Nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi vào năm 2020; Chỉ bằng một cảnh báo, Thổ Nhĩ Kỳ khiến phương Tây “nín lặng” ở chiến trường Syria?; Nobel Hòa bình 2019 vinh danh Thủ tướng Ethiopia; Mỹ hoãn tăng thuế lên hàng nhập khẩu Trung Quốc…là những tin chính được cập nhật.
Nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi vào năm 2020
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters).
(ĐCSVN) – Tại Hội nghị Triển vọng kinh tế toàn cầu 2020 vừa diễn ra ở New York (Mỹ), các chuyên gia kinh tế Mỹ đã đưa ra nhận định rằng, nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi vào năm 2020 với mức tăng trưởng 2,5%.
Kinh tế toàn cầu suy giảm đáng kể trong năm 2019, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) xuống mức 2,3% so với 3% năm 2018. Tuy nhiên, mức tăng trưởng sẽ phục hồi lên mức 2,5% vào năm 2020 và có thể tăng trưởng lên mức 2,7% vào những năm giữa thập kỷ. Người tiêu dùng trên khắp thế giới sẽ hưởng lợi từ thu nhập cao hơn và tỷ lệ lạm phát thấp. Trong khi đó, các doanh nghiệp tiếp tục tận dụng sự đổi mới và chuyển đổi kỹ thuật số để tăng doanh thu và giảm chi phí.
Hội nghị Triển vọng kinh tế toàn cầu 2020 đưa ra các dự báo về tăng trưởng sản lượng nền kinh tế toàn cầu, bao gồm 11 khu vực chính, 33 nền kinh tế chủ chốt và 36 thị trường mới nổi trong giai đoạn 2020 – 2024 và 2025 – 2029.
Số liệu nghiên cứu của tổ chức The Conference Board, một tổ chức nghiên cứu độc lập của Mỹ gồm các chuyên gia nghiên cứu và tư vấn về các vấn đề kinh tế cho thấy, nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi trong năm tới, sản xuất công nghiệp sẽ thoát khỏi đình trệ. Những thị trường mới nổi sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này khi giá nhiên liệu và hàng hóa nói chung tăng và thị trường tiền tệ ổn định hơn.
Chỉ bằng một cảnh báo, Thổ Nhĩ Kỳ khiến phương Tây “nín lặng” ở chiến trường Syria?
– Thổ Nhĩ Kỳ đã vấp phải làn sóng chỉ trích, lên án gay gắt của Mỹ và phương Tây sau khi phát động chiến dịch tấn công ồ ạt vào chiến trường phía bắc Syria. Tuy nhiên, Ankara nhanh chóng tung ra một cảnh báo khiến phương Tây thực sự lo ngại.
Cụ thể, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vừa cảnh báo Châu Âu đừng nên tung ra những lời chỉ trích, lên án nhằm vào chiến dịch quân sự mà Ankara đang phát động trên chiến trường Syria. Ông Erdogan đe dọa sẽ để cho hàng triệu người tị nạn tràn vào Liên minh Châu Âu (EU).
Trong bài phát biểu trước các nghị sĩ đến từ Đảng AK, Tổng thống Erdogan đã không ngần ngại cảnh báo rằng Châu Âu sẽ phải hứng chịu hậu quả nếu xem chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria là một cuộc xâm lược.
“Này EU, hãy tỉnh táo lại đi. Tôi nói lại một lần nữa: Nếu các bạn cố tìm cách gán cho chiến dịch của chúng tôi là một cuộc xâm lược, nhiệm vụ của chúng tôi là rất đơn giản: Chúng tôi sẽ mở các cánh cửa và gửi 3,6 triệu người nhập cư đến cho các bạn.
Lời đe dọa trên được Tổng thống Erdgan tung ra sau khi Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker nói rằng Ankara sẽ “phải ngừng ngay chiến dịch quân sự” ở phía đông bắc Syria. Ông Juncker cho rằng, chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ “không hiệu quả” và rằng Thổ Nhĩ Kỳ không nên mong đợi sẽ nhận được sự giúp đỡ của Châu Âu trong mục tiêu thiết lập cái gọi là “hành lang an toàn.”
Nobel Hòa bình 2019 vinh danh Thủ tướng Ethiopia
Ông Abiy Ahmed – thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử châu Phi – được tôn vinh về những nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc chiến suốt 20 năm gây tổn thất nhiều sinh mạng và tiền của giữa Ethiopia và Eritrea.
Phát biểu tại lễ công bố giải Nobel Hòa bình 2019, Chủ tịch Viện Nobel Na Uy Reiss-Andersen tuyên bố: “Uỷ ban Nobel Na Uy đã quyết định trao giải Nobel Hòa bình 2019 cho Thủ tướng Abiy Ahmed vì những nỗ lực của ông nhằm kiến tạo hòa bình và hợp tác quốc tế, cũng như vì sáng kiến mang tính quyết định của ông nhằm giải quyết cuộc xung đột biên giới với quốc gia láng giềng Eritrea”. Giải Nobel Hòa bình năm nay cũng ghi nhận sự đóng góp của tất cả các bên tham gia vào tiến trình hòa bình và hòa giải ở Ethiopia và các khu vực Đông và Bắc Phi.
