VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

 – Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 32; Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba; Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm Mỹ; Thủ tướng Đức Angela Markel thăm Mỹ; Hội nghị các nhà tài trợ quốc tế cho Syria ; Đâm xe vào đám đông tạo Toronto, Canada…là một số sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.

Xây dựng một Cộng đồng ASEAN cùng chia sẻ thịnh vượng

Lãnh đạo các nước thành viên tại Hội nghị cấp cao ASEAN 32. (Ảnh TTXVN)

Ngày 28/4, Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 32 đã chính thức khai mạc tại Singapore. Tiếp sau đó, lãnh đạo các nước thành viên ASEAN đã tham dự Phiên họp hẹp do Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chủ trì.

Phát biểu khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 32, Thủ tướng Lý Hiển Long nhận định: ASEAN đang bước vào giai đoạn phát triển mới trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới đang biến chuyển nhanh, do đó, cần tiếp tục tăng cường đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN. Với mục tiêu xây dựng một Cộng đồng ASEAN cùng chia sẻ thịnh vượng, mang lại lợi ích thiết thực cho từng thành viên, Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng, cần nâng cao năng lực tự cường để đối phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, thúc đẩy phát triển sáng tạo qua việc áp dụng công nghệ mới và triển khai hiệu quả hợp tác kinh tế thương mại, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực mới.

Trong buổi họp báo sau hội nghị, Thủ tướng Lý Hiển Long thông báo, các lãnh đạo ASEAN đã nhất trí thông qua 3 văn kiện gồm: Tầm nhìn của các nhà lãnh đạo ASEAN về một ASEAN sáng tạo và linh hoạt, Thành lập Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN và Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về Hợp tác An ninh mạng.

Ngoài ra, Thủ tướng Lý Hiển Long cũng vui mừng thông báo việc hoàn tất Hiệp ước Dẫn độ ASEAN  kiểu mẫu (MAET), khôi phục Qũy Thanh niên Singapore-ASEAN và thành lập một diễn đàn tập huấn thường niên tại Singapore, gọi là chương trình Học thuật Luật ASEAN.

Tuyên bố Tầm nhìn của các Nhà lãnh đạo ASEAN về một ASEAN tự cường và sáng tạo, Tuyên bố lãnh đạo ASEAN về Hợp tác an ninh mạng và Tài liệu khái niệm về Mạng lưới các thành phố thông minh.

Trong Phiên họp hẹp, trao đổi về phương hướng phát triển quan hệ đối ngoại của ASEAN, lãnh đạo các nước một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của đoàn kết, thống nhất, khẳng định một ASEAN tự cường là nhân tố then chốt giúp Hiệp hội giữ vững vai trò trung tâm ở khu vực, có quan hệ cân bằng, cùng có lợi với các đối tác, từ đó dẫn tới thành công trong xây dựng cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch và dựa trên luật lệ.

Nhân dịp này, các lãnh đạo ghi nhận thành công tốt đẹp của Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN – Ấn Độ tháng 1/2018 và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Australia tháng 3/2018, và nhất trí kế hoạch triển khai các hoạt động kỷ niệm 15 năm quan hệ chiến lược ASEAN – Trung Quốc và 45 năm quan hệ đối thoại ASEAN – Nhật Bản trong năm 2018.

Các nhà lãnh đạo hoan nghênh những tiến triển tích cực trên bán đảo Triều Tiên, đánh giá cao việc các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN kịp thời ra Tuyên bố về tình hình Triều Tiên, trông đợi giải pháp hòa bình, bền vững cho việc phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên.

Về Biển Đông, các lãnh đạo nhấn mạnh cần đề cao tinh thần tự cường, duy trì lập trường và nguyên tắc về Biển Đông, trong đó cần đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trong khu vực, tự kiềm chế, không có hành động đơn phương làm phức tạp tình hình, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nỗ lực hoàn tất xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Các lãnh đạo cho rằng, việc hình thành một COC hiệu quả và thực chất, phù hợp, ràng buộc, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo một cấu trúc khu vực minh bạch, dựa trên luật lệ và một khu vực Biển Đông hòa bình và ổn định.

