VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 22/12/2019.

Trung Quốc sẽ vận hành “mặt trời nhân tạo” vào năm 2020; Putin tiết lộ điều khiến Phương Tây sợ hãi Nga; Ông Trump ký Đạo luật quốc phòng 738 tỷ USD, lập quân chủng vũ trụ; Thụy Sĩ đóng cửa nhà máy điện hạt nhân đầu tiên…là những tin chính được cập nhật.

Trung Quốc sẽ vận hành “mặt trời nhân tạo” vào năm 2020

     Mặt trời nhân tạo của Trung Quốc sẽ bắt đầu vận hành vào năm 2020 giúp các nhà khoa học tiến gần hơn với mục tiêu sản xuất năng lượng sạch.
Mặt trời nhân tạo của Trung Quốc có tên là HL-2M được chế tạo bởi Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc và Viện Vật lý Tây Nam. Lò phản ứng HL-2M được đặt tại thành phố Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên.
  Trung Quốc sẽ vận hành “mặt trời nhân tạo” vào năm 2020  Trung Quốc sẽ vận hành “mặt trời nhân tạo” vào năm 2020
Mặc dù được gọi là mặt trời, nhưng thiết bị thực sự có thể đạt nhiệt độ nóng hơn 13 lần so với mặt trời trong thực tế. Mặt trời nhân tạo thế hệ mới này có thể đạt tới 200 triệu độ C, trong khi mặt trời thật chỉ có thể nóng đến 15 triệu độ C.
Quá trình nhiệt hạch của mặt trời phụ thuộc vào việc buộc các nguyên tử hợp nhất, giải phóng nhiệt có thể chuyển thành năng lượng; còn trong lò phản ứng nhiệt hạch này, quá trình sinh nhiệt lại dựa vào việc phân tách các nguyên tử.
Kết quả là nguồn năng lượng được tạo ra sạch và rẻ hơn, đồng thời các chất thải cũng ít độc hại hơn. Nhưng có một vấn đề là rất khó để đạt được điều đó.
Giáo sư Vật lý Gao Zhe đến từ ĐH Thanh Hoa (Bắc Kinh) cho rằng: “Các nhà khoa học trên thế giới vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục trong lĩnh vực hợp hạch hạt nhân. Không có gì đảm bảo mọi vấn đề đều đã được kiểm soát. Tuy nhiên, nếu không thử nghiệm, các vấn đề chắc chắn sẽ không được giải quyết”.
Mặt trời nhân tạo là sự hợp tác giữa Trung Quốc và một dự án thử nghiệm năng lượng nguyên tử quốc tế có trụ sở tại Pháp, bao gồm các thử nghiệm ở 35 quốc gia và dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Ngoài ra, Trung Quốc còn một dự án nhiệt hạch khác tại thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy. Lò phản ứng siêu dẫn tiên tiến (EAST) tại đây đã đạt đến nhiệt độ 100 triệu độ C.

Putin tiết lộ điều khiến Phương Tây sợ hãi Nga
Những điều làm phương Tây sợ hãi Nga, cả thời Sa hoàng lẫn thời Xô Viết, vẫn tiếp tục như thế cả ngay lúc này.
“Cả trong quá khứ và bây giờ họ đều sợ hãi nước Nga. Cả thời Sa hoàng, thời Liên Xô và hiện đại. Không có gì thay đổi. Không quan trọng điều đó là gì – tư tưởng đó vẫn tồn tại. Đừng nhầm lẫn các thuật ngữ ý thức hệ ở đây – dù đó là Bolshevik hay là dân tộc Nga. Cái nào cũng thế cả”, ông Putin nói trong cuộc họp không chính thức của người đứng đầu các quốc gia thành viên SNG.
Ông lưu ý rằng để làm suy yếu Liên Xô, các nhà lãnh đạo phương Tây sau đó thậm chí đã sẵn sàng thỏa thuận với phát xít Đức – trên thực tế, điều đó đã xảy ra – và có tài liệu chứng minh cho điều đó.
Ông Putin cũng nói rằng, chủ nghĩa bài Nga và chủ nghĩa bài Do Thái ở một số nước châu Âu ngày nay “gợi” cho ông “một cái gì rất đáng nhớ”.
“Và ở đây, chúng ta có thể nói như một nhận xét – đây là một ví dụ điển hình về phân biệt chủng tộc, sự khinh miệt đối với người [được coi là] hạ đẳng… bao gồm người Nga, người Belarus, người Ukraina. Sau đó, chính người Ba Lan cũng nằm trong số đó. Tất nhiên, như các bạn biết, tôi đang nhìn vào những gì đang xảy ra ở một số nước châu Âu với hội chứng bài Nga, chủ nghĩa bài Do Thái, … Tất cả đều nhắc nhở tôi một điều gì đó rất đáng nhớ”, ông Putin nói, bình luận về một trong những tài liệu giải mật.
Chủ nghĩa dân tộc thù địch luôn mù quáng, xóa bỏ mọi ranh giới đạo đức. Những người bước vào con đường này sẽ không có điểm dừng, ông Putin nhấn mạnh. Nhưng cuối cùng chính họ sẽ lãnh đủ, và điều đó đã xảy ra không phải một lần, tổng thống nói thêm.

