– Chủ tịch nước Việt Nam thăm Cộng hòa Ấn Độ; Đảng cầm quyền chiến thắng bầu cử Thượng viện Campuchia; Thông qua thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh tại Đức; Cơ hội hòa giải tại Afghanistan; Tổng thống Nga Putin đọc Thông điệp liên bang; Công nghệ 5G dẫn đầu xu hướng;…là một số sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua
Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trần Đại Quang thăm Cộng hòa Ấn Độ;
Nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Ấn Độ Ram Nath Kovind, từ ngày 2 – 4/3/2018, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trần Đại Quang và Phu nhân, cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Ấn Độ.
Tham gia Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đi thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Ấn Độ có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh. Tham gia đoàn còn có Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên, Trợ lý Chủ tịch nước Trần Quang Tiệp.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, tại Thủ đô New Delhi, Chủ tịch Trần Đại Quang đã Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có cuộc hội kiến với Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind; tiếp kiến Chủ tịch Hạ viện Sumitra Mahajan, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Sushma Swaraj và Nguyên Chủ tịch đảng Quốc Đại Sonia Gandhi đến chào; dự Lễ khai mạc “Những ngày văn hóa Việt Nam tại Ấn Độ” và tham quan triển lãm không gian sắc màu Việt Nam.
Chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch Trần Đại Quang và Phu nhân tới Cộng hòa Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt Việt Nam – Ấn Độ tiếp tục phát triển sâu rộng, đặc biệt kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2007 và nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện năm 2016. Chuyến thăm khẳng định Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, trong đó luôn coi trọng tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt với Ấn Độ.
Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó lâu đời, được các thế hệ lãnh đạo hai nước gìn giữ, vun đắp và liên tục phát triển. Từ những năm 50 của thế kỷ trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru đã khẳng định tình hữu nghị thủy chung giữa hai dân tộc. Ấn Độ tích cực ủng hộ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất trước đây, cũng như trong sự nghiệp đổi mới và phát triển sau này.
Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược năm 2007, hai bên đã mở rộng, triển khai tất cả các lĩnh vực hợp tác từ kinh tế, thương mại, đầu tư đến hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, khoa học giáo dục, văn hóa, du lịch, nông nghiệp… Trong đó, quan hệ kinh tế, thương mại được Chính phủ hai nước xác định là một trong những trụ cột của mối quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Ấn Độ.
Ấn Độ đang giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, kinh tế, luật, tiếng Anh… thông qua nhiều học bổng ngắn hạn và dài hạn (khoảng 150 suất). Những năm gần đây, lượng khách Ấn Độ đến Việt Nam đã có mức tăng ấn tượng, trung bình 17%/năm trong giai đoạn 2010 – 2016; năm 2016 tăng 30% (85.000 lượt).
Hai bên phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Trong vai trò là điều phối viên quan hệ Ấn Độ – ASEAN (giai đoạn 2015 – 2018), Việt Nam ủng hộ Ấn Độ thực hiện Chính sách “Hành động hướng Đông”, các sáng kiến kết nối khu vực, hỗ trợ phát triển Tiểu vùng Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam (CLMV), sông Hằng – sông Mekong (MGC).
Đảng CPP giành chiến thắng tại cuộc bầu cử Thượng viện Campuchia
Ngày 25-2, cuộc bầu cử Thượng viện Campuchia khóa IV đã diễn ra với kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền đã giành được chiến thắng tuyệt đối, khi giành được toàn bộ 58 ghế được bầu.
Thượng viện Campuchia khóa IV có 62 ghế với 58 Thượng Nghị sỹ được bầu; 2 Thượng Nghị sỹ được Quốc vương Norodom Sihamoni chỉ định và 2 Thượng Nghị sỹ còn lại do Quốc hội bầu. Thượng viện Campuchia có nhiệm kỳ 6 năm. Là cơ quan lập pháp có quyền quyết định đối với các văn bản pháp luật của Quốc hội trước khi trình Quốc vương ký thông qua.
Cuộc bầu cử Thượng viện Campuchia lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị ở Campuchia đã và đang có nhiều biến chuyển tích cực. Sau 33 năm lãnh đạo, Thủ tướng Hun Sen và đảng CPP đã vực dậy Campuchia từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Kể từ năm 2011 đến nay, kinh tế Campuchia đều tăng trưởng với tốc độ 7%/năm. Các định chế tài chính thường xuyên đưa ra những đánh giá tích cực về triển vọng tươi sáng và tốc độ tăng trưởng ổn định của một trong 5 nền kinh tế ấn tượng nhất châu Á theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB).
Chiến thắng vang dội của CPP tại cuộc bầu cử Thượng viện khóa IV đã giúp khẳng định vị thế của CPP cũng như là “bài kiểm tra” thành công đối với đường lối phát triển đất nước của chính đảng này.
Thông qua thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh tại Đức
Ngày 26-2, 97% trong tổng số 1.000 đại biểu tham dự Đại hội đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) đã bỏ phiếu thông qua thoả thuận thành lập chính phủ liên minh mới tại Đức giữa liên đảng bảo thủ Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU)/Xã hội cơ đốc giáo (CSU) với đảng Dân chủ xã hội (SPD).
