VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 26/1/2021.

     Chính quyền ông Biden bắt tay cùng đồng minh ứng phó Trung Quốc; Cuộc ‘khủng hoảng container’ toàn cầu; Người giàu chỉ mất 9 tháng đã hồi phục sau đại dịch Covid-19, trong khi người nghèo có thể cần cả một thập niên!; Ấn Độ: Bùng phát cúm gia cầm; Giải độc đắc 1 tỷ USD tại Mỹ; Hơn 100 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu, Anh lo biến chủng kháng vaccine…là những tin chính được cập nhật.
Chính quyền ông Biden bắt tay cùng đồng minh ứng phó Trung Quốc
Chính quyền Biden bắt tay cùng các đồng minh ứng phó Trung Quốc
   Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden
Chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bắt đầu xét lại cuộc chiến thương mại cùng các hành động khác chống Trung Quốc và sẽ bắt tay các đồng minh ngăn chặn “sự lạm dụng kinh tế trên nhiều mặt trận” của Bắc Kinh.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 25/1 tuyên bố, chính quyền của ông Biden cam kết “một cách tiếp cận bình tĩnh, đa phương trong tương tác với Trung Quốc, bao gồm cả việc đánh giá các mức thuế đang áp dụng”.
Bà Psaki nói thêm, tân Tổng thống Mỹ muốn đảm bảo chính quyền của ông “sẽ thực hiện mọi bước cần thiết trong sự phối hợp với các đồng minh và đối tác, cũng như với các nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội”.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc do cựu Tổng thống Donald Trump châm ngòi nổ vào năm 2018 đã ngừng leo thang cách đây một năm, khi ông và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ký thỏa thuận giai đoạn 1, trong đó Bắc Kinh cam kết sẽ mua thêm hàng hóa và dịch vụ Mỹ để đổi lấy việc Washington chấp nhận ngưng các kế hoạch áp thuế mới lên hàng hóa xuất xứ Trung Quốc.
Kết quả phân tích dữ liệu hải quan Trung Quốc của Viện Kinh tế quốc tế Peterson tuần trước cho thấy, Bắc Kinh mới chỉ hoàn thành 58% các mục tiêu đã cam kết trong thỏa thuận giai đoạn 1. Điều này đặt ra câu hỏi về việc liệu thỏa thuận có khả thi hay không ngay cả khi không có tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.
Ý định của ông Biden đối với các biện pháp đánh thuế nhập khẩu Trung Quốc đang thu hút đông đảo sự chú ý, vì chúng được coi là một dấu hiệu hé lộ cách nhà lãnh đạo mới ở Washington sẽ xử lý mối quan hệ song phương như thế nào.
Nhà Trắng cũng đang tiến hành xem xét các vấn đề Mỹ – Trung khác, bao gồm cả sắc lệnh hành pháp do ông Trump ký duyệt nhằm cấm các nhà đầu tư Mỹ mua mới cổ phần ở 3 hãng viễn thông Trung Quốc bắt đầu từ ngày 11/1 và cho họ thời gian đến tháng 11 để hoàn tất việc bán hết số cổ phần hiện có.
Chỉ trong vài ngày đầu tiên lên nắm quyền, ông Biden đã nhanh chóng đảo ngược một số chính sách của người tiền nhiệm, kể cả việc đưa Washington quay trở lại thỏa thuận khí hậu Paris. Song, tân lãnh đạo Nhà Trắng vẫn chưa làm điều tương tự đối với bất kỳ vấn đề nào liên quan trực tiếp đến Trung Quốc.
Giải độc đắc 1 tỷ USD tại Mỹ
ZingNews: Trước đêm quay số 22/1 (trưa 23/1 giờ Việt Nam), giá trị giải độc đắc Mega Millions tại Mỹ đã tăng lên đến gần 1 tỷ USD sau hơn bốn tháng không có người trúng thưởng.
Theo NBC News, đây là lần thứ ba trong lịch sử giá trị giải độc đắc Mega Millions tiến sát đến cột mốc 1 tỷ USD. Cơ hội để thắng giải 1 tỷ USD chỉ là 1/302,5 triệu. Hồi giữa tuần, một người tại Maryland trúng độc đắc Powerball 731,1 triệu USD. Cơ hội để trúng giải thưởng này là 1/292,2 triệu.
Để so sánh, giáo sư toán Steven Bleiler thuộc Đại học Portland cho biết cơ hội để trúng giải tương tự như việc bơi trong bể bơi rộng 12,2 m, dài 36,6 m và sâu 1,5 m chứa đầy những viên kẹo M&M nhỏ xíu, chỉ một viên duy nhất màu xanh. Để trúng giải, người chơi phải bịt mắt, nhảy vào bể bơi quờ quạng cho đến khi tìm được viên kẹo màu xanh đó.
