VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 21/9/2020.

Chi tiết về thuốc chữa Covid-19 được bán đại trà tại Nga; Bắt giữ nghi phạm gửi chất kịch độc cho Tổng thống Trump; Covid-19 có thể đã hiện diện ở Mỹ cuối 2019; Ôtô Thái Lan tràn vào Việt Nam; Số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới vượt mốc 31 triệu…là những tin chính được cập nhật.
Chi tiết về thuốc chữa Covid-19 được bán đại trà tại Nga
Kinhtedothi – Theo hãng thông tấn TASS ngày 18/9, các hiệu thuốc của Nga sắp bán loại thuốc Areplivir do nước này sản xuất điều trị dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
    Ông Andrey Mladentsev – Giám đốc điều hành công ty Promomed cho biết, một hộp thuốc Areplivir sẽ có 40 viên và mỗi viên 200mg.
Dự kiến loại thuốc trên sẽ được bày bán tại các hiệu thuốc vào ngày 21/9. Thuốc này sẽ được bán theo chỉ định của bác sĩ và được khuyến cáo sử dụng trong 24 giờ đầu tiên sau khi xuất hiện dấu hiệu mắc Covid-19. Hiện Nga chưa ghi nhận biến chứng nào trong các thử nghiệm lâm sàng đối với loại thuốc này.
Trước đó, Bộ Y tế Nga đã quyết định đưa loại thuốc điều trị Covid-19 “Favipiravir” vào danh mục các loại thuốc thiết yếu quan trọng, được bán ở các hiệu thuốc dưới tên thương mại là Coronavir và Areplivir. 1 hộp Coronavir 50 viên sẽ có giá ít nhất là 11.550 ruble (152,5 USD), và 1 hộp Areplivir 40 viên sẽ có giá tối thiểu 12.320 ruble (163 USD).
Ngày 8/7, Coronavir đã nhận được sự chấp thuận của Bộ Y tế Nga, trở thành loại thuốc thứ 3 của Nga với tên quốc tế Favipiravir. Loại đầu tiên có tên là Avifavir, được cấp phép vào cuối tháng 5/2020, loại thứ 2 – Areplivir – vào tháng 6/2020. Ả Rập Saudi, Bulgaria và một số nước Mỹ Latinh đã đặt mua Avifavir của Nga.
Cũng theo ông Andrey Mladentsev, việc giảm giá thuốc vẫn chưa thể thực hiện. Ông nhấn mạnh: “Mức giá đó, bằng cách này hay cách khác liên quan đến giá đưa vào cơ sở điều trị. Chúng ta không thể có hai mức giá khác nhau cho ngân sách và cho bán lẻ, do đó, đây là mức giá đã thực sự hình thành”.
Chuyên gia về thị trường dược phẩm Nikolai Bespalov nói thêm rằng loại thuốc này không thể quá rẻ, trong bối cảnh quốc tế và tình hình dịch tễ. Đồng thời, ông cũng đề cập đến vấn nạn sử dụng thuốc không kiểm soát. Ông lưu ý, không chỉ bệnh viện kê đơn mà bác sĩ nhất định phải kê đơn, bệnh nhân không nên tùy hứng tự ý mua và sử dụng loại thuốc này.
Trong khi đó, Tiến sĩ Y khoa Anatoly Altstein, lại chú trọng đến sự cần thiết phải chứng minh hiệu quả của thuốc. Ông lưu ý rằng các nghiên cứu ở Nhật Bản không xác nhận hiệu quả của Favipiravir, và không có thông tin về việc nghiên cứu loại thuốc này kết hợp với thử nghiệm. Ông kết luận nếu thuốc này chữa khỏi bệnh, có thể tìm ra các biện pháp để hạ giá thành. Và nếu không hiệu quả, thì nó không có nhiều ý nghĩa, ngoại trừ quảng cáo.
Bắt giữ nghi phạm gửi chất kịch độc cho Tổng thống Trump
(VTC News) – Người phụ nữ bị nghi gửi thư có chất độc ricin cho Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị bắt khi cố gắng từ Canada vào Mỹ.
Chất độc ricin được gửi tới Tổng thống Trump nguy hiểm nhường nào?