Ông Trump ký Đạo luật quốc phòng 738 tỷ USD, lập quân chủng vũ trụ
Đạo luật bao gồm việc thành lập quân chủng vũ trụ của Mỹ đồng thời yêu cầu báo cáo về các mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/12 đã ký thông qua Đạo luật ủy quyền Quốc phòng cho năm 2020 với ngân sách 738 tỷ USD. Trong đó, khoản ngân sách 658,4 tỷ USD sẽ được phân bổ cho các chương trình an ninh quốc gia của Bộ Quốc phòng và Bộ Năng lượng Mỹ, 71,5 tỷ USD dành cho các chiến dịch ở nước ngoài và 5,3 tỷ USD hỗ trợ tái thiết sau các thảm họa thiên nhiên. Đạo luật cũng mở đường cho quân đội Mỹ thành lập quân chủng vũ trụ theo yêu cầu của Trump.
Tổng thống Trump đã nhiều lần hứa hẹn về việc thành lập nhánh thứ 6 trong quân đội Mỹ – quân chủng vũ trụ, nói rằng, lực lượng này sẽ bảo vệ các lợi ích của Mỹ trên không gian. Theo tuyên bố của Tổng thống Trump, tầm quan trọng của việc quân sự hóa không gian là nhằm phát hiện và phá hủy các tên lửa nhằm vào Mỹ.
Đạo luật NDAA 2020 cũng bao gồm các lệnh trừng phạt nằm vào dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cùng nhiều vấn đề khác.
Đặc biệt, đạo luật kêu gọi hạn chế mang tính bắt buộc đối với Dòng chảy phương Bắc 2 và dự án đường ống dẫn khí TurkStream, ngăn chặn việc hợp tác quân sự với Nga. Đạo luật cũng bao gồm cả lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì đã mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, đồng thời cấm chuyển giao F-35 cho Ankara.
Ngoài ra, NDAA còn bao gồm các nỗ lực ngăn chặn Nga ở Đông Âu như không thừa nhận quyết định của bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga, tăng ngân sách cho Sáng kiến Quốc phòng châu Âu – thêm 734,3 triệu USD – cho việc xây dựng quân sự và các hoạt động chống tàu ngầm.
Đạo luật đề xuất gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START mới) dự kiến hết hạn vào tháng 2/2021. Đạo luật cũng yêu cầu Tổng thống Mỹ phải xác nhận và thông báo cho Quốc hội nếu Nga vi phạm hiệp ước.
Theo đạo luật NDAA 2020, Mỹ phải thay thế Hiệp ước START mới bằng các thỏa thuận kiểm soát vũ khí khác để đảm bảo công bằng, minh bạch và có thể xác minh được các lực lượng hạt nhân của Nga.

Thụy Sĩ đóng cửa nhà máy điện hạt nhân đầu tiên
(SGGP) Ngày 21-12, Thụy Sĩ chính thức đóng cửa nhà máy điện hạt nhân Muhleberg sau 47 năm vận hành. Đây là một trong 4 nhà máy điện hạt nhân và cũng là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên chấm dứt hoạt động tại nước này
Việc đóng cửa nhà máy điện hạt nhân Muhleberg nằm trong kế hoạch từng bước xóa bỏ hoàn toàn năng lượng hạt nhân được Chính phủ Thụy Sĩ đưa ra từ năm 2011. Dự kiến, quá trình dỡ bỏ hoàn toàn nhà máy điện hạt nhân này sẽ phải mất 15 năm.
Theo công ty chủ quản của Muhleberg, kể từ sau khi đi vào hoạt động vào năm 1972, nhà máy điện hạt nhân này đã sản xuất khoảng 130 tỷ kWh, đủ cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ điện của cả thủ đô Bern với khoảng 1 triệu người sinh sống trong hơn 1 thế kỷ.