Phát biểu tại Phiên họp này, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhất trí với cách tiếp cận chung của ASEAN về quan hệ đối ngoại hiệu quả, thực chất với các Đối tác, khẳng định ASEAN cần tiếp tục giữ vững vai trò trung tâm ở khu vực trên cơ sở đẩy mạnh năng lực tự cường tập thể và đề cao đoàn kết, thống nhất và phát huy vai trò đầu tàu của ASEAN trong thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực. Trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Nhà lãnh đạo ASEAN bày tỏ hoan nghênh kết quả tích cực của cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4, coi đây là bước tiến mới, quan trọng trong tiến trình phi hạt nhân hóa hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Về tình hình Biển Đông, Thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh tình hình cơ bản ổn định nhưng còn diễn biến phức tạp, ASEAN cần tiếp tục giữ vững các nguyên tắc cơ bản và kiên định lập trường đã thống nhất về Biển Đông, nỗ lực thúc đẩy xây dựng COC hiệu quả, ràng buộc về pháp lý, vì một khu vực Biển Đông hoà bình, ổn định bền vững.

Trước đó, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm chính thức Singapore theo lời mới của Thủ tướng nước này Lý Hiển Long.

Thúc đẩy vai trò của phụ nữ trên mọi lĩnh vực

Ngày 26/4, Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu năm 2018 (GSW 2018) đã chính thức khai mạc tại thành phố Sydney (Australia). Với chủ đề “Xây dựng các nền kinh tế chia sẻ giá trị chung” GSW 2018 tập trung thảo luận về một số nội dung như: Đánh giá về tình hình thế giới, xu hướng toàn cầu hóa và chủ nghĩa dân túy, tác động của kỷ nguyên kỹ thuật số; phát triển công nghệ xanh, tận dụng Internet và công nghệ thông tin trong kinh doanh; các mô hình kinh doanh mới; mở rộng thị trường toàn cầu cho các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo; nâng cao vai trò của phụ nữ trong kinh doanh.

Hội nghị GSW 2018 có sự tham dự của Thủ tướng Bangladesh, Tổng thống Mauritius, nguyên Tổng thống Kosovo cùng nhiều Bộ trưởng, Thứ trưởng các nước, đại diện lãnh đạo một số tập đoàn nổi tiếng như: Financial Times, Mc Kinsey, Deloitte, eBay, Facebook, Intel, IBM, Daimler, Westpac…và khoảng 1.000 nữ doanh nhân, đại diện các tổ chức phụ nữ.

Phó Chủ tịch nước Việt Nam Đặng Thị Ngọc Thịnh là diễn giả chính tại Lễ Khai mạc Hội nghị. Phó Chủ tịch nước đánh giá cao những đóng góp của Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu suốt ba thập kỷ qua trong nỗ lực thúc đẩy vai trò của phụ nữ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, tăng cường kết nối giữa các nữ doanh nhân trên toàn cầu; hoan nghênh tính thời sự của các chủ đề hội nghị hằng năm, đặc biệt là chủ đề của Hội nghị năm nay.

Phó Chủ tịch nước khẳng định tầm quan trọng của tăng cường liên kết khu vực và toàn cầu, nhấn mạnh đây là một xu thế không thể đảo ngược, đã và đang tạo ra những cơ hội to lớn cho doanh nghiệp và quốc gia phát huy tối đa sức mạnh của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu. Phó Chủ tịch nước cũng chia sẻ những đóng góp tích cực của Việt Nam trong việc kiến tạo những giá trị chung của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là thông qua các sáng kiến trong khuôn khổ năm APEC 2017 vừa qua.

Tham dự Hội nghị lần này, Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò tích cực và vị thế tại các diễn đàn quốc tế; tầm quan trọng của việc tăng cường kết nối, củng cố mạng lưới với các nữ lãnh đạo Chính phủ và doanh nghiệp nhằm mở rộng cơ hội kinh tế cho phụ nữ; những đóng góp của Việt Nam trong việc đảm bảo bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ; đồng thời chia sẻ những sáng kiến nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và khuyến khích sự tham gia của phụ nữ trong tình hình mới, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.

Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu và các đại biểu quốc tế đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm bình đẳng giới. Cựu Ngoại trưởng Philippines đặc biệt hoan nghênh các sáng kiến của Việt Nam nhằm tăng cường kết nối nữ doanh nhân trong khu vực, đặc biệt là sáng kiến thành lập mạng lưới nữ doanh nhân trong khuôn khổ ASEAN.

Khẳng định cam kết thúc đẩy phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên

Ngày 27-4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tiến hành cuộc gặp lịch sử tại làng đình chiến Panmumjom bên phần đất phía Hàn Quốc. Cuộc gặp cấp cao liên Triều lần này là cuộc gặp lịch sử lần ba và là lần đầu tiên diễn ra trên phần đất Hàn Quốc. Hai cuộc gặp trước đó vào các năm 2000 và 2007 đều được tổ chức tại Thủ đô Bình Nhưỡng của CHDCND Triều Tiên.

