87 dự án Nhật Bản đủ điều kiện nhận trợ cấp “thoát Trung”, những ai sẽ sang Việt Nam?; Đối đầu Mỹ – Trung nóng lên từng ngày; Mỹ – EU: Căng thẳng về dự án Dòng chảy Phương Bắc 2; Ổ Covid-19 mới bùng phát ở Trung Quốc, con số đáng buồn tại Nhật; Vượt mốc 14 triệu ca nhiễm, COVID-19 “khuấy đảo” nhiều quốc gia…là những tin chính được cập nhật.
87 dự án Nhật Bản đủ điều kiện nhận trợ cấp “thoát Trung”, những ai sẽ sang Việt Nam?
Ảnh minh họa.
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản ngày 17/7 đã tiết lộ nhóm các công ty Nhật Bản đầu tiên đủ điều kiện nhận trợ cấp cho việc chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á hoặc Nhật Bản.
87 công ty hoặc tập đoàn sẽ nhận được tổng cộng 70 tỷ JPY (653 triệu USD) để chuyển dây chuyền sản xuất, nhằm giảm sự phụ thuộc của Nhật Bản vào nước láng giềng lớn và xây dựng chuỗi cung ứng ổn định vững chắc hơn.
30 trong số 87 dự án này sẽ chuyển sản xuất sang Đông Nam Á. Ở thời điểm hiện tại, Nikkei đã xác nhận Hoya, nhà sản xuất các bộ phận ổ cứng sẽ chuyển đến Việt Nam và Lào. Shin-Etsu Chemical cũng sẽ chuyển hoạt động sản xuất nam châm đất hiếm sang Việt Nam.
Sumitomo Rubber Industries sẽ sản xuất găng tay cao su nitrile tại Malaysia. 57 dự án còn lại sẽ trở về Nhật Bản.
Nhà sản xuất hàng gia dụng Iris Ohyama hiện đang sản xuất khẩu trang tại các nhà máy Trung Quốc tại thành phố cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh và Tô Châu, phía Tây Thượng Hải, với vải không dệt và các vật liệu chính khác được mua từ các công ty Trung Quốc. Với sự trợ giúp của các khoản trợ cấp, công ty này sẽ bắt đầu sản xuất khẩu trang nhà máy Kakuda tại cơ sở nhà ở tỉnh Miyagi, miền Bắc Nhật Bản. Tất cả nguyên liệu sẽ được nhập từ nguồn tại địa phương, độc lập với các nhà cung cấp ở nước ngoài.
Nhà sản xuất sản phẩm vệ sinh Saraya, bao gồm chất khử trùng có cồn, cũng đủ điều kiện nhận trợ cấp. Các công ty đủ điều kiện bao gồm các nhà sản xuất phụ tùng hàng không, phụ tùng ô tô, phân bón, thuốc và các sản phẩm giấy, với danh sách kết hợp các tên tuổi lớn như Sharp, Shionogi, Terumo và Kaneka.
Chính phủ đã dành 220 tỷ JPY trong ngân sách bổ sung tài khóa 2020 để tạo ra một chương trình trợ cấp nhằm khuyến khích các công ty chuyển nhà máy về Nhật Bản. Trong số đó, 23,5 tỷ JPY được dành ra để chuyển các địa điểm sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á.
Vào đầu đợt bùng phát Covid-19, Nhật Bản gặp khó trong việc tìm nguồn cung ứng các mặt hàng thiết yếu như khẩu trang, nhiều trong số đó đến từ Trung Quốc.
Đối đầu Mỹ – Trung nóng lên từng ngày
Căng thẳng ngày càng tăng nhiệt giữa Mỹ và Trung Quốc khiến nhiều người lo ngại về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới như đã từng xảy ra giữa Mỹ và Liên Xô trước đây.
Các chuyên gia đều nhận ra sự khác biệt quan trọng về mặt lịch sử giữa các cặp quan hệ. Tuy nhiên họ tin rằng cả Washington và Bắc Kinh đều đang bước vào một mối quan hệ “nguy hiểm”.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày càng đẩy mạnh cuộc chiến toàn cầu chống lại Trung Quốc, buộc các nước khác phải từ bỏ các khoản viện trợ có điều kiện của Bắc Kinh, tẩy chay Huawei – tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc, và công khai đứng về phía các nước có bất đồng với Trung Quốc tại Biển Đông.
Tổng thống Trump coi chiến lược cứng rắn với Trung Quốc như một phần quan trọng trong chiến dịch tái tranh cử vào tháng 11 tới. Tuy vậy, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không thay đổi ngay cả khi ông Trump thất bại trước ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden – người mà ông Trump luôn chỉ trích là không đủ cứng rắn.
Stephen Walt, giáo sư về các vấn đề quốc tế tại Đại học Harvard, cho rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bước vào một cuộc cạnh tranh dài hạn về “những tầm nhìn chiến lược xung đột với nhau”, bao gồm tham vọng chi phối cả châu Á của Trung Quốc.
