– Kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); Mỹ và CHDCND Triều Tiên đối đầu căng thẳng; Quốc hội Pháp thông qua luật “thanh lọc” bộ máy chính trị; Bê bối trứng “bẩn” ở châu Âu; Động đất liên tiếp ở Trung Quốc; Kỷ niệm 72 năm thảm họa bom nguyên tử tại Nhật Bản… là một số tin tức nổi bật trong tuần qua.
Kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)
Ngày 8/8, Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã được tổ chức trọng thể tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Philippines ở thủ đô Manila. Tham dự buổi lễ có Tổng thống nước chủ nhà Rodrigo Duterte, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh, các bộ trưởng ngoại giao đến từ 10 nước ASEAN và các nước đối tác – đối thoại. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và phu nhân đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự lễ kỷ niệm.
Trong thông điệp tại lại lễ kỷ niệm, Tổng thống nước chủ nhà Duterte khẳng định tầm quan trọng của ASEAN trong 50 năm qua và mong muốn ASEAN tiếp tục phát trển bền vững, đem lại sự thịnh vượng chung cho mọi người dân. Sau 50 năm, vai trò và vị thế của ASEAN đã được xác lập và khẳng định vững chắc. Điều này được thể hiện qua sự lớn mạnh của Cộng đồng ASEAN, sự gắn kết chặt chẽ cả về chính trị, kinh tế, văn hóa giữa các thành viên, sự phát triển nhanh chóng của các mối quan hệ của ASEAN với các đối tác bên ngoài, sự tôn trọng và ủng hộ của các nước đối với vai trò trung tâm của hiệp hội trong các tiến trình khu vực. Tổng thống Duterte nhấn mạnh rằng trong bối cảnh hiện nay, ASEAN cần tiếp tục phát huy tính chủ động, liên kết mạnh mẽ hơn nữa cũng như thích ứng với tình hình phát triển mới của khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, trong thông điệp của mình, nhà lãnh đạo Philippines đã bày tỏ lòng biết ơn và vinh danh những người đã sáng lập ASEAN.
Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập ASEAN (8/8/1967 – 8/8/2017).
Sau khi khái quát lịch sử hình thành và phát triển của ASEAN trong suốt 50 năm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Tham gia ASEAN từ năm 1995, Việt Nam tự hào đã sát cánh cùng các quốc gia thành viên đóng góp cho ngôi nhà chung ASEAN ngày nay. Trải qua hơn hai thập kỷ, dấu ấn Việt Nam đã ghi đậm cùng các bước trưởng thành, lớn mạnh của ASEAN” và “Việt Nam cam kết sẽ cùng các nước: quyết tâm xây dựng một Cộng đồng đoàn kết, tự cường; thúc đẩy thương mại và đầu tư nội khối, phát triển hạ tầng, thu hẹp khoảng cách phát triển; hợp tác thiết thực phục vụ người dân, nâng cao đời sống, bảo đảm an sinh xã hội, khơi gợi lòng tự hào về Cộng đồng; xây dựng Cộng đồng ASEAN dựa trên luật lệ, nhất là luật pháp và những nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế; nâng cao hiệu quả hợp tác với các đối tác, giữ vai trò chủ đạo ở khu vực, có lập trường chung về các vấn đề quốc tế và khu vực””.
Mỹ và CHDCND Triều Tiên đối đầu căng thẳng
Ngày 10/8/2017, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin quân đội nước này đang lên kế hoạch bắn 4 tên lửa đạn đạo tầm trung nhằm vào đảo Guam, nơi đặt một số căn cứ chiến lược quan trọng của Không quân và Hải quân Mỹ. Theo KCNA, kế hoạch này sẽ được đệ trình nhà lãnh đạo Kim Jong Un để đưa ra quyết định cuối cùng.
Kế hoạch này được phía CHDCND Triều Tiên đưa ra nhằm phản ứng trước động thái cảnh báo của Tổng thống Mỹ Trump rằng Bình Nhưỡng sẽ bị đáp trả “bằng lửa và thịnh nộ” nếu tiếp tục duy trì tham vọng tấn công Mỹ bằng tên lửa đạn đạo.
