VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 23/6/2021.

     Hàng triệu người thành triệu phú giữa đại dịch Covid-19; Nga trải qua ngày chết chóc kỷ lục do Covid-19 bùng phát trở lại; Moskva trải qua ngày tháng 6 nóng nhất 120 năm; Số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới sắp chạm mốc 180 triệu…là những tin chính được cập nhật.
Hàng triệu người thành triệu phú giữa đại dịch Covid-19
  Vô số người trở thành triệu phú giữa đại dịch Covid-19 - VietNamNet   Hàng triệu người thành triệu phú giữa đại dịch Covid-19. Ảnh: Zoonar/Alamy
Hơn năm triệu người trên khắp thế giới đã trở thành triệu phú trong năm 2020 bất chấp thiệt hại kinh tế chung từ đại dịch Covid-19.
Hãng tin BBC dẫn báo cáo nghiên cứu của Credit Suisse cho thấy, trong khi nhiều người nghèo trở nên khốn khó hơn, số triệu phú trên toàn cầu tăng 5,2 triệu lên 56,1 triệu người.
Năm 2020, hơn 1% người trưởng thành trên thế giới đã trở thành triệu phú lần đầu. Thị trường chứng khoán phục hồi và giá nhà tăng vọt đã góp phần tăng thêm sự giàu có của họ.
Các nhà nghiên cứu lý giải, việc tạo ra của cải dường như “hoàn toàn tách biệt” khỏi những thảm họa kinh tế của đại dịch. Theo Anthony Shorrocks, nhà kinh tế học và là tác giả của Báo cáo Tài sản Toàn cầu, đại dịch có “tác động ngắn hạn mạnh mẽ đối với thị trường toàn cầu” nhưng điều này “đã bị đảo ngược phần lớn vào cuối tháng 6/2020”.
“Sự giàu có trên toàn cầu không những ổn định khi đối mặt với tình trạng hỗn loạn như vậy mà còn tăng nhanh trong nửa cuối năm”, ông phản ánh.
Tuy nhiên, chênh lệch giàu nghèo giữa những người trưởng thành càng nới rộng trong năm 2020, và ông Shorrocks cho biết, nếu yếu tố giá tài sản tăng bị loại bỏ khỏi phân tích thì “tài sản hộ gia đình toàn cầu có thể bị giảm”.
“Ở những nhóm giàu thấp hơn với tài sản tài chính ít phổ biến hơn, sự giàu có có xu hướng đứng yên, thậm chí suy giảm trong nhiều trường hợp”, ông cho biết thêm. “Một số yếu tố cơ bản có thể tự điều chỉnh theo thời gian. Ví dụ, lãi suất sẽ bắt đầu tăng trở lại vào một thời điểm nào đó và điều này sẽ làm giảm giá tài sản”.
Cũng theo nghiên cứu của Credit Suisse, tổng tài sản toàn cầu tăng 7,4%.
Nga trải qua ngày chết chóc kỷ lục do Covid-19 bùng phát trở lại
(DTO) Dịch Covid-19 đang có xu hướng bùng phát trở lại ở nhiều khu vực của Nga do sự xuất hiện của biến chủng Delta, khiến số người nhiễm và tử vong tăng mạnh.
Hãng tin Al Jazeera dẫn số liệu công bố ngày 22/6 của cơ quan y tế Nga cho biết, trong vòng 24 giờ qua, Nga ghi nhận 546 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số người chết vì đại dịch này tại đây lên 130.347 ca, cao thứ 6 thế giới. Đây là ngày có số người chết vì Covid-19 cao kỷ lục kể từ đầu tháng 2 năm nay.
Số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 có xu hướng tăng mạnh gần đây, nguyên nhân được cho là do sự xuất hiện của biến chủng Delta – biến chủng virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ và đang làm chao đảo nhiều “thành trì” chống dịch của thế giới.
Trong vòng 24 giờ qua, Nga cũng ghi nhận hơn 16.700 ca mắc mới, cao gấp đôi mức trung bình cách đây một tháng.
