VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 19/3/2021.

      Putin thách Biden tranh luận trực tiếp; Mỹ cảnh báo Trung Quốc đang đe doạ trật tự toàn cầu; Triều Tiên cắt đứt quan hệ với Malaysia, cảnh báo Mỹ “trả giá đắt”; Hơn 122 triệu ca Covid-19 toàn cầu, EU nối lại tiêm vaccine AstraZeneca; Nạn ‘đổi trứng lấy tiền’ nhức nhối của sinh viên nữ Trung Quốc…là những tin chính được cập nhật.
Putin thách Biden tranh luận trực tiếp
Tổng thống Putin dự một sự kiện ở Moskva, Nga, hôm 18/3. Ảnh: Reuters.      Tổng thống Putin dự một sự kiện ở Moskva, Nga, hôm 18/3. Ảnh: Reuters.
Putin thách thức Biden tranh luận trực tiếp để người dân hai nước cùng xem, sau khi Tổng thống Mỹ gọi ông là “kẻ sát nhân”.
“Tôi vừa mới nghĩ tới chuyện này”, Tổng thống Vladimir Putin nói trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình nhà nước Nga hôm 18/3. “Tôi muốn đề nghị với Tổng thống Biden tiếp tục tranh luận, nhưng với điều kiện phải phát trực tiếp. Không trì hoãn, trực tiếp, cởi mở, thẳng thắn. Tôi cho rằng người dân Nga và người dân Mỹ sẽ rất hứng thú đón xem”.
Tuyên bố này của Putin được coi như một lời “thách thức” Tổng thống Mỹ Joe Biden tham gia một cuộc tranh luận trực tiếp, một ngày sau khi Moskva và Washington nổ ra tranh cãi ngoại giao về bình luận của Biden cho rằng Putin là “kẻ sát nhân” khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ABC của Mỹ. Nga lập tức triệu hồi đại sứ tại Mỹ để tham vấn về tương lai quan hệ song phương.
Putin đề xuất tổ chức tranh luận với Tổng thống Mỹ vào ngày 19/3. “Tôi không muốn kéo dài. Tôi muốn tới rừng taiga vào cuối tuần này để thư giãn một chút”, Putin nói. “Vì thế chúng ta có thể tổ chức vào ngày mai hoặc thứ hai. Chúng tôi sẵn sàng tiến hành bất kỳ lúc nào thuận tiện cho phía Mỹ”.
Khi được hỏi về đề xuất này của Putin, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói rằng cuộc tranh luận nhiều khả năng không thể diễn ra, bởi Biden sẽ tới Georgia theo lịch trình vào 19/3.
Mỹ cảnh báo Trung Quốc đang đe doạ trật tự toàn cầu
Cuộc đối thoại trực tiếp cấp cao đầu tiên giữa quan chức ngoại giao và an ninh Mỹ với Trung Quốc đã diễn ra tại Anchorage, Alaska.
Theo Reuters, phía Mỹ tuyên bố tại hội đàm rằng những hành động của Trung Quốc đe doạ một trật tự toàn cầu dựa trên các quy tắc và Mỹ sẽ đứng lên vì bạn bè của mình.
Mở đầu cuộc hội đàm diễn ra vào ngày 18/3 theo giờ địa phương, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sulivan nói: “Chúng tôi không tìm kiếm xung đột, nhưng chúng tôi luôn hoan nghênh sự cạnh tranh gay gắt và chúng tôi sẽ luôn bảo vệ các quy tắc, người dân và bạn bè của mình”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Antony Blinken nói với Chủ nhiệm Văn phòng Uỷ ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị rằng, Mỹ muốn thảo luận về những lo ngại sâu sắc liên quan tới hành động của Trung Quốc ở Hong Kong, Đài Loan, Tân Cương cũng như các cuộc tấn công mạng trên đất Mỹ, việc cưỡng ép kinh tế các đồng minh của Mỹ.
“Mỗi hành động đó đều đe doạ trật tự dựa trên quy tắc vốn duy trì sự ổn định toàn cầu”, ông Blinken nói.
Đáp lại tuyên bố mở đầu của Mỹ, ông Dương Khiết Trì cáo buộc Mỹ sử dụng sức mạnh quân sự và ưu thế tài chính để gây sức ép với các nước, lạm dụng an ninh quốc gia để đe doạ tương lai của thương mại quốc tế.
