Trung Đông lại nóng sau vụ tấn công vào “nhà máy dầu quan trọng nhất thế giới”; Mỹ – Trung cùng tiến hành một số động thái thiện chí về thuế quan; Chuyên gia bảo mật cảnh báo về ứng dụng Zao của Trung Quốc…là những tin chính được cập nhật.
Trung Đông lại nóng sau vụ tấn công vào “nhà máy dầu quan trọng nhất thế giới”
Khói đen bốc lên từ hiện trường vụ tấn công. Ảnh Reuters.
Nhóm Houthi tại Yemen tuyên bố đã tấn công vào hai nhà máy quan trọng trong ngành công nghiệp dầu mỏ của Arab Saudi ngày 14-9 (giờ địa phương), gây ảnh hưởng đến hơn một nửa sản lượng dầu của nước này, một động thái có thể làm tăng giá dầu và căng thẳng tại khu vực Trung Đông.
Các cuộc tấn công sẽ cắt giảm khoảng 5,7 triệu thùng dầu mỗi ngày của Arab Saudi, theo tuyên bố từ công ty dầu mỏ nhà nước Saudi Aramco, tương đương với 5% nguồn cung toàn thế giới.
Vụ tấn công xảy ra tại Abqaiq, nơi được coi là “cơ sở cung cấp dầu quan trọng nhất trên thế giới, cách trụ sở của Aramco khoảng 60 km. Nhà máy này chế biến dầu thô từ mỏ dầu thông thường lớn nhất thế giới, Ghawar, và xuất khẩu đến cảng Ras Tanura, cơ sở chuyển tiếp dầu ngoài khơi lớn nhất thế giới.
Đại diện Aramco cho biết không có thương vong trong các vụ tấn công. Bộ trưởng Năng lượng Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết Aramco sẽ đưa ra thêm thông tin trong vòng 48 giờ, và họ sẽ rút dầu trong kho để bù đắp cho tổn thất. Aramco đang trong quá trình lập kế hoạch dự kiến sẽ là đợt chào bán công khai lớn nhất thế giới.
Các cuộc tấn công trước bình minh diễn ra sau các vụ ở khu vực biên giới nhằm vào các cơ sở khai thác dầu của Saudi và trên các tàu chở dầu ở vùng Vịnh, làm tê liệt phần lớn năng lực sản xuất của nước này. Arab Saudi là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, vận chuyển hơn 7 triệu thùng dầu đến các điểm trên toàn thế giới mỗi ngày, và trong nhiều năm qua đã đóng vai trò là nhà cung cấp dầu quan trọng của nhiều thị trường.
Mỹ – Trung cùng tiến hành một số động thái thiện chí về thuế quan
Ngày 13/9, Tân Hoa Xã đưa tin về việc Trung Quốc sẽ miễn thuế quan bổ sung đối với một số hàng hóa nông sản Mỹ, bao gồm đậu tương và thịt lợn. Đây là động thái tiếp nối sau khi ngày 11/9, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo sẽ miễn đánh thuế bổ sung lên 16 mặt hàng của Mỹ, dự kiến có hiệu lực trong một năm, bắt đầu từ ngày 17/9 đến 16/9/2020.
Trước đó, ngày 11/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoan nghênh Trung Quốc miễn áp thuế bổ sung đối với một số hàng hóa của Mỹ và đã thiện chí đáp lại bằng cách tuyên bố trì hoãn 2 tuần kế hoạch tăng thuế từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, dự kiến được áp dụng từ ngày 1/10 cho tới ngày 15/10 tới. Bên cạnh đó, người đứng đầu Nhà Trắng cũng hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Diễn biến này được xem là dấu hiệu mới nhất cho thấy căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã “giảm nhiệt” trước vòng đàm phán cấp cao dự kiến diễn ra vào đầu tháng 10, song vẫn được cho là còn “quá ít ỏi” để có thể chấm dứt những hoài nghi về khả năng sớm kết thúc cuộc thương chiến giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Chuyên gia bảo mật cảnh báo về ứng dụng Zao của Trung Quốc
VOV.VN – Nhiều chuyên gia công nghệ đã cảnh báo người dùng về bảo mật khi sử dụng ứng dụng hoán đổi khuôn mặt của Trung Quốc – Zao.
Ứng dụng hoán đổi khuôn mặt của Trung Quốc – Zao đã nhanh chóng đứng đầu bảng xếp hạng vào cuối tuần qua. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia công nghệ đã cảnh báo về bảo mật khi sử dụng ứng dụng này.
