VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 24/4/2020.

Ngoại trưởng Mỹ: Trung Quốc dùng áp lực quân sự, ép buộc láng giềng ở Biển Đông; Thủ tướng Đức cảnh báo dịch Covid-19 mới ở giai đoạn đầu; Cách ứng phó với COVID-19 khác lạ của một số quốc gia châu Phi; Covid-19: Hàng chục triệu người thất nghiệp, lòng tin Mỹ lung lay; Một triệu khẩu trang KN95 Canada mua từ Trung Quốc không đạt chuẩn; Mỹ dọa cắt vĩnh viễn tài trợ cho WHO;  Thế giới sắp chạm ngưỡng 2.8 triệu ca lây nhiễm COVID-19…là những tin chính được cập nhật.
 chi_nav12   Văn hóa chiến lược Trung Quốc và tranh chấp Biển Đông.
Trung Quốc đang sử dụng áp lực quân sự và ép buộc các nước láng giềng tại Biển Đông, thậm chí đâm chìm một tàu cá Việt Nam, Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo lên tiếng.
Trong cuộc họp trực tuyến với các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN sáng nay, Ngoại trưởng Mỹ đã lên án những hành vi khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông Pompeo nêu rõ, Trung Quốc đã có bước đi tận dụng yếu tố gây mất tập trung, từ việc đơn phương thông báo về các đơn vị hành chính tại các đảo và khu vực hàng hải có tranh chấp, việc đâm chìm một tàu cá Việt Nam vào đầu tháng này, và các “trạm nghiên cứu” trên Đá Chữ Thập và Đá Subi.
Ngoại trưởng Mỹ đề cập tới việc Trung Quốc tiếp tục điều động lực lượng dân quân biển tới khu vực quần đảo Trường Sa, và mới đây nhất đã điều một đội tàu gồm tàu khảo sát năng lượng với mục đích đe dọa  các bên tuyên bố chủ quyền khác trong việc tham gia phát triển dầu khí ngoài khơi.
“Trung Quốc đã lợi dụng việc thế giới tập trung vào cuộc khủng hoảng Covid-19 bằng việc tiếp tục những hành vi khiêu khích. Họ đang sử dụng áp lực quân sự và ép buộc các nước láng giềng tại Biển Đông, thậm chí đâm chìm một tàu cá Việt Nam. Mỹ mạnh mẽ phản đối hành vi bắt nạt của Trung Quốc và chúng tôi hy vọng các quốc gia khác cũng sẽ buộc họ chịu trách nhiệm”, ông nói.
Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi, Mỹ và ASEAN “cam kết tiếp tục xây dựng tương lai dựa trên những nguyên tắc chung đã được chứng minh là hiệu quả và đáng tin cậy. ASEAN giữ vai trò trung tâm, sự rộng mở, minh bạch, cấu trúc dựa trên luật lệ, quản trị tốt và tôn trọng chủ quyền”.

Thủ tướng Đức cảnh báo dịch Covid-19 mới ở giai đoạn đầu
“Chúng ta không thể trở lại cuộc sống như trước kia”, Thủ tướng Đức cho biết. Theo bà, “cuộc sống hàng ngày của chúng ta sẽ rất khác”.
Theo NBC, Thủ tướng Angela Merkel hôm nay (23/4) cảnh báo rằng, cuộc chiến chống virus corona chủng mới còn đang ở giai đoạn đầu và đại dịch có vẻ sẽ trở thành một phần của cuộc sống trong thời gian dài.
“Không ai thích nghe điều này, nhưng chúng ta đang sống ở giai đoạn đầu của đại dịch”, bà Merkel phát biểu trước quốc hội Đức. Bà cũng cảnh báo rằng, Đức vẫn đang đi trên “băng mỏng”.
Đức đã đương đầu với đại dịch Covid-19 tốt hơn phần lớn các nước châu Âu khác. Tính đến hôm nay, theo số liệu của NBC, Đức có khoảng 5.094 ca tử vong do dịch bệnh này, thấp hơn nhiều so với Pháp và Italia.
Toàn bộ 16 bang của Đức vẫn yêu cầu người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang khi đi mua sắm ở các cửa hàng và tham gia giao thông công cộng, mặc dù một số biện pháp hạn chế đã được giảm bớt.
Dù vậy, nước Đức cũng đang trải qua tình trạng sụt giảm kinh tế do việc thực hiện các biện pháp hạn chế nhằm đối phó với dịch bệnh.

