VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 11/6/2021.

    “Quả bom” lạm phát toàn cầu chờ ngày phát nổ?; Mỹ cấp miễn phí và vô điều kiện lô vắc xin lớn chưa từng có cho thế giới; Châu Âu chuẩn bị “bung cửa”, WHO cảnh báo ẩn họa từ biến chủng SARS-CoV-2; G7 tính tài trợ 1 tỷ liều vaccine Covid cho các nước nghèo hơn; Các quốc gia trên thế giới vẫn đối mặt nguy cơ bùng phát dịch trở lại…là những tin chính được cập nhật.
“Quả bom” lạm phát toàn cầu chờ ngày phát nổ?
Kích cầu để vượt Covid-19: “Bom nợ” liệu có phát nổ? - Nhịp sống kinh tế  Việt Nam & Thế giới     Ảnh minh họa.
(vneconomy.vn) -Những số liệu lạm phát mới nhất đã và sắp công bố cho thấy áp lực tăng giá cả trên phạm vi toàn cầu ngày càng lớn. Nỗi lo lớn nhất của nhà đầu tư lúc này là lạm phát leo thang sẽ buộc các ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến…
Những số liệu lạm phát mới nhất đã và sắp công bố cho thấy áp lực tăng giá cả trên phạm vi toàn cầu ngày càng lớn. Có nhà phân tích nhận định rằng lạm phát đang giống như một “quả bom hẹn giờ” chuẩn bị tới ngày phát nổ.
Theo báo cáo ngày 9/6 của Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS), chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 5 của nước này tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, mạnh nhất kể từ tháng 9/2008. Không chỉ vượt xa mức tăng 6,8% ghi nhận trong tháng 4, mức tăng này còn cao hơn mức dự báo tăng 8,5% mà giới phân tích đưa ra trước đó.
NBS nói rằng PPI tăng mạnh trong tháng 5 chủ yếu do sự tăng giá dầu thô, quặng sắt, thép và các kim loại khác.
Ở thời điểm này, giới đầu tư toàn cầu còn đang chờ báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của Mỹ, dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 10/6. Các chuyên gia kinh tế được Dow Jones khảo sát dự báo mức tăng 3,5% của CPI Mỹ so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất 28 năm.
Mỹ cấp miễn phí và vô điều kiện lô vắc xin lớn chưa từng có cho thế giới
(Dân trí) Tổng thống Joe Biden cho biết, Mỹ sẽ cung cấp vô điều kiện 500 triệu liều vắc xin để giúp các nước thu nhập thấp và trung bình đối phó với đại dịch Covid-19.
“Nước Mỹ sẽ cung cấp nửa tỷ liều vắc xin cho các nước mà không kèm bất cứ điều kiện nào. Không có bất cứ điều kiện nào. Các viện trợ vắc xin của chúng tôi không kèm theo sức ép để đổi lấy các ưu đãi hay nhượng bộ. Chúng tôi làm điều này để cứu lấy những sinh mạng”, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 10/6 phát biểu với phóng viên tại khuôn viên khu nghỉ dưỡng ở Anh trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7.
Chủ nhân Nhà Trắng tuyên bố: “Mỹ sẽ là kho vắc xin trong cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch Covid-19”. Ông nhấn mạnh, việc cung cấp này cũng mang lại lợi ích cho Mỹ bằng việc hỗ trợ dập dịch ở các nơi khác trên thế giới trước khi các biến chủng nguy hiểm của virus hình thành.
Ông Biden cho biết, Mỹ sẽ bắt đầu phân phối 500 triệu liều vắc xin Pfizer này cho các nước từ tháng 8 tới sau khi hoàn tất phân phối 80 triệu liều vắc xin theo các cam kết trước kia.
Theo Reuters, đây là lô vắc xin viện trợ lớn nhất từ trước đến nay mà một quốc gia cam kết cung cấp cho thế giới và ước tính trị giá khoảng 3,5 tỷ USD. Nhà Trắng trước đó cho biết, 200 triệu liều sẽ được chia sẻ trong năm nay, và 300 triệu liều còn lại được phân phối trong nửa đầu năm sau tới gần 100 quốc gia. Cam kết của Mỹ được cho là sẽ góp phần thúc đẩy các nước khác trong G7 đưa ra cam kết tương tự tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm diễn ra cuối tuần này.
