Nhật-Trung gần xa; Ông Biden: Đã đến lúc quân đội Mỹ ở Afghanistan trở về nhà; Ca mắc COVID-19 tăng vọt, Nhật Bản xem xét huỷ Olympic; Kinh tế châu Âu sẽ phục hồi theo hình chữ V; Tổng thư ký NATO thẳng thừng chỉ trích Trung Quốc “bắt nạt các láng giềng”; Sau đề xuất thượng đỉnh Biden – Putin, Mỹ chuẩn bị áp đòn trừng phạt Nga…là những tin chính được cập nhật.
Nhật-Trung gần xa
TP – Trước cuộc công du Mỹ tuần tới của thủ tướng Nhật Bản, ngoại trưởng nước này được người đồng cấp Trung Quốc (TQ) nhắc nhở.
Bộ trưởng Vương Nghị cảnh báo “chớ mê muội bị mấy nước tiêm nhiễm quan điểm thiên lệch chống TQ”. Cùng các nhắn nhủ xa gần khác, quan hệ Nhật-Trung vừa trải qua một năm nồng ấm có vẻ trở nên băng giá.
Tại cuộc điện đàm ngày 5/4, ngoại trưởng Motegi Toshimitsu được đồng cấp lưu ý. Đấy là “đừng dính dáng gì đến cái gọi là đối đầu giữa các nước lớn”. Cách đó không lâu, nhắn nhủ hai bên còn mạnh hơn. Sau hội đàm 2+2 Nhật-Mỹ ở Tokyo hôm 16/3, các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao hai nước tuyên bố “nhận thấy rằng hành vi của TQ, mâu thuẫn với trật tự quốc tế hiện hành, gây ra thách thức về chính trị, kinh tế, quân sự, và công nghệ”.
Trước ngôn từ trực diện được cho chưa từng có này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Triệu Lập Kiên đanh thép: “Nhật, với mục đích ích kỷ là kiểm tra sự hồi sinh của TQ, cố ý cúi mình hành xử như một chư hầu chiến lược của Mỹ, đi xa đến mức phá vỡ niềm tin, làm tổn hại quan hệ với TQ, mời sói vào nhà và phản bội lợi ích tập thể của toàn khu vực. Hành vi đê hèn như vậy không hề được hoan nghênh”.
Lời lẽ hiếm có từ hai phía trong chưa đầy hai tháng phần nào phản ánh xu thế khiến TQ không thể khoanh tay. Tiếp nối di sản của người tiền nhiệm, thủ tướng Yoshihide Suga coi ưu tiên một là “đưa Nhật trở lại một quốc gia bình thường”. Họ nuôi khát vọng thoát vòng kim cô trói chặt từ 1945: được quyền tái vũ trang và dùng vũ lực như bất kỳ quốc gia bình thường nào khác.
Để đạt mục tiêu ấy, Nhật phải làm rất nhiều mà việc nào cũng đụng đến láng giềng khổng lồ. Đối nội là giấc mơ ban hành Luật Sửa đổi Hiến pháp trong năm nay, điều kiện tiên quyết để được phép vượt khỏi khuôn khổ phòng thủ. Đối ngoại là thử khả năng chịu đòn của mình trước đối thủ bằng cách xâm nhập sâu rộng hơn vào Đông Nam Á. Một trong những phép thử táo bạo là ý định mời một số nước ở khu vực này tham gia Bộ Tứ vốn bị TQ nói thẳng là chống họ.
Chuyến thăm Mỹ của lãnh đạo Nhật, dự kiến bắt đầu từ 16/4, khó có thể thay đổi định hướng giảm phụ thuộc về kinh tế của Nhật với TQ. Trong ngắn hạn, khi hai đối tác lớn Mỹ và Ấn Độ còn sa lầy với COVID-19, họ có lẽ vẫn duy trì tiếp cận thị trường tỷ dân. Nhưng việc chính phủ chi 2,2 tỷ USD để giúp các nhà máy Nhật chuyển khỏi TQ dường như không chỉ là chuyện của riêng năm 2020 nữa.