Cách ứng phó với COVID-19 khác lạ của một số quốc gia châu Phi
Hầu hết các quốc gia châu Phi đã đưa ra một số biện pháp giãn cách xã hội, từ phong tỏa một phần đến toàn bộ, áp dụng lệnh giới nghiêm, cấm tụ tập đông người, nhằm hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, một nhóm quốc gia khác trong khu vực lại có quan điểm trái ngược trong việc đối phó với dịch COVID-19.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), Tanzania và Burundi là hai quốc gia điển hình ở châu Phi không áp dụng biện pháp giãn cách xã hội. Người dân tại đây vẫn được phép tham dự các nghi lễ tôn giáo, các sự kiện xã hội và đều đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống diễn ra trong năm nay. Burundi sẽ tổ chức bầu cử vào tháng 5 và cuộc bầu cử tổng thống tại Tanzania sẽ diễn ra vào tháng 10, bất chấp mối đe dọa từ dịch bệnh nguy hiểm do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra.

Covid-19: Hàng chục triệu người thất nghiệp, lòng tin Mỹ lung lay
Đại dịch Covid-19 khiến thêm 4,4 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, nâng tổng số lên 26,4 triệu người kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này.
Đài ABC News hôm 23/4 dẫn lời Bộ Lao động Mỹ cho biết con số tăng thêm – 4,4 triệu người – được ghi nhận hồi tuần trước.
Dịch bệnh Covid-19 buộc các doanh nghiệp không quan trọng ở Mỹ phải đóng cửa, tác động nặng tới các nhà hàng và ngành bán lẻ. Tính đến hôm 11/4, tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ được điều chỉnh ở mức 11%.
Nhà phân tích kinh tế cấp cao của Công ty Bankrate, Mark Hamrick, bình luận: “Trong hơn 1 tháng nay, các đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới đóng vai trò là chỉ số quan trọng nhất cho thấy suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến lực lượng lao động do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Lòng tin của người Mỹ liên quan đến lĩnh vực y tế và sự ổn định tài chính bị trúng đòn mạnh chưa từng có. Tổn thất này khó có thể được phục hồi trong thời gian trước mắt”.
Cũng theo nhà phân tích này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và giới chức Washington phản ứng khá nhanh chóng trước cuộc khủng hoảng nhưng không mang lại hiệu quả cao.
Giữa thời điểm hàng triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, nhiều nơi không kịp xử lý dẫn đến tình trạng trì hoãn kéo dài hàng tuần, thậm chí một số trường hợp không được giải quyết. Chẳng hạn như tai bang Florida, chỉ mới có gần 12% người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp nhận được tiền.
Bộ Lao động Mỹ cũng công bố dữ liệu ban đầu cho thấy trong tuần kết thúc vào ngày 4/4, tỉ lệ thất nghiệp cao nhất được ghi nhận ở Michigan (17,4%), Rhode Island (15%) và Nevada (13,7%). Vào tuần trước, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng mạnh ở các bang Colorado, New York và Missouri.
Trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ chỉ là 3,6%, mức thấp trong lịch sử nước này.
Tính đến ngày 23/4, Mỹ có 849.094 ca nhiễm và 47.684 trường hợp tử vong do Covid-19.