Khi bị bắt giữ, người phụ nữ này mang theo súng. Các công tố viên ở Washington dự kiến sẽ truy tố nghi phạm.
Trước đó, một bưu phẩm được gửi đến cho Tổng thống Trump từ Hubert, Quebec, Canada và chứa một chất với các đặc điểm tương tự như hạt thầu dầu. Sau khi kiểm tra, chất này được xác nhận là ricin.
Người phát ngôn cảnh sát hoàng gia Canada cho biết đang hợp tác với FBI Mỹ để điều tra vụ việc. Người phát ngôn không đưa ra tuyên bố hay xác nhận gì về vụ bắt giữ.
Các cơ quan chức năng cũng đang điều tra những bưu phẩm tương tự được gửi đến các địa chỉ ở Texas, có thể liên quan tới người gửi Canada.
Ricin là một hợp chất có độc tính cao được chiết xuất từ hạt thầu dầu, đã được sử dụng trong các âm mưu khủng bố. Nó có thể được sử dụng ở dạng bột, viên, sương mù hoặc axit. Nếu ăn phải, nó sẽ gây buồn nôn, nôn mửa và chảy máu bên trong dạ dày và ruột, sau đó là suy gan, lá lách và thận, và tử vong do suy giảm hệ thống tuần hoàn.
Chỉ 500 microgam – một lượng bằng đầu đinh ghim – có thể giết chết một người trưởng thành. Không có thuốc giải cho chất độc này.
Covid-19 có thể đã hiện diện ở Mỹ cuối 2019
Một số nhà nghiên cứu tin rằng đã tìm ra bằng chứng cho thấy nCoV xuất hiện tại Mỹ vào cuối tháng 12 năm ngoái.
Mốc thời gian này sớm hơn một tháng so với thời điểm Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đưa ra.
Nghiên cứu công bố hôm 10/9 trên Tạp chí Nghiên cứu y tế Journal of Medical Internet Research. Kết quả chỉ ra sự gia tăng đột biến lượng người mắc bệnh hô hấp đi khám trong khoảng thời gian ngày 22 đến 29/12/2019, tại các phòng khám và bệnh viện.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy xu hướng này sau khi kiểm tra gần 10 triệu hồ sơ từ hệ thống y tế của trường Đại học California, Los Angeles (UCLA), bao gồm ba bệnh viện và 180 phòng khám.
Theo dữ liệu được cung cấp bởi CDC Mỹ, ca Covid-19 đầu tiên tại Mỹ là một bệnh nhân ở Washington. Trước đó, bệnh nhân 35 tuổi này từng có mặt tại Vũ Hán, Trung Quốc. Ngày 19/1 anh ta đi khám ở một cơ sở y tế, nhưng tận cuối tháng 2, CDC mới phát hiện ca nhiễm cộng đồng đầu tiên, dựa trên báo cáo của Tạp chí Y học New England.
Tổng thống Trump đồng ý thỏa thuận để TikTok tiếp tục hoạt động tại Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đã thông qua thỏa thuận giữa Oracle và Walmart với ByteDance, theo đó ứng dụng TikTok sẽ duy trì hoạt động tại Mỹ, sau khi chính quyền của ông Trump hồi tháng 8 cảnh báo cấm ứng dụng này do lo ngại về an ninh quốc gia.
Theo thỏa thuận, một công ty mới sẽ được thành lập có trụ sở tại bang Texas của Mỹ nhưng vẫn mang tên TikTok. Và Oracle sẽ trở thành đối tác công nghệ trong khi Walmart đóng vai trò là đối tác thương mại của TikTok. Dự kiến, công ty mới sẽ tạo ra khoảng 25.000 việc làm. Tổng thống Trump đánh giá đây là một thỏa thuận “tuyệt vời”.
Về phần mình, Tập đoàn ByteDance của Trung Quốc, công ty mẹ của ứng dụng chia sẻ video TikTok, muốn định giá 60 tỷ USD cho TikTok trong trường hợp các công ty Oracle và Walmart của Mỹ mua cổ phần hoạt động kinh doanh của ứng dụng này.
