Châu Á thiệt hại nặng vì thiên tai; Mỹ: Đeo khẩu trang có thể cứu sống 70.000 người trong 3 tháng tới; Trung Quốc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19; WHO đưa ra khuyến nghị mới về khẩu trang; TT Trump thông báo đột phá lịch sử trong điều trị Covid-19 ở Mỹ; Gần 812 nghìn người trên thế giới tử vong vì COVID-19…là những tin chính được cập nhật.
Châu Á thiệt hại nặng vì thiên tai
Ngập lụt tại đường cao tốc Delhi-Gurgaon
SGGP Hiện tượng thời tiết cực đoan hoành hành khiến nhiều nước châu Á liên tiếp hứng chịu lũ lụt, nắng nóng, gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Lũ lụt và nắng nóng
Tính đến cuối tuần qua, lũ lụt ở Trung Quốc gây thiệt hại ít nhất 26 tỷ USD, khoảng 63 triệu người đã bị ảnh hưởng và 54.000 ngôi nhà bị phá hủy, 219 người đã chết hoặc mất tích.
Theo Tân Hoa xã, mực nước đã tăng lên 167,6m – mức cao nhất kể từ khi đập Tam Hiệp được xây dựng vào năm 2003. Đợt lũ thứ 5 trên sông Trường Giang cùng với lũ trên sông Gia Lăng là hệ quả của mưa lớn gây lũ lụt nghiêm trọng ở TP Trùng Khánh, Tây Nam Trung Quốc. Chính quyền thành phố đã kích hoạt mức phản ứng cao nhất đối với lũ lụt trong hệ thống ứng phó khẩn cấp 4 cấp độ của Trung Quốc.
Lũ lụt cũng đang gây hậu quả nghiêm trọng tại Ấn Độ và Bangladesh. Tại Ấn Độ, mưa lớn ở thủ đô New Delhi gây ngập lụt nhiều tuyến đường. Theo Bộ Nội vụ Ấn Độ, trong mùa mưa năm nay, cả nước đã có 847 người thiệt mạng vì lũ lụt. Tại bang Bihar – bang nghèo nhất nước này, khoảng 8 triệu người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, hàng ngàn người phải ngủ trên đê và đường cao tốc do thiếu lán trại sơ tán.
Tại Bangladesh, 226 người đã thiệt mạng khi 40% diện tích cả nước bị ngập trong lũ khi mưa lớn khiến các con sông tràn bờ và nhấn chìm nhiều khu làng. Hơn 6 triệu người mất nhà cửa vì lũ, hàng chục ngàn người phải sơ tán.
Ở Nepal, lũ lụt kéo dài từ giữa tháng 6 khiến 218 người thiệt mạng và 69 người mất tích vì lở đất.
Trong khi đó, Nhật Bản đang hứng chịu đợt nắng nóng kéo dài. Số người ốm, tử vong do sốc nhiệt ngày càng tăng. Tổng số ca tử vong do nắng nóng tại Nhật lên đến 131 người. Theo Cơ quan khí tượng Nhật Bản, nắng nóng vẫn tiếp diễn tại nhiều khu vực trên toàn quốc trong vài ngày tới.
Thiệt hại tương đương đại dịch
Theo nghiên cứu vừa công bố của Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey & Co., các đợt nắng nóng gây chết người, hạn hán, lũ lụt và bão sẽ trở nên phổ biến hơn ở châu Á – Thái Bình Dương, khu vực đang phải đối mặt với các tác động ngày càng nghiêm trọng hơn từ biến đổi khí hậu so với nhiều nơi trên thế giới.
Khu vực này đang chịu rủi ro đặc biệt vì có đông người nghèo, những người có xu hướng phụ thuộc nhiều hơn vào công việc ngoài trời, sống ở những khu vực dễ bị tổn thương do nhiệt độ và độ ẩm tăng cao. Đến năm 2050, các rủi ro đối với nhóm lao động trên có thể khiến khu vực này thiệt hại tới 4.700 tỷ USD/năm trong GDP.
Mỹ: Đeo khẩu trang có thể cứu sống 70.000 người trong 3 tháng tới
Dân trí Mô hình phân tích của Đại học Washington chỉ ra, nếu có thêm nhiều người Mỹ tuân thủ việc đeo khẩu trang, điều này sẽ giúp khoảng 70.000 người được cứu mạng giữa dịch Covid-19.
Mỹ: Đeo khẩu trang có thể cứu sống 70.000 người trong 3 tháng tới – 1
Dựa trên mô hình phân tích, các nhà nghiên cứu của Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe – IHME của Đại học Washington (Mỹ), ước tính nước Mỹ sẽ có thêm 134.000 người chết vì Covid-19 từ nay đến tháng 12 nếu không có thêm các biện pháp kiểm dịch hiệu quả. Cũng theo phân tích này, nếu thêm nhiều người Mỹ tuân thủ đeo khẩu trang ở nơi công cộng, số người chết sẽ thấp hơn dự báo trên khoảng 70.000 người.
