VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 23/6/2020.

Bệnh nhân 91: “Không có bác sĩ Việt Nam, tôi đã không thể hồi sinh”; Thuốc mới trong điều trị Covid-19; Hé lộ cách Putin được bảo vệ trước mối nguy COVID-19;  Gần 9,2 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu…là những tin chính được cập nhật.

Bệnh nhân 91: “Không có bác sĩ Việt Nam, tôi đã không thể hồi sinh”

  Bệnh nhân 91: 'Không có bác sĩ Việt Nam, tôi đã không thể hồi sinh' ảnh 1   Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thăm hỏi, động viên bệnh nhân thứ 91 – phi công người Anh tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chiều 17-6-2020. Ảnh: HOÀNG HÙNG

SGGPO Sáng 22-6, bác sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, tình hình sức khỏe bệnh nhân 91 (phi công người Anh) đã khả quan, hiện tại tỉnh, tiếp xúc tốt, giao tiếp lời nói tốt, tự thở, các hoạt động cung cấp oxy giảm thiểu tối đa, X-quang phổi hồi phục tốt.
Trong 3 tháng mê man là khoảng thời gian các bác sĩ Việt Nam nỗ lực tìm mọi cách đưa bệnh nhân 91 trở về từ cửa tử, cũng là khoảng thời gian cả nước cầu mong anh vượt qua đại nạn.
Để rồi từ một người phổi gần như xơ hóa, đông đặc, chỉ còn 10% hoạt động, phải hoàn toàn phụ thuộc vào ECMO, anh đã bừng tỉnh dậy. Câu nói đầu tiên mà bệnh nhân này thốt lên đó là hai từ “tuyệt diệu” (fantastic) và anh mỉm cười với các y bác sĩ.
Theo PGS-TS-BS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, đến nay, sức khỏe của bệnh nhân rất khả quan, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc, giao tiếp bằng lời nói, có thể tự thở, các hoạt động cung cấp oxy giảm, ban ngày không cần thở oxy.
Tình trạng phổi hồi phục trên dữ liệu lâm sàng, tự thở tốt, không suy hô hấp. X-quang phổi hồi phục tốt. Bệnh nhân có thể cầm nắm, tự ăn, viết, sử dụng điện thoại tinh tế như nhắn tin.
Sức cơ chân hồi phục khá, có thể co chân bình thường, đang tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Tuy nhiên, cơ chân có thể cần thêm thời gian mới có thể đi đứng bình thường. Chức năng các cơ quan khác hầu như trở về bình thường, đặc biệt là hệ miễn dịch….
Và đến hôm nay, nam phi công được các bác sĩ cho xem hình ảnh quá trình vận chuyển, điều trị, vì thế anh mới biết mình đã nằm viện suốt 3 tháng qua với 2 lần chuyển viện. Đó cũng là lúc anh biết mình là bệnh nhân mắc Covid-19 nặng nhất ở Việt Nam.
Thừa nhận mình có tất cả 100% may mắn, bệnh nhân 91 cho rằng, trong bối cảnh số lượng người tử vong do Covid-19 trên thế giới rất nhiều, nếu ở đâu khác trên thế giới, hẳn anh đã không qua khỏi, nhưng các bác sĩ Việt Nam đã làm được điều kỳ diệu.
Chia sẻ về các y bác sĩ Việt Nam, bệnh nhân 91 kể, anh thường nghe tiếng các bác sĩ gọi bên tai và trong lúc “bồng bềnh giữa miền hư ảo”, anh vẫn cảm nhận được những bóng áo xanh tận tụy vào ra chăm sóc mỗi ngày, đó là hình ảnh anh không thể nào quên được. Các bác sĩ động viên anh không được bỏ cuộc.
Bệnh nhân 91 thổ lộ: “Và cho đến bây giờ, tôi cũng không biết làm thế nào mình có thể vượt qua giai đoạn khủng khiếp ấy. Nếu không có các bác sĩ Việt Nam thì tôi đã không thể hồi sinh”.

