Washington Post nhận định, thời điểm kết thúc của dịch Covid-19 đã bắt đầu, nhưng nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào xuất phát điểm của từng nước.
Hôm 2/11, Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên cấp phép khẩn cấp cho việc sử dụng vắc-xin Covid-19. Giới chức Anh cho biết, việc tiêm chủng hàng loạt sẽ bắt đầu gần như ngay lập tức, với khoảng 800.000 liều vắc-xin đầu tiên của Pfizer và BioNTech sẽ chính thức được phân phối vào tuần tới.
Thông báo trên được đưa ra gần một năm sau khi các trường hợp nhiễm covid-19 đầu tiên được ghi nhận ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Kể từ đó, virus corona đã gây thiệt hại nghiêm trọng trên toàn cầu, với ít nhất 64 triệu người phải nhập viện và hơn 1,4 triệu người đã tử vong. Các nền kinh tế, dù lớn hay nhỏ, đều bị tàn phá bởi các đợt phong tỏa và đóng cửa biên giới.
Khởi đầu cho sự kết thúc đại dịch
Việc một loại vắc-xin có thể được phát triển, thử nghiệm và phê duyệt trong một khung thời gian như vậy là một kỳ tích khó có thể phủ nhận.
Vắc-xin mới được điều chế có phải “hồi cáo chung” cho dịch Covid-19. Ảnh: SOPA Images
Ugur Sahin, Giám đốc điều hành của BioNTech, tự hào cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNN hôm 2/12: “Chúng tôi tin rằng, đây thực sự là thời điểm khởi đầu cho sự kết thúc của dịch Covid-19, nếu chúng tôi có thể đảm bảo việc triển khai vắc-xin một cách chắc chắn. Dù cần có thêm nhiều quốc gia phê duyệt loại vắc-xin này, nhưng đây là một khởi đầu tốt”.
Washington Post cho rằng, ông Sahin đã đúng khi nói đây là khởi đầu cho sự kết thúc. Tuy nhiên, thời điểm chính xác dịch Covid-19 hoàn toàn biến mất phụ thuộc vào xuất phát điểm của từng nước. Vương quốc Anh, dù còn lúng túng trong việc xử lý Covid-19, song vẫn chủ động trong việc sản xuất vắc-xin. Chính phủ Anh đã đảm bảo được thỏa thuận với nhiều nhà sản xuất khác nhau, để mỗi người dân nước này được tiêm trung bình 5 liều vắc-xin.
Thậm chí, động thái đặt hàng trước 40 triệu liều vắc-xin từ Pfizer và BioNTech còn được phê duyệt nhanh hơn cả Mỹ và Đức, nơi đặt trụ sở của 2 công ty. Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) và Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu đang phải đối mặt với các yêu cầu tăng tốc thời gian phê chuẩn vắc-xin Covid-19.
Các quốc gia khác cũng chịu áp lực tương tự. Hôm 2/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra sắc lệnh tiêm chủng trên toàn quốc bắt đầu vào tuần tới, dù vắc-xin Covid-19 của Nga vừa trải qua các giai đoạn thử nghiệm bị cho là ít nghiêm ngặt.
Cuộc chạy đua không cân bằng
Tuy nhiên, các nước nghèo có thể bị bỏ lại phía sau, do không thể cạnh tranh với những quốc gia giàu hơn trong việc sản xuất hoặc mua lại vắc-xin. Theo Trung tâm Đổi mới y tế toàn cầu Duke ở Durham (Mỹ), người dân một số nước thu nhập thấp có thể phải đến 2024 mới được tiêm chủng. Một nửa nguồn cung vắc-xin đã được EU và 5 nước lớn khác đặt hàng cho 2021, theo số liệu từ tạp chí Nature.
Một số quốc gia thu nhập trung bình, như Ấn Độ, cho đến nay đã sản xuất được 2 tỷ liều vắc-xin, song những quốc gia giàu có như Canada vẫn được hưởng lợi nhiều nhất, khi có thể cung cấp trung bình tới 8 liều vắc-xin cho mỗi người.