Theo trang Engadget, ứng dụng có tên Zao trên iOS đã nhanh chóng đứng đầu về lượng tải về trên App Store của Trung Quốc kể từ khi ra mắt vào ngày 30/8 nhờ khả năng kỳ lạ của nó để đưa khuôn mặt của người dùng vào các cảnh trong các bộ phim và chương trình TV.
Nhưng Bloomberg lưu ý rằng một phần trong thỏa thuận người dùng Zao rất đáng chú ý đó là cho phép nhà phát triển Changsha Shenduronghe Network Technology “quyền miễn phí, không thể hủy ngang và có thể chuyển nhượng” đối với tất cả nội dung do người dùng tạo ra. Nói cách khác, ảnh và video liên quan đến khuôn mặt của người dùng thực sự đã trở thành tài sản của người tạo ứng dụng.
Changsha Shenduronghe Network Technology hiện đã cập nhật các điều khoản để nói rằng họ sẽ chỉ sử dụng hình ảnh để cải thiện ứng dụng hoặc mục đích mà người dùng đã đồng ý trước. Hãng cũng tuyên bố sẽ xóa dữ liệu khỏi máy chủ nếu người dùng xóa nó thông qua ứng dụng. Nhóm phát triển Zao hứa sẽ khắc phục các vấn đề này.
Mặc dù vậy, Zao vẫn phải nhận hàng loạt đánh giá tiêu cực trên App Store sau khi nhiều người dùng phàn nàn về vấn đề riêng tư. Trung tâm nghiên cứu thương mại điện tử Trung Quốc kêu gọi các nhà chức trách nước này xem xét các vấn đề liên quan đến Zao, vì ứng dụng đã vi phạm các điều luật và tiêu chuẩn nhất định.
Những thiệt hại nặng nề từ 3 cơn bão lớn Lingling, Faxai và Dorian
*Triều Tiên hôm 9/9 thông báo, bão Lingling đã làm chết ít nhất 5 người, làm bị thương 3 người khác khi đổ bộ vào tỉnh Nam Hwanghae của nước này. Bão Lingling đã trực tiếp quét qua một số khu vực nông nghiệp lớn nhất của Triều Tiên và gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về vật chất, với khoảng 460 ngôi nhà và 15 dự án xây dựng công cộng bị hư hỏng hoặc ngập nước, 46.000 hecta đất canh tác cũng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Trước khi đổ bộ vào Triều Tiên, bão Lingling cũng tấn công Hàn Quốc, khiến ít nhất 3 người thiệt mạng, 24 người bị thương, tàn phá 9.400 cơ sở hạ tầng, 161.000 hộ gia đình trên cả nước hứng chịu sự cố mất điện trên diện rộng. Khoảng 15.000 hécta đất nông nghiệp bị nhấn chìm trong nước lũ.
*Cơn bão Faxai có sức gió 216 km/h đổ bộ vào bờ biển Nhật Bản từ rạng sáng 9/9, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông Tokyo và nhiều chuyến bay đã buộc phải hủy. Gần 290.000 hộ gia đình rơi vào tình trạng mất điện. Ít nhất 10 căn nhà tại Shizouka bị hư hại.
Tại tỉnh Chiba, những trận gió mạnh với vận tốc hơn 200km/giờ đã làm hư hại nhiều ngôi nhà. Sức gió từ siêu bão Faxai cũng gây ra đám cháy lớn tại Nhà máy điện mặt trời lớn nhất Nhật Bản nằm tại tỉnh này. Theo lực lượng cứu hỏa, khoảng 50 tấm pin năng lượng mặt trời trong tổng số 50.900 tấm pin năng lượng của nhà máy đã bị cháy.
*Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Quốc gia Bahamas (NEMA) cho biết, hiện vẫn còn 2.500 người dân nằm trong danh sách những người mất tích sau 10 ngày bão Dorian hoành hành quốc đảo này từ chiều 1/9.
Ước tính có khoảng 20% dân số Bahamas bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bão Dorian, khoảng 76.000 người cần được cứu trợ khẩn cấp. Theo Thủ tướng Hubert Minnis, với sức tàn phá của cơn bão, nước này cần một thời gian dài để có thể vượt qua. Trước tình hình trên, ngày 13/9, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã tới Bahamas nhằm thu hút sự quan tâm và gia tăng cứu trợ từ cộng đồng quốc tế đối với quốc đảo này.
Triều Tiên sẵn sàng đàm phán với Mỹ
Tối 9/9, Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất của Triều Tiên Choe Son Hui nêu rõ Bình Nhưỡng sẵn sàng nối lại các vòng đàm phán hạt nhân cấp sự vụ với Mỹ vào cuối tháng 9/2019 và thời gian cũng như địa điểm cụ thể của sự kiện này sẽ do hai bên cùng ấn định.