“Điều này thực sự phụ thuộc vào hành động của cả chính phủ và cá nhân mỗi công dân”, ông Chris Murray, Giám đốc IHME, nhấn mạnh.
IHME dự báo nếu Mỹ không có bất cứ thay đổi nào về các biện pháp kiểm dịch hiện thời, số người chết vì Covid-19 có thể giảm trong tháng 9 nhưng sẽ tăng trở lại vào mùa thu và có thể lên khoảng 310.000 người vào ngày 1/12.
Ông Murray cho biết, nếu chính phủ Mỹ nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội và quy định đeo khẩu trang bắt buộc hiện tại, số người chết vì Covid-19 trung bình hàng ngày có thể lên 6.000 người, cao hơn so với mức dự báo hiện tại là 2.000 người. Mặt khác, nếu 95% người dân Mỹ đeo khẩu trang, sẽ có khoảng 70.000 người được cứu sống.
Mỹ hiện là tâm dịch lớn nhất thế giới với gần 6 triệu người mắc Covid-19, trong đó hơn 180.000 người tử vong. Số ca mắc mới và tử vong do Covid-19 ở nhiều địa phương của Mỹ đang có xu hướng giảm gần đây, song Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cảnh báo, dịch có thể bùng phát nghiêm trọng hơn vào mùa thu và mùa đông tới.
Trung Quốc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19
Trung Quốc cho phép sử dụng các vaccine Covid-19 chưa được phê duyệt do một số công ty ở nước này phát triển trong trường hợp khẩn cấp.
Việc cấp phép sử dụng khẩn cấp dựa trên Luật Quản lý Vaccine Trung Quốc, cho phép sử dụng những ứng viên vaccine chưa qua phê duyệt với những người có nguy cơ lây nhiễm cao trong một khoảng thời gian giới hạn.
“Chúng tôi đã vạch ra một loạt gói kế hoạch, bao gồm các biểu mẫu chấp thuận y tế, kế hoạch giám sát tác dụng phụ, kế hoạch cứu hộ, kế hoạch bồi thường, để đảm bảo rằng việc sử dụng khẩn cấp được quản lý và giám sát tốt”, ông Zheng Zhongwei, người đứng đầu nhóm chuyên trách phát triển vaccine Covid-19 của Trung Quốc, nói với đài truyền hình nhà nước CCTV hôm 22/8.
Ông Zheng cho biết Trung Quốc chính thức cấp phép sử dụng khẩn cấp các vaccine Covid-19 từ hôm 22/7, khi các ứng viên đang được thử nghiệm lâm sàng. Những người được tiêm liều đầu tiên khi đó cho hay họ có rất ít phản ứng phụ.
Theo Luật Quản lý Vaccine của Trung Quốc, khi một trường hợp khẩn cấp y tế đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, các vaccine đang trong thử nghiệm lâm sàng có thể được sử dụng với một lượng giới hạn để bảo vệ các nhân viên y tế và phòng chống dịch, các nhân viên biên giới và những người khác làm việc trong các hoạt động quan trọng của thành phố, ông giải thích.
WHO đưa ra khuyến nghị mới về khẩu trang
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa khuyến nghị trẻ em từ 12 tuổi trở lên nên đeo khẩu trang để giúp đối phó dịch Covid-19.
Theo hãng tin Reuters hôm 23/8, WHO và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cho rằng trẻ em từ 12 tuổi trở lên nên đeo khẩu trang khi không thể bảo đảm duy trì khoảng cách 1 m so với người khác và trong trường hợp dịch bệnh lây lan mạnh tại khu vực sinh sống.
Đối với trẻ em từ 6 đến 11 tuổi, việc có nên đeo khẩu trang hay không phụ thuộc một số yếu tố, trong đó có mức độ lây nhiễm tại địa phương, khả năng sử dụng khẩu trang của trẻ, nguồn khẩu trang và sự giám sát đầy đủ của người lớn. Trẻ em từ 5 tuổi trở xuống không nên bị bắt buộc đeo khẩu trang vì an toàn và lợi ích nói chung của trẻ.
Khuyến nghị trên được đưa ra trong bối cảnh số người tử vong vì Covid-19 trên thế giới đã vượt mốc 800.000 người trong lúc số ca mắc tăng lên gần 23,5 triệu. Theo Reuters, một số nước đang tăng cường các biện pháp hạn chế để đối phó sự bùng phát trở lại của dịch bệnh.
TT Trump thông báo đột phá lịch sử trong điều trị Covid-19 ở Mỹ
Các nhà chức trách Mỹ hôm 23/8 thông báo đã phê duyệt khẩn cấp việc sử dụng huyết tương của bệnh nhân Covid-19 đã khỏi để điều trị cho người nhiễm virus corona tại nước này.