Tại đường ranh giới giữa hai bên, hai nhà lãnh đạo đã có những cái bắt tay hữu nghị. Sau khi bước qua đường ranh giới sang bên phía Hàn Quốc, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã bất ngờ vui vẻ mời lại Tổng thống Moon Jae-in  bước qua đường ranh giới sang bên phía phần đất của CHDCND Triều Tiên. Bước qua ranh giới sang phần đất Hàn Quốc tại làng đình chiến Panmumjom, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã trở thành nhà lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên trong lịch sử bước sang phần đất của Hàn Quốc kể từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Hai nhà lãnh đạo đã ra Tuyên bố chung, trong đó tái khẳng định cam kết thúc đẩy phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời nhất trí cắt giảm các vũ khí truyền thống. Tuyên bố chung nên rõ, hai bên sẽ tìm kiếm một thỏa thuận nhằm xây dựng một nền hòa bình lâu dài và bền vững trên bán đảo Triều Tiên. Tuyên bố chung cũng bao gồm một loạt các cam kết liên quan đến việc giải trừ quân bị, chấm dứt các hành động thù địch và biến khu vực biên giới chung thành “khu vực hòa bình”. Ngoài ra, hai bên cũng cam kết sẽ tiến hành các cuộc đàm phán đa phương với nhiều nước khác trong đó có Mỹ.

Dư luận kỳ vọng, sau cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo liên Triều sẽ mang đến những thay đổi bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của Bình Nhưỡng đối với Seoul nói riêng và đối với Mỹ cùng đồng minh khu vực nói chung.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm Mỹ

Ngày 23 đến 25-4, Tổng thống Pháp Macron đã có chuyến thăm cấp nhà nước lần đầu tới Mỹ, kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền. Chuyến thăm mang ý nghĩa đặc biệt, được thực hiện trong bối cảnh có nhiều diễn biến nổi bật trên thế giới, cũng như trong quan hệ Pháp-Mỹ.

Trước đó, mối quan hệ giữa Mỹ và Pháp đã trở nên căng thẳng kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu xem xét lại những thỏa thuận trong quá khứ, đồng thời thúc đẩy chính sách bảo hộ “Nước Mỹ trước tiên”. Thời gian qua, Tổng thống Trump đã tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris cũng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tổng thống Mỹ còn đe dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mà châu Âu đã dành nhiều tâm huyết để đạt được. Không những thế, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và châu Âu cũng liên tục nóng lên thời gian qua, khi Tổng thống Trump tăng thuế thép và nhôm nhằm vào Trung Quốc khiến các đồng minh EU phản ứng. Mặc dù sau đó, ông Trump đã tạm thời miễn trừ EU và một số nước ra khỏi danh sách áp thuế nhôm và thép, nhưng việc hợp tác lâu dài và cân bằng trong vấn đề kinh tế-thương mại vẫn là bài toán mà Mỹ và châu Âu sẽ phải đau đầu.

Tuy nhiên, việc Pháp sát cánh cùng đồng minh Mỹ tấn công quân sự Syria ngày 14-4 vừa qua đã cho thấy những bất đồng giữa hai nước cơ bản đã được hàn gắn. Các nhà quan sát cho rằng, mục đích chuyến thăm Mỹ lần này của ông Macron là cải thiện các mối quan hệ song phương.  Và tuyên bố của hai nhà lãnh đạo sau cuộc hội đàm lần này đã cho thấy Pháp và Mỹ đã có được thỏa hiệp về những vấn đề còn bất đồng giữa hai nước.

Đặc biệt, việc ông Macron mang tặng nhà lãnh đạo Mỹ một cây Sồi non trong chuyến thăm này được xem là một hành động có dụng ý. Cây sồi non này được lấy từ khu rừng Belleau nằm phía Bắc nước Pháp, nơi vào tháng 6-1918, tức là cách đây một thế kỷ, đã diễn ra trận đánh đầu tiên của quân đội Mỹ chống lại quân Đức trong Chiến tranh thế giới thứ I. Đây là một trận đánh ác liệt khiến gần 2 nghìn lính Mỹ thương vong và từ sau Chiến tranh thế giới I, khu rừng này được coi là biểu tượng cho sự tương trợ và đoàn kết của nước Mỹ với nước Pháp đồng minh. Chính vì vậy, các nhà phân tích cho rằng chuyến thăm của Tổng thống Pháp Macron đến Mỹ lần nay mang tới một thông điệp lớn, đó là khẳng định sự ghi nhớ của nước Pháp đối với công lao của quân đội Mỹ trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất, đồng thời muốn vun đắp cho quan hệ đồng minh lâu đời giữa Pháp và Mỹ, vốn đã kéo dài gần 250 năm.