Tuy nhiên, bà Choe Son Hui cũng cảnh báo Triều Tiên sẽ từ bỏ các nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận nếu như Mỹ không đưa ra cách tiếp cận mới trong các vòng đàm phán sắp tới.
Phản ứng trước đề xuất của bà Choe Son Hui, Tổng thống Mỹ D.Trump, ngày 9/9 khẳng định ông coi việc nước này nối lại các vòng đối thoại với Triều Tiên là “một điều tốt đẹp”. Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết ông có một mối quan hệ rất tốt với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và sẽ chờ đợi xem những gì diễn ra tiếp theo.
Dấu hiệu tan băng trong quan hệ Nga-Ukraine
Nga và Ukraine đã tiến hành trao đổi tù nhân và đang xúc tiến tổ chức các cuộc đối thoại mới. Đây được đánh giá là những bước tiến tích cực, giúp phá băng mối quan hệ vốn nhiều căng thẳng giữa hai nước láng giềng.
Trong cuộc trao đổi mới đây, tổng cộng 70 tù nhân đã được Nga và Ukraine trao trả. Đây là kết quả của nhiều tháng đàm phán giữa hai nước, được bắt đầu sau khi ông V.Zelensky nhậm chức Tổng thống Ukraine.
Tổng thống Nga V.Putin đánh giá thỏa thuận trao đổi tù nhân là “một bước đi lớn hướng tới bình thường hóa quan hệ” giữa Moscow và Kiev. Trong khi đó, Tổng thống V.Zelensky khẳng định, đây là bước tiến trong nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột kéo dài nhiều năm qua tại khu vực Donbas, miền đông Ukraine.
Sau khi cuộc trao đổi diễn ra, ông V.Zelensky nhấn mạnh, bất chấp nhiều rào cản, hai nước đã nhất trí thực hiện các bước đi đầu tiên hướng đến đối thoại, đồng thời tuyên bố đã sẵn sàng lên lịch đàm phán với người đồng cấp Nga V.Putin để thảo luận việc hóa giải bất đồng giữa hai nước.
Ngay lập tức, cộng đồng quốc tế đã phản ứng tích cực trước những động thái của Nga và Ukraine.
Nước cờ mạo hiểm của Thủ tướng Israel trước thềm bầu cử
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, điều đầu tiên ông làm là tiến hành sáp nhập thung lũng Jordan, một phần của Bờ Tây. Tuyên bố được ông Netanyahu đưa ra trước thời điểm diễn ra cuộc tổng tuyển cử tại Israel vào đầu tuần tới đã gây phản ứng kịch liệt từ phía cộng đồng quốc tế và được dự báo là sẽ tiếp tục “làm nóng” tình hình Trung Đông trong những ngày tới.
Các nhà ngoại giao Ả Rập đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch của ông Netanyahu, gọi đây là hành vi “gây hấn”, đe dọa mọi cơ hội đạt thỏa thuận hòa bình với người Palestine. Còn Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh gọi người đồng cấp Israel là “kẻ chủ mưu phá hoại tiến trình hòa bình”.
Thung lũng Jordan chiếm khoảng 30% diện tích Bờ Tây. Phần lớn khu vực này nằm dưới sự kiểm soát của Israel từ năm 1967. Trong khi đó, người Palestine luôn xem Thung lũng Jordan là một phần của nhà nước tương lai và đến nay vẫn là khu vực tranh chấp.
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ bị sa thải
Ngày 10/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo trên Twitter về quyết định sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton do “bất đồng sâu sắc trước nhiều đề xuất” do quan chức này đưa ra.
Sau đó, ngày 11/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đang cân nhắc 5 ứng cử viên được đánh giá là “giàu năng lực” làm Cố vấn An ninh Quốc gia thay thế ông John Bolton và nhân vật cuối cùng sẽ được ông công bố vào tuần tới. Lý giải về nguyên nhân dẫn tới quyết định sa thải ông Bolton, người đứng đầu Nhà Trắng cho biết, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia đã bất đồng với một số quan chức chủ chốt trong chính quyền Mỹ và không cùng quan điểm với chương trình nghị sự của Tổng thống.
Việc Tổng thống D.Trump quyết định sa thải ông Bolton vào thời điểm hiện tại có thể được xem là một nỗ lực để tiếp tục củng cố các thành tựu ngoại giao của nhà lãnh đạo Mỹ trước thềm diễn ra cuộc bầu cử năm 2020 và điều này chắc chắn cũng sẽ có những tác động đến chính sách an ninh của Mỹ trong thời gian tới./.
