VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

 – Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ ba; Hội nghị An ninh Quốc tế lần thứ 7; Diễn đàn châu Á Bác Ngao; Bầu cử Quốc hội Hungary; Căng thẳng ngoại giao Pháp – Italy; Trung Quốc trả đũa thương mại Mỹ; Đình công gây trở ngại lớn cho ngành đường sắt Pháp… là một số sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.

Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ ba

Dưới chủ đề “Tăng cường nỗ lực chung và mở rộng quan hệ đối tác nhằm đạt các Mục tiêu phát triển bền vững trên lưu vực sông Mekong”, trong hai ngày 4-5/4 tại Siem Reap, Campuchia đã diễn ra Hội nghị Cấp cao lần thứ ba Uỷ hội sông Mekong quốc tế (MRC) với sự tham gia của các Thủ tướng của bốn nước thành viên Uỷ hội là Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Cùng tham dự Hội nghị có Bộ trưởng bộ Tài nguyên nước Trung Quốc và Bộ trưởng Môi trường Myanmar, hai nước đối tác đối thoại của Uỷ hội, cùng nhiều đại diện của các đối tác phát triển khác.

Hội nghị tập trung rà soát tình hình hợp tác trong khuôn khổ Uỷ hội, thực hiện các cam kết đưa ra tại Hội nghị cấp cao lần thứ hai từ năm 2014 tại TP.Hồ Chí Minh và xác định các lĩnh vực ưu tiên trong giai đoạn tiếp theo.

Hội nghị Cấp cao lần thứ ba Uỷ hội sông Mê Công quốc tế.  (Ảnh: VPCP)

Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị thống nhất cho rằng Uỷ hội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng như: thông qua và triển khai Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước giai đoạn 2016/2020, hoàn thành nghiên cứu về Quản lý và Phát triển bền vững sông Mekong, góp phần tạo căn cứ khoa học cho việc ra các quyết định quan trọng liên quan đến các hoạt động phát triển lưu vực của các quốc gia ven sông.

Ủy hội cũng đã cải tổ bộ máy Ban Thư ký theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, thống nhất công thức đóng góp hàng năm của các quốc gia thành viên theo hướng đều nhau và hướng đến mục tiêu Ủy hội tự chủ về tài chính vào năm 2030, mở rộng hợp tác với các đối tác đối thoại, các đối tác phát triển, các tổ chức lưu vực sông quốc tế và các tổ chức quốc tế trong khu vực, đặc biệt là ASEAN.

Về định hướng hợp tác trong thời gian tới, các nhà lãnh đạo khẳng định cam kết và quyết tâm thúc đẩy tiến trình hợp tác Mekong mạnh mẽ hơn nữa nhằm tranh thủ các cơ hội phát triển và vượt qua các thách thức, triển khai các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy việc thực hiện Chiến lược hợp tác lưu vực.

Các nước cũng nhất trí áp dụng bộ các thủ tục của Uỷ hội về sử dụng bền vững, hợp lý và công bằng nguồn tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan khác của sông Mekong, nhất trí Uỷ hội cần phát huy vai trò hơn nữa trong việc định hướng hợp tác và đề ra các biện pháp cụ thể nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững trong khu vực.

Các nhà lãnh đạo cũng thống nhất tăng cường hợp tác với các cơ chế trong và ngoài khu vực như ASEAN, Hợp tác Mekong/Lan Thương, Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) và các tổ chức quản lý lưu vực sông quốc tế khác, đồng thời tiếp tục khuyến khích sự tham gia của cả cộng đồng.

Hội nghị đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung Siem Reap ghi nhận các thành quả của Ủy hội đạt được, chỉ ra những thách thức và cơ hội mới đối với lưu vực sông Mekong, khẳng định tầm quan trọng của hợp tác Mekong và việc tăng cường hiệu quả thực hiện Hiệp định Mekong 1995, đồng thời xác định các hoạt động ưu tiên trong thời gian 4 năm tới cũng như định hướng lâu dài cho hợp tác trong khuôn khổ Uỷ hội.

