VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 20/4/2021.

     Chủ tịch nước lần đầu chủ trì phiên họp cấp cao tại Hội đồng Bảo an; Tiền tiết kiệm toàn cầu tăng thêm 5,4 nghìn tỷ USD trong đại dịch Covid; Tham vọng đầu mối vaccine Covid-19 toàn cầu của Trung Quốc; Trực thăng NASA cất cánh thành công trên sao Hỏa; Số phận của những liều vắc-xin Covid-19 ‘ế thừa’; Thế giới đã có hơn 3 triệu ca tử vong vì COVID-19…là những tin chính được cập nhật.
Chủ tịch nước lần đầu chủ trì phiên họp cấp cao tại Hội đồng Bảo an
     Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 19/4 – Ảnh: Bộ Ngoại giao
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra 3 đề xuất để giải quyết các vấn đề của khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông và Myanmar…
Ngày 19/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên thảo luận mở Cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về chủ đề “Tăng cường hợp tác giữa Liên Hợp Quốc với các tổ chức khu vực nhằm thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột” dưới hình thức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp tại Hà Nội.
Phiên thảo luận có sự tham dự của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, nguyên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, Lãnh đạo Cấp cao và đại diện của 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an cùng 5 tổ chức tiêu biểu ở các khu vực.
Đây là sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động trong tháng Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và cũng là lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao của Việt Nam chủ trì một hoạt động quan trọng trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Việc này gửi đi thông điệp ở cấp cao nhất về định hướng, tầm nhìn và khát vọng phát triển, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, hữu nghị của Đại hội Đảng lần thứ 13, khẳng định mạnh mẽ tiếng nói, vị thế, cam kết và đóng góp trách nhiệm của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương, Liên Hợp Quốc và các nỗ lực chung vì hòa bình, phát triển trên thế giới.
Trong bài phát biểu quan trọng tại cuộc họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của lòng tin và đối thoại trong quan hệ quốc tế, đánh giá cao nỗ lực hợp tác giữa các tổ chức khu vực với Liên Hợp Quốc trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột.
Chủ tịch nước nhấn mạnh những thành tựu toàn diện, quan trọng của ASEAN trong xây dựng một Cộng đồng gắn kết và chủ động thích ứng, thúc đẩy hợp tác, đối thoại với Liên Hợp Quốc và các đối tác liên quan, cũng như các nỗ lực tích cực của ASEAN nhằm thúc đẩy đối thoại và xây dựng lòng tin trong giải quyết các vấn đề của khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông và Myanmar.
Tiền tiết kiệm toàn cầu tăng thêm 5,4 nghìn tỷ USD trong đại dịch Covid
Người tiêu dùng trên toàn cầu tiết kiệm được thêm 5,4 nghìn tỷ USD kể từ khi Covid-19 trở thành đại dịch…
Người tiêu dùng trên toàn cầu tiết kiệm được thêm 5,4 nghìn tỷ USD kể từ khi Covid-19 trở thành đại dịch, đồng thời ngày càng lạc quan hơn về triển vọng kinh tế. Đây sẽ là cơ sở cho một cuộc bùng nổ tiêu dùng một khi các hoạt động kinh tế trở lại bình thường.
Tham vọng đầu mối vaccine Covid-19 toàn cầu của Trung Quốc
Trung Quốc nỗ lực định hình ngành công nghiệp dược phẩm, hướng đến trở thành nhà cung cấp vaccine lớn nhất thế giới trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Theo Feng Duojia, Chủ tịch Hiệp hội Vaccine, Trung Quốc đặt mục tiêu sản xuất đủ liều lượng để tiêm chủng 70% dân số (980 triệu người) trong nước. Lượng vaccine xuất khẩu là tương đương.
Đến tháng 3, Trung Quốc đã xuất khẩu hơn 100 triệu liều vaccine, bằng cả Ấn Độ và Liên minh châu Âu cộng lại. Feng cho biết nước này dự kiến sản xuất 5 tỷ liều vào cuối năm sau, gấp 10 lần tổng lượng vaccine của cả nước vào năm 2019, trước khi đại dịch khởi phát.
Ông Feng cho biết: “Trung Quốc đang xây dựng 18 dây chuyền sản xuất, mỗi dây chuyền quy mô lớn bằng với Tập đoàn Sinh phẩm Quốc gia (CNBG)”.
Là công ty con của Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm), CNBG đã sản xuất 250 triệu liều vaccine Covid-19 sử dụng nội địa và xuất khẩu. Đẩy mạnh sản xuất là cơ hội tốt để nước này gia tăng ảnh hưởng của mình với các quốc gia đang phát triển, bên cạnh Ấn Độ và Nga. Điều này cũng giúp bù đắp tình trạng phân phối vaccine toàn cầu không đồng đều.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo Trung Quốc cần nâng cấp vaccine để phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trước khi trở thành mặt hàng toàn cầu.
