VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 29/5/2021.

     Việt Nam xuất hiện biến chủng nCoV lai nguy hiểm, thế giới chưa từng ghi nhận; Lãnh đạo WHO: Chính trị ‘đầu độc’ điều tra nguồn gốc Covid-19; “Vũ khí” có thể giúp thế giới dập tắt đại dịch Covid-19; Tìm ra cách chống biến chứng đông máu ở vaccine AstraZeneca; EU phê chuẩn sử dụng vaccine của Pfizer cho trẻ em từ 12-15 tuổi; Trung Quốc tiêm hơn 20 triệu liều vaccine COVID-19 trong một ngày; Mỹ: Tổng thống Biden đề xuất ngân sách trị giá 6 nghìn tỷ USD nhằm “định hình lại” nền kinh tế; Thế giới vượt mốc 170 triệu ca nhiễm COVID-19…là những tin chính được cập nhật.
Việt Nam xuất hiện biến chủng nCoV lai nguy hiểm, thế giới chưa từng ghi nhận
VGP News :. | SARS-CoV-2 biến thể sẽ gây ra làn sóng lây nhiễm dữ dội, khốc  liệt hơn? | BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM   SARS-CoV-2 biến thể sẽ gây ra làn sóng lây nhiễm dữ dội, khốc liệt hơn?
(VNN) Bộ trưởng Y tế cho biết, Việt Nam đã xuất hiện thêm biến chủng SARS-CoV-2 mới lai tạo giữa chủng Ấn Độ và Anh.
Đây là thông tin được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ tại hội nghị trực tuyến toàn quốc phòng chống dịch Covid-19 sáng 29/5.
Bộ trưởng đánh giá, làn sóng dịch thứ 4 tại Việt Nam rất phức tạp, với nhiều điểm dịch tễ khác so với các đợt dịch trước.
“Trong đợt dịch lần này xuất hiện đa hình thái lây nhiễm với nhiều ổ dịch tại các tỉnh, thành phố. Nổi trội nhất là lây nhiễm trong khu công nghiệp, ra cộng đồng, sau đó lây ngược lại khu công nghiệp”, ông Long nói.
Đặc biệt trong đợt dịch đang diễn ra có sự xuất hiện đa chủng virus. Hai chủng phổ biến nhất là Ấn Độ và chủng từ Anh, trong đó chủng Ấn Độ chiếm đa số, chủng Anh chỉ xuất hiện tại Đà Nẵng và một số địa phương khác.
“Hiện nay chúng tôi mới phát hiện ra chủng virus SARS-CoV-2 mới có sự lai tạo giữa chủng Ấn Độ và chủng Anh. Cụ thể virus chủng Ấn Độ xuất hiện đột biến của chủng Anh”, Bộ trưởng Y tế thông tin.
Bộ trưởng Y tế đánh giá, đột biến này rất nguy hiểm, tới đây Việt Nam công bố chủng này trên bản đồ gene thế giới.
Với sự xuất hiện biến chủng mới, Việt Nam đã lưu hành 8 biến chủng của nCoV, bao gồm: chủng Vũ Hán, D614G ở châu Âu, B.1.1.7 từ Anh, chủng B.1.351 ở Nam Phi, B.1617 từ Ấn Độ, B.1.619 từ châu Phi, chủng B.1.222 và biến chủng mới vừa xuất hiện chưa được đặt tên.
Thực tế, virus SARS-CoV-2 biến đổi không ngừng, hiện thế giới đã ghi nhận 28.000 đột biến, tuy nhiên chỉ có số ít biến chủng được WHO liệt vào danh sách “đáng quan ngại”, như biến chủng Anh, Ấn Độ, Nam Phi, Brazil.
Mỹ: Tổng thống Biden đề xuất ngân sách trị giá 6 nghìn tỷ USD nhằm “định hình lại” nền kinh tế
(ĐCSVN) Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 28/5 đã đề xuất một khoản ngân sách trị giá 6 nghìn tỷ USD nhằm tái tạo nền kinh tế Mỹ, cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh của nước này trong tương lai.
