Mỹ phát tín hiệu muốn “làm lành” với Trung Quốc về thương mại; Mỹ – Trung: Cuộc chiến khó tránh; G7 nóng chuyện Triều Tiên,,,là những tin chính được cập nhật.
Mỹ phát tín hiệu muốn “làm lành” với Trung Quốc về thương mại
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tại cuộc họp báo ở Washington hôm 21/4 – Ảnh: Bloomberg.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết đang cân nhắc thăm Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nước gia tăng đến mức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo có thể làm trệch hướng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Theo hãng tin Bloomberg, ông Mnuchin nói rằng ông “lạc quan thận trọng” về khả năng đạt một thỏa thuận với Trung Quốc nhằm giúp khắc phục những khác biệt giữa hai bên trong vấn đề thương mại.
“Một chuyến đi đang được cân nhắc”, ông Mnuchin phát biểu trước các nhà báo tại Washington vào hôm thứ Bảy, tại hội nghị mùa xuân của IMF. “Tôi sẽ không nói trước về thời điểm chuyến thăm hay xác nhận bất kỳ điều gì trước”.
Vào ngày Chủ nhật, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố đã biết về việc Mỹ cân nhắc một chuyến thăm để đàm phán các vấn đề kinh tế và thương mại. Bắc Kinh cũng nói họ hoan nghênh một động thái như vậy.
Một chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ tới Trung Quốc có thể được xem như tín hiệu về một bước tiến mang tính đột phá trong căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, sau khi cả hai đều tuyên bố áp thuế quan lên hàng chục tỷ USD hàng hóa của nhau, làm dấy lên nỗi lo về một cuộc chiến tranhh thương mại
Một chuyến thăm như vậy có thể diễn ra vào một thời điểm nhạy cảm về địa chính trị trong khu vực, khi mà Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị có cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Mỹ – Trung: Cuộc chiến khó tránh
Nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc đang âm ỉ và nếu bùng nổ sẽ tác động mạnh mẽ đến trật tự kinh tế, chính trị toàn cầu. Đằng sau tranh cãi thương mại này là sự trỗi dậy của Trung Quốc, đe dọa đến vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ.
Phương Tây cũng lo ngại về sức mạnh kinh tế đang tăng của Bắc Kinh. Đáng chú ý, sáng kiến “Vành đai và con đường” đang thách thức trật tự kinh tế toàn cầu vốn chịu sự thống trị của phương Tây. Điều này khiến sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và phương Tây là không thể tránh khỏi.
Trong một cuộc chiến đang leo thang, cả hai bên đều cảm thấy khó lùi bước. Tuy nhiên, Mỹ lại có nhiều thứ để mất hơn. Nền kinh tế Trung Quốc ngày nay gắn kết chặt chẽ với kinh tế thế giới. Mỹ là một thị trường lớn nhưng đang suy giảm. Nếu những đe dọa thương mại không phát huy tác dụng, Washington sẽ mất uy tín của một cường quốc bá chủ.
Với Trung Quốc, cuộc tranh cãi là cơ hội để nước này định hình một trật tự thế giới mới. Trước hết, Trung Quốc có thể cho thế giới thấy nước này cam kết theo đuổi thương mại tự do và tuân thủ các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới. Cộng đồng quốc tế khi đó sẽ xem Mỹ là quốc gia gây rắc rối, vi phạm quy định và gây thiệt hại cho những nước khác. Ngoài ra, Bắc Kinh có thể tận dụng cơ hội để cải tổ các ngành công nghiệp trong nước, tăng cường hợp tác kinh tế thông qua sáng kiến “Vành đai và con đường” và tăng cường hợp tác với các nền kinh tế bên ngoài Mỹ, từ đó đẩy nhanh việc hình thành một trật tự kinh tế toàn cầu mới.
G7 nóng chuyện Triều Tiên
Các bộ trưởng G7 bàn bạc phương pháp tiếp cận Triều Tiên trước khi diễn ra 2 cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump với nhà lãnh đạo Kim Jong-un
Bộ trưởng ngoại giao Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) họp ở Toronto – Canada từ ngày 22 đến hết 24-4 trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến bất ngờ, phức tạp.