Thuốc mới trong điều trị Covid-19
SGGP Theo nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí Computational ­Biology Chemistry, một loại thuốc mới kháng virus vừa được chứng minh tính hiệu quả trong việc ngăn chặn sự phát triển của virus SARS-CoV-2.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Monash của Australia đã mô phỏng khái quát thuốc Alpha-ketoamide 13b trên một siêu máy tính, qua đó nhận thấy loại thuốc này có khả năng chặn đứng việc nhân bản virus SARS-CoV-2.
Alpha-ketoamide 13b là một hợp chất mới và được nhóm nghiên cứu của GS Rolf Hilgenfeld tại Đức phát triển dựa trên các hợp chất ketoamide thu được sau đợt bùng phát dịch SARS hồi năm 2003.
Các nhà khoa học Đức cũng vừa chỉ ra cơ chế hoạt động của hoạt chất Alpha-ketoamide trong việc nuôi cấy tế bào và bày tỏ hy vọng rằng hoạt chất này có thể đạt hiệu quả thông qua sử dụng bằng đường hô hấp.

Hé lộ cách Putin được bảo vệ trước mối nguy COVID-19
Nga, một trong những điểm nóng dịch bệnh COVID-19 toàn cầu, đã áp dụng nhiều biện pháp để bảo vệ Tổng thống Vladimir Putin khỏi nguy cơ lây nhiễm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 22/6 tới thăm Nhà thờ Chính của Lực lượng Vũ trang Nga và gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu. Dù dịch COVID-19 tại Nga đã hạ nhiệt, song các biện pháp bảo vệ Putin trước nguy cơ lây nhiễm vẫn được tiến hành nghiêm ngặt.
Một đoạn video ghi lại hình ảnh chuyến thăm của Putin cho thấy khi nhà lãnh đạo Nga bước xuống từ chiếc Limousine thửa riêng, một người đàn ông mặc vest đen, được cho là thành viên trong đội ngũ an ninh của tổng thống Nga, đã phun chất được cho là nước khử trùng lên tay nắm cửa xe.
Hành động trên diễn ra trước khi người đàn ông mở cửa để Tổng thống Putin bước ra ngoài. Quan chức đón Tổng thống Putin sau khi ông ra khỏi xe là Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu.
Đây là một trong những biện pháp bảo vệ Putin trước COVID-19. Từ khi dịch khởi phát, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov, cho biết bất cứ ai gặp Putin đều phải xét nghiệm trước. Ông Peskov cũng bị nhiễm COVID-19 nhưng đã khỏi bệnh, trước ông, Thủ tướng Nga Mishustin cũng dương tính với virus.
Ông Putin cũng quyết định làm việc từ dinh thự riêng trong nhiều tuần khi dịch căng thẳng. Bất cứ ai muốn vào khu vực đều được khử trùng nghiêm ngặt.
Nga hiện là vùng dịch COVID-19 thứ ba thế giới với gần 600.000 ca dương tính, chỉ sau Mỹ và Brazil. Số ca thiệt mạng tại Nga là hơn 8.200 người, thấp hơn nhiều so với những quốc gia có gần số ca nhiễm với Nga.

 Gần 9,2 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu
Thế giới ghi nhận gần 9,2 triệu ca nhiễm và hơn 473.000 người chết do nCoV, tình hình dịch bệnh tại châu Mỹ tiếp tục diễn biến phức tạp.
213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 9.170.913 ca nhiễm và 473.277 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 138.848 và 3.750 trong 24 giờ qua, trong khi 4.903.232 người đã bình phục.
“Đại dịch đang tăng tốc”, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nói tại diễn đàn sức khỏe trực tuyến do Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tổ chức hôm 22/6.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 2.386.527 ca nhiễm và 122.595 ca tử vong, tăng lần lượt 32.000 và 356 ca trong 24 giờ. Vài tuần sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn nCoV, một số bang của Mỹ ghi nhận số người nhập viện vì Covid-19 cao chưa từng thấy.
Các bệnh viện tại thành phố Houston, bang Texas thậm chí chứng kiến số bệnh nhân Coivd-19 tăng tới 177% trong tuần qua. Ít nhất 6 thành viên trong chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Donald Trump đã dương tính với nCoV.
Giới chức ở các bang miền nam nước Mỹ đang cảnh báo về tình trạng ngày càng có nhiều người trẻ dương tính với nCoV. Sự thay đổi này được ghi nhận tại những bang như Florida, Nam Carolina, Georgia, Texas…

Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 19.480 ca nhiễm và 612 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 1.106.470 và 51.271.
Các nhà nghiên cứu lo ngại số người chết vì Covid-19 trên thực tế tại Brazil bị che đậy, căn cứ vào tình trạng thiếu xét nghiệm, cùng sự tăng vọt số ca tử vong vượt mức, tức số người chết vượt quá dự đoán dựa trên tỷ lệ tử vong cùng kỳ những năm trước đây. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định hệ thống y tế của Brazil vẫn chịu được áp lực.
Các thống đốc và thị trưởng dỡ bỏ những hạn chế đối với thương mại và hoạt động kinh tế khác do áp lực từ Tổng thống Bolsonaro và sự chán nản của công chúng sau nhiều tháng thực hiện “cách biệt cộng đồng”. Các chuyên gia y tế cảnh báo việc nới lỏng hạn chế quá sớm có nguy cơ làm tăng tốc độ lây nhiễm và gây thêm nhiều tử vong.

Hai quốc gia khác ở khu vực Mỹ Latinh la Peru và Brazil cũng đang chứng kiến tình hình dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng. Peru ghi nhận thêm 2.511 ca nhiễm và 178 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 257.447 và 8.223, tiếp tục là vùng dịch thứ bảy thế giới. Các trường học, nhà hàng, quán bar vẫn đóng cửa, chỉ cửa hàng bán đồ thiết yếu được hoạt động.

Mexico xếp thứ 14 với 180.545 ca nhiễm và 21.825 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm lần lượt 5.343 và 1.044. Thủ đô Mexico City buộc phải hoãn các kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế, trong khi giới chức y tế cảnh báo số ca nhiễm có nguy cơ tiếp tục tăng khi quá trình làm phẳng đường cong đang chững lại.

Nga, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 95 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 8.206. Số ca nhiễm tăng thêm 7.600, lên 592.280. Nga tuyên bố dịch bệnh trong tầm kiểm soát và người dân Moskva, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, từ tuần trước được đến bảo tàng và các nhà hàng ngoài trời.
Nga cho biết dù tình hình dịch đã giảm nhiệt, nước này vẫn chuẩn bị phương án để đối phó với kịch bản làn sóng lây nhiễm mới bùng lên vào mùa thu.

Anh báo cáo thêm 958 ca nhiễm và 15 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 305.289 và 42.647. Giới chức Anh đã giảm cấp cảnh báo Covid-19 từ “đại dịch có nguy cơ lây nhiễm cao hoặc đang tăng theo cấp số nhân” xuống “dịch đang lây lan”.
Nước này đang tiến hành tái mở cửa một cách thận trọng. Các cửa hàng quần áo hoạt động trở lại hôm 15/6, nhưng khách không được sử dụng phòng thử đồ. Hiệu sách cho phép đọc lướt, nhưng khách hàng phải để những cuốn sách họ chạm vào mà không mua vào chỗ “cách ly” riêng. Quán bar và nhà hàng vẫn đóng cửa nhưng một số trường học đã hoạt động trở lại.

Tây Ban Nha ghi nhận thêm 232 ca nhiễm và một ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 293.584 và 28.324. Nước này từ 21/6 chấm dứt tình trạng khẩn cấp sau ba tháng áp dụng để chống Covid-19. Họ cũng cho phép người nước ngoài từ các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và khu vực Schengen nhập cảnh mà không cần cách ly hai tuần. Bồ Đào Nha là ngoại lệ duy nhất khi quyết định tiếp tục đóng cửa biên giới với Tây Ban Nha tới 1/7.
Người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang tại các không gian công cộng, cả ở trong nhà lẫn ngoài trời, nếu không thể giữ khoảng cách 1,5 mét. Chính quyền từng khu vực sẽ quyết định về số lượng người tối đa được phép có mặt cùng lúc tại các không gian công cộng như bãi biển, bể bơi, nhà hát, trường học và quán ăn.

Italy ghi nhận thêm 221 ca nhiễm và 23 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 238.720 và 34.657. Toàn bộ cửa hàng, nhà hàng, quán bar, phương tiện công cộng đã mở cửa trở lại, người dân cũng được tự do di chuyển khắp đất nước. Tuy nhiên, trường học vẫn đóng cửa.