Châu Âu chuẩn bị “bung cửa”, WHO cảnh báo ẩn họa từ biến chủng SARS-CoV-2
(DTO) Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo châu Âu vẫn cần thận trọng khi mở cửa trở lại vào mùa hè này bởi nguy cơ bùng dịch bùng dịch do biến chủng từ Ấn Độ vẫn còn.
“Biến chủng Delta có khả năng lây lan mạnh hơn và thậm chí có thể “né” miễn dịch trong một số trường hợp, sẽ còn đe dọa khu vực khi nhiều người thuộc nhóm dân số trên 60 tuổi dễ tổn thương vẫn chưa được bảo vệ… Chúng ta nên ghi nhận những thành tựu đã đạt được ở hầu hết các nước trong khu vực nhưng cũng phải thừa nhận chúng ta chưa thoát khỏi vùng nguy hiểm”, ông Hans Henri Kluge, Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Âu, cảnh báo ngày 10/6.
Quan chức WHO lưu ý: “Khi các cuộc tụ tập gia tăng, nhiều người di chuyển hơn, các lễ hội và sự kiện lớn diễn ra trong thời gian tới, WHO kêu gọi người dân hãy thận trọng. Nếu đi lại, hãy hành động có trách nhiệm và có ý thức phòng các nguy cơ”.
Cảnh báo được đưa ra giữa lúc nhiều nước châu Âu rục rịch kế hoạch mở cửa trở lại, áp dụng cơ chế hộ chiếu vắc xin để đón du khách nước ngoài sau khi đã triển khai nhanh chóng chiến dịch tiêm chủng để đối phó với làn sóng Covid-19 do biến chủng Alpha hay B.1.17 từ Anh gây ra.
Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại châu Âu vẫn có nguy cơ đối mặt với làn sóng tiếp theo do sự xuất hiện của biến chủng Delta hay B.1617.2 từ Ấn Độ. Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Anh cho thấy, biến chủng Delta có tốc độ lây lan cao hơn 40%-60% so với biến chủng Alpha. Biến chủng Delta từng kéo theo thảm kịch nghiêm trọng chưa từng có Ấn Độ và khiến hệ thống y tế của nhiều nước trên thế giới lao đao.
G7 tính tài trợ 1 tỷ liều vaccine Covid cho các nước nghèo hơn
(vneconomy.vn) Thủ tướng Anh Boris Johnson dự kiến nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) sẽ đạt nhất trí tài trợ 1 tỷ liều vaccine Covid-19 cho các nước nghèo hơn…
Thủ tướng Anh Boris Johnson dự kiến nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) sẽ đạt nhất trí tài trợ 1 tỷ liều vaccine Covid-19 cho các nước nghèo hơn. Một quyết định như vậy có thể được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh G7 bắt đầu vào ngày thứ Sáu (11/6), nhằm đạt tới mục tiêu đến cuối năm 2022 toàn thế giới được tiêm chủng.
Theo tin từ Reuters, chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố đẩy mạnh cuộc chiến chống Covid-19 bằng cách tài trợ 500 triệu liều vaccine Pfizer cho 100 quốc gia thu nhập thấp nhất thế giới, ông Johnson tuyên bố Anh sẽ tặng ít nhất 100 triệu liều vaccine mà nước này không dùng đến cho các nước nghèo.
“1 tỷ liều vaccine mà G7 định tài trợ nên được nhìn nhận là một con số tối thiểu. Và tiến độ của việc tài trợ này phải được đẩy mạnh” – chuyên gia Lis Wallace thuộc tổ chức vận động chống đói nghèo ONE.
Trước đó, nhà lãnh đạo Anh đã kêu gọi G7 cam kết giúp thế giới tiêm phòng Covid-19 xong vào cuối năm sau, và G7 được kỳ vọng sẽ tài trợ 1 tỷ liều vaccine.