Dự và phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc khai thác bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên khác có liên quan trên lưu vực sông Mekong là cơ hội, nhưng cũng là thách thức và trách nhiệm của tất cả các nước. Thủ tướng nhấn mạnh quan tâm hàng đầu của Chính phủ Việt Nam hiện nay là ứng phó với các tác động tiêu cực đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long do biến đổi khí hậu, các hiện tượng khí hậu cực đoan và hoạt động của con người.

Về các lĩnh vực hợp tác trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Uỷ hội cần tập trung ưu tiên tăng cường việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Hiệp định Mekong năm 1995 và vai trò giám sát, điều phối của Uỷ hội trong triển khai thực hiện các cam kết của các quốc gia thành viên.

Thủ tướng đề xuất xây dựng khung quy hoạch phát triển lưu vực nhằm hài hoà quy hoạch tài nguyên nước của các quốc gia và thúc đẩy việc triển khai các dự án hợp tác chung, tăng cường chia sẻ thông tin số liệu trong lưu vực sông Mekong và đẩy mạnh các hoạt động điều phối, hợp tác với các nước đối tác đối thoại, đối tác phát triển và các tổ chức quản lý lưu vực sông xuyên biên giới khác nhằm huy động nguồn lực, tiếp thu kinh nghiệm quản lý và công nghệ kỹ thuật hiện đại trong triển khai các sáng kiến hợp tác tiểu vùng.

Uỷ hội sông Mekong quốc tế được thành lập từ năm 1995, là tổ chức khu vực duy nhất có chức năng xây dựng khuôn khổ pháp lý, trong đó có những quy chế ràng buộc đối với các quốc gia thành viên về chia sẻ công bằng, hợp lý tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, thúc đẩy các dự án phát triển chung.

Từ năm 2010, Uỷ hội bắt đầu họp Hội nghị Cấp cao định kỳ bốn năm một lần, luân phiên tại các quốc gia thành viên và đều vào ngày 5/4 là ngày ký Hiệp định Hợp tác Phát triển bền vững lưu vực sông Mekong năm 1995 (thường gọi là Hiệp định Mekong 1995). Hội nghị cấp cao lần thứ nhất được tổ chức năm 2010 tại Hua Hin, Thái Lan và Hội nghị Cấp cao lần thứ hai được tổ chức năm 2014 tại TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.

Hội nghị An ninh Quốc tế lần thứ 7

Ngày 4/4, Hội nghị An ninh Quốc tế lần thứ 7 với nội dung chính bao gồm các chủ đề chống khủng bố đã khai mạc ở thủ đô Moscow của Nga. Hội nghị năm nay có sự tham dự của hơn 850 đại biểu đến từ 95 quốc gia, trong đó có 30 Bộ trưởng Quốc phòng, 15 Tổng tham mưu trưởng và Thứ trưởng Quốc phòng, cũng như 68 chuyên gia quốc tế.

Ngoài chủ đề chính “Triển vọng phát triển tình hình tại Trung Đông sau khi Nhà nước Hồi giáo tự xưng bị đánh bại ở Syria” bao gồm vấn đề khôi phục sau xung đột và thiết lập cuộc sống hòa bình tại quốc gia Trung Đông này, chương trình nghị sự của Hội nghị năm nay còn bao gồm các vấn đề an ninh châu Âu, châu Á, châu Phi, Mỹ La tinh và “sức mạnh mềm” như công cụ giải quyết những nhiệm vụ quân sự, chính trị.

Tại phiên khai mạc, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, mặc dù phải hứng chịu nhiều thất bại quân sự, nhưng Nhà nước Hồi giáo vẫn duy trì tiềm năng tàn phá lớn, có khả năng nhanh chóng thay đổi và thực hiện tấn công tại nhiều nước và khu vực khác nhau trên thế giới. Các nhóm cực đoan cũng đang tạo ra mối đe dọa to lớn đối với an ninh quốc tế. Trong bối cảnh đó, cộng đồng quốc tế cần phải cùng nhau suy nghĩ về những khuôn khổ hợp tác đa phương mới cho phép củng cố những thành công đạt được trong cuộc chiến chống khủng bố, và ngăn chặn phổ biến mối đe dọa này.