Việc phê duyệt của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) diễn ra khi Tổng thống Donald Trump phải đối mặt với áp lực lớn trong việc khống chế dịch bệnh đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng như triển vọng tái đắc cử của ông vào tháng 11.
Từ Nhà Trắng, ông Trump công bố việc phê duyệt này, nói rằng chiến lược điều trị có tuổi đời 100 năm là “bước đột phá lịch sử”.
“Đây là một liệu pháp mạnh mẽ, truyền kháng thể rất mạnh từ máu của bệnh nhân đã hồi phục để giúp điều trị bệnh nhân đang chống chọi với căn bệnh truyền nhiễm. Cách điều trị này có tỷ lệ thành công đáng kinh ngạc”, ông nói.
Huyết tương được cho là có chứa các kháng thể mạnh mẽ có thể giúp người nhiễm virus corona nhanh chóng bình phục hơn, không bị tổn thương nghiêm trọng vì căn bệnh do virus gây ra.
“Sản phẩm này có thể có hiệu quả trong việc điều trị Covid-19 và… những lợi ích đã biết và tiềm năng của sản phẩm lớn hơn những rủi ro đã biết và tiềm ẩn của sản phẩm”, FDA cho biết trong một tuyên bố.
Mặc dù phương pháp điều trị này đã được áp dụng cho bệnh nhân ở Mỹ và các quốc gia khác, mức độ hiệu quả vẫn đang là đề tài tranh luận và một số người cảnh báo rằng có thể có tác dụng phụ.
“Huyết tương của người khỏi bệnh có thể có tác dụng – dù điều này vẫn cần được chứng minh bằng thử nghiệm lâm sàng – nhưng không phải là phương pháp điều trị cho người bệnh nặng”, Len Horovitz, chuyên gia về phổi tại Bệnh viện Lenox Hill ở thành phố New York, nói.
Ông nói việc điều trị bằng huyết tương có thể hiệu quả hơn nhiều ngay sau khi một người tiếp xúc với virus, khi cơ thể đang cố gắng vô hiệu hóa virus.
Báo Washington Post cho biết hơn 70.000 bệnh nhân nhiễm virus corona ở Mỹ đã được truyền huyết tương như vậy. Dịch bệnh đến nay đã làm ít nhất 176.000 người thiệt mạng tại nước này.
*** Gần 812 nghìn người trên thế giới tử vong vì COVID-19
(ĐCSVN) – Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến sáng ngày 24/8 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 23.546.433 ca nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), trong đó 811.436 ca tử vong và 16.039.613 ca phục hồi.
Đại dịch COVID-19 đã lan sang 215 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 175.293 ca mắc mới và 3.490 ca tử vong vì đại dịch. Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 5.870.336 ca nhiễm COVID-19, trong đó 180.555 ca tử vong. Ngày 23/8, giới chức Mỹ ghi nhận có thêm 28.908 ca mắc mới và 381 ca tử vong vì dịch bệnh.
Tại châu Âu, số người nhiễm COVID-19 hiện tại là 3.354.547 người, với 205.304 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận đã có thêm 19.767 ca nhiễm mới và 189 ca tử vong vì COVID-19. Nga là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực. Quốc gia này ghi nhận đã có 956.749 ca mắc COVID-19 và 16.383 ca tử vong vì dịch bệnh.
Giới chức Nga thông báo đã ghi nhận thêm 4.852 ca nhiễm mới COVID-19 trong 24 giờ qua. Số ca tử vong cũng tăng thêm 73 ca. Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Nga Denis Manturov ngày 23/8 tuyên bố nước này dự kiến sản xuất từ 1,5-2 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 mỗi tháng vào cuối năm nay, sau đó tăng dần lên 6 triệu liều mỗi tháng. Theo kế hoạch, Nga sẽ bắt đầu thử nghiệm trên diện rộng vaccine ngừa COVID-19, do Viện Gameleya tại thủ đô Moskva phát triển từ tuần tới. Tính đến nay, Nga đã tiến hành tổng cộng hơn 34,4 triệu xét nghiệm COVID-19 trên khắp toàn quốc.
Tây Ban Nha, Anh, Italy lần lượt là các quốc gia xếp sau Nga về mức độ ảnh hưởng do COVID-19 trong khu vực với lần lượt là 407.879; 325.642 và 259.345 ca nhiễm COVID-19 ghi nhận được vào thời điểm hiện tại.
Châu Á, đã có tổng cộng 6.296.873 ca nhiễm và 130.235 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 82.026 ca mắc mới và 1.327 trường hợp tử vong. Riêng tại châu Á, có 4.978.879 ca được điều trị khỏi; 1.187.759 ca đang được điều trị tích cực và chỉ còn 18.992 ca bệnh nặng.
Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Ngày 23/8, Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ thông báo đã ghi nhận thêm 61.749 ca mắc mới và 846 ca tử vong do dịch COVID-19 trong ngày, đưa tổng số bệnh nhân và số trường hợp mắc và không qua khỏi do dịch bệnh nguy hiểm này lên lần lượt là 3.105.185 và 57.692 ca. Trong vài tuần gần đây, Chính phủ Ấn Độ đã tập trung đẩy mạnh việc mở rộng xét nghiệm COVID-19. Tính đến nay đã có tổng cộng hơn 34,5 triệu xét nghiệm được tiến hành.
Kiểm tra thân nhiệt nhằm kiểm soát dịch COVID-19 lây lan tại Ấn Độ. (Ảnh: Nirmal Harindran)
Iran là quốc gia xếp sau Ấn Độ về mức độ ảnh hưởng do COVID-19 tại châu lục. Ngày 23/8, giới chức y tế Iran xác nhận các trường hợp COVID-19 ở nước này đã lên tới 358.905 người, sau khi có thêm 2.133 trường hợp mới ghi nhận trong ngày. Nước này cũng ghi nhận có thêm 141 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại Iran lên 20.643 trường hợp.
Tại Đông Nam Á (ASEAN), đến hết ngày 23/8, khu vực này ghi nhận thêm 4.475 ca mắc mới và 119 ca tử vong vì COVID-19. Như vậy, tính đến nay khu vực này ghi nhận có tổng cộng 414.059 ca mắc COVID-19, trong đó 9.924 ca tử vong.
Indonesia hiện dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch và bỏ xa các nước khác. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 6.680 ca tử vong và 153.535 ca mắc COVID-19. Philppines dẫn đầu khu vực về số ca mắc COVID-19 với 189.601 ca. Bộ Y tế nước này thông báo số ca tử vong vì dịch bệnh là 2.998 người.
Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận thêm 38.063 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 6.933.683 ca, tổng số người tử vong là 259.134 người. Số ca phục hồi ở khu vực này là 3.875.525 trường hợp. Sau Mỹ, Mexico là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhiều thứ 2 lại khu vực này, với 556.216 ca nhiễm và 60.254 ca tử vong. Tiếp đến là Canada với 124.896 ca nhiễm và 9.073 ca tử vong vì COVID-19.
Khu vực Nam Mỹ có tổng cộng 5.741.541 ca nhiễm; 188.416 ca tử vong và 4.270.082 ca phục hồi. Brazil tiếp tục dẫn đầu khu vực và thứ 2 thế giới về mức độ ảnh hưởng do COVID-19. Tính đến nay, tổng số ca bệnh ở Brazil đã lên tới 3.605.783 ca, trong đó 114.744 ca tử vong. Peru xếp sau Brazil tại khu vực với 585.236 ca nhiễm và 27.453 ca tử vong vì dịch bệnh. Tiếp đến là Colombia với 533.103 ca nhiễm và 16.968 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, trong 24 giờ qua, Australia và New Zealand là các quốc gia trong khu vực ghi nhận có ca mắc mới vì COVID-19. Hiện, Ausralia đang dẫn đầu châu lục vì số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận đã có thêm 210 trường hợp mắc mới (chủ yếu tập trung tại bang Victoria) và 17 trường hợp tử vong vì virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong vì dịch bệnh tại nước này lên tới 24.812 ca, trong đó số ca tử vong là 502 trường hợp.
New Zealand là quốc gia xếp ở vị trí thứ 2 sau Australia về số ca lây nhiễm, với 1.674 ca, trong đó 22 trường hợp tử vong. Ngày 23/8, nước này công bố có thêm 3 ca nhiễm mới COVID-19, ghi nhận ca dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Papua New Guinea ghi nhận có 361 ca mắc virus SARS-CoV-2, trong đó có 4 trường hợp tử vong. Hiện, Fiji là một trong 4 quốc gia trong khu vực ghi nhận đã có ca tử vong vì đại dịch COVID-19. Tính đến nay, quốc gia này ghi nhận có 28 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 1 trường hợp tử vong.
Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này có tổng cộng 1.191.872 ca mắc COVID-19, trong đó 27.803 ca tử vong. Nam Phi hiện vẫn dẫn đầu về số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại châu lục, với 609.773 trường hợp, trong đó 13.059 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận có thêm 2.728 ca mắc mới COVID-19 và 72 ca tử vong vì đại dịch.
Ai Cập là quốc gia xếp sau Nam Phi về mức độ ảnh hưởng tại khu vực khi ghi nhận có 97.237 ca nhiễm COVID-19 và 5.243 ca tử vong vì dịch bệnh, tiếp đến là Morocco với 52.349 ca nhiễm và 888 ca tử vong vì COVID-19./.
Tổng hợp-TT