Các nhà ngoại giao từ các nền kinh tế hàng đầu thế giới muốn nắm bắt quan điểm từ đồng nghiệp Mỹ về việc liệu Tổng thống Donald Trump có kế hoạch xé bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran hay không và ông sẽ xử trí ra sao cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên dự kiến diễn ra vào tháng tới. Trong khi đó, mặc dù Nga tiếp tục không góp mặt trong hội nghị G7 lần này nhưng sẽ là một yếu tố không thể vắng mặt khi các thành viên tìm tiếng nói chung về Nga trong vấn đề Syria.
Đề tài thảo luận nóng nhất tại hội nghị G7 thể nằm ngoài câu chuyện Triều Tiên và vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un vừa quyết định đình chỉ các vụ thử nghiệm hạt nhân ngầm và các vụ phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Ngoài ra, ông Kim còn thừa nhận sẽ đóng cửa và hủy bỏ địa điểm thử hạt nhân Punggye-ri.
*** Arab Saudi đánh chặn tên lửa của phiến quân Yemen
Lực lượng phòng không Arab Saudi ngày 22/4 đánh chặn một tên lửa đạn đạo do phiến quân Houthi bắn về phía thành phố biên giới Najran của nước này, hãng thông tấn Saudi Press Agency đưa tin. Tên lửa được phóng từ thành phố Saada, thành trì do phiến quân Houthi kiểm soát ở phía bắc Yemen.
Liên quân Arab Saudi cho hay một tên lửa khác cùng ngày rơi xuống khu vực sa mạc nhưng không gây thiệt hại đáng kể nào.
Hàn Quốc tuyên bố ngừng chiến dịch tuyên truyền tại biên giới với Triều Tiên
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết quân đội nước này sẽ dừng các chương trình phát thanh tuyên truyền tại biên giới với Triều Tiên bắt đầu từ ngày 23/4 nhằm tạo bầu không khí hòa bình trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến diễn ra vào ngày 27/4, Reuters đưa tin.
Hàn Quốc dừng phát các chương trình tuyên truyền hồi giữa năm 2015 nhưng nối lại vào tháng 1/2016 sau vụ thử hạt nhân lần thứ 4 của Triều Tiên và liên tục duy trì từ đó tới nay.
Tổng thống Pháp kêu gọi Mỹ và đồng minh ở lại Syria
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Fox News ngày 22/4 cho rằng Mỹ, Pháp và các đồng minh cần ở lại Syria sau khi đánh bại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng để xây dựng một “Syria mới”, Sputnik đưa tin.
“Chúng ta phải xây dựng một Syria mới và đây là lý do vì sao tôi nghĩ vai trò của Mỹ rất quan trọng”, ông Macron nói. Tổng thống Pháp đồng thời thêm rằng sau cuộc chiến chống IS, tất cả các nước có liên quan tới tình hình khu vực, thậm chí cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, đều đóng vai trò quan trọng trong nhiệm vụ tái thiết Syria, song “quyết định tương lai ra sao phụ thuộc vào người dân Syria”.
Trump có thể muốn Triều Tiên giải trừ vũ khí hạt nhân trước khi nới lỏng trừng phạt
Wall Street Journal ngày 22/4 dẫn lời các quan chức chính quyền Mỹ cho biết Tổng thống Donald Trump sẽ thúc giục Bình Nhưỡng nhanh chóng hành động để giải trừ kho vũ khí hạt nhân khi ông gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ông chủ Nhà Trắng cũng chưa sẵn sàng nới lỏng các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Triều Tiên để đổi lại việc nước này đóng băng hoạt động thử nghiệm hạt nhân, tên lửa.
“Khi Tổng thống nói ông sẽ không lặp lại những sai lầm trong quá khứ, điều đó có nghĩa Mỹ sẽ không đưa ra các nhượng bộ quan trọng, chẳng hạn như gỡ bỏ lệnh trừng phạt, cho đến khi Triều Tiên giải trừ đáng kể chương trình hạt nhân”, một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ nói. “Nếu Triều Tiên sẵn sàng nhanh chóng phi hạt nhân hóa, sẽ không có giới hạn nào được đặt ra. Mọi điều tốt đẹp đều có thể xảy ra”.
Vấn đề Nga, Iran và Triều Tiên làm nóng hội nghị G7
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và An ninh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) ngày 22/4 khai mạc tại thành phố Toronto, Canada. Các ngoại trưởng đã thảo luận nhằm tìm kiếm một mặt trận chung chống lại cái mà họ coi là hành động gây hấn từ Nga, AFP đưa tin.