Tại Hội nghị, Giám đốc Cơ quan An ninh LB Nga Aleksandr Bortnikov nhấn mạnh, các nhóm khủng bố giờ đây đã nắm vững các công nghệ thông tin và viễn thông hiện đại. Ước tính hiện các nhóm khủng bố đang có khoảng hơn 10 trang web và hàng trăm nghìn tài khoản mạng xã hội để tuyển mộ và tuyên truyền tấn công khủng bố. Đáng lo ngại hơn, các phương tiện thông tin liên lạc qua internet mã hóa, ngân hàng điện tử, tiền ảo (Cryptocurrency) cũng bị các nhóm khủng bố sử dụng để cung cấp tài chính và chỉ đạo các hoạt động khủng bố từ xa.

Còn Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho rằng nếu thống nhất nỗ lực của Nga, Iran, lực lượng vũ trang Syria cùng với Liên minh quốc tế sẽ giúp tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo nhanh hơn và giảm thiểu tổn thất. Ông Shoigu cảnh báo, các nhóm khủng bố sau khi bị đánh bại đang tìm cách di chuyển từ Syria, Iraq đến các khu vực khác, hoạt động khủng bố tại châu Phi đang tăng lên, lực lượng thành chiến đang quay trở lại châu Á và châu Âu, đặc biệt Afghanistan, nơi đang có gần 4,5 nghìn tay súng Nhà nước Hồi giáo trú ngụ, có thể trở thành nơi trú ngụ cho lực lượng khủng bố quốc tế…

Đoàn đại biểu Quân sự Việt Nam do Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu tham dự Hội nghị.

Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2018

Ngày 8/4, Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2018 đã mở màn với cuộc họp báo và công bố báo cáo học thuật tại Trung tâm Báo chí Diễn đàn châu Á Bác Ngao, tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc.

Tổng Thư ký Diễn đàn châu Á Bác Ngao Chu Văn Trọng công bố 3 báo cáo học thuật quan trọng nhất của Diễn đàn năm nay gồm: “Báo cáo về nhất thể hóa kinh tế châu Á”, “Báo cáo về các nền kinh tế mới nổi”, “Báo cáo về sức cạnh tranh của châu Á”. Các báo cáo này sẽ tập trung trình bày về tiến triển của tiến trình nhất thể hóa châu Á, tình hình một số nền kinh tế mới nổi tiêu biểu, bảng xếp hạng sức cạnh tranh của các nước châu Á.

Diễn đàn châu Á Bác Ngao được tổ chức định kỳ hàng năm tại thành phố duyên hải Bác Ngao trên đảo Hải Nam, Trung Quốc. Diễn đàn này do 25 nước châu Á như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Singapore v.v… và Australia thành lập năm 2001 nhằm tạo môi trường đối thoại cấp cao cho chính phủ, doanh nghiệp và các chuyên gia, học giả về các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường… ; thúc đẩy hợp tác kinh tế, hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của kinh tế khu vực châu Á. Chủ đề của Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2018 là “Một châu Á cởi mở và đổi mới vì một thế giới thịnh vượng hơn”. Diễn đàn năm nay sẽ tập trung vào bốn nội dung lớn gồm: “Toàn cầu hóa với ‘Vành đai và Con đường”, “Châu Á mở cửa”, “Sáng tạo”, và “Cải cách rồi mở cửa”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tham dự chủ trì và có bài phát biểu quan trọng trong lễ khai mạc diễn ra vào sáng 10/4. Tham dự Diễn đàn năm nay còn có các nhà lãnh đạo thế giới khác như: Tổng thống Áo Alexander van der Bellen, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Thủ tướng Mông Cổ Ukhnaagiin Khürelsükh, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Tổng thống Philippines Roddrigo Duterte, Thủ tướng Pakistan Shahid Khaqan Abbasi, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Christine Lagarde cùng hơn 2.000 chính khách, doanh nhân, học giả, phóng viên đến từ nhiều nước trên thế giới.

Hungary tiến hành tổng tuyển cử

Ngày 8/4, cử tri Hungary bắt đầu đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử được giới quan sát châu Âu theo dõi chặt chẽ xem liệu đương kim Thủ tướng Viktor Orban có giành được nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp hay không.

Kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Orban và đảng cánh hữu Fidesz luôn ổn định ở vị trí dẫn đầu, với tỉ lệ ủng hộ luôn cao hơn ít nhất 20% so với các đối thủ, như đảng cực hữu Jobbik và đảng Xã hội theo đường lối trung tả. Dù Fidesz có thể giành được đa số ghế trong quốc hội gồm 199 ghế của Hungary, các nhà phân tích vẫn sẽ theo dõi xem đảng này có đạt được 2/3 số ghế, đủ để thông qua một số dự luật quan trọng hay không. Ngoài ra, việc khoảng 1/3 số cử tri Hungary tới phút chót vẫn chưa quyết định bỏ phiếu cho đảng nào khiến kết quả bầu cử càng khó dự đoán.

Theo kế hoạch, các điểm bỏ phiếu sẽ đóng cửa vào lúc 19h cùng ngày. Kết quả sơ bộ dự kiến sẽ được công bố chỉ 1-2 giờ sau khi hoạt động bỏ phiếu kết thúc.

Trong cuộc bầu cử mới đây nhất năm 2014, Fidesz với đối tác liên minh nhỏ hơn là đảng Dân chủ Thiên chúa giáo, giành được 45% số phiếu, tương đương 133 ghế trong quốc hội. Kết quả này giúp đảng Fidesz vẫn giữ được thế đa số tuyệt đối, tương đương 2/3 số ghế tại quốc hội để có thể tiến hành sửa đổi Hiến pháp và thông qua các đạo luật chính. Tuy nhiên, đảng này đã mất thế đa số tuyệt đối trên tại cơ quan lập pháp sau thất bại trong cuộc bầu cử bổ sung năm 2015.

Căng thẳng ngoại giao Pháp – Italy

Ngày 1/4, các công tố viên thành phố Turin, miền Nam Italy đã mở cuộc điều tra xung quanh cáo buộc nhân viên hải quan Pháp xâm nhập trái phép lãnh thổ Italy. Vụ việc đã gây căng thẳng ngoại giao giữa hai nước.

Theo hãng tin AGI của Italy, cuộc điều tra sơ bộ nói trên được tiến hành nhằm xác minh cáo buộc về việc nhân viên hải quan Pháp lạm dụng quyền hạn và xâm nhập trái phép lãnh thổ Italy. Hoạt động này diễn ra sau khi tổ chức từ thiện giúp đỡ người di cư mang tên Rainbow4Africa cáo buộc các quan chức hải quan Pháp đã xâm phạm văn phòng của tổ chức này tại ngôi làng nhỏ Bardonecchia thuộc dãy Alpơ ở Italy, để xét nghiệm ma túy đối với một hành khách Nigeria trên chuyến tàu chạy theo hướng thủ đô Paris ngày 30/3 vừa qua và thu được kết quả âm tính.

Ngay sau đó một ngày, Bộ Ngoại giao Italy đã triệu đại sứ Pháp tại Rome và yêu cầu giải thích thông tin này, đồng thời cho rằng hành vi xâm phạm chủ quyền Italy theo cáo buộc trên là “không thể chấp nhận được”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngân sách Pháp Gerald Darmanin lại cho rằng các nhân viên hải quan Pháp luôn tuân thủ các quy định trong một thỏa thuận năm 1990 giữa hai nước, theo đó căn phòng mà tổ chức Rainbow4Africa đang sử dụng tại trạm Bardonecchia là không gian mà các quan chức Pháp được quyền tiếp cận.

Để hạ nhiệt căng thẳng, Bộ trưởng Ngân sách Pháp Darmanin cho biết hiện tại phía Pháp đã tạm ngừng các hoạt động kiểm tra tương tự.

Dự kiến hai nước sẽ có cuộc thảo luận về vấn đề này tại Turin vào ngày 16/4 tới.

Hoạt động kiểm tra hành khách Nigeria tình nghi dương tính với ma túy nói trên diễn ra trong bối cảnh Pháp đang tăng cường an ninh tại khu vực biên giới giáp Italy cũng như giám sát các chuyến tàu và dòng người di chuyển từ quốc gia láng giềng vốn được coi là cửa ngõ chính vào lãnh thổ châu Âu đối với hàng trăm nghìn người di cư châu Phi mỗi năm.