Một triệu khẩu trang KN95 Canada mua từ Trung Quốc không đạt chuẩn
Cơ quan y tế cộng đồng Canada nói khoảng 1 triệu khẩu trang KN95 mua từ Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn liên bang của nước này để dùng cho các y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch.
Vì vậy, chính phủ Canada sẽ không đưa vào sử dụng số khẩu trang không đạt tiêu chuẩn này, dù các tỉnh và vùng lãnh thổ của nước này đang thiếu trầm trọng thiết bị y tế, theo Politico.
“Đến nay, Cơ quan Y tế Cộng đồng Canada đã xác định khoảng 1 triệu khẩu trang KN95 không đạt tiêu chuẩn dùng trong môi trường y tế”, Eric Morrissette, người phát ngôn Cơ quan Y tế Cộng đồng Canada, cho biết.

Mỹ dọa cắt vĩnh viễn tài trợ cho WHO
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng cần cải cách cơ bản Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sau Covid-19, và cảnh báo Mỹ có thể không bao giờ khôi phục việc tài trợ cho WHO.
Theo hãng tin Reuters, trả lời Fox News mới đây, ông Pompeo cho rằng cần thiết phải “cải tổ về mặt cấu trúc của WHO” để sửa chữa “những thiếu sót” của tổ chức này. “Thậm chí nhiều hơn thế, Mỹ có thể không bao giờ nối lại việc tài trợ, đưa tiền đóng thuế của người dân Mỹ cho WHO”, ông nói.

 Thế giới sắp chạm ngưỡng 2.8 triệu ca lây nhiễm COVID-19
(ĐCSVN) – Theo trang thống kế trực tuyến worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng ngày 24/4 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có 2.718.155 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 190.636 ca tử vong và 745.620 ca bình phục. Mỹ tiếp tục vẫn là quốc gia dẫn đầu thế giới về số ca lây nhiễm và tử vong vì dịch bệnh.
Số ca tử vong vì COVID-19 trên thế giới sắp chạm ngưỡng 20 vạn người.

Đến nay, Mỹ ghi nhận đã có 880.204 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 49.845 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 31.487 ca nhiễm mới và 2.325 ca tử vong. Trong 5 tuần qua, đã có 26,4 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Đây được coi là con số kỷ lục do tác động của đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế hàng đầu thế giới. Con số này tương đương với 16% lực lượng lao động Mỹ. Nhà kinh tế trưởng Joseph Brusuelas thuộc Ngân hàng miền Tây ở San Francisco nhận định: “Nền kinh tế Mỹ đang lao dốc với tốc độ và quy mô chưa từng có trước đây. Nó có thể so sánh như một thảm họa tự nhiên mang tầm quy mô quốc gia”.

Riêng tại châu Âu, số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tính đến nay đã lên tới 1.193.276 ca nhiễm, trong đó có 114.259 ca tử vong vì dịch bệnh.

Anh là quốc gia chứng kiến có số ca tử vong vì COVID-19 nhiều nhất trong vòng 24 giờ trong khu vực khi ghi nhận đã có thêm 638 ca tử vong mới vì dịch bệnh, trong đó 4.583 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này tính đến nay lên 138.078 trường hợp và 18.738 ca tử vong.
Hiện Anh đã áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc kể từ ngày 23/3, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà chỉ trừ trường hợp cần thiết và bắt buộc người dân phải luyện tập thể dục hàng ngày. Chính phủ Anh tuyên bố sẽ tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho khoảng 100.000 người mỗi ngày vào cuối tháng 4. Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất được chính phủ Anh công bố, đến nay mới chỉ có 13.522 người được xét nghiệm mỗi ngày.
Ngày 23/4, các nhà khoa học Anh đã bắt đầu thử nghiệm vắc xin COVID-19 trên người. Giám đốc Văn phòng Yy tế Anh, Chris Whitty cho biết cuộc thử nghiệm được thực hiện bởi trường Đại học Oxford với hy vọng rằng vắc xin sẽ được bào chế trong năm tới.