Ông Biden: Đã đến lúc quân đội Mỹ ở Afghanistan trở về nhà
TTO – Theo Hãng tin Reuters, Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch rút 2.500 quân còn lại của Mỹ ra khỏi Afghanistan trước ngày 11-9.
Tổng thống Joe Biden ngày 14-4 cho biết Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Afghanistan sau khi rút quân vào ngày 11-9.
“Đã đến lúc kết thúc cuộc chiến dài nhất của nước Mỹ. Đã đến lúc quân đội Mỹ trở về nhà”, ông Biden nói. “Mặc dù không hiện diện quân sự ở Afghanistan nhưng công việc ngoại giao và nhân đạo vẫn tiếp tục”.
Cùng ngày, tình báo Mỹ đã có báo cáo cho thấy triển vọng ảm đạm về tình hình Afghanistan, dự báo khả năng “thấp” trong việc đạt được thỏa thuận hòa bình trong năm nay và cảnh báo rằng Chính phủ Mỹ sẽ phải vật lộn để kìm hãm sự nổi dậy của Taliban.
Quyết định rút quân vào tháng 9 của ông Biden muộn hơn so với hạn chót ngày 1-5 mà người tiền nhiệm Donald Trump đã đồng ý với Taliban.
Một quan chức cấp cao của chính quyền ông Biden cho biết việc rút quân sẽ bắt đầu trước ngày 1-5 và có thể hoàn thành trước 11-9.
Ca mắc COVID-19 tăng vọt, Nhật Bản xem xét huỷ Olympic
(VTC News) – Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng mạnh ở Nhật Bản, nước này đang xem xét việc tổ chức Thế vận hội 2020, trong đó huỷ sự kiện thể thao này sẽ là một lựa chọn.
Hôm 15/4, trả lời phỏng vấn Kyodo, ông Toshihiro Nikai – Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản, cho biết nếu các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tiếp tục tăng, đồng nghĩa với việc “tổ chức thế vận hội được cho là không thể, chúng tôi sẽ phải từ bỏ”.
Việc Nhật Bản xem xét, cân nhắc tổ chức Olympic 2020 diễn ra trong bối cảnh chưa đầy 100 ngày nữa dự kiến diễn ra sự kiện này, bắt đầu từ ngày 23/7. Nhật Bản đang đẩy mạnh các công tác chuẩn bị cho sự kiện này, nghiên cứu phương án kết hợp với các biện pháp giãn cách xã hội và các hạn chế đối với khán giả.
Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy, có rất ít người Nhật Bản ủng hộ tổ chức Thế vận hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành. Trên Twitter, từ khoá “Hủy bỏ Thế vận hội” (Canceling Olympics) đang thịnh hành tại Nhật Bản khi có đến 20.000 bài đăng sử dụng từ khóa này hôm 15/4.
Hôm 14/4, Nhật Bản ghi nhận hơn 4.000 người mắc COVID-19 mới. Con số cao nhất về số ca nhiễm bệnh lần đầu tiên kể từ hôm 28/1. Tỉnh Osaka báo cáo kỷ lục 1.300 trường hợp nhiễm bệnh/ngày. Tình trạng khẩn cấp đang áp dụng tại 6 tỉnh, trong đó có thủ đô Tokyo và Osaka.
Các chuyên gia y tế đã lên tiếng cảnh báo về sự lây lan của COVID-19. Cố vấn y tế hàng đầu của Nhật Bản, Shigeru Omi, thừa nhận đại dịch đã bước sang làn sóng lây nhiễm thứ tư, do các chủng biến thể COVID-19 mới.
Đến nay, Nhật Bản ghi nhận 512.169 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 9.469 người chết.
Kinh tế châu Âu sẽ phục hồi theo hình chữ V
Kinh tế châu Âu sẽ phục hồi theo hình chữ V, nhưng diễn biến Covid-19 khó lường khiến Quỹ Tiền tệ quốc tế hạ 0,2 điểm phần trăm dự báo GDP năm 2021 của châu Âu xuống mức tăng 4,5%.
Một năm sau đại dịch Covid-19, châu Âu thấy mình đang ở một bước ngoặt khác. Các làn sóng nhiễm Covid-19 mới vẫn đang tấn công “lục địa già”, đặt ra yêu cầu áp dụng các đợt phong tỏa mới.