Trong một thông báo về đề xuất trên, Tổng thống Biden cho biết một nước Mỹ sau đại dịch “không thể đủ khả năng để đơn giản trở lại như trước đây”, đồng thời cho rằng đây là thời điểm cần nắm bắt để tái tạo và “định hình lại” một nền kinh tế mới của Mỹ. Theo kế hoạch chi tiết của đề xuất, quỹ liên bang sẽ chi 6,011 nghìn tỷ USD vào năm 2022 và tăng dần lên 8,2 nghìn tỷ USD vào năm 2031. Chi tiêu cho dự luật cơ sở hạ tầng được đề xuất ban đầu ở mức 2,3 nghìn tỷ USD sẽ được giảm xuống còn 1,7 nghìn tỷ USD và 1,8 nghìn tỷ USD khác sẽ được sử dụng vào việc tăng cường giáo dục do nhà nước tài trợ và các dịch vụ xã hội nhằm xây dựng lực lượng lao động tốt hơn trong thế kỷ 21.
Theo Tổng thống Biden, mục tiêu tổng thể là phát triển tầng lớp trung lưu Mỹ, đồng thời định vị nước Mỹ để có thể có ưu thế cạnh hơn hơn các đối thủ. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng khoản đề xuất sẽ đẩy Mỹ vào một khoản nợ lên mức cao kỷ lục và đề xuất đầy tham vọng này của Tổng thống Biden sẽ phải vượt qua “ải” ở Quốc hội./.
Lãnh đạo WHO: Chính trị ‘đầu độc’ điều tra nguồn gốc Covid-19
(VNN) Một quan chức hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 28/5 cho rằng, các cuộc điều tra về nguồn gốc dịch Covid-19 đang bị chính trị ‘đầu độc’.
Theo trang tin của CNBC, WHO đang phải chịu áp lực ngày càng lớn trong những ngày gần đây từ giới chức Mỹ và châu Âu về việc điều tra lại nguồn gốc của virus corona.
Điều này buộc Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Khẩn cấp Y tế của WHO, hồi đầu tuần cho biết những cuộc trao đổi với các nước thành viên về giai đoạn điều tra thứ 2 sẽ tiếp tục trong những tuần tới.
Tuy nhiên, ông Mike Ryan cũng nói rằng cuộc điều tra về nguồn gốc Covid-19 “đang bị chính trị đầu độc”, đồng thời kêu gọi có sự tách bạch giữa chính trị và khoa học.
“Đặt WHO vào một vị trí như nó đã từng là một điều bất công đối với nền khoa học, và thẳng thắn mà nói, nó đặt chúng tôi, với tư cách một tổ chức, vào một vị trí không thể đưa ra câu trả lời mà thế giới mong muốn”, Giám đốc Chương trình Khẩn cấp Y tế của WHO phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 28/5.
Giả thuyết cho rằng nguồn gốc dịch Covid-19 xuất phát từ phòng thí nghiệm, từng bị xem như một “thuyết âm mưu”, đã được quan tâm trở lại trong những tuần gần đây. Phần lớn các cộng đồng tình báo của phương Tây tin rằng việc virus corona bắt nguồn từ phòng thí nghiệm hoặc từ động vật đều hợp lý như nhau.
Trong một tuyên bố bất thường hôm 27/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden yêu cầu cộng đồng tình báo nước này “cần nỗ lực gấp đôi việc thu thập và phân tích thông tin về nguồn gốc dịch Covid-19, và phải đưa ra kết luận cuối cùng sau 90 ngày”.
Cùng ngày, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ cho rằng việc chính trị hóa vấn đề sẽ cản trở các cuộc điều tra về nguồn gốc của virus corona. Trong một tuyên bố trên trang web chính thức, cơ quan này ủng hộ “một nghiên cứu toàn diện về tất cả số ca nhiễm Covid-19, và một cuộc điều tra kỹ lưỡng về các phòng thí nghiệm sinh học bí mật trên toàn cầu”.
“Vũ khí” có thể giúp thế giới dập tắt đại dịch Covid-19
(DTO) Các chuyên gia cho rằng, thế giới cần đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vắc xin Covid-19 đặc biệt là khi đại dịch diễn biến ngày càng phức tạp với sự xuất hiện của các biến chủng mới.
“Đại dịch sẽ chấm dứt khi chúng ta tiêm chủng cho ít nhất 70% dân số”, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phụ trách khu vực châu Âu Hans Kluge bình luận ngày 28/5.