Đức hiện đứng thứ 4 châu lục về số ca nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, số ca tử vong vì dịch bệnh tại nước này được ghi nhận ít hơn nhiều so với các nước Tây Ban Nha, Italy, Pháp và Anh. Ngày 23/4, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có bài phát biểu đầu tiên của chính phủ về cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, mô tả cuộc khủng hoảng này là ‘thử thách lớn nhất” kể từ khi thành lập Cộng hòa Liên bang Đức.
Trong phát biểu, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh đại dịch COVID-19 là “thử thách chưa từng tồn tại từ Chiến tranh Thế giới thứ II và kể từ khi thành lập Cộng hòa Liên bang Đức”. Thủ tướng Đức cũng đã đề cập tới những hạn chế trong đời sống xã hội, những tác động của vấn đề này đối với sức khỏe của người dân và sự gắn kết xã hội ở châu Âu. Bà cho rằng các biện pháp được áp dụng nhằm ngặn chặn đà lây lan của dịch bệnh COVID-19 là chưa từng có trong lịch sử. Tính đến nay, Đức ghi nhận có 153.183 ca lây nhiễm, trong đó 5.575 ca tử vong

Tại Nga, trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận có thêm 42 ca tử vong vì COVID-19. Tính đến nay, nước này ghi nhận đã có 62.773 ca nhiễm bệnh, trong đó 555 ca tử vong. Cho tới thời điểm hiện tại, chính phủ Nga chưa đưa ra thời điểm chấm dứt lệnh cách ly xã hội trên toàn quốc. Phát ngôn viên điện Kremlin Dmirtry Peskov ngày 23/4 cho biết, những tác động của đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế nước này đang ngày càng gia tăng. Ôn Peskov cho biết tình hình “vô cùng nghiêm trọng, vô cùng thách thức, vô cùng khó khăn, và tất cả mọi dân tộc trên thế giới đều bị ảnh hưởng, trong đó bao gồm nước Nga”.

Châu Á ghi nhận trong 24 giờ qua đã có thêm 10.722 ca nhiễm mới COVID-19, trong đó 285 ca tử vong. Tính đến nay, khu vực này ghi nhận đã có tổng cộng 433.009 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 16.139 ca tử vong.

Hiện, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia dẫn đầu khu vực về số ca lây nhiễm COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này cũng ghi nhận có số ca tử vong cao nhất vì đại dịch  với 115 trường hợp. Tính đến nay, nước này ghi nhận đã có 101.790 ca mắc COVID-19 và 2.491 ca tử vong. Iran hiện xếp thứ 2 với 87.026 ca nhiễm và 5.481 ca tử vong. Trung Quốc xếp thứ 3 với 82.798 ca mắc COVID-19 và 4.632 ca tử vong vì dịch bênh.

Tại châu Phi, Nam Phi hiện là quốc gia ghi nhận có số ca lây nhiễm nhiều nhất vì virus SARS-CoV-2 với 3.952 trường hợp, trong đó 75 ca tử vong. Quốc gia ghi nhận tính đến nay có số ca tử vong cao nhất vì COVID-19 là Algeria với 407 trường hợp.

Ngày 23/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, có đến một nửa số ca tử vong do đại dịch COVID-19 tại châu Âu là các cư dân sống trong các viện dưỡng lão.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge cho biết: “Đây là một thảm kịch không thể tưởng tượng được của con người”. Ông Kluge miêu tả thảm kịch về COVID-19 đang nổi lên tại các cơ sở dưỡng lão là “rất đáng lo ngại” và cho biết, đây là một vấn đề mang tính toàn cầu.
Ông Kluge cũng cho hay, dịch COVID-19 đã tác động đến những nơi bị bỏ sót và bị đánh giá thấp của xã hội. Khắp khu vực châu Âu, các viện dưỡng lão thường xuyên bị lãng quên. Ông Hans Kluge lên tiếng chỉ trích hành động này và cho biết các nhân viên y tế tại những trung tâm này thường phải làm việc quá sức và nhận lương thấp, đồng thời kêu gọi các chính quyền hỗ trợ cũng như cung cấp thêm đồ bảo hộ cho “những người hùng thầm lặng” trong thời dịch bệnh này./.