Quan chức này tuyên bố, Tân Cương, Hong Kong và Đài Loan đều là những bộ phận không thể tách rời của Trung Quốc và Bắc Kinh kiên quyết phản đối sự can thiệp của Mỹ vào công việc nội bộ của nước này.
Ông Dương Khiết Trì cho biết, nhân quyền ở Mỹ đang ở mức thấp khi người Mỹ da đen bị “tàn sát” và Mỹ nên giải quyết các vấn đề của mình.
Nhà ngoại giao Trung Quốc nói, cần từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh và đối đầu. “Cách chúng tôi nhìn nhận quan hệ với Mỹ giống như những gì Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói: Đó là, chúng tôi hy vọng sẽ không có đối đầu, không có xung đột, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi”.
Triều Tiên cắt đứt quan hệ với Malaysia, cảnh báo Mỹ “trả giá đắt”
(DTO) Triều Tiên tuyên bố sẽ cắt đứt quan hệ với Kuala Lumpur, sau khi một tòa án ở Malaysia cho phép dẫn độ công dân của Bình Nhưỡng sang Mỹ. Bình Nhưỡng đồng thời gửi lời cảnh báo cứng rắn tới Mỹ.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 19/3 thông báo, Bình Nhưỡng sẽ cắt đứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao với Malaysia. Động thái của Triều Tiên đến sau khi một tòa án ở Malaysia phán quyết dẫn độ một công dân Triều Tiên sang Mỹ vì vướng cáo buộc rửa tiền.
Trước đó, vào ngày 9/3, tòa án tối cao Malaysia phán quyết ông Mun Chol Myong, công dân Triều Tiên, có thể bị dẫn độ sang Mỹ và đối diện với cáo buộc rửa tiền.
Bộ Ngoại giao Triều Tiên đồng thời cáo buộc Mỹ đứng sau điều khiển vụ việc xét xử ông Mun bằng những từ như “bên thao túng đứng sau hậu trường” và “thủ phạm chính của âm mưu” và cảnh báo Washington “trả giá đắt”.
Nạn ‘đổi trứng lấy tiền’ nhức nhối của sinh viên nữ Trung Quốc
Việc nữ sinh có hoàn cảnh khó khăn bán trứng để trang trải cuộc sống đang trở thành vấn nạn gây nhức nhối tại Trung Quốc thời gian qua.
Theo tờ Sohu, nhiều nữ sinh viên Trung Quốc sẵn sàng bán trứng bởi nguồn lợi họ có được từ việc này là rất lớn. Thậm chí chỉ với một lần bán trứng, họ có thể kiếm được số tiền đủ để trang trải chi phí cho cả năm học.
“Phí sinh hoạt hàng tháng bố mẹ gửi cho tôi chỉ có 3.500 Nhân dân Tệ (khoảng 12,6 triệu VNĐ). Số tiền này đối với nhiều sinh viên khác không ít, nhưng với tôi như vậy chẳng đủ để trang trải cuộc sống”, Lâm Dĩnh, sinh viên một trường đại học tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc cho biết.
Do không đủ tiền sinh hoạt nên Lâm Dĩnh phải đi làm thêm. Một lần, cô vô tình nhìn thấy bài quảng cáo mua trứng với mức giá cao lên đến hàng vạn Nhân dân Tệ (NDT) được đăng trên mạng xã hội, nữ sinh viên lập tức bị thu hút và gọi vào số điện thoại ghi phía dưới bài quảng cáo.
Chỉ vài ngày sau, phía trung gian mua trứng đã nhanh chóng giới thiệu Lâm Dĩnh cho một cặp vợ chồng hiếm muộn tại TP Vũ Hán. Cặp vợ chồng trên đã đặt cọc trước 20.000 NDT (70 triệu VNĐ) và phía trung gian nói rằng Lâm Dĩnh sẽ nhận thêm 130.000 NDT nữa sau khi việc lấy trứng hoàn tất. Tức nữ sinh viên sẽ nhận 150.000 NDT (hơn 530 triệu VNĐ) chỉ với một lần bán trứng.