Hội nghị đồng thời bàn bạc về khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran cũng như việc ông sẽ xử lý cuộc gặp dự kiến diễn ra trong tương lai gần với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thế nào.
Chiến đấu cơ F-16 Iraq tiêu diệt hàng chục phiến quân IS ở Syria
Tướng Yahya Rasool, người phát ngôn Bộ Chỉ huy các Chiến dịch Chung (JOC), phụ trách phối hợp các nỗ lực chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq, ngày 22/4 cho biết các lực lượng nước này đã tiêu diệt “36 phần tử khủng bố” thuộc IS, trong đó có cả những thành viên cấp cao, sau cuộc không kích hồi tuần trước ở Syria, AFP đưa tin.
Theo ông Rasool, cuộc tấn công được thực hiện bởi các chiến đấu cơ F-16 Iraq dưới sự yểm trợ của liên quân do Mỹ dẫn đầu. Liên quân Mỹ cũng xác nhận cuộc không kích trên, diễn ra hôm 19/4 gần thị trấn Hajin, tỉnh Deir Ezzor, miền đông Syria, cách biên giới Iraq khoảng 50km.
Cảnh sát Mỹ truy tìm tay súng khỏa thân bắn chết 4 người ở nhà hàng
Tay súng khỏa thân bắn chết 4 người tại nhà hàng Waffle House ở thành phố Nashville, bang Tennessee, sáng sớm ngày 22/4 vẫn trốn chạy và cảnh sát đang mở chiến dịch truy lùng y, AFP đưa tin.
Cảnh sát Nashville cho biết nghi phạm trong vụ xả súng mới nhất ở thành phố này có thể mắc “vấn đề về tâm thần”. Nhà chức trách xác nhận nghi phạm là Travis Reinking, 29 tuổi, đến từ thị trấn Morton, bang Illinois. Cảnh sát nghi ngờ y hiện mang theo một súng trường và súng lục. Trước đó, y đã dùng một khẩu súng trường bán tự động AR-15 xả đạn vào nhà hàng giết chết 4 người, sau đấy bị một khách hàng tại đây tước súng trong lúc vật lộn.
*** Nga “giật mình ớn lạnh” trước lời kêu gọi của láng giềng sát nách
(VnMedia) – Lithuania đang kêu gọi, thúc giục Mỹ đưa thêm các hệ thống phòng không tối tân như tên lửa Patriot tầm xa và tên lửa Avenger tầm ngắn đến khu vực Baltic để giúp họ đối phó với một nước Nga được cho là đang ngày càng mạnh hơn trên không.
Nga khiến đối thủ mạnh nhất phải xuống nước?
– NATO không có ý định tăng cường sự hiện diện quân sự ở các quốc gia Baltic bất chấp việc các nước này tiếp tục kêu gọi liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương cung cấp thêm sự bảo vệ dành cho họ trước Nga.
Triều Tiên vừa ‘xuống nước’, Hàn – Mỹ vẫn tập trận ‘Giải pháp then chốt’
Theo hãng thông tấn Yonhap, một quan chức quân sự Hàn Quốc ngày 22/4 cho biết nước này và Mỹ sẽ tiến hành cuộc tập trận chung thường niên mang tên Giải pháp then chốt theo đúng kế hoạch từ ngày 23/4 và diễn ra trong 2 tuần.
Time loại Tổng thống Putin khỏi danh sách 100 người ảnh hưởng nhất
Tạp chí Time của Mỹ mới đây đã công bố danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng hàng đầu thế giới năm 2018. Tuy nhiên, danh sách này không hề có tên người đứng đầu nước Nga – Tổng thống Putin.
Ukraine thừa nhận không đủ sức lấy lại Bán đảo Crimea
Thứ trưởng Georgi Tuka phụ trách các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời và luân chuyển nhân sự nội bộ Ukraine, lưu ý rằng Bán đảo Crimea vẫn sẽ trở lại với Ukraine, song thừa nhận hiện giờ Kiev không đủ lực để giành lại bán đảo này.
*** Bom nổ ở trung tâm đăng ký bầu cử Afghanistan, 31 người chết
Đánh bom tự sát đã xảy ra tại một trung tâm đăng ký bầu cử ngày 22-4 ở trung tâm thủ đô Kabul, Afghanistan, làm chết ít nhất 31 người, hãng tin Anh BBC dẫn xác nhận của các quan chức.