Ông Kluge cũng nhấn mạnh thêm, một trong những lo ngại chính của ông là sự xuất hiện của những biến chủng SARS-CoV-2 có khả năng lây lan cao hơn. “Chúng ta đã biết chủng B.1.617 dễ lây lan hơn B.117 vốn có khả năng lây lan cao hơn so với chủng trước kia”, ông Kluge nói.
Theo ông Kluge, tốc độ có ý nghĩa quan trọng sống còn trong ứng phó đại dịch, tuy nhiên “ngay cả khi WHO công bố đại dịch, nhiều nước vẫn chỉ nghe ngóng tình hình và bỏ lỡ mất giai đoạn vàng ngăn chặn dịch”.
Trong tình hình hiện nay, ông Kluge nhấn mạnh, đẩy nhanh chương trình tiêm chủng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. “Chúng ta cần đẩy nhanh tốc độ, cần tăng nguồn cung vắc xin”, ông Kluge nói.
Theo số liệu của AFP, đến nay khoảng 36,6% dân số châu Âu đã được tiêm chủng ít nhất một liều vắc xin ngừa Covid-19. Trong khi đó, nhiều nước, đặc biệt những quốc gia nghèo hoặc đang phát triển, tốc độ tiêm chủng vẫn còn hạn chế, trong đó một phần là do nguồn cung hạn chế.
Tìm ra cách chống biến chứng đông máu ở vaccine AstraZeneca
Các chuyên gia Đức tuyên bố tìm ra nguyên nhân và cách chống biến chứng máu đông hiếm gặp liên quan tới vaccine Covid-19 của AstraZeneca và Johnson&Johnson.
Rolf Marschalek, giáo sư tại trường đại học Goethe ở thành phố Frankfurt của Đức, dẫn đầu nhóm nghiên cứu biến chứng đông máu hiếm gặp ở vaccine Covid-19 từ tháng 3 và công bố báo cáo hôm 26/5.
Marschalek cho biết vấn đề nằm ở công nghệ vector adenovirus mà cả hai loại vaccine Covid-19 này sử dụng để đưa mã di truyền của nCoV vào cơ thể người. Vaccine của AstraZeneca và Johnson&Johnson sử dụng công nghệ này đưa protein gai của nCoV vào nhân tế bào, thay vì dịch bào, nơi virus thường tạo protein.
Theo lý thuyết của Marschalek, khi ở trong nhân tế bào, một số phần của protein gai cắt nối với nhau và tạo ra phiên bản đột biến. Trên lý thuyết, các protein gai đột biến này sau đó sẽ được tế bào “tiết vào cơ thể”, có thể tạo ra các cục máu đông với tỷ lệ 1/10.000 người, báo cáo của Marschalek cho biết.
Trong khi đó, vaccine của Pfizer-BioNTech và Moderna sử dụng công nghệ ARN thông tin (mRNA), cung cấp thông tin di truyền tổng hợp gai tế bào nCoV và chuỗi này không bao giờ đi vào nhân tế bào.
“Khi các đoạn gene virus nằm trong nhân tế bào, chúng có thể gây ra một số vấn đề”, Marschalek cho biết.
Biến chứng đông máu hiếm gặp làm gián đoạn hoặc đình chỉ chương trình tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca và Johnson&Johnson. Triệu chứng này được ghi nhận ở 309 trong số 33 triệu người tiêm vaccine AstraZeneca ở Anh, bao gồm 56 ca tử vong. Tại châu Âu, ít nhất 142 người gặp biến chứng đông máu trong số 16 triệu người được tiêm vaccine.
Khi vaccine AstraZeneca bị hạn chế hoặc đình chỉ tiêm ở hơn 10 quốc gia, Johnson&Johnson triển khai sản phẩm của mình ở châu Âu hồi tháng 4 với cảnh báo trên nhãn sau thời gian trì hoãn vì lo ngại biến chứng.
Marschalek cho biết có “lối thoát” cho các sản phẩm của AstraZeneca và Johnson&Johnson, nếu các nhà phát triển vaccine có thể sửa đổi trình tự gene mã hóa của protein gai nhằm ngăn nó phân tách. Johnson&Johnson đã liên hệ phòng thí nghiệm của Marschalek để xin hướng dẫn và tìm cách điều chỉnh vaccine để ngăn tình trạng chuỗi gene bị cắt nối.
