VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

TIn vắn quốc tế ngày 12/26/2021.

     Đài Loan xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Trường Sa; Người chết vì Covid-19 nửa năm nay vượt cả năm ngoái; Biến chủng nCoV từ Ấn thử lửa ‘phép màu vaccine’ Mỹ; Mặc Covid-19, tổng tài sản của người Mỹ đạt mức cao chưa từng thấy; WB không ủng hộ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine ngừa COVID-19; Thế giới sắp chạm mốc 176 triệu ca nhiễm COVID-19…là những tin chính được cập nhật.
Đài Loan xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Trường Sa
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao trả lời hãng tin Mỹ về diễn biến nghiêm trọng  tại Biển Đông   Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng
(vnmedia.vn) – Việc Đài Loan tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải…
Ngày 11/6, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Đài Loan diễn tập bắn đạn thật ở đảo Ba Bình, quần đảo Trường Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Việc Đài Loan tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải; gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông.
Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan hủy bỏ hoạt động diễn tập trái phép nêu trên và không tái diễn trong tương lai.
Đảo Ba Bình (tên quốc tế là Itu Aba) nằm ở tọa độ 10°23 bắc, 114°22 đông, là hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đảo có chu vi 2,8km, diện tích 43,2ha và có một vòng đá san hô bao quanh. Chiều dài đảo là 1.470m, chiều rộng 500m, có độ cao trung bình 2,8m.
Trong những năm gần đây, Đài Loan liên tiếp vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với đảo Ba Bình thông qua các hoạt động xây dựng, triển khai vũ khí và tập trận quân sự.
Người chết vì Covid-19 nửa năm nay vượt cả năm ngoái
Thế giới ghi nhận 1,89 triệu ca tử vong vì Covid-19 trong chưa đầy 6 tháng đầu năm, cao hơn tổng số 1,88 triệu người chết trong cả năm 2020.
Theo số liệu do Đại học Johns Hopkins công bố ngày 11/6, tổng số ca tử vong vì nCoV trên toàn thế giới là 3,77 triệu. Trong đó, số ca tử vong trong chưa đầy 6 tháng đầu năm nay là 1,89 triệu, cao hơn 10.000 người so với tổng số người chết vì đại dịch trong cả năm 2020.
Dù số ca tử vong vì Covid-19 năm 2020 có thể cao hơn nhiều do thống kê chậm trễ, bỏ sót và báo cáo không đầy đủ, dữ liệu nhắc nhở rằng Covid-19 đang hoành hành và cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên thế giới, bất chấp nỗ lực tiêm chủng ngăn chặn các đợt bùng phát tồi tệ tại nhiều nước.
Trong bình 9.000 ca tử vong toàn cầu được báo cáo mỗi ngày. Số ca tử vong giảm dần so với hồi tháng 4, song vẫn cao hơn mức đỉnh của năm ngoái, xảy ra hồi tháng 11/2020. Số ca nhiễm, ca tử vong và người nhập viện tăng lên tại nhiều quốc gia.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo khu vực Tây Thái Bình Dương, bao gồm châu Á, ghi nhận số ca tử vong cao nhất tới nay.
“Chúng ta đang chứng kiến diễn biến song song của đại dịch. Nhiều nước vẫn đối mặt với tình trạng nguy hiểm, trong khi các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất đang bắt đầu bàn về việc chấm dứt các hạn chế”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói ngày 7/6.
Biến chủng nCoV từ Ấn thử lửa ‘phép màu vaccine’ Mỹ
Chính phủ Mỹ xác nhận biến chủng nCoV từ Ấn Độ chiếm 6% tổng số ca nhiễm mới, dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch.
Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước Mỹ và là cố vấn chính phủ về Covid-19, ngày 8/6 nhận định tốc độ lây lan của biến chủng Delta có vẻ đã được kìm hãm nhờ vaccine. “Biến chủng này đang xâm chiếm nước Anh. Chúng ta không thể để kịch bản tương tự xảy ra ở Mỹ. Đây sẽ là minh chứng cho hiệu quả của vaccine”, Fauci trả lời họp báo tại Nhà Trắng.