Giáo sư toán Andrew Swift thuộc Đại học Nebraska-Omaha mô tả cơ hội để một người nhặt được hai con hàu và tìm thấy ngọc trai trong cả hai con lớn gấp đôi khả năng trúng giải Mega Millions hoặc Powerball.
Các công ty xổ số đối phó với tình trạng này bằng cách giảm giá trị giải thưởng khởi điểm từ 40 triệu USD xuống 20 triệu USD, đồng thời thay đổi một số quy định. Dù vậy, doanh số xổ số vẫn tiếp tục giảm.Cơn sốt Mega Millions đang tăng lên tại Mỹ khi giá trị giải thưởng quá lớn. Dù vậy, Giám đốc Xổ số Maryland Gordon Medenica cho biết trong hai năm qua, doanh số xổ số tại bang này sụt giảm mạnh tới 50% và lao dốc nghiêm trọng hồi đầu và giữa năm nay.
Có một điều chắc chắn là rồi sẽ có người trúng giải Mega Millions. Người trúng độc đắc Powerball hồi giữa tuần có thể nhận 716,3 triệu USD theo từng đợt hàng năm trong 30 năm (chưa trừ thuế) hoặc nhận một lần 546,8 triệu USD.
Cuộc ‘khủng hoảng container’ toàn cầu
Chi phí vận tải biển tăng vọt trong bối cảnh các công ty phải chờ hàng tuần, thậm chí trả thêm phí để có container, theo giới quan sát trong ngành.
Đại dịch Covid-19 cùng sự phục hồi kinh tế không đồng đều trên thế giới dẫn đến tình trạng thiếu hụt container ở châu Á cùng nhiều khu vực khác. Giới quan sát ngành cho biết các công ty phải chờ hàng tuần, thậm chí trả thêm phí để có container, đẩy chi phí vận tải biển tăng vọt.
Tình trạng này ảnh hưởng tất cả các bên cần vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc, đặc biệt là công ty thương mại điện tử và người tiêu dùng – có thể phải gánh chịu phần chi phí tăng thêm.
Tháng 12, phí vận tải giao ngay tăng 264% đối với tuyến châu Á – Bắc Âu so với cùng kỳ năm trước, theo Mirko Woitzik, giám đốc giải pháp rủi ro tại Resilience36. Mức tăng là 145% đối với tuyến châu Á – Bờ Tây Mỹ.
So với đáy tháng 3, phí vận tải từ Trung Quốc đến Mỹ và châu Âu tăng 300%, Mark Yeager, giám đốc điều hành Redwood Logistics, nói. Phí giao ngay tăng khoảng 6.000 USD/container so với giá bình thường 1.200 USD.
Giá vận tải từ Mỹ cũng tăng nhưng không đột ngột như vậy, Yeager cho biết thêm.
“Lý do là phía Trung Quốc quá mạnh tay trong việc lấy lại container rỗng… lấy một container từ các nhà xuất khẩu Mỹ là khó”. Cứ 4 container từ Mỹ về châu Á thì có 3 container rỗng.
Người giàu chỉ mất 9 tháng đã hồi phục sau đại dịch Covid-19, trong khi người nghèo có thể cần cả một thập niên!
Chín tháng, đó là khoảng thời gian mà 1.000 tỷ phú hàng đầu thế giới đã mất để phục hồi tài sản sau khi đại dịch virus corona tấn công.
Trong khi đó, “hơn một thập niên” là khoảng thời gian mà những người nghèo nhất thế giới có thể mất để phục hồi, theo báo cáo bất bình đẳng hàng năm của Oxfam International.
Báo cáo được công bố vào hôm Chủ nhật, trước khi diễn ra cuộc họp qua mạng internet của các nhà lãnh đạo chính trị và tài chính của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, thường được tổ chức tại Davos, Thụy Sĩ, cho thấy tác động khác nhau của virus corona trên toàn cầu. Theo Oxfam, đại dịch có thể làm gia tăng bất bình đẳng kinh tế ở hầu hết mọi quốc gia, và đây là lần đầu tiên điều này xảy ra.
“Chúng ta đang chứng kiến ​​sự gia tăng bất bình đẳng lớn nhất kể từ khi những con số bắt đầu được ghi nhận. Sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc đang chứng tỏ nguy cơ chết người như virus.
Các nền kinh tế đang phát triển đang mang lại sự giàu có cho một tầng lớp giàu có – những người đang vượt qua đại dịch trong sự xa xỉ, trong khi những người ở tuyến đầu của đại dịch – nhân viên bán hàng, chăm sóc sức khỏe và người bán hàng ở chợ – đang phải vật lộn để trả các hóa đơn và có cái để ăn”, Gabriela Bucher, giám đốc điều hành của Oxfam, cho biết.