Chuyên gia luật Awol Allo thuộc trường Đại học Keele (Anh) đánh giá ông Abiy Ahmed – vị thủ tướng trẻ tuổi nhất trong lịch sử châu Phi – xứng đáng được tôn vinh về những nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc chiến suốt 20 năm gây tổn thất nhiều sinh mạng và tiền của giữa hai quốc gia láng giềng Ethiopia và Eritrea. Ngoài ra, Thủ tướng Abiy Ahmed cũng từng đóng vai trò trung gian hòa giải tại Sudan.
Ông Abiy Ahmed nhậm chức Thủ tướng Ethiopia vào tháng 4/2018. Ngay từ những tháng đầu tiên cầm quyền tại một trong số những quốc gia đông dân nhất châu Phi (với hơn 100 triệu người), ông đã đưa ra chính sách cải cách thể chế quy mô lớn, trong đó bao gồm cả lĩnh vực an ninh và tư pháp. Thủ tướng Abiy Ahmed cũng thúc đẩy nhiều hơn sự hiện diện của nữ giới trong các chương trình nghị sự, tới 50% trong nội các của ông là các gương mặt nữ. Bên cạnh đó, ông cũng kêu gọi người dân quan tâm hơn tới các vấn đề xã hội, thông qua những hành động thiết thực như trồng thêm cây xanh để hạn chế sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Theo giới chuyên gia kinh tế, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ethiopia dự kiến sẽ đạt khoảng 100 tỷ USD vào năm 2020, đưa nước này trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực.
Như thông lệ hằng năm, lễ trao giải Nobel Hòa bình năm nay sẽ tổ chức tại thủ đô Oslo của Na Uy vào ngày 10/12 tới, để tưởng niệm ngày mất của nhà bác học người Thụy Điển Alfred Nobel. Ngoài huy chương vàng và một giấy chứng nhận, người được trao giải sẽ nhận số tiền thưởng 9 triệu kronor Thụy Điển (tương đương 912.000 USD)./.
Mỹ hoãn tăng thuế lên hàng nhập khẩu Trung Quốc
VOV.VN – Quyết định Tổng thống Trump đưa ra sau khi Mỹ và Trung Quốc nhất trí về giai đoạn đầu của thỏa thuận thương mại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý đình chỉ tăng thuế đối với 250 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào ngày 15/10 tới, như đã tuyên bố trước đó. Quyết định được ông chủ Nhà Trắng đưa ra sau khi Mỹ và Trung Quốc nhất trí về giai đoạn đầu của thỏa thuận thương mại nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài 18 tháng qua.
Phát biểu với báo giới trong cuộc gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump cho biết, thỏa thuận một phần này sẽ bao quát các lĩnh vực nông nghiệp, tiền tệ và một số khía cạnh liên quan tới bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
“Chúng tôi có thỏa thuận về sở hữu trí tuệ, dịch vụ tài chính, ngân hàng và tất cả các công ty dịch vụ tài chính sẽ rất hài lòng với những gì chúng tôi có thể nhận được. Các vấn đề liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp có ý nghĩa to lớn cho nông dân Mỹ”, ông Trump nói.
Tổng thống Donald Trump cho rằng hai bên đã tiến rất gần tới việc chấm dứt tranh chấp thương mại, song thừa nhận là thỏa thuận hiện vẫn chưa được viết ra và có thể mất tới 5 tuần để kết thúc giai đoạn một. Ông Donald Trump tỏ ý hy vọng có thể ký thỏa thuận này với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi nguyên thủ hai nước tham dự Hội nghị cấp cao lãnh đạo các nền kinh tế thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Chile vào giữa tháng sau.
Trong khi đó, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết, Tổng thống Donald Trump vẫn chưa đưa ra quyết định về các mức thuế sẽ áp lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào thời điểm 15 tháng 12 tới.
Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố sẽ không ký văn kiện trừ khi có thể xác nhận với Tổng thống Donald Trump rằng những điều hai bên đã thống nhất tại vòng đàm phán lần này sẽ được viết ra trong thỏa thuận một phần này.
Tuyên bố của người đứng đầu ngành Tài chính Mỹ chứng tỏ hai bên vẫn chưa đạt được sự tin tưởng nhau thực sự và là dấu hiệu cho thấy không loại trừ khả năng mọi thứ có thể thay đổi vào phút chót, tương tự những gì đã xảy ra tại vòng đàm phán thương mại thứ 11, cũng diễn ra tại Washington DC vào tháng 5/2019./.
*** Tổng thống Mỹ lạc quan về vòng đàm phán thương mại mới với Trung Quốc
Trả lời các phóng viên tại Nhà Trắng ngày 10-10, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, ngày làm việc đầu tiên của vòng đàm phán thương mại cấp cao Mỹ – Trung đã diễn ra tốt đẹp, hai bên đã có cuộc thảo luận rất thuận lợi.