Trước đó, thỏa thuận trên đã được liên đảng CDU/CSU và SPD đạt được vào ngày 7-2. Đảng SPD cũng đã tiến hành bỏ phiếu trưng cầu ý kiến của hơn 460.000 đảng viên về việc có ủng hộ hay không thỏa thuận liên minh trên vào ngày 20-2. Dự kiến vào ngày 4-3 tới, đảng SPD sẽ công bố kết quả cuộc bỏ phiếu. Đây chính là trở ngại cuối cùng trên con đường thành lập một chính phủ liên bang mới ở Đức. Nếu được SPD thông qua, chính trường Đức sẽ thoát được tình trạng bế tắc chính trị kéo dài hơn 5 tháng qua kể từ sau cuộc bầu cử Quốc hội liên bang ngày 24-9-2017. Tuy nhiên, nếu các đảng viên của SPD không thông qua, nước Đức sẽ hoặc phải đối mặt với các cuộc bầu cử mới, hoặc lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II sẽ phải nằm dưới sự điều hành của một chính phủ thiểu số do bà Merkel lãnh đạo.
Do đó, việc đảng Dân chủ cơ đốc giáo CDU vừa thông qua thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh ngày 26-2 với sự đồng thuận lớn là một ủng hộ quý giá đối với Thủ tướng Đức tại thời điểm này. Đồng thời với thắng lợi trên, Thủ tướng Merkel cũng đã công bố danh sách 6 bộ trưởng thuộc đảng CDU của bà tham gia vào chính phủ mới. Điều này cho thấy Thủ tướng Đức đang thực hiện việc đổi mới trong chính phủ, bắt đầu từ chính nhân sự của đảng CDU, nhằm xoa dịu được phe nổi loạn trong CDU.
Những động thái trên được nhận định là rất tích cực giúp Thủ tướng Merkel có thể vững bước điều hành nhiệm kỳ Thủ tướng thứ 4 của mình.
Cơ hội hòa giải giữa chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban
Ngày 28-2 đã diễn ra hội nghị quốc tế mang tên “Tiến trình hợp tác hòa bình và an ninh Kabul” tại thủ đô Kabul, Afghanistan, với sự tham dự của đại diện hơn 20 quốc gia và các tổ chức quốc tế nhằm tìm ra giải pháp thông qua thương lượng đối với cuộc khủng hoảng kéo dài ở Afghanistan.
Phát biểu tại hội nghị, tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã đưa ra đề nghị ngừng bắn trước các cuộc đàm phán hòa bình với lực lượng Taliban nhằm chấm dứt 17 năm chiến sự ở quốc gia này. Ông Ghani cho biết, chính phủ Afghanistan sẵn sàng chấp nhận việc xem xét lại hiến pháp, phóng thích các tù nhân Taliban, xóa tên các thủ lĩnh Taliban khỏi danh sách trừng phạt của cộng đồng quốc tế cũng như mở văn phòng đại diện của Taliban tại Kabul hoặc ở các thành phố khác của Afghanistan. Đổi lại Taliban phải công nhận chính phủ Afghanistan và tôn trọng nguyên tắc luật pháp.
Trước đó, ngày 14-2, trong một thông điệp gửi cho Mỹ, Taliban cũng cho biết sẵn sàng tham gia thương lượng để chấm dứt chiến tranh tại Afghanistan, nhấn mạnh tới giải quyết bạo lực tại Afghanistan thông qua đối thoại hòa bình.
Do đó, việc chính phủ Afghanistan đề xuất hòa đàm với Taliban cũng như việc Taliban khẳng định sẵn sàng thương lượng với Mỹ về cuộc khủng hoảng ở Afghanistan được cho là giải pháp chính trị quan trọng để giải quyết bất ổn tại quốc gia Tây Nam Á này. Tuy nhiên vẫn còn có khá nhiều ý kiến lo ngại về triển vọng của tiến trình này bởi thời gian qua, Taliban vẫn liên tục tiến hành các vụ tấn công khủng bố nhằm vào dân thường Afghanistan khiến cho tiến trình hòa bình trở nên vô cùng mong manh.
Tổng thống Nga Putin đọc Thông điệp liên bang
Ngày 1-3, tổng thống Nga Vladimir Putin đã trình bày bản Thông điệp liên bang năm 2018 trước hai viện Quốc hội và giới chức Nga trong gần 2 tiếng, đạt kỷ lục về thời gian.
Điểm đáng chú ý trong Thông điệp liên bang năm nay đó là việc nó đánh dấu lần đầu tiên ông Putin trình bày kèm theo các con số thống kê, các đồ họa và các video clip minh họa trên các màn hình khổng lồ gắn trong phòng họp. Trong suốt 1 tiếng 55 phút liên tục, tổng thống Nga đã dành khoảng một nửa thời lượng để đánh giá kết quả và đề ra các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Theo ông, trong vòng 6 năm tới (tương đường một nhiệm kỳ tổng thống), Nga cần phải giảm 50% tỷ lệ đói nghèo, khi mà trong xã hội Nga hiện có tới 20 triệu người đang phải sống dưới mức chuẩn, với thu nhập chỉ vào khoảng 180 USD/tháng. Ông cũng đặt mục tiêu tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên 1,5 lần vào cuối thập kỷ này.