Tuy nhiên, không giống như năm ngoái, các loại vaccine an toàn và hiệu quả đã có sẵn, dù tốc độ tiêm chủng vẫn còn chậm, nhưng đại dịch được nhận định sắp kết thúc.
Ông Alfred Kammer, Giám đốc Bộ phận châu Âu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, sự phục hồi kinh tế ở châu Âu vẫn đang chững lại và không đồng đều. Điều này phản ánh tác động của các đợt nhiễm Covid-19 có tính chu kỳ và tốc độ tiêm phòng vaccine còn chậm. Trong khi sản xuất công nghiệp của châu Âu đã bình phục trở lại như trước đại dịch, thì lĩnh vực dịch vụ vẫn đang bị Covid-19 co kéo.
Ở kịch bản vaccine kháng Covid-19 trở nên phổ biến trong năm nay và suốt năm tới, tăng trưởng của châu Âu dự kiến đạt 3,9% vào năm 2022. Tuy vậy, mức tăng trưởng này vẫn chưa đủ lực kéo kinh tế châu Âu trở lại như trước đại dịch.
Tổng thư ký NATO thẳng thừng chỉ trích Trung Quốc “bắt nạt các láng giềng”
(DTO) Tổng thư ký NATO chỉ trích các hành động của Trung Quốc như bắt nạt láng giềng, cản trở tự do hàng hải ở Biển Đông. Theo ông, sự trỗi dậy của Trung Quốc tạo ra cả cơ hội và thách thức.
Phát biểu tại Đối thoại trực tuyến Raisina của Ấn Độ ngày 13/4, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh, Ấn Độ đóng vai trò quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Ông Stoltenberg cũng nói rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc là vấn đề toàn cầu có ý nghĩa quyết định. Theo ông, sự trỗi dậy của Trung Quốc mang lại những cơ hội về kinh tế, thương mại và đầu tư cho nhiều quốc gia, trong đó có các thành viên của NATO.
Mặt khác, ông nhấn mạnh: “Chúng ta phải tỉnh táo với những thách thức tạo ra do sự trỗi dậy của Trung Quốc”. Ông lưu ý, Trung Quốc đang tìm cách nâng cao năng lực quân sự để tương xứng với sức mạnh kinh tế với việc tăng gấp 3 chi tiêu quân sự trong vòng một thập niên qua. Trung Quốc hiện là quốc gia có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới và tiếp tục đầu tư mạnh vào cải tổ quân đội.
“Chúng ta đã thấy những hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc nhằm thách thức trật tự thế giới dựa trên nguyên tắc. Họ công khai đe dọa Đài Loan, đe dọa các nước láng giềng trong khu vực và cản trở tự do hàng hải ở Biển Đông… Trung Quốc đang tiến gần chúng ta hơn, đòi hỏi chúng ta phải có sự lưu tâm và hành động tập thể “, người đứng đầu NATO nói. NATO là một liên minh quân sự gồm 30 quốc gia thành viên châu Âu và Bắc Mỹ.
Sau đề xuất thượng đỉnh Biden – Putin, Mỹ chuẩn bị áp đòn trừng phạt Nga
(DTO) Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm nay được cho là sẽ công bố hàng loạt biện pháp trừng phạt cứng rắn với Nga trong bối cảnh quan hệ song phương liên tục leo thang.
Bloomberg dẫn nguồn thạo tin giấu tên cho hay, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm nay có thể sẽ công bố các lệnh trừng phạt mới với Nga. Theo đó, Mỹ sẽ trừng phạt 12 cá nhân gồm các quan chức chính phủ và tình báo của Nga, cùng với 20 tổ chức của nước này. Ngoài ra, theo Bloomberg, Mỹ cũng sẽ trục xuất ít nhất 10 nhà ngoại giao của Nga.