Virus corona, đã lây nhiễm cho gần 100 triệu người và giết chết hơn 2,1 triệu người trên toàn cầu, khiến bất bình đẳng trở thành tâm điểm chú ý. Cách mọi người đối phó với đại dịch này cũng khác nhau theo chủng tộc, giới tính và thu nhập.
Ấn Độ: Bùng phát cúm gia cầm
SGGP Cục Chăn nuôi, Sữa và Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phúc lợi nông dân Ấn Độ vừa xác nhận, bệnh cúm gia cầm đã bùng phát tại 9 bang và lây nhiễm trong các loài chim hoang dã ở 12 bang của nước này.
Các hoạt động kiểm soát và ngăn chặn dịch cúm gia cầm đang được triển khai ở vùng tâm dịch tại các bang Maharashtra, Madhya Pradesh, Chhattisgarh, Punjab, Uttar Pradesh, Gujarat và Kerala. Chính phủ Ấn Độ sẽ bồi thường cho những nông dân có gia cầm, trứng và các sản phẩm gia cầm bị tiêu hủy hoặc xử lý nhằm ngăn chặn dịch.
Trước đó, từ ngày 13-1, cơ quan chức năng Ấn Độ ra quyết định cấm mọi hoạt động liên quan đến buôn bán, bảo quản và chế biến thịt gia cầm trên địa bàn khu vực phía Bắc và phía Nam của thủ đô New Delhi nhằm ứng phó với dịch. Ấn Độ ghi nhận đợt dịch cúm gia cầm đầu tiên hồi năm 2006.
*** Hơn 100 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu, Anh lo biến chủng kháng vaccine
  Toàn cầu ghi nhận hơn 100 triệu ca nhiễm nCoV, hơn 2,1 triệu người chết, Anh muốn siết chặt biên giới vì lo ngại các biến chủng nguy hiểm.
    Thế giới ghi nhận 100.226.950 ca nhiễm và 2.147.944 người chết do Covid-19, tăng lần lượt 508.857 và 10.279 ca trong 24 giờ qua. 72.208.427 người đã bình phục, theo trang cập nhật thời gian thực Worldometers.
Anh hôm nay ghi nhận thêm 592 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 98.531, cao nhất ở châu Âu. Nước này báo cáo 3.669.658 ca nhiễm, tăng 22.195 ca so với hôm qua.
Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 25/1 cho biết đang xem xét các quy định thắt chặn phong tỏa biên giới vì nguy cơ xuất hiện các chủng nCoV “kháng vaccine”. Những biến chủng này có thể kéo dài cuộc chiến với Covid-19 hơn dự kiến, khi nhiều nhà khoa học lo ngại chúng có khả năng gây tử vong cao hơn và vaccine có hiệu quả thấp hơn so với nguyên bản.
“Chúng ta phải nhìn nhận rằng có những mối đe dọa về lý thuyết rằng các biến chủng kháng vaccine đang dần xuất hiện. Caanfa phải kiểm soát điều đó. Chúng tôi muốn bảo vệ cư dân và đất nước khỏi các trường hợp tái nhiễm từ nước ngoài, chúng ta cần một giải pháp”, Johnson nói.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 145.715 ca nhiễm và 1.815 ca tử vong, đưa tổng số người nhiễm lên 25.828.054 và 431.042 người chết. Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại Mỹ khi ca nhiễm mới hàng ngày liên tục vượt 100.000 người.
Tổng thống Joe Biden hôm 25/1 cho biết ông có thể nâng mục tiêu số người được tiêm vaccine trong 100 ngày từ 100 triệu lên 150 triệu, thêm rằng nhiều khả năng giới chức sẽ có khả năng cung cấp một triệu liều vaccine Covid-19 mỗi ngày trong vòng ba tuần tới.
“Nếu chúng ta đeo khẩu trang từ nay đến hết tháng 4, các chuyên gia cho rằng sẽ có 50.000 người được cứu sống”, Biden nói.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 9.036 ca nhiễm và 116 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 10.677.710 và 153.624.
Thủ tướng Narendra Modi hôm 22/1 cho biết Ấn Độ sẽ hoàn toàn tự chủ về nguồn cung cấp vaccine Covid-19 trong bối cảnh quốc gia này đã tiêm vaccine cho hơn một triệu dân trong vòng một tuần kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng lớn nhất thế giới.
