VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 22/7/2020.

Nga sắp sản xuất hàng loạt vaccine COVID-19 và cung cấp cho thế giới; Gần 4 triệu ca nhiễm COVID-19 tại Mỹ, ông Trump khuyên người dân đeo khẩu trang; EU đạt được thỏa thuận lịch sử; The Economist: Vì sao các nhà đầu tư lựa chọn Việt Nam là nơi để chuyển dịch đầu tư?; Hơn 15 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu…là những tin chính được cập nhật.

Nga sắp sản xuất hàng loạt vaccine COVID-19 và cung cấp cho thế giới

      Nga đang dẫn đầu cuộc đua chế tạo vaccine COVID-19. Ảnh minh hoạ

Hoạt động thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 của Nga liên tiếp có tiến triển khả quan và nước này sẽ sớm đưa vaccine vào sản xuất hàng loạt trước khi cung cấp cho nhiều bên.
The Moscow Times ngày 20/7 dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, hoạt động thử nghiệm vaccine COVID-19 đã hoàn tất giai đoạn thứ hai trên cơ thể người. Mẫu vaccine triển vọng sẽ sớm được đưa vào thử nghiệm giai đoạn cuối, trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt.
Trước đó cùng ngày, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Ruslan Tsalikov khẳng định các tình nguyện viên trong đợt tiêm thử nghiệm trên người đều đã có kháng thể ngừa virus SARS-CoV-2 gây COVID-19, họ đã lần lượt xuất viện từ tuần trước.
“Không có ngoại lệ nào, các tình nguyện viên đều đã có kháng thể ngăn virus SARS-CoV-2… Bởi vậy, mẫu vaccine nội địa đầu tiên ngừa COVID-19 đã hoàn tất”, ông Tsalikov nhấn mạnh.
Trong khi đó, Alexei Kuznetsov, trợ lý Bộ trưởng Y tế Nga thì thông báo cơ quan này đang có kế hoạch triển khai đăng ký cấp nhà nước cho mẫu vaccine triển vọng nói trên.
Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới hoàn tất thử nghiệm vaccine COVID-19 trên người, sau khi các nhà khoa học Nga cách đây một tuần thông báo các tình nguyện viên tham gia tiêm thử vaccine COVID-19 đã có kháng thể chống lại virus.
Kirill Dmitriyev, người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) tài trợ cho các thử nghiệm cho biết ông kì vọng sẽ sản xuất 200 triệu liều vaccine COVID-19 cùng các đối tác nước ngoài ngay trong năm 2020 này.
Ông Dmitriyev trước đó nói rằng Nga sẽ là một trong những nước đầu tiên sản xuất vaccine hàng loạt và cung cấp cho các bên, dù Moscow không phải bên duy nhất tham gia cuộc đua chế tạo phương thuốc ngừa dịch COVID-19.