***   Hạ viện Anh thông qua thỏa thuận Brexit
Ngày 20/12, Hạ viện Anh khóa mới đã ủng hộ kế hoạch Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit mà Thủ tướng Boris Johnson đã ký kết với EU hồi tháng 10 vừa qua.
Với 358 phiếu thuận và 234 phiếu chống, cuối cùng Hạ viện Anh đã thông qua lần thứ nhất thỏa thuận Brexit, qua đó cho phép tiến hành phiên họp về đại cương dự luật, điều kiện cần thiết để thỏa thuận này chính thức được phê chuẩn.
Hạ viện Anh tiến hành bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit chỉ tám ngày sau khi đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson giành chiến thắng thuyết phục trong cuộc bầu cử trước thời hạn với khẩu hiệu “hoàn tất Brexit”.
Đây là bước đi đầu tiên hướng tới hiện thực hóa cam kết hoàn tất Brexit bằng bất cứ giá nào vào ngày 31/1/2020 mà ông Johnson đưa ra kể từ khi kế nhiệm cựu Thủ tướng Theresa May hồi tháng 7 vừa qua.
Theo dự kiến, sau khi chính thức rời EU, nước Anh sẽ bước vào giai đoạn đàm phán thỏa thuận thương mại với EU trong giai đoạn chuyển tiếp. Dự kiến, giai đoạn này sẽ kết thúc vào cuối năm 2020. Thủ tướng Johnson cũng cho biết ông không đồng ý bất kỳ cuộc đàm phán nào bị gia hạn thêm nữa.
Thỏa thuận Brexit dự kiến sẽ được Hạ viện Anh tiếp tục thông qua vào tháng 1/2020 trước khi được Nghị viện EU phê chuẩn.
Phát biểu trong sáng 20/12, Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu, Pedro Silva Pereira cũng cho biết Nghị viện châu Âu sẽ hoàn tất thủ tục phê chuẩn thoả thuận Brexit trước ngày 29/1/2020.

Tổng thống Nga chủ trì họp báo lớn thường niên
Đến hẹn lại lên, cuộc họp báo lớn thường niên cuối năm lần thứ 15 của Tổng thống Nga Vladimir Putin diễn ra ngày 19/12 tại Trung tâm Thương mại Quốc tế ở thủ đô Moskva kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ.
Theo số liệu được công bố, cuộc họp báo lần thứ 15 của Tổng thống Putin đã lập kỷ lục khi có tới 1.895 phóng viên đã đăng ký tham gia, nhiều hơn số phóng viên tham dự cuộc họp báo năm 2018 khoảng gần 200 phóng viên, trong khi hội trường họp báo chỉ đủ chỗ cho 900 người.
Tại cuộc họp báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trả lời hơn 60 câu hỏi từ các nhà báo với các chủ đề của hầu hết các lĩnh vực đối nội và đối ngoại của nước Nga, và theo đánh giá, đã giải tỏa mọi khúc mắc trong cuộc họp báo lớn cuối năm nay.
Trước những câu hỏi về tình hình kinh tế Nga trước sức ép của các lệnh trừng phạt, ông Putin cho rằng nền kinh tế Nga đã thích nghi và đứng vững được trước những cú sốc từ bên ngoài. Đồng rúp đã trở nên ổn định hơn, điều này góp phần giúp nền kinh tế Nga không quá phụ thuộc vào thị trường dầu. Các Quỹ dự trữ và Quỹ phúc lợi quốc gia đều tăng trưởng và 20% tiền trong Quỹ phúc lợi xã hội được đưa vào nền kinh tế. Trong số này, 8% được dành cho các dự án cơ sở hạ tầng trực tiếp quy mô lớn.
Đặc biệt, khi trả lời câu hỏi liên quan tới Liên bang Xô-Viết, Tổng thống Putin nêu rõ theo quan điểm của ông, Nga có quyền tự hào về quá khứ Xô-Viết và những thành tựu vẻ vang của Liên Xô.
Liên quan tới đối ngoại, nhà lãnh đạo Nga tuyên bố thế giới đơn cực không tồn tại, và thế giới không thể bị kiểm soát một cách đơn cực. Tổng thống Putin cho biết Nga quan tâm tới việc phát triển quan hệ với Mỹ và sẽ làm điều này bất kể những gì đang diễn ra tại Nhà Trắng hoặc Quốc hội Mỹ.
Cuộc họp báo được đánh giá là đã chuyển một thông điệp rõ ràng về tình hình nước Nga năm 2019 cũng như chính sách đối ngoại của nhà lãnh đạo Nga, như ông Putin khẳng định: “Dù ai nói gì chăng nữa, tôi luôn biết chính xác là nước Nga cần gì và lợi ích của đất nước tôi là ở đâu”.

