Hàn Quốc phát triển thuốc khắc chế biến thể SARS-CoV-2; Châu Âu ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất thế giới; Mới chỉ có 1% dân số thế giới được tiêm vaccine COVID-19; Mỹ sẽ tài trợ 4 tỷ USD cho chương trình vắc-xin COVAX…là những tin chính được cập nhật.
Giới thiệu vaccine phòng dịch COVID-19 do công ty dược Hàn Quốc nghiên cứu phát triển, tại Incheon, phía Tây Seoul. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Hàn Quốc phát triển thuốc khắc chế biến thể SARS-CoV-2
SGGP Theo Korea Herald, ngày 18-2, Công ty dược phẩm Celltrion của Hàn Quốc thông báo thuốc điều trị Covid-19 kháng thể đơn dòng của hãng này (CT-P59) có khả năng chống lại biến thể virus SARS-CoV-2, được phát hiện tại Anh cùng với 6 biến thể trước đó.
Tuy nhiên, loại thuốc này có khả năng vô hiệu hóa kém hơn đối với biến thể virus từ Nam Phi. CT-P59 đã được cơ quan chức năng Hàn Quốc cấp phép sử dụng vào đầu tháng 2, trở thành loại thuốc điều trị Covid-19 đầu tiên được sản xuất ở Hàn Quốc.
Celltrion đặt mục tiêu hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 thuốc CT-P59 trong vòng 6 tháng tới. Hãng này đang thử nghiệm lâm sàng thuốc CT-P59 tại hơn 10 quốc gia. Theo Celltrion, tiến trình thử nghiệm này sẽ hoàn tất vào 3 tháng tới.
Đối tượng sử dụng CT-P59 là các bệnh nhân Covid-19 không cần thở máy trong vòng 7 ngày kể từ khi có triệu chứng mắc bệnh.
Châu Âu ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất thế giới
(ĐCSVN) – Châu Âu trở thành khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (32.748.547 ca). Với 32.672.327 ca mắc, Bắc Mỹ là khu vực bị ảnh hưởng thứ hai. Tiếp đến là châu Á với 24.297.347 ca và Nam Mỹ với 17.204.559 ca. Châu Phi (3.819.331 ca) và châu Đại Dương (50.679 ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.
Trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 19/2 cho thấy, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 110.793.511 ca, trong đó 2.450.329 ca tử vong và 85.727.680 ca đã được chữa khỏi.
Mới chỉ có 1% dân số thế giới được tiêm vaccine COVID-19
(ĐCSVN) – Truyền thông nước ngoài vừa dẫn số liệu thống kê từ các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Oxford (Anh) cho thấy, các chương trình tiêm chủng vaccine chống COVID-19 đã được thực hiện trong phạm vi ít nhất 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc tiêm chủng mới chỉ được thực hiện trên tổng số 1% dân số thế giới.
Mỹ sẽ tài trợ 4 tỷ USD cho chương trình vắc-xin COVAX
Mỹ sẽ tài trợ 4 tỷ USD cho chương trình vắc-xin COVAX, với hy vọng khuyến khích chính phủ nhiều nước khác bỏ ra các khoản quyên góp lớn hơn.
Hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, Tổng thống Joe Biden trong cuộc họp đầu tiên với lãnh đạo các nước G7 vào hôm nay (19/2) sẽ công bố về khoản tiền tài trợ trị giá 2 tỷ USD cho chương trình chia sẻ vắc-xin COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đồng dẫn đầu. Mục tiêu mà chương trình COVAX hướng tới nhằm đảm bảo nguồn cung vắc-xin phòng dịch Covid-19 được công bằng trên toàn thế giới.
Dự kiến, 2 tỷ USD còn lại sẽ được Mỹ tài trợ trong vòng hai năm tới, nếu các quốc gia khác cũng thực hiện các cam kết riêng của họ. “Chúng tôi muốn biến 2 tỷ USD thành nhiều tỷ USD, lên đến ít nhất 15 tỷ USD”, một quan chức nói, khi ông này đưa ra ước tính về số tiền cần thiết cho mục tiêu tiêm chủng trên toàn cầu.
Reuters nhận định, động thái trên của ông Biden là một bước đi trái ngược so với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi ông Trump từng dọa rút nước Mỹ khỏi WHO với lý do tổ chức này “quá gần gũi với Trung Quốc”.
Chương trình COVAX đã đặt mục tiêu cung cấp ít nhất 2 tỷ liều vắc-xin phòng Covid-19 vào cuối năm 2021 cho khoảng 20% số dân thuộc dạng dễ bị tổn thương nhất ở những quốc gia nghèo và có thu nhập thấp. Chương trình này hiện đối mặt với nguy cơ đổ vỡ, chủ yếu do vấn đề thiếu kinh phí.
*** Mỹ sẵn sàng đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân với Iran
Mỹ ngày 18/2 cho biết đã sẵn sàng đàm phán với Iran về việc cùng quay trở lại thỏa thuận năm 2015 nhằm ngăn chặn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân, tìm cách hồi sinh một thỏa thuận mà Washington đã từ bỏ năm 2018.