Gần 4 triệu ca nhiễm COVID-19 tại Mỹ, ông Trump khuyên người dân đeo khẩu trang
Tại buổi họp báo về đại dịch COVID-19 đầu tiên sau một thời gian ngắt quãng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo rằng đại dịch “có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi tình hình được cải thiện”.
Ngày 21/7 (giờ địa phương) chứng kiến cuộc họp báo thường ngày về dịch COVID-19 đầu tiên của chính quyền Trump kể từ ngày 25/4
“Chúng ta đang kiểm soát tình hình, chúng ta có nguồn cung cấp rất dồi dào”, ông Trump nói trước các phóng viên tại Nhà Trắng, nhấn mạnh rằng tâm dịch mới nhất là tại khu vực Vành đai Mặt trời (các bang phía Nam của Mỹ, từ Florida đến phía Nam của California). Ông Trump cho biết rằng tất cả các yêu cầu về nguồn cung cấp vật tư y tế đều được chính quyền của ông chấp thuận, đồng thời, nhấn mạnh rằng có một “sự khác biệt rất lớn so với việc thừa kế từ một tủ chén rỗng không”, ý nhắc đến chính sách y tế từ thời Tổng thống Barack Obama.
Tổng thống Trump lưu ý rằng dịch bệnh bùng phát ở khu vực miền Nam đất nước là do các ca nhiễm không triệu chứng giữa những người từ độ tuổi 18-35. Ông nhấn mạnh rằng “giới trẻ ở Mỹ cần hành động một các có trách nhiệm”, tránh “các quán bar đông đúc” và những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao khác.
Ông nhấn mạnh rằng chính quyền đang “yêu cầu người Mỹ đeo khẩu trang, tự giãn cách xã hội và giữ vệ sinh sạch sẽ – rửa tay bất kỳ lúc nào bạn có thể”. “Dù bạn có đeo khẩu trang hay không, chúng vẫn có tác động”, ông Trump nói, dù ông không đeo khẩu trang trong cuộc họp báo.
Ông Trump cập nhật thêm rằng hơn một nửa số ca tử vong đã được ghi nhận tại các viện dưỡng lão hoặc những người phải chăm sóc sức khỏe trường kỳ, tuổi trung bình trong nhóm người đã tử vong là 65 trong khi 99,96% số ca tử vong do COVID-19 là người lớn.
Trong khi đó, Mỹ đã ghi nhận hơn 3,8 triệu ca nhiễm COVID-19 và gần 142 ngàn ca tử vong, là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất, theo sau là Brazil, Ấn Độ và Nga. Trên thế giới, gần 15 triệu ca nhiễm đã được ghi nhận, cùng với đó là gần 614 ngàn ca tử vong, số liệu của Đại học Johns Hopkins.

EU đạt được thỏa thuận lịch sử
SGGP  Kết thúc hội nghị thượng đỉnh kéo dài gần 5 ngày, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 21-7 đã đạt được thỏa thuận lịch sử về kế hoạch kích thích kinh tế do khó khăn từ đại dịch Covid-19.
Hội nghị dài thứ hai trong lịch sử
Thỏa thuận mở đường cho Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan  điều hành EU, gia tăng hàng tỷ EUR trên thị trường vốn ở tất cả 27 quốc gia, một hành động đoàn kết chưa từng có trong gần 7 thập niên hội nhập của châu Âu. Thỏa thuận này đạt được vào lúc 5 giờ 15 sáng 21-7, giờ Brussels. Nhiều người trước đó đã cảnh báo rằng một hội nghị thượng đỉnh thất bại trong bối cảnh đại dịch Covid-19 sẽ khiến khả năng tồn tại của khối EU bị đe dọa nghiêm trọng sau nhiều năm khủng hoảng kinh tế và nước Anh rời khỏi khối. Trong hội nghị thượng đỉnh gồm 27 nguyên thủ thành viên EU, mỗi người đều có quyền phủ quyết. Vì vậy, hội nghị thượng đỉnh liên tục gặp phải nhiều ý kiến chống đối quỹ 750 tỷ EUR, trong đó các thành viên giàu hơn ở miền Bắc phản đối giúp đỡ các thành viên miền Nam nghèo hơn. Hà Lan dẫn đầu một nhóm quốc gia gồm Áo, Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan, nhấn mạnh viện trợ cho Italy, Tây Ban Nha và các quốc gia Địa Trung Hải khác phải thông qua các khoản vay chứ không phải là các khoản trợ cấp. Cuộc tranh cãi kéo dài khiến hội nghị thượng đỉnh EU lần này trở thành hội nghị thượng đỉnh kéo dài thứ hai từ trước đến nay, chỉ kém 20 phút so với kỷ lục được thiết lập vào năm 2000 tại Nice.
Các nhà lãnh đạo EU hy vọng quỹ phục hồi 750 tỷ EUR (857,33 tỷ USD) và ngân sách lớn chưa từng thấy 1.100 tỷ EUR trong giai đoạn 2021-2027 sẽ giúp phục hồi nền kinh tế EU đang suy thoái, dự báo GDP -8,3% trong năm 2020, mức giảm sâu nhất kể từ sau Thế chiến II. Theo thỏa thuận, Tây Ban Nha sẽ nhận được 140 tỷ EUR (160,17 tỷ USD) từ quỹ phục hồi của EU. Hơn một nửa số tiền chuyển đến Tây Ban Nha (72,7 tỷ EUR) sẽ là các khoản tài trợ và phần còn lại sẽ là các khoản vay.