Nếu được xác thực, đây được xem là động thái cứng rắn tiếp theo của chính quyền ông Biden với Nga chỉ trong vòng vài tháng sau khi ông nhậm chức hồi cuối tháng 1. Đầu tháng trước, Mỹ cũng áp lệnh trừng phạt với 7 quan chức cấp cao và 14 thực thể liên quan đến việc sản xuất sinh học và hóa học của Nga. Theo đó, Mỹ sẽ đóng băng toàn bộ tài sản liên quan đến 7 quan chức này trên lãnh thổ Mỹ, đồng thời cấm công dân Mỹ giao dịch với họ. Lệnh trừng phạt nhằm đáp trả cáo buộc Nga liên quan đến nghi vấn đầu độc thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny.
Trong khi đó, đợt trừng phạt mới nhất nhằm đáp trả cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ và đứng sau cuộc tấn công mạng nhằm vào các cơ quan chính phủ Mỹ hồi cuối năm ngoái.
Ấn Độ thành quốc gia thứ 60 cấp phép vaccine Covid-19 Sputnik V của Nga
Ấn Độ hiện là quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ…
Ấn Độ vừa trở thành quốc gia mới nhất cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vaccine ngừa Covid-19 Sputnik V của Nga. Quyết định được đưa ra không lâu sau khi nước này vượt Brazil trở thành quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.
Theo CNBC, với quyết định này, Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 60 và cũng là nước đông dân nhất thế giới phê duyệt vaccine của Nga. Theo quỹ đầu tư quốc gia Russian Direct Investment Fund (RDIF) của Nga, Vaccine Sputnik V hiện đã được tiêm cho khoảng 3 tỷ người trên thế giới.
“Việc phê duyệt vaccine Sputnik V là một dấu mốc lớn khi cả Nga và Ấn Độ đều đang phát triển và hợp tác sâu rộng trong việc thử nghiệm lâm sàng và sản xuất vaccine này tại Ấn Độ”, Kirill Dmitriev, Giám đốc điều hành (CEO) của RDIF, cho biết.
Chuyên gia Mỹ trấn an về vắc-xin Johnson & Johnson
Hãng tin Business Insider cho biết, các cơ quan y tế Mỹ đã cho ngừng tiêm chủng vắc-xin một mũi ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Johnson & Johnson trong vài ngày, sau khi phát hiện sáu ca bị chứng đông máu trong tổng số 6,8 triệu người dân Mỹ được tiêm loại vắc-xin này.
Chuyên gia y tế hàng đầu nước Mỹ về Covid-19, Anthony Fauci trong ngày 14/4 đã phải lên tiếng trấn an những người từng nhận vắc-xin của Johnson & Johnson “đừng nên lo lắng”.
“Như tôi đã nói trước đây, tỷ lệ chứng máu đông xuất hiện ở người tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 là rất hiếm. Đó là 1/1.000.000 ca. Vắc-xin của Johnson & Johnson đã chứng minh được tính hiệu quả cao trong các thử nghiệm lâm sàng. Điều chúng ta đang nói hiện nay không liên quan tới tính hiệu quả của vắc-xin”, chuyên gia Fauci nói.
“Tuy nhiên, tôi vẫn ủng hộ việc ngừng tiêm vắc-xin, bởi nó sẽ cho phép các cơ quan quản lý điều tra rõ hơn, cũng như giúp các y bác sĩ biết được những triệu chứng có liên quan tới chứng máu đông, từ đó phát hiện và điều trị các trường hợp tiêm vắc-xin gặp phản ứng phụ”, ông Fauci nói thêm.
Biến chủng P1 tại Brazil đang biến đổi nguy hiểm hơn
Theo hãng tin Reuters, biến chủng P1, vốn gây nhiều khó khăn cho công tác chống dịch Covid-19 của giới chức y tế Brazil, hiện đã trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều khi nó có thể biến đổi để trốn tránh các kháng thể.
“Chúng tôi tin rằng, biến chủng P1 đang tạo ra một ‘cơ chế chạy trốn’ nhằm tránh phản ứng từ các kháng thể. Sự biến đổi của P1 giống với các đột biến từng được chứng kiến ở biến thể Nam Phi. Điều này khá đáng ngại bởi virus đang tiếp tục tăng tốc trong quá trình tiến hóa”, nhà nghiên cứu Felipe Naveca thuộc Viện Nghiên cứu Fiocruz của Brazil nói với hãng tin Reuters.