Đức báo cáo thêm 499 ca nhiễm và 7 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 192.074 và 8.969. Cùng với Bỉ, Pháp và Hy Lạp, Đức đã mở cửa biên giới cho các quốc gia trong khối EU từ 15/6. Nước này sẽ duy trì các biện pháp cách biệt cộng đồng đến 29/6. Thủ tướng Angela Merkel cấm tổ chức các sự kiện lớn cho đến tháng 10.
Giới chức y tế Đức đang đối phó đợt bùng phát mới tại một nhà máy chế biến thịt khi hơn 1.000 ca nhiễm được xác nhận tại đây. Toàn bộ 6.500 công nhân cùng quản lý và người nhà của họ đã được cách ly. Thủ hiến bang không loại trừ khả năng phong tỏa toàn bộ khu vực để ngăn dịch bệnh.

Tại Trung Đông, Iran ghi nhận thêm 2.573 ca nhiễm, nâng tổng số lên 207.525, trong đó 9.742 người chết, tăng 119 trường hợp so với hôm trước.
Phát ngôn viên Bộ Y tế Iran Sima Sadat Lari cảnh báo các con số thậm chí có thể tồi tệ hơn nếu người dân không chịu ở nhà trong kỳ nghỉ sắp tới. Iran đã cho phép toàn bộ cửa hàng, nhà hàng, quán bar và phương tiện công cộng hoạt động, một số trường học vẫn đóng cửa.

Arab Saudi ghi nhận thêm 3.393 ca nhiễm và 40 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 161.005 và 1.307. Nước này bắt đầu chấm dứt lệnh giới nghiêm toàn quốc vì nCoV từ 21/6 nhưng các cuộc hành hương tôn giáo và tụ tập hơn 50 người trở lên vẫn bị hạn chế.
Giới chức có kế hoạch giới hạn số người được phép tham gia lễ hành hương Hajj, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 7, nhằm tránh virus lây lan.

Tại Nam Á, Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ tư thế giới với 440.450 ca nhiễm và 13.50 ca tử vong, tăng lần lượt 13.540 và 312. Hệ thống y tế Ấn Độ còn đang chuẩn bị đối mặt với các căn bệnh theo mùa như sốt xuất huyết và sốt rét, được cho là sẽ khiến việc xử lý Covid-19 trở nên khó khăn hơn.
Tuy nhiên, nước này đã cho phép cửa hàng, nhà hàng, quán bar mở trở lại, các trường học tại khu vực nguy cơ cao bị đóng cho đến 30/6.

Trung Quốc chưa công bố số liệu mới. Thủ đô Bắc Kinh hiện là vùng dịch nghiêm trọng nhất tại nước này kể từ đầu tháng 2, với hơn 200 ca nhiễm mới liên quan đến chợ nông sản Tân Phát Địa. Thành phố đã nâng trở lại mức cảnh báo lên cấp hai trong hệ thống ứng phó khẩn cấp 4 cấp, đồng thời áp đặt lại nhiều hạn chế với người dân.

Indonesia hiện là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á với 46.845 ca nhiễm, tăng 954 trường hợp so với hôm qua, trong đó 2.500 người chết, tăng 35 ca. Trường học đóng cửa cho đến 13/7, nhà hàng quán bar dừng hoạt động, chỉ các cửa hàng bán đồ thiết yếu được mở lại.

Singapore ghi nhận 42.313 ca nhiễm, tăng 218, trong đó 26 người chết. Ca nhiễm ở Singapore chủ yếu là lao động nhập cư sống trong các ký túc xá. Singapore cho phép phương tiện công cộng, một số trường và cửa hàng như tiệm bán đồ dùng học tập mở lại. Nhà hàng và quán bar vẫn không được tiếp khách mà chỉ phục vụ bán mang về hoặc giao hàng tận nơi.

Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV.

***   Israel thừa nhận Iran “đáng gờm nhất” toàn khu vực Trung Đông
Tham mưu trưởng quân đội Israel Aviv Kochavi cho rằng Iran đã trở thành quốc gia đáng gờm nhất tại khu vực Trung Đông do sở hữu nhiều vũ khí hiện đại.

Mỹ tạm ngừng nhập cảnh với người nước ngoài
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đình chỉ việc nhập cảnh vào Mỹ của một số công nhân nước ngoài, một động thái mà Nhà Trắng cho biết sẽ có lợi cho nền kinh tế bị COVID-19 tàn phá nhưng lại bị giới kinh doanh phản đối mạnh mẽ.