EU phê chuẩn sử dụng vaccine của Pfizer cho trẻ em từ 12-15 tuổi
Cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) ngày 28/5 đã phê chuẩn sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 12-15 tuổi. Đây là vaccine đầu tiên được “bật đèn xanh” cho độ tuổi này.
EMA cho biết vaccine của Pfizer “được dung nạp tốt” với thanh thiếu niên và không có “lo ngại lớn” nào về các tác dụng phụ. Quyết định trên được cho là sẽ đẩy nhanh chương trình tiêm chủng đại trà tại châu Âu, khi Đức cho biết sẽ bắt đầu tiêm phòng cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên ngay từ tháng 6 tới. Trước đó, Mỹ và Canada đã cho phép tiêm vaccine của Pfỉzer cho thanh thiếu niên.
Người đứng đầu EMA Emer Cooke cho biết các cuộc thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine của Pfizer “có khả năng bảo vệ cao” đối với trẻ em. Không em nào trong số hơn 1.000 em được tiêm vaccine trong thử nghiệm có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, 16 em trong số 978 em được tiêm giả dược trong thử nghiệm đã mắc COVID-19. Bà khẳng định: “Nhìn từ góc độ an toàn, vaccine này được dung nạp tốt và các tác dụng phụ đối với nhóm tuổi này rất giống với ở người trưởng thành trẻ tuổi và không đặt ra những lo ngại lớn vào thời điểm này”.
Uỷ viên châu Âu về y tế, bà Stella Kyriakides đánh giá đây là “bước tiến gần hơn tới việc chấm dứt đại dịch”, song cho biết mọi người vẫn có quyền lựa chọn có cho con cái mình đi tiêm hay không. Bà cho biết: “Sau quyết định của các chính phủ, quyết định cuối cùng vẫn thuộc về các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi trên”.
Bình luận về quyết định của EMA, Giám đốc điều hành (CEO) và đồng sáng lập BioNTech, ông Ugur Sahin hoan nghênh đây là “hòn đá tảng quan trọng khác trong nỗ lực chung của chúng tôi nhằm mở rộng các chương trình tiêm chủng cho ngày càng nhiều người càng tốt”. Về phần mình, CEO của Pfizer, ông Albert Bourla cho biết việc cho thanh thiếu niên tiêm vaccine “sẽ giúp các trường học được mở cửa và trở lại cuộc sống bình thường hằng ngày”.
EMA cũng xác nhận đang xem xét những trường hợp “rất hiếm” báo cáo có biểu hiện viêm cơ tim ở người dưới 30 tuổi đã được tiêm vaccine của Pfizer. Tuyên bố của EMA cho biết: “EMA đang theo dõi sát vấn đề này”.
Trước đó, Mỹ cũng đã thông báo một số lượng rất ít các trường hợp viêm cơ tim ở người trẻ tuổi được tiêm vaccine của Pfizer và Moderna, hai loại vaccine đều sử dụng công nghệ mRMA. EMA cho biết đang “phối hợp chặt chẽ” với các đối tác tại Mỹ./.
Trung Quốc tiêm hơn 20 triệu liều vaccine COVID-19 trong một ngày
(VTC News) – Tốc độ tiêm vaccine COVID-19 của Trung Quốc đang được đẩy nhanh một cách đáng kể.
Kể từ ngày 13/5 trở lại đây, khi một số địa phương của Trung Quốc xuất hiện các ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, việc chủ động đăng ký tiêm vaccine ngừa COVID-19 của người dân nước này đã tích cực hơn hẳn so với trước đó.
7h sáng tại bệnh viện nhân dân số 13 thành phố Quảng Châu, đã có hàng dài người dân xếp hàng chờ đến lượt để tiêm vaccine ngừa COVID-19. Y tá trưởng Tào Lợi cho biết, số lượng người dân đăng ký tiêm vaccine đã đông hơn hẳn so với một tháng trước đó, mà theo cô nguyên nhân có thể là do hôm 21/5 vừa qua Quảng Châu xác nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng.