Trung Quốc “trả đũa” thương mại Mỹ

Ngày 2/4, Trung Quốc quyết định ngừng ưu đãi thuế đối với 128 sản phẩm của Mỹ, thay vào đó áp mức thuế 15% đến 25% đối với những mặt hàng này, trong đó gồm thịt lợn và trái cây. Đây được xem là hành động “phản đòn” của Bắc Kinh trước việc Washington áp thuế nhập khẩu mới đối với các mặt hàng thép và nhôm, đồng thời áp đặt các khoản thuế bổ sung trị giá 60 tỷ USD đối với Trung Quốc với cáo buộc Bắc Kinh “vi phạm” quyền sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đã hối thúc Mỹ hủy bỏ các biện pháp bảo hộ thương mại vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm đưa trao đổi thương mại song phương đối với các sản phẩm liên quan trở về trạng thái bình thường.

Ngay sau động thái tăng thuế của Trung Quốc đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, đồng USD đã bị trượt giá trong ngày giao dịch 2/4 và phần nào tác động giá dầu thô và thị trường vàng trên thế giới.

Do đó, phản ứng lại, chính quyền Mỹ đã lên tiếng cáo buộc Trung Quốc đang “bóp méo” thị trường toàn cầu, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh không nên tấn công “các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ được buôn bán một cách công bằng”.

Các nhà phân tích nhận định, mặc dù những biện pháp đáp trả mới nhất của Trung Quốc được nhìn nhận là khá khiêm tốn, nhưng động thái trên được xem mới chỉ là bước khởi đầu cho một cuộc chiến thương mại với Mỹ mà những tổn thất hai bên sẽ phải gánh chịu là không hề nhỏ. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cho rằng, hiện Mỹ đang lâm vào thế khó hơn vì trong giao dịch thương mại với Trung Quốc, phần thâm hụt thương mại đang nghiêng về phía Mỹ với con số kỷ lục lên đến 276 tỷ USD (tính đến tháng 1/2018). Do đó, dường như trong “cuộc chiến” thương mại này, có vẻ như Trung Quốc đang nắm phần lợi thế nhiều hơn.

Đình công gây trở ngại lớn cho ngành đường sắt Pháp

Ngày 3/4, giao thông đường sắt trên cả nước Pháp đã bị tê liệt do các nhân viên của Công ty Đường sắt quốc gia Pháp (SNCF) tổ chức đình công quy mô lớn, nhằm phản đối chương trình cải cách lao động của chính phủ.

Báo chí Pháp gọi đây là “Ngày thứ ba đen tối”, tuy nhiên đây mới là ngày đầu tiên trong kế hoạch bãi công kéo dài trong 3 tháng, bắt đầu từ ngày 3/4 đến ngày 28/6 do 4 nghiệp đoàn là CGT, Unsa, SUD, CFDT tổ chức. Theo kế hoạch, trung bình 5 ngày thì có 2 ngày bãi công, 3 ngày làm việc (tức là sẽ có khoảng 36 ngày bãi công).

Những cuộc bãi công kéo dài này được coi là một thách thức lớn đối với kế hoạch cải cách lao động của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Những cải cách này tuy được giới doanh nghiệp ủng hộ nhưng nó lại bị công đoàn và người lao động phản đối mạnh mẽ. Những người bãi công lo ngại rằng việc cải cách, sau đó tư nhân hóa Công ty Đường sắt quốc gia Pháp sẽ dẫn đến việc họ bị mất quyền lợi như hiện nay, cắt giảm việc làm, rơi vào hoàn cảnh khó khăn…

Trước các cuộc đình công, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đã cho biết, ông sẵn sàng lắng nghe ý kiến của những người bãi công và cả những người muốn đi làm. Song chính phủ sẽ không nhượng bộ và ông tin rằng sẽ có được sự ủng hộ cải cách từ dân chúng.

Những cuộc đình công đã gây ảnh hưởng đến 4,5 triệu hành khách sử dụng hệ thống tàu đi làm mỗi ngày tại Pháp, khiến các hành khách phải chọn phương tiện khác để thay thế như xe buýt, đi chung xe…/.

 Nguồn ĐCSVN-TT