Trực thăng NASA cất cánh thành công trên sao Hỏa
Trực thăng Ingenuity của NASA bay trên sao Hỏa hôm 19/4, hoàn thành chuyến bay có động cơ đầu tiên ngoài Trái Đất.
Mẫu trực thăng nặng 1,8 kg khởi động cánh quạt và bay lên cao dần ở miệng hố Jezero của sao Hỏa vào sáng sớm ngày 19/4, đạt độ cao tối đa 3 m và hạ cánh sau khoảng 40 giây. Cùng ngày, dữ liệu truyền từ Ingenuity về Trái Đất thông qua robot tự hành Perseverance xác nhận phương tiện bay thành công. Bức ảnh đầu tiên từ Ingenuity ghi hình chiếc bóng của trực thăng in lên bề mặt sao Hỏa bên dưới, trong khi đó robot Perseverance cũng quay lại chuyến bay lịch sử từ khoảng cách an toàn.
Dù khá ngắn, chuyến bay có thể mở đường cho hoạt động khám phá sao Hỏa bằng máy bay. Nhờ thành công đột phá của Ingenuity, những nhiệm vụ tương lai có thể sử dụng trực thăng để dẫn đường cho robot tự hành hoặc tự thu thập dữ liệu.
Đội kỹ sư nòng cốt phía sau dự án Ingenuity theo dõi chuyến bay từ phòng điều khiển nhiệm vụ thuộc Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA ở Pasadena, California. Khi chuyến bay được xác nhận thành công, họ liền đứng bật dậy vỗ tay hò reo.
Nhiệm vụ trị giá 85 triệu USD của Ingenuity nhằm biểu dương công nghệ, chứng minh bay bằng động cơ có thể khả thi trên hành tinh đỏ. Đây là một thách thức lớn bởi khí quyển sao Hỏa chỉ đặc bằng 1% so với khí quyển Trái Đất ở mực nước biển, vì vậy không có nhiều không khí để cánh quạt trực thăng hoạt động. Tuy nhiên, phương tiện có thể tận dụng lực hấp dẫn nhỏ hơn (chỉ bằng 38% so với Trái Đất) của sao Hỏa.
Số phận của những liều vắc-xin Covid-19 ‘ế thừa’
Việc thanh lý hết những liều vắc-xin Covid-19 dư thừa đang trở thành bài toán mới khiến nhiều nước phải ‘đau đầu’.
Thời gian gần đây, trong khi nhiều nước vẫn đang chạy đua trong việc sở hữu số lượng vắc-xin Covid-19 nhiều nhất có thể, thì một số quốc gia lại đang hạn chế tối đa việc sử dụng vắc-xin của Oxford-AstraZeneca (AZ) và Johnson & Johnson (J&J).
Điều này dẫn đến tình trạng nhiều nước từng đặt mua một số lượng lớn vắc-xin, nhưng lại không thể đem chúng ra sử dụng. Và việc thanh lý những liều vắc-xin dư thừa đang trở thành bài toán mới khiến những nước này phải “đau đầu”.
Theo trang tin BBC, nguyên nhân xuất phát từ những lo ngại về các ca nhiễm chứng đông máu bất thường hiếm gặp, và đôi khi còn gây nguy cơ gây tử vong, sau khi được tiêm dù chỉ một liều vắc-xin AZ và J&J. Mối lo ngại này ngày càng lớn, đặc biệt ở những đối tượng trẻ tuổi.
Số phận của những liều vắc-xin Covid-19 ‘ế thừa’
Dựa trên số liệu của cơ quan quản lý dược phẩm Anh, cứ 10 triệu người giả định được tiêm vắc-xin AZ, thì có khoảng 40 người bị mắc chứng đông máu bất thường, trong đó 10 người có nguy cơ tử vong. Tỷ lệ này tương đương với nguy cơ tử vong bởi các vụ giết người hoặc tai nạn đường bộ tại Anh trong năm 2018.
Đó là lý do cơ quan y tế Đan Mạch quyết định ngừng sử dụng vắc-xin AZ để đối phó với “nguy cơ tác dụng phụ nghiêm trọng”. Quyết định này đồng nghĩa với việc 2,4 triệu liều vắc-xin AZ chưa qua sử dụng tại Đan Mạch có nguy cơ bị thu hồi. Nam Phi cũng đình chỉ việc phân phối loại vắc-xin này, do chúng bị cho là ít hiệu quả trong việc đề kháng các biến chủng.
Hoàn cảnh tương tự cũng xảy ra đối với loại vắc-xin Covid-19 một liều của J&J. Cho đến khi hoàn tất việc điều tra và kiểm định an toàn, loại vắc-xin này vẫn sẽ chưa được phép sử dụng ở Mỹ, nước đã đặt mua trước 100 triệu liều.
*** Thế giới đã có hơn 3 triệu ca tử vong vì COVID-19
– Trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận hơn 693.000 ca bệnh COVID-19 và hơn 8.600 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã gần 142 triệu ca, trong đó trên 3 triệu ca tử vong.
