Tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu tiên điện đàm với Tổng thống Nga; Gần 16.000 người tử vong vì COVID-19 chỉ trong một ngày; Hà Lan bạo động do Covid-19; WHO đưa ra chỉ dẫn lâm sàng mới về điều trị bệnh nhân Covid-19; Hơn triệu ca nhiễm Covid-19 tại Indonesia…là những tin chính được cập nhật.
Tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu tiên điện đàm với Tổng thống Nga
Ông Joe Biden và ông Vladimir Putin. Ảnh: Reuters
Chính quyền Biden trước đây từng bày tỏ sẵn sàng làm việc với Moscow để gia hạn hiệp định kiểm soát vũ khí cuối cùng còn lại giữa hai nước, nhưng có thông tin rằng họ không có kế hoạch “thiết lập lại” mối quan hệ đang xấu đi với Điện Kremlin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc điện đàm đầu tiên với tân Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng việc bình thường hóa quan hệ giữa Washington và Moscow là vì lợi ích của cả hai nước. Ông Putin nói thêm rằng với tầm ảnh hưởng của hai nước đối với an ninh và ổn định toàn cầu, sự cải thiện trong đối thoại giữa hai cường quốc cũng sẽ mang lại lợi ích cho toàn thế giới, Sputnik đưa tin.
Trong cuộc điện đàm, diễn ra theo sáng kiến của ông Biden, hai tổng thống đã thảo luận về một số vấn đề, trong đó có các yếu tố khiến quan hệ song phương gặp khó khăn trong thời gian qua. Theo Nhà Trắng, ông Biden đã nêu ra các vấn đề như các cuộc tấn công mạng gần đây nhằm vào các công ty và tổ chức chính phủ của Mỹ mà Mỹ quy trách nhiệm cho Nga nhưng không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào.
Hai tổng thống qua điện thoại cũng thảo luận về vấn đề hiệp ước START Mới sắp hết hạn, hiệp định vũ khí cuối cùng hạn chế kho vũ khí hạt nhân của hai quốc gia. Cả ông Biden và ông Putin đều bày tỏ sự hài lòng với thỏa thuận sơ bộ về việc gia hạn hiệp ước. Điện Kremlin cho biết các thủ tục chính thức cho việc gia hạn START Mới sẽ được hoàn tất trong những ngày tới.
Quan hệ Mỹ-Nga đã đi xuống kể từ năm 2014 liên quan đến tình hình bất ổn ở Đông Ukraine. Mối quan hệ ngày càng xấu đi sau khi Washington đưa ra một loạt cáo buộc vô căn cứ chống lại Moscow, bắt đầu với cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 cũng như các cuộc tấn công mạng. Những cáo buộc này thường được theo sau bởi các lệnh trừng phạt kinh tế chống lại Nga, vốn đã bị Điện Kremlin lên án gay gắt. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần bày tỏ sự sẵn sàng bình thường hóa quan hệ song phương nếu Nhà Trắng cũng có thiện chí, nhưng cho đến nay chính quyền mới vẫn chưa đưa ra ý định như vậy.
Gần 16.000 người tử vong vì COVID-19 chỉ trong một ngày
(ĐCSVN) – Đến sáng 27/1, thế giới có tổng số 100.809.748 ca nhiễm và 2.165.081 ca tử vong vì dịch COVID-19, sau khi ghi nhận thêm lần lượt 525.826 và 15.799 ca chỉ trong vòng 24 giờ qua. Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất do đại dịch này.
Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 27/1, đã có 72.818.633 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 25.823.590 ca bệnh đang điều trị, có 25.715.864 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 110.170 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện hoành hành tại 221 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, với thêm 145.832 ca nhiễm, Mỹ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Brazil (63.626 ca) và Tây Ban Nha (36.435 ca). Cùng với đó, Mỹ cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 3.980 ca, sau đó là Anh (1.631 ca) và Brazil (1.206 ca).
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ tiếp tục tăng nhanh trong 24 giờ qua, khi có thêm 165.228 ca nhiễm COVID-19 và 4.923 ca tử vong vì dịch bệnh này, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 29.719.276 và 627.790 ca. Đây là khu vực có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất thế giới. Với 26.008.789 ca nhiễm và 435.387 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 1.771.740 và 757.022 ca nhiễm, cùng 150.273 và 19.403 ca tử vong vì COVID-19.
Châu Âu là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ hai thế giới, hiện ở mức 29.392.489 ca, trong đó có 676.638 ca tử vong và 16.341.525 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu lục này đã ghi nhận thêm 168.135 ca nhiễm và 6.516 ca tử vong mới vì COVID-19. Nga, Anh, Pháp tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 3.756.931; 3.689.746 và 3.079.943 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Và Anh hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 100.162 ca, sau khi có thêm 1.631 ca trong 24 giờ qua, tiếp sau đó là Italy (86.422 ca) và Pháp (74.106 ca).