Biến chủng xuất hiện đầu tiên tại Ấn Độ có mức lây nhiễm cao hơn biến chủng Alpha, được phát hiện ở Anh vào cuối năm 2020, khoảng 40-70%. Delta cũng được cho là nguyên nhân thúc đẩy đợt bùng phát Covid-19 hiện nay tại Anh dù nước này đã tiêm chủng hơn 40% dân số. Giới chuyên gia tại Anh thậm chí lo ngại đảo quốc sẽ trả qua làn sóng dịch thứ ba nếu nới lỏng phong tỏa.
Mặc Covid-19, tổng tài sản của người Mỹ đạt mức cao chưa từng thấy
Tổng tài sản của các hộ gia đình ở Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 136,9 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 3/2021 – theo dữ liệu được Cục Dự trữ Liên bang (Fed) công bố ngày 10/6. Đây được xem là một chỉ báo về sự “bung nén” nhu cầu tiêu dùng khi đại dịch Covid-19 xuống thang và nền kinh tế Mỹ mở cửa trở lại.
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm là động lực chính cho sự gia tăng tài sản của người Mỹ. Trong quý 1, giá cổ phiếu tăng giúp tổng tài sản của các hộ gia đình ở nước này tăng 3,2 nghìn tỷ USD. Giá bất động sản tăng giúp tổng tài sản tăng thêm khoảng 1 nghìn tỷ USD.
Nếu so với thời điểm cuối quý 4/2020, tổng tài sản của các hộ gia đình Mỹ vào cuối quý 1 tăng thêm 5 nghìn tỷ USD – hãng tin Reuters dẫn báo cáo của Fed cho hay.
Số dư tiền mặt, tài khoản séc và tiền gửi tiết kiệm của các hộ gia đình Mỹ tăng 850 tỷ USD trong quý 1, đạt kỷ lục 14,5 nghìn tỷ USD. Sự gia tăng này có được một phần quan trọng nhờ các gói kích cầu khổng lồ liên tiếp của Chính phủ Mỹ.
Báo cáo của Fed chỉ đưa ra con số chung, không phản ánh sự khác biệt giữa các nhóm thu nhập cao và thu nhập thấp, cũng như giữa người có việc làm và người thất nghiệp.
Dù vậy, bản báo cáo phản ánh khả năng tiêu dùng mạnh mẽ của người Mỹ trong quý này và cả những quý tiếp theo. Nhu cầu của người Mỹ được dự báo sẽ bung mở khi số ca nhiễm mới Covid tiếp tục giảm mạnh, người dân được tiêm phòng đầy đủ bắt đầu nối lại các hoạt động vui chơi giải trí, và các tiểu bang dỡ dần các hạn chế chống dịch. Giới chuyên gia dự báo kinh tế Mỹ năm nay sẽ tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong nhiều thập niên.
Cũng theo báo cáo trên, tổng nợ của các hộ gia đình Mỹ tăng 6,5% trong quý 1 so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 16,9 nghìn tỷ USD, chủ yếu do vay thế chấp nhà tăng mạnh. Tổng nợ vay thế chấp nhà của các hộ gia đình ở nước này tại thời điểm cuối tháng 3 là 11 nghìn tỷ USD.
WB không ủng hộ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine ngừa COVID-19
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass tuyên bố WB không ủng hộ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine ngừa COVID-19 do lo ngại điều này sẽ cản trở sự đổi mới trong lĩnh vực dược phẩm.
Trả lời câu hỏi của báo giới về ý tưởng miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ vaccine COVID-19, Chủ tịch Malpass khẳng định: “Chúng tôi không ủng hộ điều đó, vì điều này có nguy cơ cản trở sự đổi mới, nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực này”.
Ngoài ra, ông cũng một lần nữa kêu gọi các quốc gia giàu có nhanh chóng hỗ trợ các nước đang phát triển số vaccine đang dư thừa của mình.