Thỏa thuận “giai đoạn 1” Mỹ – Trung sẽ được ký vào tháng 1/2020
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 19/12 cho biết Mỹ và Trung Quốc sẽ tiến hành ký kết thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” vào tháng 1/2020.
Phát biểu trên kênh tin tức CNBC, ông Mnuchin cho hay, thỏa thuận thương mại đã được thể hiện bằng văn bản và được biên dịch. Thỏa thuận này sẽ không còn phải trải qua bất cứ cuộc đàm phán lại nào.
Trước đó, cùng ngày 19/12, phía Trung Quốc cũng đưa ra những phát biểu tích cực về thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Trong một cuộc họp báo định kỳ ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong nói hai đoàn đàm phán thương mại Trung-Mỹ tiếp tục giữ liên lạc chặt chẽ. “Sau lễ ký chính thức, nội dung của thỏa thuận sẽ được công bố”, hãng tin Reuters dẫn lời ông Phong.
Trước đó, ngày 14/12, Mỹ và Trung Quốc thông báo đã đạt thỏa thuận thương mại song phương “giai đoạn một”. Trên trang Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận thông tin và cho biết, Bắc Kinh đồng ý mua một lượng lớn nông sản, các mặt hàng công nghiệp và năng lượng cũng như nhiều mặt hàng khác của Mỹ. Tổng thống Donald Trump cam kết sẽ không thực hiện kế hoạch áp thuế với lượng hàng hóa của Trung Quốc trị giá 160 tỷ USD, như dự kiến vào ngày 15/12, đồng thời giảm bớt một số loại thuế với hàng hóa Trung Quốc. Washington sẽ đàm phán về giai đoạn hai của thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng thông báo đã đạt được tiến bộ quan trọng về thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” với Mỹ. Theo đó, Trung Quốc hủy kế hoạch áp thuế với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ, dự kiến có hiệu lực ngày 15/12, đồng thời tăng nhập khẩu lúa mì và ngô của Mỹ. Theo Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn, giới chức hai nước đang thảo luận thời điểm và địa điểm ký kết thỏa thuận “giai đoạn 1”.

Nhà Trắng chỉ trích cuộc bỏ phiếu luận tội của Đảng Dân chủ
Ngày 19/12, ngay sau khi Hạ viện Mỹ thông qua hai điều khoản luận tội đối với Tổng thống Donald Trump, Nhà Trắng lên tiếng chỉ trích động thái trên của đảng Dân chủ, gọi đây là “đỉnh điểm của một trong những tập phim chính trị đáng xấu hổ nhất trong lịch sử nước Mỹ”.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham tuyên bố cuộc bỏ phiếu của Hạ viện mang tính đảng phái, thiếu quy trình, đồng thời khẳng định quá trình vi hiến của Hạ viện dẫn đã đến hai điều khoản luận tội vô căn cứ mà không đưa bằng chứng nào về hành vi sai trái của Tổng thống Trump. Tuyên bố cũng nêu rõ Tổng thống Trump tin tưởng Thượng viện Mỹ sẽ khôi phục lại quá trình đúng đắn, công bằng, theo quy tắc thông thường, vốn bị Hạ viện Mỹ bỏ qua.
Trước đó, ngày 18/12, Tổng thống Donald Trump đã chính thức trở thành Tổng thống Mỹ thứ 3 trong lịch sử bị luận tội trong phiên bỏ phiếu của Hạ viện ở Washington DC. Hạ viện đã thông qua hai điều khoản luận tội lạm dụng quyền lực và cản trở quốc hội đối với Tổng thống Donald Trump với tỷ lệ bỏ phiếu lần lượt là 230-197 và 229-198.
Kết quả của cuộc bỏ phiếu lịch sử này tại Hạ viện sẽ mở đường cho một phiên xét xử tại Thượng viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát để đưa ra phán quyết liệu có kết tội và phế truất vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ nữa hay không.
Trong lịch sử, chưa từng có Tổng thống Mỹ nào bị bãi nhiệm thông qua tiến trình luận tội được tiến hành theo Hiến pháp Mỹ, và đến nay cũng có rất ít dấu hiệu cho thấy các thượng nghị sĩ Mỹ sẽ thay đổi điều này.