Tuy nhiên, một số nhóm vận động chỉ trích rằng kế hoạch này chỉ như “muối bỏ bể”. Tổ chức Oxfam ước tính gần 4 tỷ người trên thế giới sẽ phải phụ thuộc vào vaccine từ COVAX – sáng kiến của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm phân phối vaccine đến các nước thu nhập thấp và trung bình.
“Do chương trình tiêm chủng của Anh đã thành công, chúng tôi đang ở vị thế có thể chia sẻ một phần vaccine còn dư của chúng tôi cho những nước cần”, ông Johnson nói. “Bằng cách này, chúng ta sẽ đạt những bước tiến lớn để đánh bại đại dịch”.
Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ diễn ra trong 3 ngày tại khu nghỉ dưỡng ven biển Carbis Bay của Anh.
Đến nay, Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của khoảng 3,9 triệu người trên thế giới và gây đảo lộn kinh tế toàn cầu. Kể từ khi những ca nhiễm đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12/2019, Covid đã tấn công hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Các hãng dược đã thể hiện sự “thần tốc” trong bào chế và sản xuất vaccine. Nhiều quốc gia cũng tiến hành tiêm chủng với tốc độ cực nhanh: Anh đến nay đã tiêm ít nhất 1 mũi cho 77% dân số trưởng thành; ở Mỹ, tỷ lệ này là 64%. Tuy nhiên, các nhà khoa học nói rằng đại dịch chỉ có thể chấm dứt một khi tất cả các quốc gia trên thế giới được tiêm chủng.
Với dân số toàn cầu gần 8 tỷ người và phần lớn cần 2 mũi tiêm, chưa kể tiêm nhắc lại để chống những biến chủng mới, các nhà vận động nói rằng việc G7 tài trợ 1 tỷ liều vaccine là một sự khởi đầu tốt, nhưng các nhà lãnh đạo thế giới cần tiến nhanh hơn và xa hơn nhiều.
“1 tỷ liều vaccine mà G7 định tài trợ nên được nhìn nhận là một con số tối thiểu. Và tiến độ của việc tài trợ này phải được đẩy mạnh”, chuyên gia Lis Wallace thuộc tổ chức vận động chống đói nghèo ONE nhận xét.
*** Các quốc gia trên thế giới vẫn đối mặt nguy cơ bùng phát dịch trở lại
(ĐCSVN) – Tuy nhiều quốc gia đã kiểm soát được dịch bệnh và tình hình ở nhiều nơi được cải thiện, nhưng theo giới chuyên gia, tất cả các quốc gia trên thế giới vẫn trong tình trạng đối mặt nguy cơ để đại dịch bùng phát lại, bởi các chủng virus mới nguy hiểm hơn vẫn có thể phát sinh trong thời gian tới.
   Trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 11/6 cho thấy, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 175.576.659 ca, trong đó 3.787.298 ca tử vong và 159.435.134 ca đã được chữa khỏi.
Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu thế giới về số ca nhiễm. Trong ngày hôm qua, Mỹ ghi nhận số ca nhiễm mới là 11.524 ca, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 34.272.447 ca, trong đó 613.855 ca đã tử vong.
Trong khi đó, số ca nhiễm mới ở Ấn Độ – quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai bởi đại dịch cũng có dấu hiệu giảm, với 91.266 ca. Tổng số ca nhiễm tại nước này là 29.273.338 ca, trong đó 363.097 ca đã tử vong. Sau ngày cao điểm với hơn 6000 ca tử vong được ghi nhận, ngày hôm qua, Ấn Độ ghi nhận thêm 3.402 ca tử vong vì dịch COVID-19.
Brazil trở thành quốc gia đứng thứ ba thế giới về số ca mắc với 17.210.969 ca và số ca tử vong là 482.019. Riêng ngày hôm qua, nước này ghi nhận thêm 85.612 ca nhiễm mới, 2.228 ca tử vong.
Các nhà hàng, trung tâm thương mại vắng vẻ ở Singapore trong bối cảnh đại dịch (Ảnh: CNA)
Châu Á trở thành khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (53.092.428 ca). Với 47.069.730 ca mắc, châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng thứ hai. Tiếp đến là Bắc Mỹ với 40.079.962 ca và Nam Mỹ với 30.235.787 ca. Châu Phi (5.028.091 ca) và châu Đại Dương (69.940 ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.