Những tuyên bố trên đang khiến cho căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên leo thang và dư luận thế giới hết sức lo ngại về việc liệu có xảy ra một cuộc chiến tranh Mỹ – Triều. Các nhà phân tích cho rằng, việc CHDCND Triều Tiên lần đầu tiên nhắc đến đảo Guam như một mục tiêu cân nhắc tấn công là bởi đảo Guam có vị trí rất chiến lược đối với quân đội Mỹ. Guam là hòn đảo nhỏ nằm trong quần đảo Marianas ở Tây Thái Bình Dương, có diện tích gần 337 km2 và dân số 162.000 người, hầu hết là công dân Mỹ. Guam được coi là cái gai trong mắt CHDCND Triều Tiên bởi nơi đây có căn cứ quân sự lớn, hiện đại nhất bên ngoài lục địa Mỹ. Đảo Guam đóng vai trò then chốt trên bản đồ địa chính trị, cho phép Mỹ phát động bất kỳ chiến dịch quân sự nào nhằm vào Bình Nhưỡng. Do đó, Guam được cho là mục tiêu hàng đầu vì nằm trong tầm bắn nhiều loại tên lửa của CHDCND Triều Tiên.
Quốc hội Pháp thông qua luật “thanh lọc” bộ máy chính trị
Ngày 9/8, với 412 phiếu ủng hộ và 74 phiếu phản đối, Quốc hội Pháp đã thông qua một dự luật nhằm làm trong sạch bộ máy chính trị quốc gia. Theo luật mới, các nghị sĩ sẽ không còn được cấp kinh phí để chi trả cho các lĩnh vực hay các tổ chức phi chính phủ mà họ lựa chọn. Luật này cũng cấm các nghị sĩ quốc hội và các bộ trưởng thuê người trong gia đình làm việc cho mình.
Đây là một trong những động thái mới nhất từ chính phủ trung hữu của Tổng thống Emmanuel Macron nhằm khôi phục lòng tin dân chúng đối với đội ngũ chính trị gia Pháp. Trước đó, vụ bê bối của cựu Thủ tướng Pháp, Francois Fillon, trong chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp vừa qua đã khiến dân chúng Pháp bị mất lòng tin trầm trọng vào chính giới Pháp. Ông Fillon được cho là đã thuê và chi trả bất hợp lý cho vợ và các con với vai trò phụ tá nhưng trên thực tế những thành viên này không tham gia công việc nào cụ thể.
Khi đó, ông Emmanuel Macron đã khẳng định, một trong các ưu tiên lớn đầu tiên mà ông sẽ thực hiện nếu trúng cử, chính là đề ra một bộ luật nhằm trong sạch hoá đời sống chính trị Pháp. Vì vậy, bộ luật vừa được Quốc hội Pháp thông qua được đánh giá là một thành tựu “được lòng công chúng”, là một cải cách táo bạo và cần thiết của chính quyền Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Bê bối trứng “bẩn” ở châu Âu
Những ngày qua, châu Âu đang hứng chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng về an toàn thực phẩm khi vụ bê bối trứng nhiễm độc thuốc trừ sâu còn gọi là trứng “bẩn” bắt nguồn từ Hà Lan lan rộng tại một loạt các quốc gia châu Âu khiến các nước này phải nỗ lực tìm các biện pháp đối phó.
Vụ bê bối trứng “bẩn” bị phanh phui từ Hà Lan vào ngày 28/7, khi cơ quan chức năng nước này phát hiện dư lượng cao thuốc trừ sâu Fipronil do công ty BASF của Đức sản xuất, trong các mẫu kiểm tra phân, máu và trứng gà. Hóa chất trên được một công ty của Hà Lan là Chickfriend đưa vào sử dụng tại các trang trại gia cầm nhằm tiêu diệt bọ đỏ ký sinh trên gà. Cho tới nay, vụ bê bối trứng “bẩn” đã ảnh hưởng tới 11 quốc gia châu Âu, với hàng triệu quả trứng được thu hồi.
