Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam
Từ ngày 12 đến 13-11-2017, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.
Trong thời gian chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang; hội kiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước, đi sâu trao đổi ý kiến về quan hệ song phương và các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm; đạt được nhận thức chung quan trọng về việc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt – Trung trong tình hình mới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự lễ khánh thành Cung Hữu nghị Việt – Trung và Lễ khai trương Trung tâm văn hóa Trung Quốc tại Hà Nội; gặp gỡ, giao lưu với các đại biểu tham dự Diễn đàn nhân dân Việt – Trung và đại diện nhân sỹ hữu nghị hai nước.
Ngoài ra, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham quan Triển lãm ảnh “Trung Quốc trong con mắt nhiếp ảnh gia Việt Nam”; thăm nơi Bác Hồ mất và dự tiệc trà trong Khu di tích Nhà sàn Bác Hồ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chứng kiến Lễ ký kết 12 văn kiện và trao 7 văn kiện hợp tác giữa hai nước.
Kết thúc chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc.
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 31
Ngày 13 và 14-11, tại thủ đô Manila (Philippines) đã diễn ra Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 31. Đây là sự kiện quan trọng nhất trong năm của ASEAN, với sự tham gia của các nhà lãnh đạo 10 nước ASEAN và các đối tác, đều là các nước lớn, tổ chức khu vực và quốc tế quan trọng.
Tại hội nghị, các nhà Lãnh đạo ASEAN đã tập trung đánh giá công tác triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, bàn các biện pháp tăng cường hiệu quả hoạt động ASEAN và trao đổi ý kiến về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN đã đưa ra Tuyên bố chung, ký kết 1 văn kiện, thông qua 11 văn kiện và ghi nhận 11 văn kiện khác. Các tuyên bố/văn kiện phản ánh nội dung hợp tác trên nhiều lĩnh vực, liên quan trực tiếp đến lợi ích người dân các quốc gia ASEAN.
Cũng trong khuôn khổ của hội nghị cấp cao ASEAN 31 lần này còn diễn ra các hội nghị cấp cao liên quan như Cấp cao ASEAN + 3 (với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) lần thứ 20, Cấp cao ASEAN + 1 (với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Canada, Liên minh châu Âu, Liên hợp quốc), hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 12, hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 9 và hội nghị các nhà lãnh đạo Hiệp định Đối ác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 cũng đã chính thức chuyển giao chức Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2018 cho Singapore.
Tham dự và phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN 31, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ASEAN cần tập trung vào lợi ích của người dân, nỗ lực làm mới bản sắc của mình thông qua thúc đẩy những cái chung, đặc biệt là quyết tâm chung xây dựng một ASEAN tự cường, đề cao lợi ích chung cho người dân Cộng đồng và đóng góp nỗ lực để tạo dựng thành quả mang tên chung ASEAN. Thủ tướng cũng đề nghị ASEAN chú trọng hơn nữa xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và sự phát triển của doanh nghiệp thông qua thúc đẩy liên kết kinh tế và thương mại nội khối, tăng cường bổ trợ lẫn nhau giữa các nền kinh tế trong Cộng đồng; ASEAN cần phát huy hơn nữa vai trò trung tâm và vị thế của mình trên trường quốc tế, phấn đấu vì mục tiêu duy trì hoà bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực.
Trong dịp này, Thủ tướng còn tham dự cuộc gặp Thủ tướng 3 nước Campuchia, Lào, Việt Nam; hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi; tiếp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk.
Liên minh châu Âu đạt thỏa thuận hợp tác cấu trúc thường trực về quốc phòng (PESCO)
Sau một thời gian dài cân nhắc, ngày 13-11, các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Liên minh châu Âu đã thông qua thỏa thuận lịch sử hợp tác cấu trúc thường trực quốc phòng (PESCO) về việc nhất thể hóa lực lượng quân đội các nước, nhằm tạo thành sức mạnh tập thể.
