ “tiền tấn” ra đầu tư mà không có lãi. Do đó, hoàn toàn có cơ sở nghi vấn về nguồn tiền và mục đích đầu tư vào những công trình này từ đâu?
Từ góc độ quản lý nguồn lực của đất nước, trong bối cảnh hiện nay việc dành hàng nghìn ha đất cho nhà đầu tư một dự án tâm linh thật quá lãng phí, cần xem xét lại. Hiện, khung pháp luật vẫn chưa có quy định cụ thể về dự án tâm linh. Vì vậy, đang có sự lách luật, lợi dụng núp bóng dự án tâm linh để kinh doanh. Thực tế chứng minh tại những dự án này, diện tích xây chùa chỉ chiếm một phần, còn lại để dành cho các dự án nghỉ dưỡng, sòng bài.
Đối với những dự án nửa du lịch, nửa tâm linh, không được lợi dụng tiền ngân sách đầu tư bởi sau này Nhà nước sẽ không thu được gì. Chúng ta không nên ngăn cấm nhưng cũng không nên ưu tiên cấp quá nhiều đất. Đáng nói, việc cấp đất cũng phải theo đúng Luật, cần công khai minh bạch, tránh tạo chênh lệch địa tô quá lớn với các trường hợp khác.
Trong kinh tế thị trường, chỉ cần không vi phạm pháp luật thì mọi hoạt động đầu tư đều là hợp pháp. Tuy nhiên, trong những dự án đầu tư du lịch tâm linh hiện nay, cần phải xem xét cái hợp pháp ấy có hợp lý hay không và mục đích là gì?
Rất nhiều người đặt câu hỏi chủ đầu tư bỏ hàng chục nghìn tỷ đồng vào các dự án tâm linh thì nguồn vốn từ đâu, lợi nhuận thu như thế nào? Song, tới nay vẫn chưa có sự công khai minh bạch về các dự án này.
Cách mạng khoa học công nghệ đang phát triển như vũ bão, trong khi doanh nghiệp các nước khác đổ tiền vào đầu tư ở lĩnh vực khoa học công nghệ, thì doanh nghiệp của chúng ta lại đổ xô đầu tư vào tâm linh vào đền chùa. Chính phủ và chính quyền địa phương có thái độ như thế nào về hoạt động đầu tư này?
Việc cấp tới 5.000ha cho một dự án tâm linh so với việc cấp đất để đầu tư cho bệnh viện, trường học, nhà ở công nhân, nhà ở xã hội cho người nghèo đã hợp lý chưa? Tất cả vấn đề này cần phải có câu trả lời rõ ràng, tránh hậu quả đầu tư vào lĩnh vực tâm linh ồ ạt, gây lãng phí cho Nhà nước và xã hội. Thiết nghĩ, HĐND địa phương và cao hơn là Quốc hội nên có sự giám sát và kiểm tra hoạt động đầu tư này.
Nguồn VNN_TT