Biển lửa bao trùm phía Bắc Los Angeles, 100 nghìn người phải di tản
Một trận cháy rừng dữ dội do gió mạnh đã thổi qua các chân đồi và hẻm núi dọc theo rìa phía Bắc của thành phố Los Angeles, nhấn chìm nhiều ngôi nhà trong biển lửa, khiến nhiều tuyến đường buộc phải đóng cửa và khoảng hơn 100.000 người buộc phải sơ tán đi nơi khác.
Tổng thống Putin cảnh báo về chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria
Tổng thống Nga Putin hoài nghi khả năng Thổ Nhĩ Kỳ có thể kiểm soát được nguy cơ tù nhân thuộc nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trốn thoát khỏi các nhà tù ở Bắc Syria.
Người Nhật “run rẩy” trước siêu bão mạnh nhất nửa thế kỷ
Hagibis, cơn bão được dự đoán mạnh nhất từng đổ bộ Nhật Bản từ năm 1958, đang hướng vào vùng trung tâm và phía Đông nước này, mang theo gió mạnh 270km/h cùng mưa lớn.
Tổng thống Ukraine họp báo 14h liên tục, phá kỷ lục của ông Putin
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiến hành họp báo 14h liên tục, phá kỷ lục họp báo 4h40p năm 2008 của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Hàn Quốc mua thêm 20 siêu tiêm kích F-35 giữa căng thẳng với Triều Tiên
Hàn Quốc muốn mua thêm 20 máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 F-35 của Mỹ, trị giá hơn 3 tỷ USD, bất chấp việc Triều Tiên kịch liệt phản đối kế hoạch hiện đại hóa quân sự của Seoul.
Máy bay trượt khỏi đường băng, chưa rõ thiệt hại về người
Bị trượt khỏi đường băng khi đang thực hiện quy trình cất cánh, chiếc máy bay nằm nghiêng trên nền đất nhờ lực cản từ bùn đất và các bụi cây…
Siêu tàu chở dầu Iran trúng tên lửa ngoài khơi Arab Saudi
Iran thông báo siêu tàu chở dầu Sabiti của nước này hoạt động gần Arab Saudi có thể đã trúng hai quả tên lửa, khiến dầu trên tàu tràn ra Biển Đỏ và hư hại nặng.
Nga, Mỹ bắt tay phủ quyết tuyên bố của châu Âu về Syria
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không thể thông qua tuyên bố chung phản đối chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Bắc Syria được các nước châu Âu đệ trình vì bị cả Nga lẫn Mỹ phủ quyết.
Cầu vượt cao tốc bị sập, hàng loạt ôtô bị nghiền nát
Sau khi rung lắc, cầu vượt cao tốc bất ngờ đổ sụp xuống đường đè bẹp nhiều ôtô. Hiện chính quyền địa phương chưa công bố số người thương vong….
Tổng thống Putin tiết lộ chuyện từng bị vỡ mũi lúc đấm bốc
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông từng rất yêu thích môn đấm bốc, nhưng đã đổi ý khi bị vỡ mũi trong lúc tập luyện.
Jacques Chirac – Người Pháp lịch lãm
Thế giới vào ngày 26-9 vừa chứng kiến sự ra đi của cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac. Ông Chirac – từng là Thị trưởng Paris cũng như 2 lần làm thủ tướng – được người dân Pháp và cả thế giới biết đến không chỉ với tư cách của một nhà lãnh đạo chính trị nổi tiếng mà còn là một nhân vật có sức thu hút đặc biệt theo đúng phong cách quý tộc Pháp.
Làn sóng bất ổn mới tại Trung Đông
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 9-10 đã phát động chiến dịch quân sự chống lại Đảng công nhân người Kurd (PKK) ở Syria mà nước này coi là khủng bố với sự hỗ trợ của nhóm phiến quân Quân đội Syria tự do (FSA) và gọi đây là chiến dịch “Mùa xuân Hòa bình”.
“Thần dược” kratom khiến cả thế giới lo ngại
Đối với các cơ quan chống ma túy của Mỹ và Indonesia, kratom là một loại thảo dược gây nghiện có tác dụng hướng thần ngang tầm với heroin. Do đó, nó đang làm cơ quan phòng chống ma túy của các quốc gia, trong đó có Mỹ, lo lắng.
Reinhard Gehlen và tổ chức tình báo Mỹ-Đức trong Chiến tranh Lạnh
Năm 1944, nhiều tướng lĩnh hàng đầu trong quân đội Adolf Hitler, hiểu rằng nước Đức đã thua trong cuộc chiến và họ nên sắp xếp tốt hơn để đảm bảo an toàn. Trong số các lãnh đạo cao cấp đưa ra quyết định cuối cùng có Martin Bormann (thư ký trung thành của Hitler) và Heinrich Himmler (người đứng đầu lực lượng mật vụ Gestapo của Hitler).
Tổng hợp-TT