Diễn biến mới liên quan tới đại dịch Covid-19 toàn cầu
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, ông đã nhận liều vắc-xin thứ hai trong ngày 14/4. “Tôi đã nhận liều vắc-xin thứ hai. Tôi hy vọng mọi thứ sẽ ổn. Bản thân tôi không chỉ hy vọng, tôi chắc chắn về điều đó. Mong rằng dịch bệnh sẽ sớm qua đi”, ông Putin nói với hãng thông tấn TASS.
Giới chức Đan Mạch hôm 14/4 cho biết, toàn bộ việc tiêm chủng vắc-xin AstraZeneca ở nước này sẽ ngừng lại cho đến khi có thông báo mới. Theo một số nguồn tin y tế Đan Mạch, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỉ lệ chứng máu đông xuất hiện ở người tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trên thực tế cao hơn rất nhiều các báo cáo trước đây, khi tỷ lệ được ngành y tế Đan Mạch đưa ra là 1/40.000 người được tiêm chủng.
Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ Tổng cục Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan cho biết, nước này đã có thêm 1.335 ca nhiễm mới trong ngày 14/4, trong đó có 351 ca tới từ thủ đô Bangkok. Nguyên nhân của sự gia tăng số ca nhiễm ở mức chóng mặt như vậy, có thể là do đợt bùng dịch lần này xảy ra đúng dịp đón năm mới Songkran của người dân Thái Lan.
Tờ Bưu điện Phnom Penh cho biết, Campuchia đã quyết định phong tỏa thủ đô trong hai tuần nhằm ngăn dịch bệnh tiếp tục bùng phát. Trong chỉ thị được Thủ tướng Campuchia Hun Sen ký đêm 14/4, ngoài Phnom Penh, lệnh phong tỏa cũng được áp dụng tại thị xã Takmao thuộc tỉnh Kandal, nằm cách thủ đô 11 km về phía nam.
Trong thời gian lệnh phong tỏa có hiệu lực, người dân ngoại trừ đi mua đồ ăn và các nhu yếu phẩm thì không được phép rời khỏi nhà, với chỉ hai thành viên trong gia đình được phép đi ra ngoài và không quá 3 lần/tuần.
*** “Thùng thuốc súng” Ukraine lên bàn đàm phán Nga-Mỹ
Tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc thảo luận hiếm hoi với người đồng cấp Nga Vladimir Putin xung quanh căng thẳng ở miền Đông Ukraine và đề xuất tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh ở một quốc gia thứ ba để đối thoại trực tiếp về loạt “điểm nóng” khu vực và toàn cầu.
Châu Âu bên lò lửa phía đông
Cho dù chưa thật sự rõ ràng nhưng nguy cơ về một cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine đang đặt ra những câu hỏi về tình hình châu Âu trong thời điểm hiện tại.
Các nước đua nhau mời Tổng thống Putin-Biden đến họp thượng đỉnh
Một loạt quốc gia châu Âu tỏ ý sẵn sàng cung cấp địa điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden.
Ánh sáng ở cuối đường hầm
Mỹ và Iran đã đồng ý vạch ra một lộ trình để cứu Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA), hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran, mà hai nước đã ký năm 2015 cùng Nga,Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức. Hai bên sẽ bắt đầu chương trình đàm phán gián tiếp tại Thủ đô Vienna, Austria…
Tổng thống Biden quyết chấm dứt “cuộc chiến không hồi kết” của Mỹ
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 14/4 đã công bố kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan trùng với thời điểm những binh sĩ đầu tiên được đưa đến đây – ngày 11/9 – cuộc tấn công khủng bố cách đây 20 năm.
Ông Biden đề cử nhân sự chưa từng có cho vị trí Bộ trưởng Lục quân
Bloomberg dẫn thông báo ngày 12-4 của Lầu Năm Góc: Tổng thống Biden đã đề cử bà Christine Wormuth vào vị trí Bộ trưởng Lục quân Mỹ. Nếu được Thượng viện thông qua, bà Wormuth, người từng là quan chức chính sách quốc phòng hàng đầu dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, sẽ trở thành lãnh đạo của nhánh có quy mô lớn nhất quân đội Mỹ.