Thủ tướng Đức Angela Markel thăm Mỹ

Ngày 26/4, ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Pháp E. Macron,  Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tới Nhà Trắng để hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump về một loạt vấn đề gây tranh cãi giữa hai nước. Bà Merkel hoan nghênh cuộc gặp này và coi đây là cơ hội để thúc đẩy mối quan hệ đồng minh truyền thống xuyên Đại Tây Dương. Trong khi đó, tại Washington, một quan chức Nhà Trắng khẳng định, Đức là một trong những đối tác gần gũi nhất của Mỹ và là một đồng minh vững chắc trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Quan chức này nhấn mạnh chính quyền Washington sẵn sàng hợp tác với chính phủ mới của bà Merkel.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Đức, vốn tương đối tốt đẹp dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, đã trở nên xấu đi khi Tổng thống Trump nhậm chức. Giữa hai bên nảy sinh nhiều bất đồng liên quan tới chi tiêu quốc phòng của NATO, vấn đề thương mại và thỏa thuận hạt nhân Iran. Đây là chuyến thăm Mỹ lần thứ hai của bà Merkel sau khi Tổng thống Trump lên nắm quyền. Lần gần nhất, Thủ tướng Merkel tới Nhà Trắng là cách đây một năm.

Cam kết chi 4,4 tỷ USD hỗ trợ hoạt động nhân đạo, khôi phục cơ sở hạ tầng tại Syria

 Ngày 25-4, hội nghị các nhà tài trợ quốc tế cho Syria, do Liên minh châu Âu (EU) chủ trì, đã diễn ra tại Brussels (Bỉ). Đây là hội nghị thường niên lần thứ 3 sau hội nghị tài trợ Syria ở London (Anh) vào năm 2016 và tại Brussels (Bỉ) năm 2017 nhằm giúp Syria khôi phục lại hệ thống điện và nước ở các thành phố bị thiệt hại nặng nề.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, kể từ cuộc xung đột ở Syria năm 2011 đến nay, đã có hơn 400.000 người thiệt mạng, hơn 5 triệu người phải đi lánh nạn ở nước ngoài và hơn 6 triệu người phải sơ tán. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính Syria sẽ cần khoảng 200 tỷ USD để tái thiết đất nước.

Bế mạc hội nghị, các nhà tài trợ quốc tế cam kết chi 4,4 tỷ USD để hỗ trợ hoạt động nhân đạo và khôi phục cơ sở hạ tầng ở Syria trong năm 2018. Dù con số này không được như kỳ vọng, thấp hơn so với khoản cam kết viện trợ 6 tỷ USD của năm 2017, tuy nhiên, đại diện Liên hợp quốc cho rằng đây vẫn là một số tiền đáng kể giúp người dân Syria giảm bớt phần nào nỗi thống khổ do chiến tranh.

Tuy nhiên, cũng tại hội nghị, 85 quốc gia và tổ chức quốc tế tham gia hội nghị đều cho rằng hỗ trợ tài chính chỉ giải quyết phần nào vấn đề trước mắt. Do đó, hội nghị đã kêu gọi Nga và Iran thuyết phục Syria đàm phán kết thúc cuộc chiến kéo dài đã 8 năm. Cho đến nay, dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc đã có 8 vòng đàm phán diễn ra tại Geneva (Thụy Sỹ) nhưng không mang lại bất cứ kết quả nào.

 Hội nghị Ngoại trưởng và An ninh G7

Ngày 22 đến 24-4, Hội nghị Ngoại trưởng và An ninh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới đã diễn ra tại Toronto, Canada. Trong hai ngày đầu, các Ngoại trưởng G7 đã nhóm họp với 9 cuộc thảo luận chuyên đề. Vào ngày làm việc cuối cùng, hội nghị đã khép lại với 4 cuộc thảo luận chuyên đề của các Bộ trưởng an ninh cùng với đại diện của Liên minh Châu Âu (EU), Interpol và các “đại gia” công nghệ hàng đầu thế giới, như Facebook, Microsoft, Twitter và YouTube.