Lâm Dĩnh kể rằng sau khi thủ thuật lấy trứng kết thúc, cô đã được đưa sang phòng khác nghỉ ngơi khoảng 2 tiếng đồng hồ rồi được về nhà. Khi phóng viên tờ Sohu đề cập đến về lấy trứng có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe, cô cho biết bản thân vốn không để tâm tới điều đó. Thậm chí, cô còn gọi điện cho phía trung gian mua trứng hỏi xem lúc nào mình có thể tiếp tục công việc này.
Với số tiền kiếm được, Lâm Dĩnh đã sắm một chiếc điện thoại đi động và một laptop của hãng Apple, cũng như bỏ ra 10.000 NDT để mua quần áo mới. Số tiền còn lại cô chuyển hết vào thẻ ngân hàng.
Lâm Dĩnh cho biết, do việc bán trứng mang lại mức thù lao quá hấp dẫn, nên cô ngày càng lún sâu vào công việc này. Thậm chí, cô còn coi đây như ‘ngành nghề thương mại’ và nuôi hy vọng rằng luật pháp Trung Quốc sớm hợp pháp hóa việc buôn trứng phụ nữ trong tương lai gần.
Tờ Sohu dẫn lời một chuyên gia khoa sản giấu tên, nhận định, việc lấy trứng cũng có những rủi ro nhất định. Chẳng hạn, dụng cụ dùng để hút trứng có thể gây ra những thương tổn nghiêm trọng cho các bộ phận như bàng quang, tử cung, ruột, những mạch máu hay những bộ phận xung quanh buồng trứng.
Những thương tổn trên có thể khiến phụ nữ bị xuất huyết, nhiễm trùng hay thậm chí gây chứng vô sinh.
Do vậy, vị chuyên gia trên mong rằng, các nữ sinh Trung Quốc đừng lún sâu vào công việc bán trứng, đừng vì những lợi ích tiền bạc làm cho lóa mắt để bản thân sau này phải gánh chịu những hậu quả đáng tiếc.
*** Hơn 122 triệu ca Covid-19 toàn cầu, EU nối lại tiêm vaccine AstraZeneca
       Thế giới ghi nhận hơn 122,3 triệu ca nhiễm, hơn 2,7 triệu người chết do nCoV, EU nối lại tiêm vaccine AstraZeneca sau khi xác định “an toàn và hiệu quả”.
       Thế giới đã ghi nhận 122.331.331 ca nhiễm nCoV và 2.701.602 ca tử vong, tăng lần lượt 558.845 và 10.594, trong khi 98.630.740 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) hôm 18/3 xác định vaccine Covid-19 của AstraZeneca “hiệu quả, an toàn” và không liên quan nguy cơ gây đông máu, dù họ “không loại trừ hoàn toàn” mối liên quan giữa vaccine với chứng rối loạn đông máu hiếm gặp. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và cơ quan giám sát y tế Anh trước đó cũng xác định vaccine an toàn và dừng tiêm gây nguy cơ cao hơn nhiều vì một số quốc gia đang đối mặt mức tăng ca nhiễm đáng lo ngại.
Sau thông báo của EMA, một loạt quốc gia châu Âu thông báo sẽ sớm nối lại việc tiêm chủng bằng vaccine của AstraZeneca, gồm Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Italy, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Lithuania, Latvia, Slovenia và Bulgaria. Tuy nhiên, Na Uy và Thụy Điển chưa sẵn sàng tiếp tục sử dụng vaccine. Viện Y tế Công cộng Na Uy cho biết đã “ghi nhận” quyết định của EMA, nhưng vẫn còn “quá sớm” để đưa ra kết luận và sẽ công bố quyết định riêng vào cuối tuần tới.
Hiện hơn 400 triệu liều vaccine Covid-19 đã được tiêm trên toàn cầu, chủ yếu ở các quốc gia giàu có đã ký hợp đồng với các nhà sản xuất thuốc. Vaccine của AstraZeneca, một trong những loại rẻ nhất hiện có và dễ bảo quản cũng như vận chuyển hơn so với một số loại vaccine Covid-19 khác, được coi là lựa chọn cho các quốc gia nghèo hơn.