Ở phần thứ hai, ông đề cập đến các vấn đề quốc phòng của Nga và nền an ninh quốc tế, trong đó ông tập trung chuyển tải thông điệp về lập trường kiên quyết của Nga trong chính sách đối với phương Tây.
Nhìn chung, bản Thông điệp liên bang năm 2018 đã cung cấp cái nhìn tổng quan về tình hình Nga hiện tại, đề ra hướng đi chính trong chính sách đối nội và đối ngoại những năm tiếp theo. Đây cũng được coi là cương lĩnh tranh cử của ông Putin trước cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 18-3 sắp tới. Và trong suốt gần 2 giờ đồng hồ, bản thông điệp của tổng thống Putin đã nhiều lần nhận được những tràng vỗ tay tán thưởng.
Công nghệ 5G dẫn đầu xu hướng tại Triển lãm di động thế giới 2018
Từ ngày 26-2 đến ngày 1-3, triển lãm di động thế giới (MWC) năm 2018 đã diễn ra tại Barcelona, Tây Ban Nha. Đây là một sự kiện thường niên, bắt đầu từ năm 1987 và do hội liên hiệp Truyền thông di động toàn cầu (GSM) tổ chức. Không chỉ là sàn diễn của các sản phẩm mới, MWC đã dần trở thành nơi khởi đầu cho công nghệ và xu hướng tương lai.
Năm nay, MWC tiếp tục chứng kiến những bước đột phá, tạo nên những hiệu ứng khổng lồ trên các thiết bị cầm tay nhỏ gọn. Con người giờ đã có thể chụp ảnh nhiều tiêu cự bằng một chiếc điện thoại dày chưa đầy 1cm, thưởng thức các bộ phim 3D và thậm chí là chơi game không gian ảo ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào.
Một trong những điểm nổi bật thu hút sự chú ý tại MWC năm nay chính là công nghệ di động thế hệ thứ năm – 5G. Công nghệ thông tin di động 5G được Liên minh viễn thông quốc tế (ITU-R) phê chuẩn tên gọi chính thức là IMT-2020 (vào năm 2015). Sau nhiều năm nghiên cứu và thiết lập tiêu chuẩn, công nghệ 5G dự kiến sẽ chính thức được triển khai trên thế giới trong năm nay. Một số thành phố tại châu Á, Bắc Mỹ và châu Âu sẽ là những nơi đầu tiên được áp dụng công nghệ 5G.
Tại Thế vận hội mùa Đông Olympic Pyeongchang 2018 vừa tổ chức tại Hàn Quốc, những màn trình diễn và trải nghiệm với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin di động 5G mặc dù mới chỉ là phiên bản sơ khai của 5G, nhưng đã cho thấy một minh chứng rõ nét về tiềm năng của công nghệ này trong việc giải quyết các thách thức kết nối mọi lúc, mọi nơi, và kết nối vạn vật. Các thử nghiệm đã cho phép các chương trình phát sóng HD từ các máy quay trực tiếp trong các cuộc thi trượt tuyết với tốc độ lên đến 150 km/h.
Kết thúc Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang 2018
Từ ngày 9 đến 25-2, Thế vận hội mùa Đông lần thứ 23 – Olympic Pyeongchang 2018 – đã diễn ra tại Hàn Quốc với khẩu hiệu “Đam mê, Kết nối”. Trong 17 ngày của Thế vận hội, 2.920 vận động viên đến từ 92 quốc gia đã tranh tài để giành 102 huy chương vàng. Trong số đó, CHDCND Triều Tiên đã được Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đặc cách cho 46 vận động viên của nước này tham dự Thế vận hội.
Với 14 huy chương vàng, 14 huy chương bạc, 11 huy chương đồng, đoàn thể thao Na Uy đã giành ngôi đầu của đại hội, qua đó khẳng định vị thế số 1 của mình trên đấu trường thể thao mùa Đông. Olympic Pyeongchang 2018 cũng ghi dấu mốc là kỳ Thế vận hội mùa Đông đầu tiên trong lịch sử có hơn 100 huy chương vàng được trao.
Đặc biệt, tại thế vận hội này, khán giả không thể quên được hình ảnh dàn hoạt náo viên mang tên “Đoàn quân mỹ nhân” đến từ Bình Nhưỡng khuấy động các khán đài, cổ vũ cho các vận động viên hai miền thi đấu chung dưới một lá cờ: lá cờ nền trắng, với hình ảnh bán đảo Triều Tiên nối liền một dải màu xanh yên ả.
Có thể thấy, đây không chỉ là một ngày hội thể thao mà còn là biểu tượng dành cho khát vọng thống nhất và là cơ hội để bầu không khí giữa hai miền bán đảo Triều Tiên trở nên ấm cúng hơn, thuận lợi hơn cho những cuộc thảo luận mới, sẵn sàng hơn cho những cơ hội hợp tác mới./.