*** Tổng thống Mỹ khẳng điịnh con trai Osama bin Laden đã bị tiêu diệt
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 14-9 cho biết, Hamza bin Laden, con trai của Thủ lĩnh al Qaeda, Osama bin Laden, đã bị tiêu giệt trong một chiến dịch chống khủng bố của Mỹ.
Mỹ có thể bắt tay với Israel trong hiệp ước quốc phòng mới
Hiệp ước phòng thủ tiềm năng giữa hai nước có thể thúc đẩy khả năng tái đắc cử của ông Netanyahu, chỉ vài ngày trước khi Israel chính thức bước vào cuộc bầu cử.
Aramco, công ty dầu khí “máu mặt” hàng đầu thế giới
Cả ngành sản xuất lẫn xuất khẩu đầu mỏ của Arab Saudi đã bị gián đoạn sau các vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào hai cơ sở sản xuất dầu lớn do công ty dầu khí nhà nước Aramco quản lý, bao gồm cả nhà máy chế biến dầu mỏ lớn nhất thế giới.
Trung Quốc “hạ nhiệt” với Mỹ trước khi tái đàm phán thương mại
Tân Hoa Xã hôm 13-9 đưa tin, Trung Quốc sẽ miễn áp thuế bổ sung đối một số mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Mỹ, trước khi hai nước nối lại đàm phán thương mại sau khoảng thời gian căng thẳng.
Thẩm phán Philippines: Ông Duterte không có quyền gạt đi phán quyết Biển Đông
The Philstar mới đây đưa tin, Phó Chánh án Tòa Tối cao Philippines Antonio Carpio hôm 13-9 cho biết, Tổng thống Duterte không có thẩm quyền “gạt sang một bên” phán quyết Biển Đông của Toà Trọng tài The Hague, sau đề xuất chia sẻ quyền lợi mà Trung Quốc đưa ra với nước này.
Cựu điệp viên Mỹ Edward Snowden lần đầu tiết lộ về cuộc sống ở Nga
The Guardian ngày 14-9 đưa tin, cựu điệp viên Mỹ Edward Snowden gần đây thừa nhận, tương lai của người này sẽ gắn kết với nước Nga dù cách người Mỹ nhìn nhận về Snowden đã dịu đi trong những năm gần đây.
Các nước G20 kêu gọi chấm dứt căng thẳng thương mại Mỹ – Trung
Trong một tuyên bố chung được công bố ngày 13-9, các bộ trưởng Ngân khố và Tài chính của Australia, Canada, Indonesia và Singapore – 4 quốc gia thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã kêu gọi Mỹ và Trung Quốc chấm dứt những căng thẳng thương mại hiện nay và tránh gây thiệt hại cho các quốc gia khác.
“17 khoảnh khắc mùa xuân” và câu chuyện về cặp vợ chồng điệp viên XôViết
Không mấy người được biết, bộ phim nổi tiếng “17 khoảnh khắc mùa xuân” đã được thai nghén dựa trên hình ảnh của cặp vợ chồng này – trong đó Anna Filonenko là khuôn mẫu của nữ điệp viên liên lạc điện đài Kathe, còn trong nhân vật Stirlitz có hình bóng của Mikhail Filonenko…
12 người chết đuối trong nghi lễ tôn giáo ở Ấn Độ
Trong khi thực hiện một nghi lễ tôn giáo trên hồ Lower Lake (ở thành phố Bhopal, miền trung Ấn Độ) vào sáng sớm ngày hôm nay (13-9), chiếc thuyền chở 20-25 người đã bị lật úp khiến 12 người chết đuối…
Chập điện gây hoả hoạn bệnh viện, ít nhất 10 người thiệt mạng
Ít nhất 10 người đã thiệt mạng trong vụ hoả hoạn nghiêm trọng, nghi bùng phát do sự cố chập điện, ở một bệnh viện tại thành phố Rio de Janeiro của Brazil.
Ông Trump tính nới trừng phạt, tuyên bố sắp gặp Tổng thống Iran
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông kì vọng gặp mặt người đồng cấp Iran Hassan Rouhani ngay trong tháng này ở Mỹ, vài giờ sau tuyên bố ông có thể nới lỏng trừng phạt Tehran.
Palestine cánh báo cắt đứt mọi quan hệ với Mỹ
Tổng thống Palestine cảnh báo sẽ cắt mọi quan hệ và liên lạc với phía Mỹ nếu Washington ủng hộ ý định của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sáp nhập Bờ Tây.
Tổng hợp-TT