Cuba lần đầu có Thủ tướng sau 43 năm
Ngày 21/12, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel đã đề cử ông Manuel Marrero Cruz đảm nhận cương vị Thủ tướng Chính phủ trong trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa IX, chức vụ đã không xuất hiện trên chính trường nước này trong vòng hơn 4 thập kỷ qua. Tại cuộc họp, 594 đại biểu quốc hội Cuba đã nhất trí thông qua việc bổ nhiệm ông Marrero làm Thủ tướng Chính phủ.
Ông Manuel Marrero Cruz giữ chức Bộ trưởng Du lịch từ năm 2004 tới nay trước khi được bổ nhiệm vào vị trí Thủ tướng với nhiệm kỳ 5 năm.
Thủ tướng Chính phủ là chức danh mới được Hiến pháp 2019 khôi phục. Người gần nhất từng nắm giữ cương vị này tại Cuba chính là lãnh tụ cách mạng lịch sử Fidel Castro Ruz, từ năm 1959 tới năm 1976, khi ông được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng theo quy định của Hiến pháp 1976.
Thủ tướng Cuba sẽ nắm quyền điều hành Hội đồng Bộ trưởng, cơ quan hành pháp tối cao trong hệ thống Nhà nước Cuba, và Ủy ban thường vụ của hội đồng này, đồng thời phải báo cáo và chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Chủ tịch nước về công tác của mình.
Người đứng đầu Chính phủ Cuba cũng có nhiệm vụ kiểm soát hoạt động của các tổ chức hành chính trung ương, các cơ quan cấp quốc gia và các cấp chính quyền địa phương. Ông cũng có quyền đề nghị Chủ tịch nước thay thế các thành viên của Hội đồng Bộ trưởng và giới thiệu ứng viên thay thế.
Tương tự, Thủ tướng Cuba cũng có quyền đưa ra các chỉ đạo và kiểm soát việc thực hiện các chỉ đạo này đối với các Thủ hiến tỉnh – một chức danh khác cũng mới được Hiến pháp mới khôi phục và sẽ được bầu chọn vào tháng 1 tới.

Liên hợp quốc kêu gọi chia sẻ tình đoàn kết với người tị nạn
Tại Diễn đàn ngày 18/12, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã triển khai một cuộc vận động ủng hộ cho người tị nạn mà theo ông là “một trong những trách nhiệm lớn của thời đại chúng ta và mãi mãi”.
Ông kêu gọi các đại biểu có mặt tại Diễn đàn có những hành động cụ thể và rõ nét hơn nữa. Ông kêu gọi “từ bỏ một mô hình hỗ trợ”, vốn được đưa ra quá thường xuyên khiến cuộc sống của những người tị nạn bị trì trệ trong nhiều thập kỷ. Họ bị giam cầm trong các trại tị nạn, sống qua ngày, mà không thể phát triển hay đóng góp cho xã hội.
Do đó, vấn đề đặt ra là cộng đồng quốc tế phải hành động để thực sự nâng cao khả năng tiếp cận với giáo dục, sinh kế và năng lượng, để tăng cường khả năng phục hồi của người tị nạn và cộng đồng chủ nhà tiếp nhận họ, để bảo vệ không gian nhân đạo và tiếp cận cho những người có nhu cầu và tăng cường các dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ cho nạn nhân của bạo lực tình dục hoặc giới tính.
Diễn đàn toàn cầu về Người tị nạn lần thứ nhất đã diễn ra tại Geneva, Thụy Sỹ từ ngày 17-18/12/2019, đúng một năm sau khi Thỏa thuận toàn cầu về Người tị nạn (Global Compact on Refugees – GCR) được thông qua.
Diễn đàn tập trung thảo luận sáu lĩnh vực chính, bao gồm: chia sẻ gánh nặng và trách nhiệm; giáo dục; việc làm và kế sinh nhai; năng lượng và cơ sở hạ tầng, các giải pháp; năng lực bảo vệ người tị nạn; chia sẻ các sáng kiến, kinh nghiệm thực tiễn và đưa ra các cam kết, đóng góp cụ thể về hỗ trợ, bảo vệ người tị nạn. Diễn đàn là cơ hội để các bên liên quan cùng nhau tăng cường nỗ lực thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận GCR theo tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau” của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững./.