The Economist: Vì sao các nhà đầu tư lựa chọn Việt Nam là nơi để chuyển dịch đầu tư?
Các nền kinh tế lớn trên thế giới đang ra khỏi Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc và Việt Nam đang được coi là lựa chọn ưu tiên hàng đầu, theo The Economist.
Vào đầu tháng 2, dịch Covid-19 bùng phát. Để đảm bảo an toàn, nhiều nước trong đó có Việt Nam đã buộc phải đóng cửa biên giới. Điều này khiến việc vận chuyển linh kiện, nguyên liệu từ Trung Quốc đến các nhà máy địa phương bằng xe tải bị đình trệ.
Và đây cũng chính là vấn đề lớn đối với Samsung, gã khổng lồ phần cứng đến từ Hàn Quốc. Vừa ra mắt 2 điện thoại thông minh mới ở Mỹ, thế nên việc trì hoãn sản xuất do không có linh kiện điện tử sẽ gây ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp này. Chính bởi vậy, Samsung bắt đầu vận chuyển các bộ phận quan trọng khỏi Trung Quốc.
Thế nhưng, rời khỏi Trung Quốc rồi, quốc gia nào sẽ là nơi “chọn mặt gửi vàng” cho các doanh nghiệp này?
Tiến trình kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả của Việt Nam đã tạo niềm tin cho các tập đoàn đa quốc gia xem đây là một trong các điểm đến an toàn để xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu, tránh phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc. Không thể phủ nhận nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch, thế nhưng sự hồi phục này đang bật tăng trở lại, mạnh hơn hầu hết các quốc gia khác trên thế giới. Việt Nam tự tin khi là một trong số ít các quốc gia có mức tăng trưởng GDP dương trong năm nay.
Không chỉ là điểm đến ưa thích của giới đầu tư có vốn nước ngoài (FDI), đặc biệt là trong ngành dệt may, Việt Nam cũng được lựa chọn làm mối liên kết chính trong chuỗi cung ứng.
Việt Nam từng hưởng lợi lớn từ sự tăng trưởng của thương mại thế giới trong những thập niên gần đây, giờ đây tiếp tục hưởng lợi từ sự lung lay của toàn cầu hóa. Theo The Economist, nền kinh tế ngày một ổn định đã giúp Việt Nam ghi thêm điểm về sức hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư. Ngân hàng nhà nước đã giữ đồng nội tệ ở mức ổn định so với đồng USD, tín dụng ngân hàng được thắt chặt, lạm phát duy trì ở mức thấp… là những yếu tố khiến Việt Nam tăng hạng lòng tin với giới nước ngoài.
Cùng với đó, Việt Nam luôn cởi mở trong xúc tiến thương mại, nhanh chóng gia nhập Tổ chức thương mại thế giới vào năm 2007, kể từ đó ký được thỏa thuận với Nhật Bản, Hàn Quốc – hai nhà đầu tư lớn của châu Á. Sau 9 năm đàm phán, sáng ngày 8/6 Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) được Quốc hội thông qua đã mở ra cơ hội hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh hơn của Việt Nam và EU. Những khoản đầu tư lớn từ Trung Quốc, Hong Kong, Singapore đã dần xuất hiện.