Đây là sáng kiến do Cao ủy phụ trách về An ninh và Đối ngoại Federica Mogherini đề ra. PESCO được kỳ vọng sẽ tạo ra một Liên minh châu Âu “có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ hơn” trong các vấn đề an ninh toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh Anh chuẩn bị rời Liên minh châu Âu. Việc Anh chuẩn bị tách khỏi khối là bước ngoặt quan trọng đối với PESCO do lâu nay Anh luôn tìm cách cản trở thỏa thuận này với lý do có phần trùng lặp với chức năng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà nhiều nước trong Liên minh châu Âu là thành viên.
Nhìn chung, PESCO cho thấy tính tự chủ cao, vốn rất quan trọng trong bối cảnh Mỹ và NATO thường xuyên chỉ trích giới chức Liên minh châu Âu về việc luôn tìm cách dựa vào Mỹ trong việc bảo vệ an ninh nội khối và chỉ phát triển vũ khí quân sự nếu có được lợi ích chính trị. Nhưng kể từ khi tổng thống Mỹ Trump lên nắm quyền, có nhiều yếu tố khiến châu Âu nhận thấy cần phát huy sự tự chủ hơn.
Bế mạc hội nghị COP-23, nhất trí duy trì cam kết với Hiệp định Paris
Ngày 18/11, Hội nghị lần thứ 23 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 23) tại thành phố Bonn (Bon) của Đức) đã bế mạc sau 2 tuần làm việc. Hội nghị đã thu hút lãnh đạo và quan chức của gần 200 quốc gia tham dự để tìm cách thúc đẩy thế giới hành động, sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris đồng thời khuyến khích sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở trong nước.
Việc rút khỏi Hiệp định Paris, Tổng thống Trump đã bỏ ngang cam kết đến năm 2025 sẽ cắt giảm lượng khí thải xuống thấp hơn so với năm 2005 là 26%-28% do chính quyền tiền nhiệm đưa ra. Ngoài ra, khoản viện trợ 2,5 tỷ USD Mỹ cam kết dành cho các quốc gia nghèo hơn để thích nghi với biến đổi khí hậu và đối phó với các ảnh hưởng của nó cũng không còn.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia phân tích cho rằng, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được cho là sẽ làm suy yếu các nỗ lực toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, các nhà lãnh đạo trên thế giới đã gấp rút hành động để “cứu” Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu toàn cầu và mục tiêu của COP-23 là cụ thể hóa các thỏa thuận của Hiệp định này.
Các nước đồng ý khởi động tiến trình “Đối thoại Talanoa”, theo tiếng Fiji có nghĩa là chia sẻ kinh nghiệm, bắt đầu từ năm 2018 để xem xét lại các kế hoạch giảm thiểu khí thải nhà kính hiện hành nhằm đạt các mục tiêu tham vọng của Hiệp định Paris. COP 23 cũng đã đạt tiến triển trong việc soạn thảo một bộ quy tắc chi tiết thực thi Hiệp định Paris, với mục tiêu chấm dứt việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong thế kỷ 21. Bộ quy tắc này, bao gồm cả cách thức để thông báo và theo dõi lượng khí thải nhà kính của mỗi quốc gia, dự kiến chính thức ra mắt vào tháng 12/2018.
Sau hơn 10 ngày họp, hội nghị COP-23 đã kết thúc với việc các nhà lãnh đạo tham gia đã đạt được nhận thức chung về mối hiểm họa từ biến đổi khí hậu và kêu gọi các nước hành động. Đáng chú ý, tại hội nghị, lãnh đạo Đức và Pháp đã cùng cam kết hạn chế sử dụng than đá trong nước, đồng thời khẳng định châu Âu sẽ thay thế Mỹ trong vai trò đầu tàu của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, các nhà đàm phán đã nhất trí trao cho phụ nữ, người dân bản địa và những người có liên hệ với nghề nông một vai trò lớn hơn trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại những bất đồng về tài chính, đặc biệt là sự chia rẽ giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển. Các nước đang phát triển yêu cầu một cam kết cụ thể và minh bạch hơn từ các quốc gia phát triển liên quan đến khoản hỗ trợ trị giá 100 tỷ USD/năm cho đến năm 2020 để giúp các nước nghèo hơn phát triển năng lượng sạch và ứng phó tốt hơn với các hậu quả của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các đại diện đến từ các nước phát triển đã từ chối xem xét áp dụng các loại thuế hay các cách thức nào đó nhằm giúp các nước nghèo trang trải những thiệt hại ngày càng lớn mà họ phải hứng chịu do thiên tai.
