Quả xoài chính thức vào thị trường Mỹ: Cơ hội lớn cho rau quả Việt Nam!
– Vừa qua, Việt Nam đã chính thức xuất khẩu lô hàng xoài đầu tiên sang thị trường Mỹ với giá cao hơn khoảng 10% – 15% so các thị trường khác. Đây được xem là cơ hội lớn để rau quả Việt Nam mở rộng thị trường.
6 loại trái cây được chính thức cấp phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ
Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 4/2019, Việt Nam đã chính thức xuất khẩu lô hàng xoài đầu tiên sang thị trường Mỹ với giá cao hơn khoảng 10% – 15% so các thị trường khác.
Theo đó, lô xoài 8 tấn, gồm 3 loại xoài: Cát Hòa Lộc, Tượng da xanh và Cát Chu da vàng do Hợp tác xã xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) cung cấp. “Đây được kỳ vọng sẽ là cơ hội lớn để rau quả Việt Nam mở rộng thị trường, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng của ngành đang chậm lại do gặp khó khăn ở thị trường Trung Quốc”, Bộ Công Thương cho hay.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, cùng với thanh long, chôm chôm, nhãn, vải và vú sữa, hiện đã có 6 loại trái cây được chính thức cấp phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Thị trường trong nước tiếp tục được duy trì ổn định
Liên quan đến thị trường hàng hóa trong nước, Bộ Công Thương cũng cho biết, thị trường các mặt hàng thiết yếu trong tháng 4 không có biến động bất thường, mặc dù chịu ảnh hưởng từ các yếu tố như giá nguyên liệu trên thị trường thế giới, dịch bệnh, mùa vụ… nhưng cơ bản, cung cầu các mặt hàng được bảo đảm, giá có sự tăng, giảm đan xen đối với từng nhóm hàng.
Các mặt hàng thép, xi măng sau khi được điều chỉnh tăng giá vào cuối tháng 3 (do giá điện tăng 8,36% từ ngày 20 tháng 3 năm 2019), giá bán được giữ ổn định trong tháng 4.
Riêng giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống có xu hướng ổn định, riêng giá lợn hơi có xu hướng tăng vào đầu tháng trên cả nước nhưng đã giảm liên tiếp trong nửa cuối tháng 4, giảm mạnh nhất tại các tỉnh phía Bắc, nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý e ngại của người dân về việc dịch tả lợn châu Phi và thời tiết nắng nóng nên nhu cầu tiêu dùng thịt lợn giảm.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước đạt 399.961 tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước, trong đó nhóm tăng cao là đồ dùng, thiết bị gia đình, dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành (tăng 2 – 3,1%) do đang giai đoạn chuyển sang mùa nóng nhu cầu các mặt hàng thiết bị làm mát tăng, nhu cầu du lịch, khách sạn, ăn uống tăng trong dịp nghỉ lễ Giỗ tổ và 30/4, 1/5.
Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt tốc độ tăng cao nhất kể từ năm 2015 trở về đây, ước tính đạt 1.583,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9%).
Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), Bộ Công Thương cũng cho hay, việc tăng giá xăng dầu, giá điện có ảnh hưởng trực tiếp đến tăng chỉ số giá tiêu dùng trong tháng, tuy nhiên diễn biến của dịch tả lợn châu Phi tác động đến tâm lý người tiêu dùng và việc kiên định chính sách tiền tệ linh hoạt giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ góp phần kiềm chế lạm phát.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2019 tăng 0,31% so với tháng trước, CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2019 tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân 4 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm gần đây. (Tốc độ tăng CPI bình quân 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước các năm 2017-2019 lần lượt là 4,8%; 2,8%; 2,71%).
Giá dịch vụ có thể tăng do nắng nóng
Đưa ra những dự báo thương mại nội địa trong những tháng tới, Bộ Công Thương cho biết, bắt đầu vào mùa nắng nóng, nhu cầu các mặt hàng làm mát tăng và mức tiêu thụ điện năng, nước sinh hoạt tăng nên giá bình quân các nhóm hàng này dự báo sẽ tăng
Bên cạnh đó, giá các nhóm hàng nhiên liệu năng lượng vẫn trong xu hướng tăng trước những diễn biến chính trị căng thẳng giữa các nước kinh doanh, xuất khẩu dầu mỏ
Ngoài ra, chuẩn bị vào mùa nghỉ hè của các trường, nhu cầu các dịch vụ du lịch, khách sạn, ăn uống tăng nên giá các dịch vụ này có thể tăng.
Tuy nhiên, giá một số nhóm hàng có xu hướng giảm hoặc giá thấp như đường, thịt lợn, phân bón… sẽ góp phần ổn định giá thị trường nói chung. Cùng với công tác điều hành thị trường được quan tâm, phối hợp giữa các Bộ ngành nên thị trường hàng hóa dự báo sẽ không có biến động lớn.