Trung Quốc coi ông Trump là một “nhà lãnh đạo yếu kém và hay mắc sai lầm”. Bắc Kinh thậm chí tin rằng cách ứng phó “thảm họa” của Washington trước dịch Covid-19 đã mở ra cơ hội cho Trung Quốc để nước này đẩy mạnh các lợi thế của mình.
Nguy cơ “chiến tranh nóng”
Theo bà Oriana Skylar Mastro, trợ giảng tại Đại học Georgetown và là học giả tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, sẽ là điều nguy hiểm nếu nói về một cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc.
“Tình hình với Trung Quốc hiện nay không giống Chiến tranh Lạnh. Về mặt tích cực, chúng ta (Mỹ – Trung) có cam kết rộng rãi. Về mặt tiêu cực, vẫn có khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh nóng giữa hai bên tới một mức độ mà chưa từng xảy ra với Liên Xô trước đây”, chuyên gia Mastro nhận định.
Mỹ – EU: Căng thẳng về dự án Dòng chảy Phương Bắc 2
SGGP Ngày 18-7, Hiệp hội Công nghiệp Đức (BDI) đã lên tiếng chỉ trích việc Mỹ đe dọa áp đặt trừng phạt nhằm vào các công ty tham gia dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 và cho rằng điều này sẽ gây căng thẳng cho các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Tổng Giám đốc BDI Joachim Lang cho biết, hành động đe dọa của Washington là trái với luật pháp quốc tế, sẽ làm gia tăng nguy cơ rủi ro đầu tư và an ninh pháp lý cho khoảng 120 công ty ở 12 quốc gia.
Ngoài ra, giá nhiên liệu ở châu Âu có thể tăng do động thái này của Mỹ. Vì thế, Liên minh châu Âu phải cùng các quốc gia liên quan sớm có những phản ứng ngoại giao cụ thể và rõ ràng.
Trong một tuyên bố liên quan, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ kinh tế Đông Âu của Đức Oliver Hermes cho rằng, khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẵn sàng đưa ra các biện pháp trừng phạt thì Ủy ban châu Âu cũng cần nhanh chóng đưa ra danh mục các biện pháp cứng rắn đáp trả động thái này của Mỹ.
Ổ Covid-19 mới bùng phát ở Trung Quốc, con số đáng buồn tại Nhật
Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia và đến nay đã lây nhiễm cho trên 14,4 triệu người, trong đó 604.054 người đã tử vong.
Số liệu trên được trang thống kê toàn cầu Worldometers cập nhật lúc 6h sáng nay (19/7). Ngoài ra, số ca hồi phục trên thế giới đạt hơn 8,58 triệu người.
Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 60.000 ca nhiễm mới và 770 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số người nhiễm và thiệt mạng lên lần lượt là 3.830.053 và 142.833.
Bộ Y tế Brazil thông báo phát hiện hơn 26.427 ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày 18/7, đưa tổng số người bệnh lên 2.075.124. Số thiệt mạng tăng thêm 803 ca, lên 78.735.
Ổ dịch lớn thứ ba thế giới là Ấn Độ có hơn 37.407 ca nhiễm mới và 543 trường hợp tử vong, nâng số người nhiễm và thiệt mạng lên lần lượt là 1.077.864 và 26.828.
Tình hình dịch tại một số quốc gia Đông Nam Á cũng rất phức tạp. Indonesia ghi nhận 1.752 ca mới, đưa tổng số nhiễm lên gần 84.900 người. Nước này cũng có thêm 59 ca tử vong trong 24 giờ qua.
Bộ Y tế Philippines cùng ngày thông báo đã phát hiện 2.357 trường hợp dương tính mới và 113 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và thiệt mạng lên lần lượt là 65.304 và 1.773.
Nỗi lo mới của Trung Quốc
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) xác nhận thêm 16 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua tại Urumqi thuộc khu tự trị Tân Cương. Địa phương đã áp đặt một số biện pháp ngăn chặn dịch như cấm người dân rời khỏi thành phố, hạn chế hoạt động của các phương tiện công cộng như xe buýt, taxi.
Các quan chức NHC nhận định sẽ có thêm nhiều ca bệnh mới tại Urumqi được phát hiện trong những ngày tới, và người dân nên chuẩn bị sẵn sàng.
“Một khi ca bệnh được xác nhận, điều quan trọng là truy ra nguồn lây nhiễm đến từ đâu và bệnh nhân đã từng tiếp xúc với ai”, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn lời quan chức y tế Zeng Guang nói.
Số ca nhiễm mới tại Nhật cao nhất
Số liệu từ hãng tin Kyodo cho biết, Nhật Bản trong ngày 18/7 đã phát hiện thêm 660 ca nhiễm mới, cao nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại nước này.
Thủ đô Tokyo ghi nhận 290 ca nhiễm mới. Đây là ngày thứ ba liên tiếp nơi này xác nhận số ca nhiễm mới lên gần 300. Trong số đó, gần 65% là giới trẻ trong độ tuổi 20-30.
Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Yasutoshi Nishimura nhận định, Nhật Bản cần thận trọng khi phê chuẩn kế hoạch dỡ bỏ thêm các lệnh hạn chế dịch bệnh vào tháng tới.