Lớp học lợp bằng rơm rạ cháy lớn, 20 trẻ mầm non thiệt mạng
Ít nhất 20 em nhỏ đang theo học trường mẫu giáo đã thiệt mạng khi lớp học của các em, phần lớn được lợp bằng rơm rạ, bốc cháy dữ dội ở thủ đô Niamey của Niger.
Nga nói gì về đề xuất cuộc gặp Putin-Biden của Nhà Trắng?
Điện Kremlin cho biết họ đang nghiên cứu và cân nhắc lời đề nghị của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh Nga- Mỹ.
Khúc dạo đầu cho chiến tranh Nga-Ukraine?
Yêu cầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy về việc được nói chuyện với người đồng cấp Nga Vladimir Putin về sự leo thang xung đột ở miền Đông Ukraine đã bị bỏ qua, khiến quan hệ Nga – Ukraine căng như dây đàn.
Hàn Quốc dọa đưa vụ xả thải của Nhật Bản ra tòa quốc tế
Hàn Quốc đang xem xét khiếu nại lên tòa án quốc tế quyết định mới của Nhật Bản nhằm xả lượng lớn nước thải ô nhiễm từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima xuống Thái Bình Dương, Yonhap ngày 14/4 đưa tin.
Mỹ bán lô vũ khí hơn 23 tỷ USD cho quốc gia Trung Đông
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định bán lỗ vũ khí trị giá hơn 23 tỷ USD gồm tiêm kích F-35, tên lửa và máy bay không người lái cho Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Iran làm giàu uranium mức 60%, tiến sát cấp độ vũ khí
Iran thông báo nước này sẽ bắt đầu làm giàu uranium ở mức tinh khiết 60%, cao gấp 16 lần ngưỡng cho phép và rất gần cấp độ vũ khí hạt nhân.
Thụy Điển ghi nhận số liệu “giật mình” hậu miễn dịch cộng đồng
Cứ 1 triệu người trưởng thành tại Thụy Điển sẽ có 625 người nhiễm COVID-19. Từ một quốc gia đặt “miễn dịch cộng đồng” là tiêu chí, Thụy Điển đã trở thành nước có tỉ lệ nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng cao nhất châu Âu hiện nay, The Guardian đưa tin.
Yếu tố đảm bảo sự phục hồi bền vững và đồng đều của nền kinh tế toàn cầu
Diễn ra từ ngày 5 đến 11/4 theo hình thức trực tuyến, Hội nghị mùa Xuân, do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đồng tổ chức, xoay quanh những chủ đề như phân phối bình đẳng vaccine ngừa COVID-19, chính sách hỗ trợ các nước nghèo và đang phát triển, tác động của biến đổi khí hậu. “Phục hồi”, “bình đẳng”, “hỗ trợ” là những cụm từ liên tục được nhắc tới tại hội nghị.
Sự cố ở Kênh đào Suez: Lời cảnh báo và những lựa chọn thay thế
Tuần trước, Ever Given – tàu chở hàng lớn nhất thế giới – đã mắc kẹt, chắn ngang Kênh đào Suez, khiến giao thông tại một trong những huyết mạch toàn cầu tắc nghẽn tới gần một tuần, gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế thế giới. Điều vốn chỉ được xem như một trò đùa đã cho thấy rõ những rủi ro của sự lệ thuộc và mong manh của nền kinh tế này.
NATO đưa 40.000 quân, 15.000 khí tài áp sát biên giới Nga1
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho hay NATO đang rục rịch đưa 40.000 quân nhân và 15.000 thiết bị quân sự tới gần biên giới Nga, trong bối cảnh căng thẳng leo thang vì vấn đề miền Đông Ukraine.
Mỹ dừng tiêm vaccine Johnson & Johnson vì sự cố đông máu
Cơ quan phòng chống dịch bệnh và cơ quan quản lý dược của Mỹ đề nghị tạm dừng tiêm vaccine của hãng Johnson & Johnson trong thời gian ngắn để làm rõ các trường hợp bị đông máu sau tiêm.
Tổng hợp-TT