Trước đó, ByteDance thông báo Oracle sẽ nắm giữ 12,5% cổ phần trong TikTok toàn cầu và lưu trữ tất cả dữ liệu người dùng ứng dụng này tại Mỹ dưới dạng lưu trữ đám mây theo những quy định an ninh quốc gia Mỹ. Walmart sẽ giữ 7,5% cổ phần trong TikTok toàn cầu. Theo Bloomberg, như vậy, hai công ty của Mỹ sẽ phải trả tổng cộng 12 tỷ USD cho số cổ phần nắm giữ nếu nhất trí với định giá 60 tỷ USD.
Các hãng công nghệ hàng đầu Hàn Quốc có lợi nhuận tăng dù dịch bệnh
eo VNews, kết quả của cuộc khảo sát do công ty tài chính Yonhap Infomax thuộc hãng thông tấn Yonhap công bố ngày 20/9 dự báo các hãng công nghệ hàng đầu Hàn Quốc sẽ có thu nhập quý 3/2020 cao hơn kỳ vọng nhờ tiết kiệm chi phí giữa lúc đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại trên toàn cầu.
Theo kết quả khảo sát, gã khổng lồ công nghệ Xứ sở Kim chi Samsung Electronics Co. dự kiến sẽ có lợi nhuận kinh doanh trong quý 3/2020 sẽ tăng hơn 32% so với cùng kỳ năm trước, đạt 10.300 tỷ won (gần 9 tỷ USD), trong khi doanh số bán tăng 2,6% lên tới 63.600 tỷ won. Nhờ đó, Samsung sẽ lần đầu tiên kể từ quý 4/2018 có lợi nhuận kinh doanh quý trên 10.000 tỷ won.
Kinh tế
Ôtô Thái Lan tràn vào Việt Nam
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, lượng ôtô nguyên chiếc được đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu trong tháng 8 đạt 8.836 chiếc, tăng tới 85,6% (tương ứng tăng hơn 4.000 chiếc) so với tháng trước. Giá trị nhập khẩu đạt gần 202 triệu USD. Tháng trước, số ôtô nguyên chiếc nhập khẩu được ghi nhận là 4.761 chiếc, trị giá đạt gần 108 triệu USD.
Trong tháng 8, ôtô nguyên chiếc được đăng ký làm thủ tục hải quan nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan với 4.743 chiếc, từ Indonesia với 2.523 chiếc và từ Trung Quốc với 572 chiếc. Số xe nhập khẩu từ 3 thị trường này chiếm tới gần 90% tổng lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng.
Tân Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Mỹ điện đàm lần đầu tiên
Ngày 20/9, tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm, trong đó thảo luận tầm quan trọng của liên minh giữa hai nước.
Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Suga nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản.
Trong cuộc điện đàm kéo dài khoảng 20 phút, Thủ tướng Suga cho rằng liên minh giữa Nhật Bản và Mỹ đã là nền tảng của hòa bình và sự ổn định trong khu vực. Về phần mình, Tổng thống Trump nhấn mạnh hai nước cần tăng cường phát triển mối quan hệ đồng minh.
Ấn Độ sắp hoàn tất xây dựng hầm chuyển quân đến biên giới Trung Quốc
Hãng tin AFP hôm 20/9 đưa tin, Ấn Độ sắp hoàn thành đường hầm gần biên giới với Trung Quốc nhằm giảm thời gian chuyển quân tới các “điểm nóng” quân sự.
Theo nguồn tin này, sau khi đưa đường hầm Atal Rohtang ở khu vực Himalaya của Ấn Độ vào vận hành, quá trình chuyển quân tới khu vực biên giới đang tranh chấp với Trung Quốc có thể giảm từ vài giờ đồng hồ xuống còn 10 phút. Đoạn hầm này cũng giúp quân đội Ấn Độ di chuyển đến các “điểm nóng” ở khu vực biên giới trong mọi điều kiện thời tiết. Công trình hầm dự kiến sẽ được khánh thành vào cuối tháng này.
Trong thời gian qua, Chính phủ Ấn Độ đã đẩy nhanh việc xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng như cầu, đường ở khu vực biên giới nhằm giảm bớt khó khăn trong việc vận chuyển và tiếp tế cho lực lượng quân đội. Đường hầm Atal Rohtang được xây dựng với tổng kinh phí lên tới 400 triệu USD với độ cao 3.000m và kéo dài 9km. Công trình này được đánh giá nhằm cải thiện cuộc sống của người dân ở khu vực biên giới, cũng như củng cố sức mạnh về chiến lược quân sự Ấn Độ.