Australia hoãn họp nghị viện
Quyết định hoãn họp nghị viện Australia trong vài tuần được Thủ tướng Scott Morrison thông báo, trong bối cảnh dịch tiếp tục lan rộng ở hai bang đông dân nhất đất nước.
Theo Reuters, bang Victoria đã ghi nhận 217 ca nhiễm mới trong ngày 18/7, trong khi đó bang đông dân nhất Australia là New South Wales phát hiện thêm 15 trường hợp dương tính.
Anh ngừng cập nhật dữ liệu
Chính phủ Anh thông báo tạm ngưng cập nhật số ca nhiễm hàng ngày để kiểm tra lại dữ liệu, do nhiều người lo ngại số ca nhiễm bị phóng đại.
Theo Worldometers, Anh phát hiện gần 830 ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày 18/7, đưa tổng số người bệnh ở nước này lên 294.066. Số thiệt mạng tăng thêm 40 ca, lên 45.273.
*** Vượt mốc 14 triệu ca nhiễm, COVID-19 “khuấy đảo” nhiều quốc gia
Thế giới đang chứng kiến sự lây lan khủng khiếp của COVID-19 khi chỉ trong 5 ngày số ca bệnh toàn thế giới tăng thêm 1 triệu ca. Kể từ khi ca mắc COVID-19 đầu tiên được ghi nhận ở Trung Quốc vào cuối năm 2019, sau 3 tháng số ca bệnh chạm mốc 1 triệu trường hợp.
Thiên tai và dịch bệnh không chừa bất cứ một quốc gia nào
Trước và sau đại dịch COVID-19 là 2 thế giới hoàn toàn khác biệt, khi mà tất cả những gì chúng ta từng chuẩn bị cho nền an ninh của mình đều không còn đúng nữa.
Trung Quốc ban hành cảnh báo đỏ lũ trên sông Dương Tử
Sáng 18/7 (giờ địa phương), Cơ quan quản lý tài nguyên nước của tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc, đã nâng mức cảnh báo lũ lên mức cao nhất – cảnh báo đỏ cho sông Dương Tử đoạn chảy qua khu vực Nam Kinh.
Mỹ xem xét rút bớt quân tại Hàn Quốc
Lầu Năm Góc được cho là đã trình Nhà Trắng tùy chọn để cắt giảm lực lượng quân đội nước này tại Hàn Quốc, trong bối cảnh hai nước vẫn tồn tại những bất đồng trước yêu cầu của Tổng thống Trump đòi Hàn Quốc phải tăng mạnh chi phí đóng góp.
Gói phục hồi kinh tế phủ bóng Hội nghị Thượng đỉnh EU
Ngày 17/7, tại Brussels, Bỉ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) với sự tham dự của các lãnh đạo 27 nước thành viên EU. Đây là cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên của các nhà lãnh đạo EU kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Lực lượng tấn công mẫu hạm khủng của Mỹ xuất hiện ở Biển Đông
Lực lượng tấn công hàng không mẫu hạm Nimitz của Mỹ đã nối lại các cuộc tập trận kép hiếm hoi ở Biển Đông, cũng là lần thứ hai trong tháng này các tàu chiến lớn như vậy tập trận ở vùng biển này.
Ấn Độ thành nước thứ ba trên thế giới vượt mốc 1 triệu ca nhiễm COVID-19
Tới thời điểm hiện tại, số ca nhiễm COVID-19 tại Ấn Độ đã vượt quá con số 1 triệu người, Bộ Y tế Ấn Độ ngày 17/7 cho biết.
Lệnh trừng phạt Mỹ cản trở tham vọng truất ngôi đồng USD từ Trung Quốc
Theo các nhà phân tích, việc Washington quyết định áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và tổ chức tài chính Trung Quốc liên quan đến việc ban hành luật an ninh quốc gia mới về Hong Kong có thể đe dọa nỗ lực của Bắc Kinh nhằm biến đồng nhân dân tệ thành một đơn vị tiền tệ quốc tế.
Chưa đầy một tháng, số ca nhiễm COVID-19 tại Brazil tăng gấp đôi lên hai triệu
Số ca nhiễm COVID-19 tại Brazil đã vượt qua hai triệu, tuy nhiên, chưa có dấu hiệu cho thấy sự gia tăng này sẽ chậm lại trong bối cảnh dư luận ngày càng không vừa ý với cách Tổng thống Jair Bolsonaro xử lý đại dịch.
Trinh sát cơ Thổ Nhĩ Kỳ đâm vào vách núi, toàn bộ phi hành đoàn thiệt mạng
Máy bay trinh sát của Thổ Nhĩ Kỳ đã đâm vào vách núi Artos ở tỉnh Van thuộc miền Đông nước này, khiến 7 nhân viên an ninh trên khoang thiệt mạng.
Trung Quốc “oằn mình” trong đợt mưa lũ lịch sử
Những trận mưa lớn bất thường trút xuống suốt nhiều tuần liên tiếp đã nhấn chìm một loạt địa phương của Trung Quốc trong biển nước, gây thiệt hại nặng nề về người, tải sản.
Tổng hợp-TT