Chất hóa học Fipronil được sử dụng phổ biến trong ngành trồng trọt để trừ sâu bệnh. Tuy nhiên loại hóa chất này bị Liên minh châu Âu cấm sử dụng trong xử lý các loại động vật làm thực phẩm cho con người như gia cầm. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu dư lượng Fipronil trong thực phẩm cao, hóa chất này có thể gây ra các bệnh về thận, gan và tuyến giáp ở người.
Các chuyên gia ước tính thiệt hại tài chính của vụ bê bối trứng “bẩn” này có thể lên tới hàng triệu euro và sẽ để lại những hậu quả nặng nề đối với ngành chăn nuôi gia cầm và các thị trường nông sản tại châu Âu – vốn chỉ mới đang trên đà hồi phục sau những ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch cúm gia cầm năm 2016.
Động đất liên tiếp ở Trung Quốc
Đêm ngày 8 và rạng sáng ngày 9/8/2017, Trung Quốc đã hứng chịu hai trận động đất tại tỉnh Tứ Xuyên và khu tự trị Tân Cương. Đó là trận động đất mạnh 7 độ richter vào đêm ngày 8/8 tại khu du lịch Cửu Trại Câu, tỉnh Tứ Xuyên làm ít nhất 19 người chết và 263 người bị thương, hơn 130.000 ngôi nhà bị hư hại.
Trận thứ hai xảy ra tại huyện Tinh Hà, thuộc khu tự trị Tân Cương, mạnh 6,6 độ richter làm ít nhất 32 người bị thương, hơn 1.000 ngôi nhà bị phá hủy hoặc hư hại.
Ngay sau trận động đất, chính phủ Trung Quốc đã ban hành lệnh phản ứng khẩn cấp và cử các nhóm cứu hộ tới triển khai công tác khắc phục hậu quả tại các vùng chịu ảnh hưởng của động đất. Hàng nghìn lều bạt, chăn, đèn pin… đã được gửi tới khu vực động đất. Giới chức Trung Quốc cũng yêu cầu người dân theo dõi thông tin từ các nguồn tin chính thống, không phát tán thông tin không chính xác liên quan đến động đất.
Nhật Bản tưởng niệm 72 năm thảm họa bom nguyên tử
Ngày 9/8, các nhà lãnh đạo Nhật Bản, đại diện Liên minh châu Âu và gần 60 nước (trong đó có 5 cường quốc hạt nhân là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc) đã có mặt tại thành phố Nagasaki để tham dự Lễ tưởng niệm 72 năm ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố này.
Trước đó, vào ngày 6/8, chính quyền thành phố Hiroshima cũng đã tổ chức Lễ tưởng niệm 72 năm ngày Mỹ ném quả bom nguyên tử xuống thành phố này.
Phát biểu tại buổi lễ được tổ chức ở Công viên Hòa bình tại Nagasaki, Thị trưởng Tomihisa Taue nhấn mạnh, Nhật Bản là quốc gia duy nhất trên thế giới chịu thiệt hại nặng nề do bị ném bom nguyên tử thời chiến. Ông hối thúc Chính phủ Nhật Bản xem xét lại chính sách lệ thuộc vào chiếc ô hạt nhân của Mỹ, đồng thời tham gia Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân trong thời gian sớm nhất. Ông cũng kêu gọi chính phủ nước này khẳng định cam kết với thế giới về tinh thần yêu chuộng hòa bình trong Hiến pháp Nhật Bản, trong bối cảnh Đảng Dân chủ tự do của Thủ tướng Shinzo Abe chuẩn bị đề xuất sửa đổi bản hiến pháp.
Trong khi đó, Thủ tướng Abe thì nhấn mạnh mục tiêu một thế giới không có vũ khí hạt nhân chỉ có thể đạt được khi có sự tham gia của cả các quốc gia sở hữu và không sở hữu vũ khí hạt nhân.