Tổ chức Y tế Thế giới và các tổ chức toàn cầu khác đã cố gắng giải quyết vấn đề này, bằng cách thành lập Cơ sở tiếp cận toàn cầu đối với vắc-xin Covid-19, được gọi tắt là Covax. Hơn 150 quốc gia đã tham gia chương trình này, nhằm mục đích phát triển và phân phối công bằng 2 tỷ liều vắc-xin vào cuối năm tới.
Dù vậy, vấn đề không chỉ nằm ở khâu cung ứng, mà còn cả ở khâu hậu cần. Vắc-xin của Pfizer chỉ có thể được bảo quản ở nhiệt độ -75 độ C. Điều kiện bảo quản này nằm ngoài khả năng của nhiều nước hiện nay, đặc biệt là ở quy mô có thể đáp ứng các chương trình tiêm chủng mang tính đại trà. Các nhà sản xuất ước tính, chỉ riêng tại Mỹ sẽ cần ít nhất 50.000 tủ đông lạnh để phục vụ quá trình tiêm chủng trên cả nước.
Đối với một số quốc gia, điều này đặt ra một rào cản khó có thể vượt qua. Theo Surangel Whipps Jr, Tổng thống đắc cử của Palau, sở hữu vắc-xin của Pfizer gần như là điều “bất khả thi” đối với đất nước của ông. Trớ trêu thay, đảo quốc nhỏ bé tại Thái Bình Dương này lại là một trong những quốc gia duy nhất phòng chống hiệu quả dịch Covid-19.
Washington Post cho rằng, một mối lo ngại khác là ngay cả khi các chương trình tiêm chủng có hiệu quả trong việc chấm dứt dịch bệnh ở một số nước giàu, thì bản thân virus corona vẫn có thể tồn tại, lan rộng ở các nước nghèo. Điều này không chỉ gây nguy cơ đối với hàng triệu người sống ở các quốc gia đó, mà còn có thể tiếp tục lây lan sang những nơi khác.
Giới chức y tế thế giới đã phải vật lộn với vấn đề phân phối vắc-xin Covid-19 trên toàn cầu suốt nhiều tháng qua. Theo Katherine O’Brien, Giám đốc phòng quản lý tiêm chủng của WHO, việc tìm ra một loại vắc-xin hiệu quả giống như “xây dựng một khu lán trại trên núi Everest”, còn việc cung cấp vắc-xin giống như “trèo được tới đỉnh Everest”.
Chủ nghĩa quốc gia về vắc-xin
Bên cạnh đó, một số chuyên gia lo ngại rằng, việc triển khai vắc-xin quá nhanh chóng có thể làm xói mòn niềm tin vào các loại chủng ngừa, đặc biệt là những dạng chủng ngừa do Pfizer và Moderna điều chế, sử dụng công nghệ mRNA mới có thể gây các tác dụng phụ ngắn hạn.
Trong một bài viết trên tờ Foreign Affairs, hai tác giả Josh Michaud và Jen Kates đã cảnh báo “sự vỡ mộng về vắc-xin”, nếu các liều lượng không thể đạt hiệu quả nhanh chóng.
Mọi sự chú ý sắp tới sẽ đổ dồn vào Anh, khi nước này bắt đầu triển khai vắc-xin Pfizer trên toàn quốc. Thậm chí, đây không phải vấn đề của một quốc gia đơn lẻ, khi BioNTech, công ty của hai vợ chồng người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ, đã hợp tác sản xuất vắc-xin với công ty Pfizer Mỹ nhưng lại được Chính phủ Anh cấp phép.
Washington Post cho rằng, bản chất quốc tế của sự kết hợp này là điều đáng ghi nhận, trong thời kỳ “chủ nghĩa quốc gia về vắc-xin” đang trỗi dậy. Sự chấm dứt của dịch Covid-19 có thể là vấn đề ở trong tầm mắt, nhưng sẽ cần nỗ lực mang tính toàn cầu để đạt được điều đó.
Nguồn VNN-TT