Hơn 15 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu
Thế giới ghi nhận hơn 15 triệu ca nhiễm nCoV và hơn 618.000 người chết, nhiều khu vực tái siết chặt kiểm soát để ngăn Covid-19 lây lan.
213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 15.071.024 ca nhiễm và 618.265 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 238.058 và 5.992 trong 24 giờ qua, trong khi 9.100.991 người đã bình phục, theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 4.023.947 ca nhiễm và 144.888 người chết, tăng lần lượt 65.655 và 1.147 ca trong 24 giờ qua. Mô hình nghiên cứu mới của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cuối tháng trước dự đoán ca tử vong do nCoV ở nước này có thể tăng lên 150.000 vào tháng tới.
Trong những tuần qua, các bệnh viện trên khắp nước Mỹ đã chạm ngưỡng quá tải. Ít nhất 27 bang quyết định dừng hoặc rút lại kế hoạch tái mở cửa nhằm làm chậm tốc độ lây lan của virus. CDC ước tính ít nhất 40% số người nhiễm nCoV tại Mỹ không có triệu chứng, đồng nghĩa hàng nghìn người dân có thể đang lây nhiễm cho những người khác mà không hay biết.
Chính quyền nhiều địa phương cho rằng những quán bar đông đúc là một trong các nguyên nhân chính khiến số ca nhiễm tăng nhanh trở lại. Một số bang như Arizona, California và Texas đã ra lệnh đóng cửa quán bar.
Lệnh bắt buộc đeo khẩu trang khi ra đường đã được áp dụng tại hàng loạt địa phương. Theo giới chuyên gia, khẩu trang là vũ khí hữu hiệu nhất chống lại virus. Trên Twitter hôm 20/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng ảnh ông đeo khẩu trang cùng dòng mô tả đeo khẩu trang là “yêu nước”.
Trump cũng tuyên bố sẽ nối lại họp báo hàng ngày về Covid-19 sau khi ngừng hoạt động bị ông cho là “lãng phí thời gian” này hồi tháng 4. Theo Tổng thống Mỹ, việc nối lại họp báo về Covid-19 sẽ tạo điều kiện cho ông quảng bá những thành tựu về điều trị và vaccine, cũng như giải thích “những điều tích cực” mà chính quyền đang làm để chiến đấu với đại dịch.

Tại Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, ca tử vong đã tăng lên 81.487 sau khi ghi nhận thêm 1.236 trường hợp. Số người chết do đại dịch ở Brazil đã tăng gấp 4 lần trong hai tháng qua. Ca nhiễm tại nước này hiện là 2.159.654, tăng 38.009 ca, gấp đôi so với hôm qua.
Quốc gia 212 triệu dân gần đây liên tục ghi nhận hơn 1.000 ca tử vong mỗi ngày. Giới chuyên gia cho rằng số ca nhiễm ở Brazil có thể cao hơn nhiều do xét nghiệm hạn chế.
Một số cửa hàng, nhà hàng và quán bar đã nối lại hoạt động với chính sách khác nhau giữa các địa phương, trong khi toàn bộ trường học vẫn phải đóng cửa. Những bãi biển tại thành phố Rio de Janeiro đã mở cửa cho người dân tới tập thể dục và chơi thể thao dưới nước, nhưng họ thường không đeo khẩu trang hoặc tuân thủ các biện pháp cách biệt cộng đồng.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, người dương tính Covid-19, nói ngày 18/7 rằng các biện pháp phong tỏa một số địa phương đang áp dụng “giết” và “bóp nghẹt nền kinh tế”, khi kinh tế Brazil được dự đoán tăng trưởng âm 6,4% năm nay. Bolsonaro cho biết ông vẫn ổn và nói rằng bản thân là “bằng chứng sống” cho thấy điều trị bằng thuốc sốt rét có hiệu quả.
Bộ trưởng Quyền công dân và tân Bộ trưởng Giáo dục Brazil ngày 20/7 công bố kết quả xét nghiệm dương tính nCoV và đang tự cách ly.