Vaccine AstraZeneca cũng là một phần quan trọng của Covax, chương trình do WHO dẫn đầu nhằm đảm bảo mua và phân phối vaccine công bằng trên toàn thế giới.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 30.355.000 ca nhiễm và 552.162 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 58.749 và 1.531 trường hợp so với một ngày trước đó.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 18/3 cho biết chính quyền ông sẽ đạt mục tiêu tiêm 100 liều vaccine Covid-19 trong 100 ngày đầu tiên cầm quyền vào 19/3, vượt xa so với kế hoạch đề ra.
“Tôi tự hào thông báo rằng ngày mai, 58 ngày đầu tiên của chính quyền tôi, chúng tôi sẽ đạt mục tiêu tiêm 100 triệu mũi cho đồng bào chúng ta”, Biden phát biểu tại Nhà Trắng. “Cách đây 8 tuần, chỉ 8% người cao tuổi, những người dễ bị mắc Covid-19 nhất, đã được tiêm phòng. Hiện 65% người từ 65 tuổi trở lên đã được tiêm ít nhất một mũi. Đó chính là mấu chốt, bởi nhóm dân số này chiếm 80% trong hơn 500.000 ca tử vong do Covid-19 ở Mỹ”.
Tổng thống Mỹ cảnh báo đây là thời điểm để lạc quan, nhưng không phải để lơi là. “Bây giờ không phải lúc chúng ta mất cảnh giác. Tuần trước, ca nhiễm ở một số bang tăng lên. Các nhà khoa học đã nói rõ mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn khi các biến thể mới của loại virus này lây lan”, ông nói thêm.
Với việc sản xuất vaccine đang bùng nổ ở Mỹ, chính quyền Biden cho biết họ hiện có thể gửi vaccine AstraZeneca sang các nước láng giềng Mexico và Canada. Thư ký báo chí của Biden nói 2,5 triệu liều sẽ được chuyển tới Mexico và 1,5 triệu liều cho Canada trong số 7 triệu liều dự trữ, song không nói rõ thời gian.
Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, ghi nhận 11.780.820 ca nhiễm và 287.499 ca tử vong vì Covid-19, tăng 80.389 và 2.363 trong 24 giờ qua.
Brazil đã đặt hàng 100 triệu liều vaccine Covid-19 Pfizer-BioNTech và 38 triệu liều của Johnson & Johnson, nhằm tìm cách đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng đang bị tụt hậu. Hôm 12/3, Bộ Y tế nước này còn ký hợp đồng mua 10 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga, dự kiến giao trong quý II năm nay.
Hiện khoảng 4,6% dân số Brazil đã nhận được ít nhất một liều vaccine. Hai loại vaccine đang được sử dụng ở Brazil là AstraZeneca của Anh và CoronaVac của Trung Quốc. Tuy nhiên, tình hình đại dịch ngày càng nghiêm trọng, khi các bệnh viện đang bị đẩy đến gần mức quá tải trên khắp đất nước.
Marcelo Queiroga, tân Bộ trưởng Y tế Brazil, ngày 17/3 hứa sẽ đưa ra các chính sách dựa trên khoa học để chống Covid-19 và cho biết ông có thể “điều chỉnh” cách xử lý dịch bị nhiều người chỉ trích của Tổng thống cực hữu Jair Bolsonaro.
Ấn Độ báo cáo thêm 39.643 ca nhiễm và 155 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì nCoV toàn quốc lên lần lượt 11.513.945 và 159.405.
Đây là ngày thứ 7 liên tiếp nước này ghi nhận hơn 20.000 ca nhiễm mới, trong bối cảnh các lệnh hạn chế nhằm ngăn chặn virus được mở rộng ở những khu vực đại dịch có xu hướng gia tăng.
Maharashtra, bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất, hôm 15/3 yêu cầu các rạp chiếu phim, khách sạn và nhà hàng hạn chế số lượng khách xuống một nửa sức chứa cho đến cuối tháng. Đám cưới và sự kiện xã hội khác cũng sẽ bị hạn chế lượng người tham dự. Một số địa phương trong bang bị phong tỏa.
Chính phủ Ấn Độ đánh giá nguyên nhân khiến tình hình trở nên tồi tệ là việc tụ tập đông người và tâm lý ngại đeo khẩu trang của người dân, thay vì đề cập tới các biến chủng nCoV như phương Tây.
Ấn Độ đã tiêm vaccine Covid-19 cho hơn 35 triệu người kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vào giữa tháng một. Nước này đặt mục tiêu tiêm chủng cho 300 triệu người trong tổng số 1,35 tỷ dân vào tháng 8.