Những “ông lớn” thế giới Facebook, Amazon, Alphabet sẽ đối mặt với điều gì khi phải thực thi thuế doanh nghiệp toàn cầu mới?
Các Bộ trưởng Tài chính thuộc nhóm nước G-7 đã cam kết thực thi thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ở mức 15%.
Theo Bank of America, dự luật mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sẽ gây ra khó khăn cho Facebook, Amazon, Netflix và Alphabet – hay còn gọi là nhóm FANG, tuy nhiên tác động có thể sẽ không quá tệ như dự tính.
Các Bộ trưởng Tài chính thuộc nhóm nước G7 đã cam kết thực thi thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ở mức 15%. Mức thuế này chắc chắn sẽ làm giảm thu nhập của nhóm FANG, nhưng cũng giúp cải thiện tình trạng các công ty công nghệ đa quốc gia tìm cách né thuế trong nhiều năm qua.
Mặc dù vậy, nhà phân tích Justin Post thì cho rằng dự luật tăng thuế doanh nghiệp nội địa Mỹ của Tổng thống Joe Biden mới là mối đe dọa thực sự với Facebook, Amazon, Netflix hay Alphabet.
Cổ phiếu nhóm FAANG (có thêm Apple) được niêm yết trên sàn Nasdaq. Ảnh: CNBC
Cổ phiếu nhóm FAANG (có thêm Apple) được niêm yết trên sàn Nasdaq. Ảnh: CNBC
Chính quyền ông Biden đã đề xuất tăng thuế doanh nghiệp nội địa từ 21% lên 28%. Tuy nhiên nhiều dấu hiệu cho thấy mức thuế doanh nghiệp sẽ chỉ tăng đến mức 25%.
“Xác suất cao là việc tăng thuế doanh nghiệp nội địa Mỹ và thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sẽ làm giảm 5% thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) FANG. Tuy nhiên các dự luật thuế mới sẽ mất vài năm để được thực thi và những công ty này có thể sẽ có chiến lược tối ưu hóa thuế mới để bù đắp cho những tác động này”, ông Post viết.
*** Thế giới sắp chạm mốc 176 triệu ca nhiễm COVID-19
   (ĐCSVN) – Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến sáng ngày 12/6/2021 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 175.995.105 ca nhiễm COVID-19, trong đó 3.799.304 ca tử vong và 159.551.326 ca bình phục.
Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 388.908 ca mắc và 10.710 ca tử vong mới vì đại dịch. Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 34.287.884 ca nhiễm COVID-19, trong đó 614.404 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (84.695 ca); Brazil (80.959 ca); Argentina (26.934 ca); Nga (12.505 ca); Mỹ (11.657 ca); Iran (9.966 ca)… Các quốc gia ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong ngày gồm: Ấn Độ (4.000 ca); Brazil (2.100 ca); Argentina (687 ca); Colombia (569 ca); Nga (396 ca); Mỹ (353 ca)…
Tại châu Âu, hiện tại châu lục này ghi nhận 47.112.761 ca mắc COVID-19, trong đó 1.084.822 ca tử vong. Hết ngày 11/6, châu lục này ghi nhận đã có thêm 42.469 ca nhiễm mới và 964 ca tử vong vì COVID-19. Pháp hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 tại châu Âu. Tính đến nay, nước này ghi nhận đã có 5.733.838 ca mắc COVID-19 và 110.344 ca tử vong vì dịch bệnh. Ngày 11/6, Pháp có thêm 3.871 ca nhiễm mới và 71 ca tử vong mới vì dịch bệnh.
Châu Á hiện vẫn đang là tâm dịch COVID-19 trên toàn thế giới. Tính đến nay, châu lục này đã có tổng cộng 53.247.582 ca nhiễm và 735.486 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 154.540 ca mắc và 5.115 trường hợp tử vong mới. Riêng tại châu Á, có 50.199.254 ca được điều trị khỏi; 2.312.842 ca đang được điều trị tích cực và chỉ còn 27.595 ca bệnh nặng.
Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực và trên toàn thế giới. Ngày 11/6, Bộ Y tế Ấn Độ thông báo đã ghi nhận thêm 84.695 ca mắc mới và 4.000 ca tử vong do dịch COVID-19 trong ngày, đưa tổng số bệnh nhân và số trường hợp mắc và không qua khỏi do dịch bệnh nguy hiểm này lên lần lượt là 29.358.033 ca và 367.097 ca.
Tại ASEAN, trong 24 giờ qua, khu vực này có thêm 25.441 ca mắc mới và 322 ca tử vong vì COVID-19. Tính đến nay, toàn khối ASEAN ghi nhận có tổng cộng 4.291.207 người mắc COVID-19, trong đó 83.721 ca tử vong.
Trong 24 giờ qua, Hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Campuchia và Myanmar.
Indonesia hiện vẫn là ổ dịch nghiêm trọng nhất khu vực ASEAN. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại quốc gia này tiếp tục xu thế hạ nhiệt so với 1 tháng trước đây. Trong 24 giờ qua, Indonesia ghi nhận 8.083 ca nhiễm mới, trong đó 193 ca tử vong mới vì đại dịch.
Tại Malaysia, tình hình dịch COVID-19 vẫn vô cùng đáng quan ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng nhất khu vực, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh suốt mấy tuần vừa qua.
Ngày 11/6, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ 2 ASEAN với 6.849 ca, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 84 trường hợp không qua khỏi. Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định phong tỏa toàn quốc trong hơn 1 tuần qua nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Ngày 11/6, nước này ghi nhận 2.290 ca nhiễm mới và 27 ca tử vong mới vì COVID-19.
Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận thêm 21.614 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 40.110.654 ca, tổng số người tử vong là 906.194 người. Số ca phục hồi ở khu vực này là 33.171.937 trường hợp. Sau Mỹ, Mexico là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhiều thứ 2 lại khu vực này, với 2.445.538 ca nhiễm và 229.578 ca tử vong. Tiếp đó là các quốc gia Canada, Panama, CostaRica, Cộng hòa Dominica, Guatemala lần lượt xếp sau Mỹ và Mexico về tác động của đại dịch COVID-19 trong khu vực.
Khu vực Nam Mỹ có tổng cộng 30.405.068 ca nhiễm; 937.147 ca tử vong và 27.516.595 ca phục hồi. Trong 24 giờ qua, khu vực này ghi nhận thêm 153.192 ca nhiễm và 3.655 ca tử vong vì dịch bệnh. Brazil vẫn tiếp tục dẫn đầu khu vực và thứ 3 thế giới về mức độ ảnh hưởng do COVID-19. Tính đến nay, tổng số ca bệnh ở Brazil đã lên tới 17.296.118 ca nhiễm, trong đó 484.235 ca tử vong. Các quốc gia Argentina, Colombia, Peru, Chile, Ecuador, Bolivia lần lượt xếp sau Brazil về mức độ ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 trong khu vực.
Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này có tổng cộng 5.048.271 ca mắc COVID-19, trong đó 134.386 ca tử vong. Trong đó, những nước chịu tác động mạnh nhất về số ca nhiễm tại châu lục này gồm, Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ethiopia và Ai Cập. Nam Phi hiện vẫn dẫn đầu châu lục về số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2, với 1.730.106 trường hợp, trong đó 57.592 ca tử vong vì dịch bệnh.
Tại châu Đại Dương, trong 24 giờ qua, Australia, New Zealand và Fiji là các quốc gia ghi nhận có ca mắc mới COVID-19. Hiện, Ausralia đang dẫn đầu châu lục vì số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận đã có thêm 3 trường hợp mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm vì dịch bệnh tại nước này lên tới 30.228 ca. Hiện, Australia ghi nhận có 910 trường hợp tử vong vì COVID-19. Các quốc gia French Polynesia, Papua New Guinea, New Zealand, Fiji, Wallis and Futuna… lần lượt xếp sau Australia vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại khu vực này./.

TQ-TT