***   Cuộc chiến nước trên dòng “sông mẹ”
Nguy cơ xung đột và chiến tranh vì nguồn nước ngày càng rõ ràng, đặc biệt ở các khu vực chung một dòng sông. Căng thẳng hiện đang lên cao ở châu Phi khi giới chức Ethiopia và Ai Cập đang tranh luận gay gắt về các biện pháp giải quyết bất đồng liên quan đến dự án đập thủy điện Đại Phục hưng của Ethiopia trên nhánh sông Nile Xanh (một trong hai phụ lưu chính của sông Nile).

Chủ tịch Trung Quốc tố Mỹ can thiệp vấn đề nội bộ
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20-12 đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thông báo về tiến bộ trong một loạt vấn đề từ thương mại đến Triều Tiên và Hong Kong, tuy nhiên, Trung Quốc cho biết ông Tập đã tố Mỹ can thiệp nội bộ của nước này.

Nước lớn và cuộc chiến giành ngôi đầu
Những ngày cuối cùng của năm 2019 đang dần khép lại với nhiều sự bất an. Trong một thế giới mà vai trò của các nước lớn ngày càng thể hiện tầm quan trọng, việc các nước này đưa ra những hoạch định chiến lược và thể hiện nó như thế nào đang nhận được sự quan tâm của cả thế giới, đặc biệt là những nước có sự cạnh tranh trực tiếp và những nước nhỏ hơn.

Hơn 40% người Mỹ được hỏi muốn ông Trump bị phế truất
Theo một cuộc thăm dò ý kiến của Reuters/Ipsos công bố ngày 19-12, chưa đến một nửa số người được hỏi muốn Tổng thống Donald Trump bị phế truất trong cuộc luận tội của Hạ viện Mỹ.

Cường quốc Đông Á họp bàn về vấn đề Triều Tiên
Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ gặp nhau tại Trung Quốc trong tuần tới để thảo luận về “điểm nóng” Triều Tiên.

Tổng thống Trump có dễ “mất ghế” vì bị Hạ viện luận tội?
Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua quyết định luận tội Tổng thống Donald Trump, đòn mạnh nhất mà ông từng hứng chịu trong sự nghiệp chính trị, song điều đó không có nghĩa ông dễ dàng bị phế truất.

Cả máy bay nháo nhào khi một phụ nữ tự xưng khủng bố, dọa cho nổ tung máy bay
Các hành khách đã bị một phen hoảng loạn khi một nữ hành khách gào thét, tự xưng là khủng bố và đe dọa làm nổ tung máy bay bằng 5 quả bom…

Ecuador: “Xa lộ” cocaine toàn cầu – Kỳ 2
Ecuador ít bị chú ý trong hồ sơ Interpol, vì tỷ lệ giết người thấp và không có băng đảng ma túy hô mưa gọi gió như ở Mexico và Colombia. Tuy nhiên, Ecuador là một trong những “đường cao tốc” cocaine toàn cầu.

Mỹ đầu tư kết nối tiền đồn ở Lục địa đen
Trong một dấu hiệu cho thấy các hoạt động mở rộng quân đội Mỹ ở châu Phi, Bộ Tư lệnh châu Phi của nước này đang chi gần 25 triệu đô la để mang thông tin liên lạc tốc độ gần như cáp quang đến các tiền đồn xa xôi trên khắp lục địa.

Đi tìm sự thật về thảm họa tàu ngầm Kursk của Nga
Năm 2000, một trong những tai nạn tàu ngầm thời bình tồi tệ nhất từng xảy ra ngoài khơi nước Nga. Một vụ nổ lớn đã đánh chìm tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân khổng lồ Kursk, làm chết hầu hết thủy thủ đoàn và khiến gần 20 người sống sót mắc kẹt hàng trăm mét dưới nước.

Tổng hợp-TT