Peru, vùng dịch lớn khác tại Mỹ Latinh và xếp thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 4.406 ca nhiễm và 195 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 362.087 và 13.579.
Peru hồi tháng ba áp lệnh phong tỏa để ngăn nCoV lây lan, nhưng quá trình thực thi gặp nhiều khó khăn do tổn hại kinh tế ngày càng gia tăng. Nước này đang dần nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm vực dậy nền kinh tế, bất chấp những rủi ro của đại dịch.
Các trung tâm thương mại mở cửa với số lượng khách nhất định. Peru nối lại hàng không nội địa và xe buýt liên tỉnh từ 16/7, tất cả hành khách phải đeo khẩu trang.

Mexico là vùng dịch lớn thứ bảy thế giới với 349.396 ca nhiễm và 39.485 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm lần lượt 5.172 và 301 ca. Các trường học vẫn phải đóng cửa. Cửa hàng, nhà hàng và quán bar mở cửa một phần, trong khi giao thông công cộng hoạt động bình thường.

Mexico siết chặt hạn chế tại những điểm thu hút khách du lịch. Giới chức ở Tulum, thị trấn nổi tiếng với các bãi biển, cảnh báo phạt hoặc bắt những người không tuân thủ quy định đeo khẩu trang. Bang Yucatan áp dụng lệnh giới nghiêm vào ban đêm, rút ngắn thời gian hoạt động của các cơ sở kinh doanh không thiết yếu, cấm bán rượu và đóng cửa bến du thuyền.

Chile xếp thứ tám thế giới với 334.683 ca nhiễm và 8.677 ca tử vong, tăng lần lượt 5.172 và 301 ca so với hôm trước. Các trường học, nhà hàng và quán bar tại nước này vẫn đóng cửa. Giao thông công cộng cũng chỉ nối lại một phần trong những khung giờ nhất định và chỉ những cửa hàng bán đồ thiết yếu mới được phép tái mở cửa.

Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo thêm 153 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 12.580. Số ca nhiễm tăng thêm 5.842, lên 783.328.
Chính phủ Nga thông báo đã kiểm soát được đại dịch, nhưng vẫn sẵn sàng phương án đối phó đợt bùng phát thứ hai có thể diễn ra vào mùa thu. Một quan chức cấp cao Nga cho biết nước này có thể nối lại các chuyến bay quốc tế trong tháng 7, bằng cách tạo ra các trung tâm sân bay không có virus.
Các nhà hàng, phòng gym và đi lại nội địa được phép mở lại nhưng cần tuân thủ các chỉ thị về giãn cách xã hội. Rạp hát ở Moskva sẽ mở lại từ 1/8 sau 4 tháng đóng cửa nhưng chỉ được hoạt động 50% công suất.

Tây Ban Nha báo cáo thêm 1.358 ca nhiễm và hai ca tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 313.274 và 28.424. Đây là một trong những quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, nhưng được cho là đã kiểm soát ổn định tình hình. Quá trình nới lỏng các biện pháp hạn chế được tiến hành theo nhiều giai đoạn từ hồi tháng 5, trong đó trường học vẫn phải đóng cửa.
Tuy nhiên, Barcelona, thành phố lớn thứ hai của đất nước, ghi nhận ca nhiễm tăng mạnh trong tuần qua. Giới chức đóng cửa các rạp chiếu phim, nhà hát, câu lạc bộ đêm, cấm tụ tập hơn 10 người và thúc giục người dân ở nhà từ 18/7.
Vùng tự trị Catalonia và quần đảo Balearic, hai nơi thu hút du khách hàng đầu của đất nước, ra quy định người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài trong mọi trường hợp.