Ấn Độ họp khẩn “quyết tử hình” tội phạm hiếp dâm bé gái
Mới đây, Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tổ chức một phiên họp khẩn để điều chỉnh các điều khoản trong luật hình sự nước này, trong đó có án tử hình cho kẻ phạm tội hiếp dâm trẻ em gái.
Hé lộ nguyên nhân Triều Tiên ngừng thử vũ khí hạt nhân
Quyết định của Bình Nhưỡng ngưng các vụ thử tên lửa và hạt nhân là kết quả của những nỗ lực tập thể bao gồm Nga và Trung Quốc, so với Mỹ từng đe dọa “xóa tên CHDCND Triều Tiên ra khỏi bản đồ”, một thượng nghị sĩ Nga trao đổi với Thông tấn RT vào chiều 21-4.
*** Ông Trump bỗng bi quan về Triều Tiên
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng hiện tại chưa thể chắc chắn điều gì về khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên và vấn đề “còn lâu mới kết thúc”.
Ông viết trên Twitter ngày 22/4: “Chúng ta phải đi một chặng đường dài nữa mới giải quyết được dứt điểm vấn đề Triều Tiên, mọi chuyện có thể suôn sẻ, có thể không, chỉ thời gian mới có câu trả lời… Tuy nhiên, những việc mà tôi đang làm lúc nay lẽ ra phải được thực hiện từ lâu rồi”.
Nhận định trên không lạc quan như tuyên bố của chính Tổng thống Trump trước đó một ngày, khi ông hoan nghênh quyết định của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un về việc dừng các cuộc thử tên lửa và hạt nhân để tập trung phát triển kinh tế.
Nhà lãnh đạo Mỹ gọi đây là tiến bộ lớn và bày tỏ hy vọng vào cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới với ông Kim.
– Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố Tehran sẵn sàng nối lại chương trình hạt nhân ở tốc độ nhanh hơn nhiều, nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký năm 2015. Ông cũng cảnh báo nỗ lực của Mỹ nhằm thay đổi thỏa thuận hạt nhân đã gửi đi “một thông điệp rất nguy hiểm” rằng các nước không bao giờ nên đàm phán với Wasington.
– Một vụ đánh bom tự sát đã cướp mạng sống của 31 người và làm bị thương hàng chục người khác tại một trung tâm đăng ký cử tri ở Kabul, thủ đô Afghanistan. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã đứng ra nhận trách nhiệm.
– Hai thuyền rồng bị lật trên sông Đào Hoa thuộc tỉnh Quế Lâm, Trung Quốc, đã khiến 17 chết và một số người mất tích. Tai nạn xảy ra khi các tay chèo đang luyện tập cho cuộc đua thuyền rồng dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5/5 Âm Lịch).
– Một quan chức quân sự Hàn Quốc cho biết nước này và Mỹ sẽ tiến hành cuộc tập trận chung thường niên mang tên “Giải pháp then chốt” theo đúng kế hoạch từ ngày 23/4 trong 2 tuần. Chưa rõ tập trận có diễn ra trong ngày hội nghị thượng đỉnh Hàn – Triều ngày 27/4 hay không.
– Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Susan Thornton đánh giá, việc Triều Tiên tuyên bố ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa là một bước tiến “rất tích cực”, đồng thời nhấn mạnh các đồng minh của Mỹ cần phối hợp chặt chẽ với nhau trước khi diễn ra các cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và Mỹ-Triều.
– Canada và Nhật Bản nhất trí duy trì sức ép tối đa đối với Triều Tiên nhằm buộc nước này phải thực sự từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa của mình.
– Bộ Thương mại Trung Quốc ra thông cáo hoan nghênh kế hoạch của các quan chức hàng đầu Mỹ tới Bắc Kinh thảo luận các vấn đề thương mại và kinh tế, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai bên đang gia tăng.
– Ít nhất 3 người chết và một số người khác bị thương trong một vụ nổ súng tại nhà hàng Waffle House gần thành phố Nashville thuộc bang Tenessee. Cảnh sát hiện đang truy tìm một nghi can mặc áo khoác màu xanh.
Tổng hợp-TT