Hội nghị Ngoại trưởng bất thường của Liên đoàn Arab
Ngày 19/11 Liên đoàn Arab tổ chức cuộc họp bất thường các Bộ trưởng Ngoại giao tại Cairo theo yêu cầu của Saudi Arabia để thảo luận về căng thẳng hiện nay giữa Saudi Arabia và Iran.
Theo MENA, yêu cầu triệu tập cuộc họp khẩn cấp này của Riyadh nhằm thảo luận về “các biện pháp đối phó với sự can thiệp của Iran vào các công việc nội bộ của các nước Arab” đã nhận được sự ủng hộ của Bahrain, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Kuwait và Djibouti, quốc gia hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Liên đoàn Arab.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Liban Gebran Bassil có thể sẽ không tham dự cuộc họp bất thường này của Liên đoàn Arab với lý do muốn tránh một cuộc đối đầu được dự đoán từ trước tại cuộc họp với Saudi Arabia và các đồng minh Arab của Riyadh liên quan tới vai trò của nhóm Hezbollah tại Liban, do Iran hậu thuẫn.
Hãng thông tấn MENA cho biết thêm các Bộ trưởng Ngoại giao của Ai Cập, Saudi Arabia, UAE và Bahrain cũng sẽ có cuộc gặp với Tổng thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Aboul Gheit ại Cairo ngày 19/11, trước khi diễn ra cuộc họp khẩn cấp nói trên, tuy nhiên không nói rõ lý do của cuộc gặp.
Căng thẳng giữa Saudi Arabia theo dòng hồi giao Sunni và Iran theo dòng hồi giáo Shi’ite đã gia tăng trong những tháng gần đây đặc biệt là do vấn đề Liban, Yemen và Qatar.
Iraq giải phóng đô thị cuối cùng khỏi tay Nhà nước Hồi giáo
Ngày 17/11, các lực lượng an ninh Iraq đã đẩy lui các tay súng của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng và giải phóng hoàn thành phố Rawa gần biên giới Syria, thành trì đô thị cuối cùng của tổ chức này tại Iraq.
Theo chỉ huy chiến dịch, Trung tướng Abdul Amir Yarallah, rạng sáng cùng ngày, các lực lượng quân sự và các tay súng bán quân sự đã tiến vào Rawa theo 3 mũi và giải phóng 4 vùng lân cận phía Tây trước khi tiến vào giải phóng hoàn toàn thành phố Rawa và cắm cờ Iraq trên nhiều tòa nhà trong khu vực. Tổng thống Iraq Haider al-Abadi đã chúc mừng người dân Iraq và các lực lượng an ninh với chiến công này. Ông đánh giá cao khả năng phối hợp tác chiến và chiến thuật đánh nhanh thắng nhanh của các lực lượng, giúp giải phóng Rawa chỉ trong vài giờ. Ông al-Abadi cũng thông báo nhiều đơn vị đang tiếp tục truy quét các tay súng ở những vùng nông thôn rộng lớn ở phía Bắc sông Euphrates cũng như vùng sa mạc giữa các tỉnh Anbar và Salahudin.
Nhà nước Hồi giáo chiếm giữ một vùng rộng lớn lãnh thổ Iraq từ năm 2014. Sau 3 năm giao tranh, các lực lượng Iraq đã lấy lại phần lớn vùng bị chiếm đóng trong đó có Mosul, thành phố lớn thứ hai cả nước. Chiến dịch phản công quy mô lớn nhằm giải phóng Rawa bắt đầu từ ngày 26/10 vừa qua.