Anh báo cáo thêm 445 ca nhiễm và 110 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 295.817 và 45.422.
Theo báo cáo công bố hôm 14/7 của viện Khoa học Y khoa Anh, làn sóng Covid-19 thứ hai ở nước này có thể khiến 120.000 người chết từ tháng 9 tới tháng 6 năm sau “trong trường hợp xấu nhất”. Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson bị chỉ trích phản ứng chậm với đại dịch, đáng lẽ nên phong tỏa sớm hơn và phải duy trì quá trình truy vết lây nhiễm.
Vào tháng 8, Anh sẽ phát phiếu giảm giá cho người dân với tổng giá trị 625 triệu USD để khuyến khích công chúng đến các nhà hàng, quán cà phê và quán bar đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch. Phiếu giảm giá này không thể dùng để mua rượu.

Italy ghi nhận thêm 128 ca nhiễm và 15 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 244.752 và 35.073. Đây là quốc gia châu Âu đầu tiên bị Covid-19 tấn công trong đợt bùng phát đầu tiên và chịu ảnh hưởng nặng nề, nhưng các con số đã giảm xuống từ cuối tháng ba.
Hành khách từ các nước trên thế giới, trừ 13 quốc gia thuộc danh sách những vùng dịch nguy cơ lớn, hiện có thể đến Italy nhưng phải chịu cách ly 14 ngày sau khi đến nơi.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết nước này có thể gia hạn tình trạng khẩn cấp sau thời hạn hiện tại là 31/7. Tình trạng khẩn cấp giúp chính phủ đẩy nhanh thủ tục hành chính nếu cần thiết để áp dụng biện pháp chống dịch.

Đức báo cáo thêm 403 ca nhiễm, nâng tổng số người nhiễm lên 203.890, trong khi số ca tử vong là 9.180, tăng 7 trường hợp. Các cửa hàng đã mở cửa trở lại, nhưng một số bang chỉ cho phép địa điểm rộng tối đa 800 m2 hoạt động. Trường học tại nhiều địa phương cũng mở cửa để học sinh chuẩn bị cho những kỳ thi sắp tới. Các quán bar, nhà hàng và giao thông công cộng nối lại hoạt động một phần.

Tại Trung Đông, thống kê của Iran ghi nhận thêm 2.625 ca nhiễm, nâng tổng số lên 278.827, trong đó 14.634 người chết, tăng 229 ca so với hôm qua. Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 18/7 cho biết 25 triệu người dân nước này đã nhiễm nCoV, trong khi 35 triệu người khác cũng có nguy cơ nhiễm virus.
Tuy nhiên, Bộ Y tế Iran ngày 19/7 lý giải rằng con số mà Tổng thống Rouhani đưa ra dựa trên xét nghiệm huyết thanh, dùng cho mục đích đo mức độ phơi nhiễm với virus, và không thể dựa vào đó để phản ánh tình trạng Covid-19 thực tế ở nước này.
Ca nhiễm mới tại Iran có xu hướng tăng kể từ đầu tháng 5, khiến chính phủ ra lệnh bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian công cộng kín, đồng thời cho phép những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề tái áp đặt các biện pháp hạn chế.

Arab Saudi ghi nhận thêm 2.476 ca nhiễm và 34 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 255.825 và 2.557. Trong những hạn chế nghiêm ngặt nhằm kiềm chế đại dịch, Arab Saudi tuyên bố chỉ cho phép khoảng 1.000 tín đồ đã có mặt tại nước này tham gia cuộc hành hương Hajj vào cuối tháng, trong khi nghi thức này năm ngoái thu hút hơn 2,5 triệu người Hồi giáo khắp thế giới.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 38.009 ca nhiễm và 1.236 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 1.194.085 và 28.771. Phần lớn ca nhiễm tại Ấn Độ tập trung ở Mumbai và New Delhi. Tuy nhiên, virus cũng đang lây lan tại những thành phố nhỏ hơn, buộc chính quyền địa phương phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế.