Kết thúc hội nghị, các Bộ trưởng đã nhất trí đưa ra các Cam kết Toronto; tái khẳng định tin tưởng vào các nền kinh tế mở, xã hội mở và chính phủ mở. Các bộ trưởng cũng nhất trí sẽ phối hợp xây dựng đề xuất trình lên các nhà lãnh đạo G7 trong cuộc họp thượng đỉnh tại tỉnh Quebec, Canada vào tháng 6 tới. Những đề xuất đó bao gồm phối hợp thúc đẩy dân chủ và ngăn chặn can thiệp của nước ngoài; duy trì trật tự quốc tế dựa theo luật định; ngăn chặn xung đột và hỗ trợ các nỗ lực cải cách của Liên hợp quốc; thúc đẩy giải trừ vũ khí và không phổ biến hạt nhân; đối phó với các mối đe dọa an ninh xuyên quốc gia, chống bạo lực cực đoan, ngăn chặn sự di chuyển của các phần tử khủng bố và việc sử dụng Internet cho mục đích khủng bố; giải quyết các mối đe dọa đối với an ninh mạng; chống buôn người; và thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Kết quả của hội nghị này  có ý nghĩa rất quan trọng, phản ánh việc tăng cường phối hợp cũng như sức mạnh hành động chung của nhóm trong các vấn đề nóng của quốc tế.

Tuy nhiên, ở hội nghị lần này, các nước G7 một lần nữa vẫn bị chia rẽ trong vấn đề duy trì thỏa thuận hạt nhân đã ký năm 2015 với Iran. Đây cũng được xem là một trong những “hòn đá tảng” gây bất đồng giữa Mỹ và các nước còn lại trong G7, trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là tới thời hạn chót 12-5 mà Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu phải sửa đổi thỏa thuận này, nếu không Washington sẽ rút lui và áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt đối với Iran với cáo buộc Tehran ủng hộ khủng bố và vi phạm các cam kết trong thỏa thuận.

Các nhà phân tích cho rằng, trong bối cảnh mỗi nước đều có những tính toán và quan điểm khác nhau thì việc các nước G7 khó có thể hóa giải được những bất đồng và đạt được đồng thuận là điều dễ hiểu.

Đâm xe vào đám đông ở Toronto, Canada: Ít nhất 10 người chết

Ngày 23-4, một chiếc xe màu trắng cỡ nhỏ đã lao vào đám đông trên vỉa hè tại Toronto, Canada khiến ít nhất 10 người chết và 16 người khác bị thương. Phần lớn các nạn nhân của vụ việc này là phụ nữ trong độ tuổi từ 20 đến 80.

Vụ tai nạn xảy ra vào giờ ăn trưa, tại khu vực giao lộ giữa phố Yonge và đại lộ Finch thuộc thành phố Toronto, địa điểm này cách nơi Toronto tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7) khoảng 30km.

Người phát ngôn của Công ty Hệ thống Ryder, bà Claudia Panfil xác nhận, nghi phạm đã sử dụng chiếc xe thuê từ công ty này để tiến hành vụ tấn công. Nghi phạm là Alek Minassian (25 tuổi) sau đó đã bị cáo buộc 10 tội danh giết người và 13 tội danh cố ý giết người liên quan đến vụ đâm xe nêu trên. Đối tượng này chưa từng có tiền án, tiền sự nào trong báo cáo của cơ quan tình báo và an ninh Canada. Do vậy, Bộ trưởng An toàn Công cộng Canada Ralph Goodale đã bác bỏ giả thuyết về một vụ tấn công khủng bố giống như những vụ tấn công khủng bố do các phần tử cực đoan thực hiện tại thành phố London của Anh, Nice của Pháp và các thành phố lớn khác của châu Âu.

Cảnh sát Canada cho biết, trước khi lao xe ô tô vào những người đi bộ, nghi phạm đã để lại một “thông điệp khó hiểu” trên mạng xã hội Facebook. Ngay sau khi phát hiện thông điệp của Minassian, Facebook đã lập tức xóa tài khoản của hắn. Đại diện của Facebook cho rằng: “Nền tảng của chúng tôi hoàn toàn không có chỗ cho những người thực hiện những hành vi khủng khiếp như vậy”.

Vụ đâm xe ở Toronto đã gây tâm lý hoang mang trong dân chúng Canada. Đặc biệt, vụ đâm xe diễn ra trong lúc Hội nghị Ngoại trưởng và An ninh G7 tại Toronto đang diễn ra, với vấn đề chống khủng bố là một trong những nội dung thảo luận chính trong chương trình nghị sự./.

 Nguồn ĐCSVN-TT