Liên minh châu Phi và Liên minh châu Âu cam kết tăng cường hợp tác an ninh
Liên minh châu Phi (AU) và Liên minh châu Âu đã cam kết tăng cường hợp tác hơn nữa trong việc giải quyết những vấn đề thách thức về hòa bình và an ninh tại châu Phi. Đây là cam kết giữa hai bên tại Cuộc họp tư vấn thường niên lần thứ 10 của Hội đồng Hòa bình và An ninh AU (AUPSC) và Ủy ban Chính trị và An ninh Liên minh châu Âu diễn ra ngày 17/11 tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia.
Đại sứ CH Chad tại AU Cherif Mahamat Zene, đồng chủ tịch cuộc họp tư vấn trên khẳng định các cuộc xung đột, các cuộc tấn công khủng bố, mất an ninh và mất ổn định tiếp tục gia tăng ở nhiều nơi tại châu Phi. Ông Zene cho biết tình hình ở Cộng hòa Trung Phi (CAR), Nam Sudan, Somalia, Hồ Chad và Cộng hòa Dân chủ Congo, cùng tình trạng bất ổn kinh tế ở Guinea Bissau cũng là trọng tâm của cuộc họp lần này.
Trong khi đó, ông Walter Stevens, Chủ tịch Liên minh châu ÂuPSC, đồng chủ trì cuộc họp, nhấn mạnh AU và Liên minh châu Âu cần tăng cường hợp tác trong việc giải quyết các xung đột tại châu Phi, tìm ra cách tiếp cận chung giữa Liên minh châu Âu và châu lục này cũng như ở cấp khu vực trong việc lập kế hoạch và tiến hành các hoạt động hỗ trợ hòa bình, phòng chống xung đột cùng với Liên hợp quốc.
Đánh bom liều chết tại miền Đông Syria và Đông Bắc Nigeria
Ngày 17/11, ít nhất 35 dân thường đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom liều chết do tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng tiến hành tại miền Đông Syria.
Theo nguồn tin, Nhà nước Hồi giáo đã tấn công nhằm vào chốt kiểm soát của Các Lực lượng dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn tại khu vực nằm giữa các mỏ dầu Conico và Jafra tại vùng nông thôn ở Đông Bắc tỉnh Deir al-Zour, miền Đông Syria. Trong khi đó, các nhà hoạt động tại Syria khẳng định số người thiệt mạng trong vụ đánh bom xe liều chết này là 50 người.
Trước đó, vào ngày 15/11 các vụ đánh bom liên hoàn đã khiến 18 người thiệt mạng và 29 người bị thương tại thành phố Maiduguri, Đông Bắc Nigeria. Đây cũng là khu vực trung tâm của cuộc nổi dậy do nhóm cực đoan Boko Haram tiến hành.
Người phát ngôn cảnh sát Nigeria Victor Isuku nêu rõ vụ việc xảy ra khi 4 kẻ đánh bom liều chết xông vào khu vực cầu nguyện của các tín đồ Hồi giáo tại Muna Gari, gần thủ phủ Maiduguri, thành phố lớn nhất của bang Borno và kích hoạt thiết bị nổ gài trên người. Vụ việc đã khiến 4 kẻ tấn công và 14 tín đồ thiệt mạng, trong khi những người bị thương đã được chuyển đến các bệnh viện tại trung tâm thành phố để điều trị.
Nhóm vũ trang Boko Haram nổi dậy chống chính phủ và quân đội Nigeria kể từ năm 2009 với âm mưu thành lập cái gọi là “nhà nước Hồi giáo” tại khu vực Đông Bắc và vùng lãnh thổ của các nước láng giềng Cameroon, Cộng hòa Chad và Niger rộng lớn. Các vụ tấn công khủng bố do nhóm này thực hiện đã làm hơn 20.000 người thiệt mạng và 2,5 triệu người dân phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn./.
Nguồn ĐCSVN-TT