Trung Quốc chưa công bố số liệu.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 89.869 ca nhiễm, tăng 1.655 trường hợp so với hôm trước, trong đó 4.320 người chết, tăng 81 ca.
Tổng thống Joko Widodo cho biết đại dịch tại Indonesia có thể đạt đỉnh vào tháng 8 hoặc tháng 9, muộn hơn 2-3 tháng so với dự báo trước đó. Ông nói thêm rằng đang thúc đẩy nội các hoạt động tích cực hơn nhằm kiềm chế nCoV. Chính phủ đang xem xét các biện pháp trừng phạt đối với những người vi phạm hướng dẫn y tế, như không đeo khẩu trang nơi công cộng.

Philippines, vùng dịch lớn thứ hai trong khu vực, ghi nhận 70.764 người nhiễm và 1.837 người chết, tăng lần lượt 1.951 và hai trường hợp trong 24 giờ.
Bộ trưởng Nội vụ Philippines Eduardo Ano cho biết giới chức và cảnh sát nước này sẽ tiến hành tìm kiếm người nhiễm nCoV tại từng hộ gia đình nhằm ngăn chặn virus lây lan, đồng thời kêu gọi công chúng báo cáo các ca nhiễm trong khu dân cư của họ. Bất cứ ai nhiễm nCoV từ chối hợp tác đều phải đối mặt với án tù.
Philippines sẽ cho phép người nước ngoài với thị thực dài hạn, tức người sống và làm việc tại nước này, nhập cảnh từ ngày 1/8. Manila từ 15/7 duy trì phong tỏa một phần thêm hai tuần. Trường học đóng cửa, trung tâm mua sắm và quán ăn hoạt động hạn chế, người dân bị cấm tụ tập đông người và phải giãn cách xã hội trên giao thông công cộng, và trẻ em và người già được yêu cầu ở nhà.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho rằng người không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách an toàn và làm lây lan nCoV là “tội phạm nghiêm trọng”. Ông đề nghị cảnh sát không do dự khi bắt và đưa người vi phạm tới giam ở đồn để họ “nhận được bài học”. Duterte nói thêm sẽ yêu cầu lực lượng hành pháp nghiêm khắc hơn và thực hiện những biện pháp khiến người vi phạm phải ghi nhớ mãi mãi.

Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 48.434 người nhiễm, tăng 399 ca, trong đó 27 người chết. Singapore đang nới dần các biện pháp hạn chế theo từng giai đoạn. Nước này và Malaysia dự kiến nối lại đi lại cho mục đích chính thức và kinh doanh thiết yếu vào tháng tới.
Trong khi đó, họ siết chặt quy định nhập cảnh với người đi từ hay gần đây đến những vùng dịch đang tăng nhiệt trở lại, bao gồm Hong Kong, Nhật và bang Victoria của Australia. Những người này sẽ không được tự cách ly mà phải cách ly tập trung và hầu hết phải chi trả chi phí.

Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV.

WHO hôm 20/7 cảnh báo về sự lây lan của Covid-19 ở châu Phi, rằng sự gia tăng mạnh ca nhiễm ở Nam Phi có thể là “tiền thân” cho sự bùng phát trên khắp lục địa. “Lúc này tôi rất lo ngại rằng chúng ta đang bắt đầu chứng kiến sự gia tăng dịch bệnh ở châu Phi”, Michael Ryan cho biết trong một cuộc họp báo.
Cho đến gần đây, châu Phi vẫn tương đối không bị ảnh hưởng bởi đại dịch so với các châu lục khác trên thế giới.

***   Anh đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong, Trung Quốc dọa đáp trả
Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh tuyên bố Bắc Kinh sẽ kiên quyết đáp trả các hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, sau khi Anh tuyên bố sẽ đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong, Reuters ngày 21/7 đưa tin.

Tổng thống Putin lệnh đóng tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa siêu vượt âm
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định các thế hệ tàu ngầm hạt nhân được trang bị các hệ thống vũ khí tối tân sẽ giúp tăng cường khả năng tác chiến của Hải quân Nga.