Thêm nhân viên chiến dịch của ông Trump nhiễm COVID-19
Đại diện chiến dịch của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết có thêm hai nhân viên chiến dịch tham gia cuộc vận động tranh cử tại Tulsa, Oklahoma, đã nhiễm COVID-19.

Tổng thống Venezuela sẵn sàng gặp Tổng thống Mỹ
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho biết ông sẵn sàng gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump trong nỗ lực giải quyết các cuộc xung đột giữa hai nước.

Giới thương gia Ấn Độ kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc
Các chỉ huy quân đội Ấn Độ và Trung Quốc gặp mặt trong ngày 22/6 trong nỗ lực giảm bớt căng thẳng tại biên giới tranh chấp trên dãy núi Himalaya sau cuộc đụng độ tồi tệ nhất trong hơn năm thập kỷ tại khu vực này.

Hàn Quốc tố hồi ký của cựu Cố vấn An ninh Mỹ “xuyên tạc”
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 22/6 đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton vì những bình luận “xuyên tạc sự thật” về các đường lối ngoại giao thượng đỉnh giữa Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên.

Ít nhất 40 lính Trung Quốc thiệt mạng trong vụ đụng độ với Ấn Độ
Theo Bộ trưởng Giao thông đường bộ và Cao tốc Ấn Độ Vijay Kumar Singh, đã có ít nhất 40 binh lính Trung Quốc thiệt mạng trong cuộc đụng độ với Ấn Độ tại biên giới hai nước ở thung lũng Galwan tuần trước.

Triều Tiên sẽ dùng bóng bay rải 12 triệu truyền đơn sang Hàn Quốc
Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên ngày 22/6 cho biết, nước này đã in 12 triệu truyền đơn và dự định sẽ thả truyền đơn sang Hàn Quốc như một phần của chiến dịch thông tin chống lại Seoul.

Đâu là người thắng, kẻ thua trong đại dịch COVID-19?
Theo giới chuyên gia, người thắng lớn nhất trong đại dịch này là mô hình năng lực Đông Á, quản trị tốt và nguồn lực xã hội. Và Mỹ có thể trở thành kẻ thua cuộc lớn nhất.

Đức bắt giữ hàng chục người trong vụ nổi loạn “như thời chiến”
Gần 30 đối tượng đã bị bắt giữ sau khi cố tình đập phá các cửa hàng và tấn công khiến nhiều cảnh sát bị thương tại thành phố Stuttgard, Đức trong một cuộc bạo loạn diễn ra hồi cuối tuần qua, The Guardian đưa tin.

Ông Putin tính khả năng tiếp tục tranh cử Tổng thống Nga
Đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay ông không loại trừ khả năng tái tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa nếu sửa đổi hiến pháp được người dân Nga thông qua trong cuộc trưng cầu sắp tới.

Tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình
Ngày 20/6 (giờ địa phương), Viện Đông phương học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga đã tổ chức hội thảo trực tuyến “Xung đột ở Biển Đông – những thách thức và mối đe dọa hiện nay”.

Gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên
Bên cạnh tuyên bố “không có ý định xem xét lại hoặc thay đổi kế hoạch rải truyền đơn có nội dung chống Hàn Quốc qua biên giới”, CHDCND Triều Tiên tiếp tục điều các nhóm nhỏ binh sỹ tới các trạm gác biên giới để phát quang bụi rậm và bảo trì đường sá. Những động thái này đang khiến cho tình hình trên Bán đảo Triều Tiên tiếp tục “dậy sóng”.

Nhiều điểm du lịch nổi tiếng thế giới tái mở cửa
Mặc dù hầu hết các chính phủ vẫn cho rằng mở cửa du lịch quốc tế là “không quan trọng” , một loạt các điểm đến nổi tiếng đang bắt đầu giảm bớt cách ly xã hội và hướng tới việc chào đón khách du lịch quay trở lại.

Cuộc đời như phim của “Chúa tể đao phủ” đáng sợ nhất New York
Trong tiếng Hy Lạp, từ “anatasia” có nghĩa là “trỗi dậy” và đây là cái tên không thể phù hợp hơn dành cho Albert Anatasia, kẻ từ một cậu bé gốc Ý mồ côi cha trở thành một trong những tên mafia đáng sợ và khát máu nhất ở New York, Mỹ với biệt danh “Chúa tể đao phủ”.

Tổng hợp-TT