Tình hình dịch bệnh ở châu Á vẫn diễn biến phức tạp với số ca nhiễm và tử vong mới tiếp tục tăng, trong đó Indonesia ghi nhận số ca nhiễm trong ngày 10/6 ở mức cao nhất kể từ ngày 26/2 với 8.892 ca; Mông Cổ có số ca nhiễm trong ngày cao kỷ lục với 1.460 ca; Malaysia thêm 5.671 ca nhiễm mới và 73 ca tử vong; Campuchia với 11 ca tử vong và 426 ca nhiễm mới…
Tại châu Á, sau Ấn Độ, Iran là quốc gia chịu ảnh hưởng thứ hai bởi dịch COVID-19 với 5.313.098 ca, trong đó 48.524 ca đã tử vong. Ngày hôm qua, nước này ghi nhận 12.398 ca nhiễm mới.
Tại Singapore, tình hình dịch bệnh đã có tiến triển tích cực với số ca lây nhiễm trong cộng đồng được ngăn chặn và số ca nhiễm mới giảm mạnh. Giới chức Singapore quyết định sẽ nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội theo 2 giai đoạn, bắt đầu từ 14/6. Tuy nhiên, yêu cầu làm việc tại nhà vẫn được duy trì để giảm rủi ro. Song song với nới lỏng giãn cách xã hội từng bước, Singapore tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng và chiến dịch xét nghiệm phòng ngừa. Ngày 10/6, Singapore chỉ ghi nhận 4 ca nhiễm mới, mức thấp nhất trong ngày trong gần 4 tháng qua.
Tại Hàn Quốc, người dân bắt đầu tiêm vaccine Janssen của hãng dược Johnson&Johnson và do Mỹ cung cấp, với hy vọng sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Janssen là vaccine thứ tư được nhập khẩu vào Hàn Quốc, sau các vaccine của hãng AstraZeneca, Pfizer/BioNTech và Moderna. Đây là vaccine chỉ tiêm một mũi duy nhất. Các loại còn lại phải tiêm hai mũi.
Trong khi đó, người phụ trách khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Hans Kluge, cảnh báo châu Âu chưa qua cơn nguy hiểm dù số ca nhiễm và tử vong mới trong dịch COVID-19 đang giảm trên toàn châu lục, đồng thời kêu gọi người dân di chuyển có trách nhiệm trong kỳ nghỉ hè. Theo ông Kluge, biến thể Delta, xuất hiện đầu tiên ở Ấn Độ, rất đáng lo ngại, đồng thời nhắc nhở rằng các nước cần rút ra bài học từ đợt bùng phát số ca trong mùa hè năm ngoái ngay cả khi các chiến dịch tiêm phòng hiện đang được đẩy nhanh khắp khu vực. Theo ông, đến nay chỉ có 30% dân số khu vực châu Âu được tiêm liều vaccine đầu tiên, và điều đó là chưa đủ đề ngăn chặn làn sóng lây nhiễm mới.
Một phân tích từ số liệu của Đại học John Hopkins (Mỹ) cho thấy, thế giới đã ghi nhận hơn 1,88 triệu ca tử vong vì COVID-19 trong chưa đầy 6 tháng đầu năm nay, vượt quá tổng số người chết vì đại dịch trong cả năm 2020. Tại thời điểm cuối năm 2020, châu Âu và Bắc Mỹ chiếm tới 73% số ca nhiễm mỗi ngày và 72% số ca tử vong trên toàn thế giới. Thế nhưng giờ đây, hơn 80% số ca nhiễm và ca tử vong lại xảy ra ở Nam Mỹ, châu Á và châu Phi.
Theo giới chuyên gia, tất cả các quốc gia trên thế giới vẫn trong tình trạng có nguy cơ để đại dịch bùng phát lại bởi các chủng virus mới nguy hiểm hơn vẫn có thể phát sinh trong thời gian tới./.

TQ-TT