Quốc gia đông dân thứ hai thế giới đã đặt mục tiêu tiêm vaccine Covid-19 cho khoảng 300 triệu trong số 1,3 tỷ dân trước tháng 7, tương đương gần như toàn bộ dân số Mỹ.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 583 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 217.664. Số người nhiễm nCoV tăng 26.793 ca trong 24 giờ qua, lên 8.871.393.
Thẩm phán Tòa án Tối cao Brazil Ricardo Lewandowski đã phê chuẩn mở cuộc điều tra nhằm vào Bộ trưởng Y tế Eduardo Pazuello, liên quan đến cách xử lý đại dịch ở thành phố miền bắc Manaus. Tổng công tố Augusto Aras sẽ có 60 ngày để điều tra, trong khi Bộ trưởng Pazuello có 5 ngày để khai báo với cảnh sát liên bang.
Manaus nằm tại bang Amazonas, là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đợt bùng phát dịch thứ hai. Hệ thống y tế khẩn cấp của thành phố gần như sụp đổ, không có nguồn cung oxy cho bệnh nhân, buộc chính phủ huy động bình oxy từ khắp cả nước để cứu các bệnh nhân. Đây cũng là nơi xuất hiện biến chủng nCoV mới với những đặc điểm tương đồng các chủng siêu lây nhiễm ở Anh và Nam Phi.
Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận thêm 19.290 ca nhiễm nCoV và 456 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.738.690 và 69.918. Đây là lần đầu tiên Nga ghi nhận dưới 20.000 ca nhiễm mỗi ngày kể từ ngày 11/11/2020.
Giới chức Nga cho biết 1,5 triệu công dân đã được tiêm vaccine, sau khi chiến dịch tiêm chủng đại trà được khởi động từ 18/1. Trước đó nước này đã bắt đầu tiêm cho nhóm nguy cơ cao, bao gồm nhân viên y tế, giáo viên và người cao tuổi. Chính quyền đánh giá đỉnh dịch thứ hai có thể đã qua và thông báo mở lại tất cả trường học từ tuần tới.
Nga đã nộp đơn đăng ký xin cấp phép sử dụng Sputnik V tại Liên minh châu Âu và dự kiến được xem xét vào tháng 2. Sputnik V đã được phê duyệt ở Argentina, Belarus, Serbia và một số nước khác.
Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 4.240 ca nhiễm và 445 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.057.857 và 73.494. Chính phủ Pháp đã áp đặt một số biện pháp kiểm soát biên giới mới, có hiệu lực từ ngày 24/1, như một phần trong nỗ lực ngăn chặn Covid-19 lây lan và tránh các lệnh phong tỏa toàn quốc.
Sau khi khởi động chiến dịch tiêm chủng được đánh giá khá muộn, các cơ quan y tế Pháp thông báo một triệu người dân đã được tiêm vaccine tính tới ngày 23/1. Tuy nhiên, tỷ lệ lây nhiễm, nhập viện và tử vong do nCoV tăng cao đã dấy lên lo ngại quốc gia này có thể đối mặt làn sóng Covid-19 lần ba nghiêm trọng hơn.
Đức là vùng dịch lớn thứ 10 thế giới với 2.154.369 ca nhiễm và 53.402 ca tử vong vì Covid-19, tăng lần lượt 6.597 và 625 ca so với một ngày trước đó. Tốc độ lây lan của nCoV tại Đức gần đây đã chậm lại, nhưng số ca tử vong cao hơn mức tăng tuần trước.
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn hôm 24/1 xác nhận nước này sẽ mua 200.000 liều thuốc kháng thể để điều trị Covid-19. Đây được cho là phương pháp đã giúp cựu tổng thống Mỹ Donald hồi phục sau khi nhiễm nCoV.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 999.256 ca nhiễm, tăng 9.994, trong đó 28.132 người chết, tăng 297.
Quốc gia đông dân thứ tư thế giới đối mặt với thách thức khổng lồ là tiêm chủng cho 181,5 triệu người, tức 2/3 dân số. Chính quyền cho hay sẽ ưu tiên 1,5 triệu nhân viên y tế và 17,4 triệu công chức trong vòng đầu tiên dự kiến kéo dài tới tháng 4. Phần cư dân còn lại sẽ được tiêm vaccine đến tháng 3/2021.
Philippines báo cáo 514.996 ca nhiễm và 10.292 ca tử vong, tăng lần lượt 1.581 và 50 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuần trước khẳng định sẽ không ngăn cản người dân tiêm vaccine Covid-19 do Pfizer phát triển, bất chấp lo ngại về những ca tử vong tại Na Uy. Ông cũng bảo vệ thỏa thuận mua vaccine CoronaVac do tập đoàn Sinovac của Trung Quốc sản xuất.
Tổng hợp-TT