Ba nước có số ca mắc cao nhất thế giới là Mỹ (32,4 triệu ca mắc, 581 nghìn ca tử vong); Ấn Độ (15,1 triệu ca mắc, 178 nghìn ca tử vong) và Brazil (14 triệu ca mắc, 373 nghìn ca tử vong).
Ấn Độ đang trải qua những ngày đen tối nhất của đại dịch COVID-19 kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên, với trung bình hơn 200.000 ca mới mỗi ngày. Trong 7 ngày qua, Ấn Độ ghi nhận tổng cộng hơn 1,5 triệu ca nhiễm mới, tăng 63% so với tuần trước đó.
Khu vực châu Âu, Pháp đã thắt chặt các hạn chế về đường hàng không. Cụ thể quốc gia này sẽ áp đặt lệnh cách ly 10 ngày đối với tất cả những công dân đến từ Argentina, Brazil, Chile và Nam Phi có liên quan tới các biến thể của virus SARS-CoV-2. Những người không thực hiện lệnh cách ly sẽ phải đối diện với các án phạt. Tại Đức, bối cảnh tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Theo số liệu của Viện Robert Koch (RKI), tỷ lệ lây nhiễm tại Pháp trong 7 ngày qua là 162,3/100.000 dân.
Bộ trưởng Kinh tế liên bang Đức Peter Altmaier cảnh báo lệnh giới nghiêm phòng dịch COVID-19 nên được áp dụng nhất quán và triệt để trên phạm vi toàn quốc, nếu không Đức sẽ có thêm hàng chục nghìn ca tử vong vì căn bệnh này.
Tại Đông Nam Á, số người mắc COVID-19 tại Campuchia trong những ngày gần đây có xu hướng gia tăng bất chấp hàng loạt các biện pháp phòng chống dịch bệnh quyết liệt của chính quyền. Chiều ngày 19/4, Bộ Y tế Campuchia thông báo phát hiện thêm 624 ca bệnh mới dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó tất cả đều là các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng.
Chính quyền Phnom Penh đã quyết định đóng cửa thêm một loạt chợ dân sinh tại thủ đô sau khi phát hiện nhiều ca bệnh mới liên quan đến các chợ này. Như vậy, đến nay đã có hàng chục chợ cung cấp thực phẩm lớn, gồm cả chợ đầu mối tại Phnom Penh bị buộc phải đóng cửa, điều này khiến việc tiếp cận nhu yếu phẩm của người dân trở nên khó khăn hơn trong điều kiện cả thành phố đang bị phong tỏa hoàn toàn.
Chính phủ Campuchia hiện đã phải mở kho dự trữ lương thực quốc gia để bình ổn giá và đảm bảo cung ứng đủ lương thực cho người dân vùng dịch. Bên cạnh đó, Ủy ban Quốc gia quản lý và thực thi lệnh phong tỏa Campuchia cũng đã phải triển khai một ứng dụng trực tuyến để các hộ dân bị thiếu đói đăng ký được nhận hỗ trợ lương thực trong những ngày tới.
Trong khi đó, tại Thái Lan, hệ thống y tế đang có nguy cơ quá tải trong bối cảnh số lượng ca nhiễm mới COVID-19 tăng lên trong làn sóng thứ 3. Một số người dân nước này đã lên mạng xã hội để kêu gọi tìm giường bệnh cho gia đình và bạn bè. Tuy nhiên, Chính phủ Thái Lan khẳng định rằng các bệnh viện có đủ giường cho các bệnh nhân COVID-19, đồng thời kêu gọi người dân không kén chọn và yêu cầu được điều trị tại các bệnh viện có dịch vụ cao.
Tại Việt Nam, trong 12 giờ qua không ghi nhận thêm ca bệnh COVID-19 nào. Chiều qua, có 6 ca mắc mới được công bố, nâng tổng số ca bệnh COVID-19 ở Việt Nam lên con số 2.791, trong đó có 35 người tử vong và 2.475 trường hợp đã được chữa khỏi bệnh.
Về tình hình tiêm vắc xin ở Việt Nam, đã có thêm 3.812 người được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trong ngày 19/04/2021. Như vậy, tính đến 16 giờ ngày 19/04/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại 22 tỉnh/TP cho 80.857 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, công an, bộ đội.
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ- Phó Giám đốc BV Bạch Mai, Tổng Thư ký Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, điều trị rối loạn đông máu sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 (phản ứng cực kỳ hiếm gặp) cũng giống như các rối loạn đông máu thông thường. Với hệ thống khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) được Bộ Y tế triển khai tới 1.500 điểm tại 63 tỉnh, thành trong cả nước thời gian qua, các chuyên gia đầu ngành có thể hướng dẫn tuyến dưới xử lý nhanh chóng và hiệu quả.
Tổng hợp-TT