Ông Trump dọa ra sắc lệnh cấm ông Biden tranh cử
Liên tiếp đặt nghi vấn về sức khỏe thể chất lẫn thần kinh của ứng viên Dân chủ Joe Biden, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây nói rằng ông có thể ra sắc lệnh hành pháp ngăn ông Biden tranh cử.
Phát biểu tại một sự kiện vận động tranh cử ở Fayetteville, North Carolina hôm 19/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với các cử tri rằng, ông có thể ký một sắc lệnh hành pháp để ngăn ứng viên tổng thống Dân chủ Joe Biden tiếp tục tranh cử.
“Người đàn ông này có thể không bao giờ trở thành tổng thống của quý vị… Có thể tôi sẽ ký một sắc lệnh hành pháp để ông ấy không thể trở thành tổng thống của quý vị”, ông Trump nói và dường như đề cập đến ứng viên Dân chủ Joe Biden.
Biểu tình cực lớn ở Thái Lan để đòi hoàng gia cải tổ
Hàng chục nghìn người hôm qua và hôm nay tham gia cuộc biểu tình lớn nhất trong nhiều năm gần đây ở Thái Lan, kêu gọi hạn chế quyền lực của hoàng gia.
“Nếu hoàng gia không được đặt dưới hiến pháp, chúng ta sẽ không bao giờ có được dân chủ thực sự”, Reuters dẫn lời lãnh đạo cuộc biểu tình đồng thời là luật sư nhân quyền Arnon Namp tuyên bố trước đám đông tập trung gần Hoàng cung, ở trung tâm Bangkok. “Hơn nữa, hơn nữa”, đám đông hô to sau khi ông Arnon kêu gọi cắt giảm ngân sách hoàng gia và thay đổi hiến pháp để khiến nhà vua Maha Vajiralongkorn bị đặt dưới sự kiểm soát.
Sáng nay, người biểu tình đã dùng xi măng gắn chặt một tấm bảng đồng xuống bãi cỏ gần Hoàng cung, tuyên bố Thái Lan thuộc về người dân, chứ không phải hoàng gia do Vua Maha Vajiralongkorn đứng đầu.
*** Số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới vượt mốc 31 triệu
(ĐCSVN) – Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 240.704 ca mắc và 3.862 ca tử vong vì đại dịch COVID-19, nâng tổng các con số thống kê được tính tới sáng 21/9 lần lượt là 31.218.290 và 964.733 trường hợp.
Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất trên thế giới và đứng đầu về số ca nhiễm mới COVID-19 ghi nhận được trong 24 giờ qua. Trong khi đó, Nga đã vượt xa mốc “triệu ca nhiễm” COVID-19.
Tính đến sáng 21/9, đã có 22.814.168 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 7.439.389 ca bệnh đang điều trị thì có 7.377.833 ca ở thể nhẹ (chiếm 99%) và 61.506 ca (chiếm 1%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đã lan tới 215 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 4.435.994 trường hợp, trong đó có 216.184 ca tử vong và 2.382.434 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, cựu lục địa ghi nhận thêm 37.662 ca nhiễm và 291 ca tử vong mới vì COVID-19. Hiện Pháp đã vượt Anh và trở thành nước có nhiều ca nhiễm COVID-19 đứng thứ 3 ở khu vực châu Âu, với 452.763 trường hợp, đứng sau các nước Nga và Tây Ban Nha với lần lượt 1.103.399 và 659.334 trường hợp ghi nhận được tới thời điểm hiện tại.
Anh vẫn là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong khu vực, với tổng số 41.777 ca. Trong những tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 mới tại Anh đã tăng vọt. Thậm chí tình hình đã căng thẳng tới mức Thị trưởng London Sadiq Khan đã yêu cầu phải hành động nhanh chóng để ngăn dịch lan nhanh tại thủ đô nước Anh. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock ngày 20/9 cho biết nước này hiện ở điểm quan trọng liên quan đến đại dịch COVID-19, thậm chí cảnh báo biện pháp phong tỏa quốc gia lần 2 có thể được áp đặt nếu người dân không tuân thủ các quy định của chính phủ để ngăn dịch lây lan. Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã gọi tình hình dịch hiện nay là làn sóng thứ 2 và các biện pháp phong tỏa chặt chẽ hơn sẽ được áp đặt tại nhiều vùng trên cả nước, với London có thể là địa điểm tiếp theo.