Bang Virginia (Mỹ) ban bố tình trạng khẩn cấp do làn sóng bạo lực
Ngày 12/8, Thống đốc bang Virginia của Mỹ Terry McAuliffe đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại bang này, sau khi nổ ra các vụ đụng độ bạo lực tại một buổi tuần hành lớn của những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng ở thành phố Charlottesville.
Hàng nghìn người tham gia cuộc tuần hành “Đoàn kết phe cánh hữu” và những người phản đối họ đã xô xát với nhau. Nhiều vụ đụng độ xảy ra ngay trước khi cuộc tuần hành chính thức bắt đầu vào trưa 12/8 (giờ địa phương), khiến một số người bị thương. Không khí xung quanh cuộc tuần hành tràn ngập mùi hơi cay. Trong khi đó, các nhân chứng cho biết một chiếc ô tô đã lao vào đám đông tại cuộc tuần hành, khiến hơn 10 người bị thương. Họ gọi đây là một hành động “có chủ đích”.
Trong một tuyên bố, Thống đốc McAuliffe cho hay trước tình trạng xảy ra các hành vi bạo lực và phi pháp, ông đã chỉ đạo giới chức an ninh công cộng bang Virginia phải hành động nhanh chóng và quyết đoán nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.
Trên trang mạng xã hội Twitter, Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi người dân Mỹ đoàn kết và lên án tất cả những hành động xuất phát từ lòng hận thù. Ông khẳng định “không có chỗ cho kiểu bạo lực này ở Mỹ. Tất cả chúng ta hãy đoàn kết lại”.
Trước đó một ngày, một thẩm phán liên bang đã tuyên bố cuộc tập hợp nói trên là “bất hợp pháp” và Thống đốc McAuliife đã hối thúc người dân bang Virginia tránh xa cuộc tuần hành này.
Lào và Campuchia thống nhất phương án giải quyết vấn đề biên giới
Ngày 12/8, tại Văn phòng Thủ tướng Chính phủ Lào ở thủ đô Viêng Chăn đã diễn ra cuộc gặp giữa Thủ tướng Lào Thongloun Sisulith và Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen để giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước
Hãng thông tấn quốc gia Lào (KPL) cho biết Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith và Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã nhất trí hai bên sẽ cùng rút quân ra khỏi khu vực biên giới giữa tỉnh Attapue của Lào và tỉnh Strung Treng của Campuchia.
Tại buổi họp báo chung diễn ra sau cuộc gặp, Thủ tướng Lào Thongloun Sishoulith cho biết ông và Thủ tướng Campuchia đã có cuộc trao đổi thẳng thắn trên tinh thần thân thiện, tránh không để tình hình mất kiểm soát. Hai bên đã nhất trí phía Lào sẽ rút nốt số quân còn lại ở khu vực biên giới tranh chấp và phía Campuchia sẽ ngừng xây dựng đường tại khu vực biên giới tranh chấp.
Thủ tướng Lào Thongloun Sishoulith cho biết Thủ tướng Hun Sen cũng đã ra lệnh ngừng xây dựng tuyến đường trong khu vực đó, đưa tình hình trở lại bình thường, nhằm khôi phục niềm tin của người dân hai nước. Thủ tướng Lào cho biết thêm hai bên đã thảo luận và nhất trí giao Ủy ban biên giới hai nước và Bộ Ngoại giao hai nước tiếp tục có các cuộc đàm phán để tìm giải pháp cho các vấn đề liên quan khu vực biên giới chưa phân định giữa hai nước Lào-Campuchia sớm nhất có thể, tạo niềm tin cho nhân dân, làm tài sản kế thừa cho các thế hệ cháu con của hai nước.
Thủ tướng Lào Thongloun Sishoulith và Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã nhất trí tiếp tục tạo điều kiện cho tất cả các cuộc trao đổi giữa hai bên khi có vấn đề phát sinh./.