Anh Viên một người dân thành phố Quảng Châu đi tiêm vaccine cho biết: “Cảm giác tiêm rất thoải mái, không đau, tiêm cũng rất nhanh. Cả quá trình không đến một phút. Tôi nghĩ tiêm vaccine là trách nhiệm của mỗi người dân, vì đây là cơ sở để có thể thiết lập được miễn dịch cộng đồng, do đó theo tôi mọi người nên chủ động đi tiêm vaccine”.
Không chỉ có Quảng Châu, mà trên phạm vi toàn Trung Quốc, tốc độ tiêm vaccine COVID-19 của nước này cũng đang được đẩy nhanh một cách đáng kể. Kể từ ngày 12/5 trở lại đây, Trung Quốc đã có 16 ngày liên tiếp đạt trên 10 triệu mũi tiêm một ngày, đặc biệt chỉ trong ngày 26/5 nước này đã tiêm được hơn 20 triệu mũi tiêm. Theo thống kê, hiện Trung Quốc đã thực hiện được gần 600 triệu mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19, ít nhất 6 thành phố của nước này hoàn thành mũi tiêm đầu tiên cho hơn 80% dân, chạm ngưỡng miễn dịch cộng đồng.
Chuyên gia Trung tâm kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, Thiệu Nhất Minh cho biết cùng với việc sản lượng vaccine dồi dào, số lượng người tiêm vaccine tại Trung Quốc cũng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, ông này cũng hy vọng trong năm nay Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
Thêm thông tin
*** Thế giới vượt mốc 170 triệu ca nhiễm COVID-19
(ĐCSVN) – Châu Á trở thành khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (50.592.291 ca). Với 46.483.239 ca mắc, châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng thứ hai. Tiếp đến là Bắc Mỹ với 39.673.497 ca và Nam Mỹ với 28.434.791 ca. Châu Phi (4.853.871 ca) và châu Đại Dương (68.114 ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.
    Trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 29/5 cho thấy, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 170.106.524 ca, trong đó 3.536.751 ca tử vong và 152.088.701 ca đã được chữa khỏi.
Trong ngày hôm qua, Mỹ – nước chịu ảnh hưởng nhất của đại dịch COVID-19 – ghi nhận số ca nhiễm mới là 21.815 ca, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 34.021.659 ca, trong đó 608.932 ca tử vong. Tình hình dịch bệnh ở Mỹ đã ổn định dần trong vài tháng trở lại đây nhờ đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19.
Chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai bởi đại dịch là Ấn Độ. Trong ngày 28/5, Ấn Độ thông báo có thêm 171.726 ca nhiễm mới, đây là mức thấp nhất kể từ ngày 14/4 vừa qua. Thủ hiến New Delhi Arvind Kejriwal khẳng định thành phố này đã khống chế được làn sóng lây nhiễm thứ hai dịch COVID-19 và sẽ bắt đầu từng bước dỡ bỏ phong tỏa từ tuần tới. Tuy nhiên, thời gian qua, Ấn Độ đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi năm ngoái. Tính riêng trong tháng 5, số người không qua khỏi đại dịch đã chiếm hơn 30% tổng số người tử vong kể từ đầu dịch đến nay. Số người tử vong vì COVID-19 ở quốc gia này hiện là 322.384 người.
Brazil trở thành quốc gia đứng thứ ba thế giới về số ca mắc với 16.392.657 ca và số ca tử vong là 459.171. Riêng ngày hôm qua, nước này ghi nhận thêm 50.495 ca nhiễm mới, 2.418 ca tử vong.
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AP
Châu Á trở thành khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (50.592.291 ca). Với 46.483.239 ca mắc, châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng thứ hai. Tiếp đến là Bắc Mỹ với 39.673.497 ca và Nam Mỹ với 28.434.791 ca. Châu Phi (4.853.871 ca) và châu Đại Dương (68.114 ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.
Tại Bắc Mỹ, Mexico là quốc gia có số ca mắc COVID-19 đứng thứ hai (sau Mỹ – quốc gia dẫn đầu khu vực và thế giới về số ca mắc và tử vong). Trong 24 giờ qua, nước này xác nhận thêm 3.000 ca mắc COVID-19 và 425 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc lên 2.405.722 ca, trong đó 222.657 ca tử vong.
Tại Nam Mỹ, sau Brazil, Argentina là nước chịu ảnh hưởng lớn thứ hai bởi đại dịch với 3.702.422 ca nhiễm, trong đó 76.693 ca đã tử vong.