Anh, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, báo cáo 4.280.882 người nhiễm và 125.926 người chết, tăng lần lượt 6.303 và 95 trường hợp. Mức tăng ca nhiễm mới đang có xu hướng giảm.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết bất chấp dấu hiệu tích cực, người dân vẫn phải cẩn trọng với nguy cơ ca nhiễm bùng phát trở lại. Bên cạnh đó, ông khẳng định vaccine Covid-19 của AstraZeneca an toàn, chính phủ Anh rất tự tin sử dụng vaccine này trong chiến dịch tiêm chủng.
Anh là nước đầu tiên trên thế giới triển khai tiêm chủng đại trà vaccine Covid-19, bắt đầu từ tháng 12, phần lớn sử dụng vaccine của AstraZeneca và Pfizer. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock hôm qua tiếp tục trấn an rằng vaccine AstraZeneca “đang cứu sống người Anh”, kêu gọi người dân hãy đến tiêm chủng nếu nhận được lịch hẹn.
Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 34.998 ca nhiễm và 268 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 4.181.607 và 91.679.
Sau khi ghi nhận ca nhiễm nhất cao nhất trong 4 tháng vào hôm 17/3, Pháp cho biết sẽ áp ệnh lệnh phong tỏa giới hạn ở Paris từ nửa đêm 19/3. Biện pháp này không dẫn đến phong tỏa hoàn toàn, nhưng sẽ khiến các cửa hàng không thiết yếu phải đóng cửa và việc ra ngoài bị hạn chế ở các vùng bị ảnh hưởng nặng, trong khi trường học vẫn mở cửa.
Thủ tướng Pháp Jean Castex đã công bố các biện pháp mới, đồng thời nói rằng ông sẽ tiêm vaccine của AstraZeneca “để cho thấy chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng”.
Tương tự các nước EU khác, tiêm chủng ở Pháp bị tụt xa so với Mỹ và Anh. Hơn 5,5 triệu người ở Pháp đã tiêm ít nhất một liều vaccine và gần 2,4 triệu người đã tiêm hai liều.
Đức, vùng dịch lớn thứ 10 thế giới, ghi nhận 2.628.624 ca nhiễm và 74.878 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 17.855 và 201 ca so với một ngày trước đó. Chuyên gia cảnh báo số ca nhiễm nCoV tại Đức đang tăng vọt, đe dọa kế hoạch dỡ phong tỏa và vực dậy nền kinh tế.
Ngay cả khi nhiều cửa hàng không thiết yếu chỉ mới tái mở cửa từ tuần trước, giới chức vẫn kêu gọi thận trọng. “Chúng tôi đang thấy những dấu hiệu rõ ràng, rằng làn sóng đại dịch thứ ba đã bắt đầu ở Đức”, Lothar Wieler, chủ tịch Viện Robert Koch phụ trách kiểm soát và phòng dịch của Đức, cho biết hôm 12/3.
Đức đã sử dụng hơn 1,6 triệu liều vaccine của AstraZeneca, dù chủ yếu dựa vào vaccine của Pfizer-BioNTech.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.443.853 ca nhiễm, tăng 6.570, trong đó 39.142 người chết, tăng 227.
Indonesia bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ tháng một và đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 181,5 triệu người trong vòng một năm. Khoảng 6,2 triệu người đã tiêm vaccine.
Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 640.984 ca nhiễm và 12.887 ca tử vong, tăng lần lượt 5.290 và 21 ca.
Thủ đô Manila quyết định mở rộng lệnh cấm trẻ vị thành niên rời khu vực cư trú, bao gồm cả độ tuổi từ 18 trở xuống, trong vòng hai tuần bắt đầu từ ngày 17/3 nhằm kiềm chế đợt lây nhiễm mới. Chỉ những người từ 18-65 tuổi mới được phép rời nhà. Lệnh giới nghiêm ban đêm cũng được tái áp dụng trong hai tuần kể từ ngày 15/3.
Từ 20/3, Philippines sẽ đóng biên giới đối với người nước ngoài, lao động Philippines ở nước ngoài vẫn sẽ được về nước nhưng bị giới hạn ở mức 1.500 một ngày.

Tổng hợp-TT