***   Virus Corona bị tiêu diệt dưới ánh nắng chỉ trong vài phút?
Tại một cuộc họp báo của Nhà Trắng ngày 23/4, quan chức cấp cao của Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) cho biết các nhà khoa học của Bộ đã khám phá ra rằng virus Corona chết nhanh chóng khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, nhiệt độ, độ ẩm và hóa chất tẩy rửa như thuốc tẩy và rượu isopropyl.
Trong cuộc họp giao ban của Lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19, Giám đốc Khoa học và Công nghệ của DHS, William Bryan, đã trình bày với các phóng viên những kết quả đầu tiên từ các nghiên cứu của Trung tâm Phân tích và Biện pháp Sinh học Quốc gia về những điều kiện mà virus gây ra bệnh COVID-19 có thể tồn tại.
Ông Bryan cho biết virus chết nhanh hơn nhiều khi tiếp xúc với nhiệt độ và độ ẩm cao, lưu ý rằng ở nhiệt độ 23,8 độ C và độ ẩm 80%, virus chết nhanh hơn, trong khoảng từ một đến 6 giờ. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời mùa hè trực tiếp trong những điều kiện đó, virus sẽ bị tiêu diệt chỉ sau hai phút.
Các nhà khoa học của DHS cũng phát hiện ra rằng thuốc tẩy sẽ giết chết virus Corona trong 5 phút và rượu isopropyl sẽ giết chết nó chỉ trong một phút.
Trước câu hỏi rằng tại sao các khu vực có khí hậu nóng của Mỹ như New Orleans và Florida trở thành điểm nóng COVID-19, ông Bryan lưu ý rằng ánh sáng mặt trời, nhiệt độ và độ ẩm không phải là “thuốc chữa bệnh”.
Tuy nhiên, ông này thừa nhận rằng các “điều kiện mùa hè sẽ tạo ra một môi trường có thể giảm lây truyền”, nhưng cũng nhấn mạnh rằng mùa hè không hoàn toàn tiêu diệt virus này.
Ông Bryan lưu ý rằng mặc dù da người là một loại bề mặt mà trên đó, virus tồn tại lâu hơn, nhưng theo lý thuyết, ánh sáng mặt trời có thể giết chết virus trên da người.

Triều Tiên khẳng định vẫn “miễn nhiễm” với COVID-19
Tới hôm 17/4, Triều Tiên đã báo cáo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rằng nước này đã xét nghiệm COVID-19 cho 740 người và tất cả đều cho kết quả âm tính, tờ Arirang ngày 23/4 đưa tin.

Trung Quốc tài trợ thêm 30 triệu USD cho WHO chống dịch
Trung Quốc ngày 23/4 cho biết sẽ tài trợ thêm 30 triệu USD cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 hiện đã giết chết hơn 180.000 người trên toàn thế giới, theo Reuters.

Bắt giữ tài xế bỏ trốn trong vụ tai nạn làm 4 cảnh sát Australia thiệt mạng
Người đàn ông lái siêu xe Porsche có liên quan đến vụ tai nạn khiến 4 cảnh sát bang Victoria, Australia thiệt mạng hôm 22/4 đã bị bắt, sau khi kẻ này bỏ trốn khỏi hiện trường và đăng tải ảnh về vụ tai nạn lên mạng xã hội.

Số ca COVID-19 tại Nga vượt 60.000, Điện Kremlin cảnh báo “sốc”
Điện Kremlin dẫn nhận định của các chuyên gia cảnh báo đỉnh dịch COVID-19 sẽ xuất hiện tại Nga vào giữa tháng 5 tới, tức khoảng 3 tuần nữa, trong bối cảnh số ca nhiễm mới ở Nga không ngừng tăng.