Bầu cử Mỹ 2020: Tổng thống Trump nỗ lực “lội ngược dòng”
Bị đối thủ Joe Biden dẫn trước khá xa theo số liệu của các cuộc thăm dò dư luận mới nhất, nhưng đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump tự tin ông sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 nhờ sự hậu thuẫn của những người ủng hộ trung thành.

Xả súng sát hại cả nhà thẩm phán để trả thù
Văn phòng luật sư tại New Jersey, Mỹ, cho biết rằng nghi phạm chính trong vụ xả súng tại nhà riêng của thẩm phán quận, Esther Salas, lại chính là một luật sư được phát hiện là đã chết hôm 20/7 (giờ địa phương).

Thủ đô Syria bị Israel nã tên lửa ồ ạt sau ngày bầu cử
Syria thông báo lực lượng phòng không nước này ở thủ đô Damascus được kích hoạt để đánh chặn tên lửa tấn công phóng đi từ phía Israel, song vẫn hứng nhiều thiệt hại về vật chất.

Belarus có đại sứ tại Mỹ sau 12 năm
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã bổ nhiệm Thứ trưởng Ngoại giao Oleg Kravchenko làm đại sứ nước này tại Mỹ sau 12 năm chức vụ trên bị bỏ trống do căng thẳng trong quan hệ hai nước.

Thủy thủ Nga bị cướp biển bắt cóc
Hơn 10 thủy thủ người Nga và Ukraine đã bị cướp biển bắt giữ khi đang vận hành một tàu hàng treo cờ Liberia di chuyển qua vùng biển Benin thuộc khu vực Tây Phi.

Một học sinh thiệt mạng khi đang tự cách ly COVID-19
Nghi mình nhiễm COVID-19, một nam học sinh 13 tuổi đã tự cách ly trong phòng riêng tại nhà ở bang California của Mỹ trước khi qua đời bí ẩn.

Đại sứ Trung Quốc: Mỹ có thích chung sống hòa bình không?
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, ông Thôi Thiên Khải cho rằng Mỹ phải lựa chọn liệu nước này có thể chung sống hòa bình với một đất nước Trung Quốc “mạnh mẽ và thịnh vượng” hay không.

Mực nước hồ chứa đập Tam Hiệp cao kỷ lục, Trung Quốc phải phá đê xả lũ
Đợt lũ thứ hai của sông Dương Tử đã chảy qua đập Tam Hiệp, khiến mực nước hồ chứa đạt mức cao kỷ lục.

Nga triển khai hạm đội bám sát tàu Mỹ tập trận cùng Ukraine
Nga thông báo triển khai lực lượng tới theo dõi tàu chiến Mỹ vừa tiến vào Biển Đen chuẩn bị tập trận cùng hải quân Ukraine.

Ông Trump nói kết quả thăm dò Joe Biden dẫn trước là “giả mạo”
Trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 11 tới, một cuộc khảo sát mới đây của Fox News cho thấy đối thủ Joe Biden đang dẫn trước, bỏ lại đương kim Tổng thống Donald Trump nhiều điểm.

Khóc nức nở, cạo đầu, rapper Mỹ bất chấp tất cả trong cuộc vận động tranh cử
Bất chấp những điều còn chưa chắc chắn xung quanh chiến dịch tranh cử của mình, rapper đình đám Kanye West đã tổ chức cuộc vận động tranh cử tại bang South Carolina ngày 19/7 (giờ địa phương).
Nga nói gì về cáo buộc đánh cắp thông tin vaccine COVID-19?
Đại sứ Nga tại Anh Andrei Kelin bác bỏ mọi cáo buộc do London và các đồng minh nêu ra về cái gọi là tình báo Nga đã cố gắng đánh cắp dữ liệu nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19.

Tổng hợp-TT