Tại châu Phi, chính phủ Nam Phi đã cảnh báo nguy cơ bùng phát đợt lây nhiễm thứ 3 virus SARS-CoV-2 ở nước này, đồng thời kêu gọi người dân tuân thủ các hướng dẫn y tế và tiêm vaccine ngừa COVID-19. Quyền Bộ trưởng phụ trách Văn phòng Tổng thống Nam Phi, bà Khumbudzo Ntshavheni nhấn mạnh làn sóng lây nhiễm mới đã tấn công các tỉnh Gauteng và Free State miền Trung nước này. Tính đến nay, Nam Phi ghi nhận 1.654.551 ca mắc COVID-19.
Châu Đại Dương là khu vực bị ảnh hưởng ít nhất bởi đại dịch. Trong đó, Australia ghi nhận số ca mắc COVID-19 nhiều nhất với 30.074 ca, trong nhiều ngày qua, nước này không ghi nhận thêm trường hợp tử vong mới, vẫn dừng ở mức 910 ca, số ca nhiễm mới theo ngày cũng rất ít.
Trong bối cảnh việc thúc đẩy tiêm vaccine ngừa COVID-19 đang thu lại kết quả khả quan, khi số ca nhiễm mới chững lại, các nước châu Âu, trong đó có Thụy Điển, Romania và Séc, đã từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế. Trong một tuyên bố, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven cho biết việc nới lỏng các biện pháp hạn chế tại Thụy Điển sẽ được chia làm 5 giai đoạn, từ ngày 1/6, tùy theo diễn biến dịch bệnh, khả năng của hệ thống bệnh viện và chương trình tiêm chủng quốc gia.
Tại châu Á, tình hình dịch bệnh đang diễn biến khá phức tạp ở Malaysia và Philippines. Ngày 28/5, Malaysia ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao nhất từ trước đến nay trong ngày thứ 4 liên tiếp. Cụ thể, trong 24 giờ qua, nước này có thêm 8.290 ca mắc COVID-19, đưa tổng số ca mắc lên 549.514, trong đó có hơn 2.400 người không qua khỏi. Trước tình hình trên, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã công bố lệnh phong tỏa toàn quốc trong hai tuần, từ ngày 1-14/6.
Cũng trong 24 giờ qua, Philippines ghi nhận 8.748 ca mắc mới – mức cao nhất kể từ đầu tháng 5 này, theo đó đưa tổng số ca mắc tại đây lên hơn 1,2 triệu ca, trong đó có 20.566 ca tử vong.
Trong bối cảnh tình trạng lây nhiễm COVID-19 đang ở mức báo động ở công nhân may mặc, chính quyền thủ đô Phnom Penh của Campuchia đã quyết định áp đặt biện pháp mạnh tay đối với các nhà máy không tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch tại chỗ, vốn được coi là điều kiện cho phép các cơ sở này hoạt động trở lại. Cụ thể, nhà máy nào vi phạm các điều kiện do Ủy ban Cố vấn lao động (LAC) sẽ bị phạt đóng cửa tạm thời đến 3 ngày. Trong 24 giờ qua, Campuchia phát hiện thêm 599 ca mắc COVID-19, trong đó có 574 ca lây nhiễm cộng đồng và 25 ca nhập cảnh, đưa tổng số ca mắc tại nước này từ đầu mùa dịch đến nay lên 28.237 ca. Đáng chú ý, từ ngày 25/5 đến nay, Campuchia đã phát hiện tổng cộng 298 tù nhân và quản giáo trại giam tỉnh Kandal mắc COVID-19.
Lào cho biết đã ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong và 10 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 7 ca lây nhiễm cộng đồng ở thủ đô Viêng Chăn và 3 ca nhập cảnh được cách ly ngay ở 3 tỉnh khác. Theo Bộ Y tế Lào, tình hình dịch bệnh tại thủ đô Viêng Chăn vẫn diễn biến phức tạp, do đó người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh đã được đề ra nhằm đảm bảo khả năng khống chế và kiểm soát dịch trong thời gian tới. Tới nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.905 trường hợp mắc COVID- 19, trong đó đã điều trị khỏi cho 1.355 người và 3 ca đã tử vong./.
TQ-TT