Moskva trải qua ngày tháng 6 nóng nhất 120 năm
Nga Moskva trải qua ngày tháng 6 nóng nhất trong 120 năm sau khi nhiệt độ chạm ngưỡng 34,7 độ C và dự kiến những ngày tới còn nóng hơn.
21/6 là ngày tháng 6 nóng nhất kể từ năm 1901 mà Moksva từng ghi nhận với mức nhiệt 34,7 độ C, theo Roshydromet, cơ quan thời tiết Nga. Dự đoán hai ngày 24 và 25/6 còn nóng hơn, với nhiệt độ trên 35 độ C.
“Sự gia tăng nhiệt độ tại Moskva trong những ngày này là chưa từng có trong 120 năm qua”, Marina Makarova, chuyên gia của Roshydromet, nói. “Nguyên nhân do biến đổi khí hậu toàn cầu”.
Chiến lược giúp Quảng Châu đánh bại Covid-19 trong ba tuần
Trung QuốcBằng phong tỏa, xét nghiệm diện rộng và cảnh giác trước biến thể nCoV nguy hiểm, Quảng Châu chỉ mất ba tuần để kiểm soát làn sóng lây nhiễm mới.
Ngày 21/5, tỉnh Quảng Đông ghi nhận số ca nhiễm nCoV tăng đột biến sau nhiều tháng yên bình. Nguồn lây đầu tiên là từ một phụ nữ 78 tuổi, sống tại huyện Lệ Loan, thành phố Quảng Châu. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh cho biết chủng virus chiếm ưu thế là Delta, lần đầu xuất hiện ở Ấn Độ, có khả năng lây lan nhanh chóng và làm giảm hiệu quả của vaccine. Thành phố có nguy cơ đối mặt với đợt bùng phát nghiêm trọng nếu mất cảnh giác.
Song giới chức đã không để điều này xảy ra, dù ban đầu họ mất dấu F0. Bằng biện pháp phong tỏa toàn thành phố, xét nghiệm diện rộng và truy vết nghiêm ngặt, đô thị 18 triệu dân thành công chặn đứng đợt bùng phát Covid-19 trong ba tuần.
Phong tỏa
Ngay sau khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên, chính quyền huyện Lệ Loan áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt tại các con phố. Tại nhiều khu vực, người dân không được phép rời khỏi nhà. Giới chức cũng thiết lập các chốt kiểm dịch hoạt động 24 giờ để giám sát việc đi lại. Nhà hàng, địa điểm giải trí bị đóng cửa.
Ý thức được mối nguy từ biến thể nCoV
Trung Quốc coi biến thể mới là kẻ thù nguy hiểm hơn, đề cao việc cảnh giác tối đa. Các bệnh nhân đầu tiên ở cụm dịch Quảng Châu dùng bữa ở cùng nhà hàng. Một số người không tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây, ngồi cách xa nhau trong phòng nhưng vẫn nhiễm virus. Điều này cho thấy biến thể rất dễ lây lan.
Xét nghiệm diện rộng
Đầu đợt dịch, chính quyền thành phố Quảng Châu triển khai xét nghiệm hàng loạt đối với huyện Lệ Loan, sau đó mở rộng sang các khu vực khác. Chỉ trong ba ngày, thành phố đã xét nghiệm cho hơn 18 triệu người. Xét nghiệm trở thành công cụ chống dịch quan trọng nhất.
Đảm bảo nhu yếu phẩm cho người bị phong tỏa
Trong thời gian phong tỏa, chính quyền tổ chức hệ thống cung cấp lương thực cho toàn thành phố, huy động cả xe chuyển phát tự động nếu cần. Trước đó, Quảng Châu là trung tâm sản xuất ô tô không người lái, vốn được thử nghiệm trên các tuyến đường công cộng. Khi Lệ Loan giãn cách toàn huyện, lương thực, nhu yếu phẩm được chuyển đến bằng các chuyến xe tự động.