Đốt phá, tấn công cảnh sát tại Pháp bất chấp phong tỏa
Bắt nguồn từ một vụ va chạm ở ngoại ô Paris hồi cuối tuần trước, các cuộc bạo loạn, chống phá lực lượng chức năng đã liên tiếp nổ ra trong những ngày qua tại Pháp với tình trạng căng thẳng ngày càng gia tăng.

Australia muốn tất cả thành viên WHO tham gia điều tra COVID-19
Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 23/4 lên tiếng đề nghị tất cả thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng hợp tác trong việc điều tra quốc tế một cách độc lập về sự lây lan của đại dịch COVID-19.

Mỹ kịch liệt phản đối hành vi “bắt nạt” của Trung Quốc tại Biển Đông
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cáo buộc Bắc Kinh lợi dụng đại dịch COVID-19 để thực hiện các hành vi khiêu khích trong khu vực, đồng thời gia tăng chỉ trích về cách xử lý dịch bệnh của Trung Quốc, theo Reuters.

Israel đòi trừng phạt quốc tế Iran sau vụ phóng tên lửa giữa dịch COVID-19
Giới chức Israel cho rằng vụ phóng vệ tinh quân sự đầu tiên mà Iran vừa tiến hành là vỏ bọc nhằm che giấu việc phát triển hơn nữa các công nghệ tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.

26 tàu chiến của Mỹ có ca COVID-19, Tổng thống ký sắc lệnh ngừng nhập cảnh
Dịch COVID-19 đã tấn công 26 tàu chiến của Hải quân Mỹ, tất cả trong số này đều được báo cáo đang cập bến tại nhiều cảng với “số lượng thủy thủ nhiễm ít”, trong khi trên 14 tàu khác từng xác nhận có trường hợp COVID-19, các thủy thủ được cho là đã phục hồi.

Thử thách chồng chất sau một năm cháy Nhà thờ Đức Bà Paris
Hình ảnh thánh lễ tối thứ Sáu ngày 10/4/2020 trong Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre-Dame de Paris) sẽ còn lưu mãi trong kí ức của người Công giáo.

Ông Trump dọa “bắn hạ, tiêu diệt” tàu chiến Iran
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22/4 tuyên bố đã ra lệnh cho hải quân nước này bắn hạ bất cứ tàu Iran nào có biểu hiện đe dọa tàu chiến Mỹ trên biển.

Cơ hội điều chế thành công vaccine COVID-19 tại Anh
Công cuộc nghiên cứu quốc tế nhằm tìm ra loại vaccine ngừa COVID-19 “có cơ hội thành công rất cao”, theo nhận định của một nhà khoa học Anh, trong bối cảnh nước này sẽ tiến hành thử nghiệm vaccine trên người vào ngày mai.

Cảnh báo ba nguy cơ thế giới phải đối diện vì COVID-19
Chỉ trong 24 giờ đồng hồ qua, có tới ba lời cảnh báo được đưa ra về COVID-19. Không đơn thuần chỉ là một cơn bão càn quét khắp các châu lục, đại dịch chết người này thậm chí đặt thế giới đứng trước nguy cơ thảm họa.

Cậu bé nhiễm COVID-19 không lây bệnh dù tiếp xúc với 172 người
Một cậu bé 9 tuổi sau khi nhiễm COVID-19 ở miền Đông nước Pháp đã vô tình tiếp xúc với 172 người, nhưng kỳ lạ là không một ai trong số 172 người này bị lây nhiễm, The Guardian đưa tin.

Ấn Độ dừng sử dụng kit xét nghiệm nhanh COVID-19 của Trung Quốc vì lỗi
Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR) đã khuyến cáo tất cả các bang dừng sử dụng kit xét nghiệm nhanh COVID-19 do Trung Quốc sản xuất trong hai ngày tới vì phát hiện lỗi, theo CNN.

Tổng hợp-TT