Trong 24 giờ qua, Bắc Mỹ ghi nhận thêm 41.183 ca nhiễm COVID-19 và 815 ca tử vong vì dịch bệnh, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 8.344.360 và 298.526 trường hợp. Sau nhiều tuần liên tiếp, Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất tại khu vực và trên thế giới, với tổng số 7.000.896 ca nhiễm và 204.115 ca tử vong vì COVID-19. Sau Mỹ, Mexico là nước có nhiều ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 đứng thứ 2 ở khu vực, với tổng cộng 694.121 và 73.258 ca ghi nhận được tính đến thời điểm hiện tại. Tiếp đến là Canada với 143.631 ca nhiễm và 9.217 ca tử vong vì COVID-19.
Tính đến sáng 21/9, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 9.468.071 trường hợp, với 177.173 ca tử vong và 7.764.118 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 1.526.780 ca bệnh đang điều trị thì có 19.704 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ là nước có số ca mắc mới COVID-19 cao nhất trong khu vực và trên thế giới, với 87.382 ca, tiếp tục củng cố vị trí “dẫn đầu” châu Á về số ca nhiễm (5.485.612 ca). Tiếp điến là Iran và Bangladesh, với lần lượt số ca nhiễm COVID-19 ghi nhận được tới thời điểm hiện tại là 422.140; 348.918 trường hợp.
Ngày 20/9, Hàn Quốc đã quyết định gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội cấp độ 2 trên toàn quốc thêm một tuần đến ngày 27/9 tới, trong bối cảnh số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 theo cụm và những ca mắc không xác định được nguồn lây vẫn ở mức cao trước thềm kỳ nghỉ lễ Trung thu. Theo đó, những cơ sở bị coi là có “nguy cơ cao” lây lan dịch COVID-19 như quán bar, karaoke, trung tâm tổ chức tiệc buffet, và những cơ sở công cộng tập trung đông người như bảo tàng và thư viện sẽ tiếp tục đóng cửa thêm một tuần. Những nơi có rủi ro thấp hơn, như nhà hàng và cơ sở tôn giáo, mặc dù được phép hoạt động song phải theo dõi nhật ký khách ra vào và tuân thủ các quy định về giãn cách. Theo số liệu thống kê do worldometers.info công bố vào sáng 21/9, hiện Hàn Quốc đang đứng thứ 28 khu vực về số ca nhiễm COVID-19, với 22.975 trường hợp.
Trong 24 giờ qua, Nam Mỹ ghi nhận thêm 34.929 ca nhiễm và 835 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 7.525.268 trường hợp, với 237.942 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, tiếp theo sau là Colombia, Peru và Argentina…với lần lượt 4.544.629; 765.076; 762.865; 631.365 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.
Tính đến sáng 21/9, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 1.413.317 trường hợp, trong đó có 34.008 ca tử vong và 1.158.641 ca bình phục. Trong tổng số 220.668 ca đang điều trị thì có 1.457 ca trong tình trạng nguy kịch.
Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 661.211 ca nhiễm COVID-19 và 15.953 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 1.555 ca nhiễm và 13 ca tử vong. Xếp các vị trí tiếp theo trong bảng thống kê là Ai Cập, Ma-rốc và Ethiopia với lần lượt 102.015; 101.743; 68.820 ca nhiễm bệnh.
Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 18 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 13 ca ở Australia; 4 ca ở New Zealand và 1 ca còn lại ở Papua New Guinea. Hiện khu vực này ghi nhận 30.559 ca nhiễm và 885 ca tử vong vì COVID-19. Australia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 26.898 ca, tiếp theo sau là New Zealand với 1.815 ca. Trước bối cảnh trên, ngày 20/9, Chính phủ Australia công bố đầu tư thêm 6 triệu đôla Australia (4,3 triệu USD) cho 3 dự án phát triển vaccine ngừa COVID-19./.
Tổng hợp-TT