*** Số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới sắp chạm mốc 180 triệu
(ĐCSVN) – Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến sáng ngày 23/6/2021 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 179.866.224 ca nhiễm COVID-19, trong đó 3.896.020 ca tử vong và 164.614.913 ca bình phục.
    Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 321.543 ca mắc và 6.953 ca tử vong mới vì đại dịch. Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 34.432.387 ca nhiễm COVID-19, trong đó 617.824 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Brazil (84.847 ca); Ấn Độ (54.393 ca); Argentina (21.387 ca); Nga (16.715 ca); Indonesia (13.668 ca); Iran (11.716 ca); Anh (11.625 ca);… Các quốc gia ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong ngày gồm: Brazil (1.900 ca); Ấn Độ (1.129 ca; Argentina (791 ca); Nga (546 ca); Indonesia (335 ca); Nam Phi (297 ca)…
Châu Âu hiện có 47.546.841 ca mắc COVID-19, trong đó 1.094.311 ca tử vong. Hết ngày 22/6, châu lục này ghi nhận đã có thêm 40.942 ca nhiễm mới và 897 ca tử vong vì COVID-19. Pháp hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 tại châu Âu. Tính đến nay, nước này ghi nhận đã có 5.760.002 ca mắc COVID-19 và 110.829 ca tử vong vì dịch bệnh. Ngày 22/6, Pháp có thêm 2.204 ca nhiễm mới và 51 ca tử vong mới vì dịch bệnh.
Tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại Nga khi nước này ghi nhận 16.715 ca nhiễm mới và 546 ca tử vong vì dịch bệnh trong 24 giờ qua, số ca tử vong cao nhất trong ngày kể từ ngày 11/2 (553 người). Đến nay Nga ghi nhận tổng cộng 5.350.919 người nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 130.347 người tử vong và 4.889.450 người được chữa khỏi bệnh.
Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết, tình hình COVID-19 ở Nga có thể kiểm soát được nhờ tiêm chủng. Hoạt động tiêm chủng quy mô lớn ngừa COVID-19 đã diễn ra ở Nga từ ngày 18/1. Tất cả người dân đều được tiêm phòng miễn phí. Hiện tại, người dân Nga có thể chọn 4 loại vaccine đã được đăng ký trong nước là Sputnik V, Sputnik Light, EpiVacCorona và KoviVak.
Châu Á hiện vẫn đang là tâm dịch COVID-19 trên toàn thế giới. Tính đến nay, châu lục này đã có tổng cộng 54.729.943 ca nhiễm và 772.176 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 134.404 ca mắc và 2.220 trường hợp tử vong mới. Riêng tại châu Á, có 52.111.143 ca được điều trị khỏi; 142.027 ca đang được điều trị tích cực và chỉ còn 26.821 ca bệnh nặng.
Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Ngày 22/6, Bộ Y tế Ấn Độ thông báo đã ghi nhận thêm 54.393 ca mắc mới và 1.129 ca tử vong do dịch COVID-19 trong ngày, đưa tổng số bệnh nhân và số trường hợp mắc và không qua khỏi do dịch bệnh nguy hiểm này lên lần lượt là 28.987.311 ca và 390.691 ca.
Tại ASEAN, trong 24 giờ qua, khu vực này có thêm 27.046 ca mắc mới và 525 ca tử vong vì COVID-19. Tính đến nay, toàn khối ASEAN ghi nhận có tổng cộng 4.597.057 người mắc COVID-19, trong đó 89.200 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19, trong đó Indonesia chiếm nhiều nhất với 335 ca; Malaysia đứng thứ hai với 77 ca; tiếp đó là Philippines ghi nhận 60 ca tử vong.
Indonesia hiện vẫn là ổ dịch nghiêm trọng nhất khu vực ASEAN. Trong 24 giờ qua, Indonesia ghi nhận 13.668 ca nhiễm mới COVID-19. Tính đến nay, quốc gia này ghi nhận với tổng cộng 2.018.113 ca bệnh và 55.291 ca tử vong vì COVID-19.
Philippines ghi nhận 3.666 ca nhiễm mới trong ngày 22/6, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia này lên 1.367.894 ca, trong đó 23.809 người tử vong. Trong khi đó, Malaysia ghi nhận 4.743 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng ca bệnh lên 705.762, trong đó có 4.554 ca tử vong vì dịch bệnh.
Cùng ngày Thái Lan chứng kiến 4.059 ca nhiễm mới. Campuchia cũng ghi nhận 678 ca nhiễm mới và tổng ca bệnh đã lên trên 44.000 người. Tình hình dịch ở Lào cơ bản đã được kiểm soát, chỉ với 3 ca nhiễm mới trong ngày; Timor Leste ghi nhận thêm 53 ca và Brunei có thêm 1 ca.
Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận thêm 15.164 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 40.383.732 ca, tổng số người tử vong là 912.886 người. Số ca phục hồi ở khu vực này là 33.801.271 trường hợp. Sau Mỹ, Mexico là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhiều thứ 2 lại khu vực này, với 2.478.551 ca nhiễm và 231.244 ca tử vong. Tiếp đó là các quốc gia Canada, Panama, Costa Rica, Cộng hòa Dominica, Guatemala lần lượt xếp sau Mỹ và Mexico về tác động của đại dịch COVID-19 trong khu vực.
Khu vực Nam Mỹ có tổng cộng 31.839.694 ca nhiễm; 976.483 ca tử vong và 28.895.518 ca phục hồi. Trong 24 giờ qua, khu vực này ghi nhận thêm 110.438 ca nhiễm và 2.778 ca tử vong vì dịch bệnh. Brazil vẫn tiếp tục dẫn đầu khu vực và thứ 3 thế giới về mức độ ảnh hưởng do COVID-19. Tính đến nay, tổng số ca bệnh ở Brazil đã lên tới 18.054.653 ca nhiễm, trong đó 504.717 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận số ca nhiễm và tử vong mới vì COVID-19 nhiều nhất thế giới với 84.847 ca nhiễm và 1.900 ca tử vong. Các quốc gia Argentina, Colombia, Peru, Chile, Ecuador, Bolivia lần lượt xếp sau Brazil về mức độ ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 trong khu vực.
Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này có tổng cộng 5.293.346 ca mắc COVID-19, trong đó 138.881 ca tử vong. Trong đó, những nước chịu tác động mạnh nhất về số ca nhiễm tại châu lục này gồm, Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ai Cập và Ethiopia. Nam Phi hiện vẫn dẫn đầu châu lục về số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2, với 1.843.572 trường hợp, trong đó 59.092 ca tử vong vì dịch bệnh.
Tại châu Đại Dương, trong 24 giờ qua, Australia và Fiji là các quốc gia ghi nhận có ca mắc mới COVID-19. Hiện, Ausralia đang dẫn đầu châu lục vì số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận đã có thêm 10 trường hợp mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm vì dịch bệnh tại nước này lên tới 30.366 ca. Hiện, Australia ghi nhận có 910 trường hợp tử vong vì COVID-19. Các quốc gia French Polynesia, Papua New Guinea, New Zealand, Fiji… lần lượt xếp sau Australia vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại khu vực này. Ngày 22/6, Fiji ghi nhận có 180 ca nhiễm mới và 2 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca mắc virus SARS-CoV-2 tại nước này lên 2.270 ca, trong đó 9 ca tử vong vì dịch bệnh.
Liên quan đến chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, ngày 22/6, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định lựa chọn mua thêm 150 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Moderna (Mỹ) trong khuôn khổ hợp đồng cung cấp vaccine với hãng này.
Trong một tuyên bố, EC cho biết số vaccine bổ sung này bao gồm các loại vaccine thích ứng với các biến thể của virus SARS-CoV-2 cũng như có thể sử dụng cho trẻ em. Dự kiến, số vaccine này sẽ được bàn giao vào năm 2022.
Trước đó, EU đã đặt mua thêm 160 triệu liều vaccine của hãng Moderna theo một hợp đồng cung cấp ban đầu được ký kết hồi tháng 11/2020./.
TQ-TT