Với 22.711.180 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 27/1, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ ba thế giới. Trong đó, 366.733 ca đã tử vong do COVID-19 và 21.153.258 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là: Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 10.690.279; 2.442.350 và 1.385.706 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 153.751; 25.344 và 57.560 ca.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 99.608 ca nhiễm và 2.176 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 15.445.381 ca và 405.752 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 63.626 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 8.936.590 vào thời điểm hiện tại, và 1.206 ca tử vong mới do dịch bệnh này, khiến tổng số ca tử vong đã ở mức 218.918 ca.
Tính đến sáng 27/1, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 3.490.691 ca, trong đó có 87.077 ca tử vong và 2.960.635 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 1.423.578 ca nhiễm và 41.797 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 6.041 ca nhiễm và 680 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 467.493 và 200.662 ca nhiễm bệnh cùng 8.187 và 6.370 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 50.010 ca nhiễm (tăng 70 ca) và 1.076 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 3 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 28.780 ca, trong đó 909 ca tử vong.
Thời gian gần đây, sự xuất hiện của biến thể virus Corona đã khiến cộng đồng quốc tế càng trở nên lo ngại. Thứ trưởng Bộ Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire ngày 26/1 khẳng định “đã phát hiện sự lây nhiễm ở địa phương, nơi những ca nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 đã lây cho cộng đồng và gia đình”. Bộ Y tế Philippines lưu ý thêm rằng 12 người ở Bontoc (một tỉnh miền núi phía Bắc) đã bị lây nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 (hay còn được biết đến với tên gọi B.1.1.7) trên tổng số 17 ca bệnh nhiễm B.1.1.7 trong cả nước. Sự việc đã khiến Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hủy bỏ kế hoạch cho phép nhóm đối tượng vị thành niên được phép ra khỏi nhà. Trước đó, ông Duterte có kế hoạch cho phép trẻ em từ 10 – 14 tuổi ở những khu vực có nguy cơ thấp ra ngoài bắt đầu từ ngày 1/2.
Cũng trong ngày 26/1, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen kêu gọi các công ty sản xuất vaccine ngừa COVID-19 “phải giao hàng”, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Liên minh châu Âu (EU) và các công ty dược phẩm vì việc giao hàng chậm trễ. Bà von der Leyen khẳng định EU sẽ thiết lập một cơ chế minh bạch về xuất khẩu vaccine để bảo đảm các công ty tôn trọng các nghĩa vụ theo hợp đồng của họ với EU. Bà Von der Leyen cho biết việc mua vaccine của EC không chỉ dành cho riêng EU mà còn dành cho các nước nghèo hơn ngoài EU, những nước phải được cung cấp vaccine thông qua chương trình COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng./.
Hà Lan bạo động do Covid-19
Hà Lan rung chuyển vì bạo động xuất phát từ lệnh giới nghiêm nhằm ngăn dịch Covid-19 lan rộng, số ca nhiễm virus corona ở Indonesia vượt 1 triệu.
WHO đưa ra chỉ dẫn lâm sàng mới về điều trị bệnh nhân Covid-19
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 26/1 đã ban hành chỉ dẫn lâm sàng mới đối với việc điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, gồm cả những người có triệu chứng dai dẳng sau khi đã hồi phục. WHO cũng khuyên nên dùng thuốc chống đông liều thấp để ngăn ngừa cục máu đông.
Reuters dẫn lời phát ngôn viên WHO Margaret Harris phát biểu tại một cuộc họp ngắn của Liên Hợp Quốc tại Geneva, Thuỵ Sĩ như sau: “Các thông tin khác trong chỉ dẫn mới là bệnh nhân Covid-19 tại nhà nên dùng thiết bị đo độ ôxy bão hoà trong máu để có thể nhận biết được liệu tình hình ở nhà có xấu đi và có lẽ nên tới viện để được chăm sóc”.
WHO khuyên các bác sĩ lâm sàng nên đặt bệnh nhân ở tư thế nằm sấp tỉnh táo để cải thiện lưu lượng ôxy, bà Harris cho biết.
Cũng theo phát ngôn viên này, nhóm chuyên gia độc lập do WHO lãnh đạo hiện đang ở thành phố Vũ Hán sẽ rời nơi cách ly trong hai ngày tới. Sau đó, họ sẽ làm việc với các nhà nghiên cứu Trung Quốc về nguồn gốc virus corona.
Hơn triệu ca nhiễm Covid-19 tại Indonesia
Nhà chức trách Indonesia xác nhận số ca nhiễm virus corona ở nước này kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đã vượt quá 1 triệu vào ngày 26/1 và các bệnh viện tại một số khu vực bị dịch bệnh tấn công đang gần hết công suất.
Hãng tin AP dẫn tin từ Bộ Y tế Indonesia cho biết, ca nhiễm hàng ngày ở nước này tăng thêm 13.094 vào hôm qua (26/1), nâng tổng số ca nhiễm virus corona lên 1.012.350, nhiều nhất ở Đông Nam Á. Số ca tử vong ở đây chạm mốc 28.468.
Indonesia chạm tới mốc trên chỉ vài tuần sau khi nước này mở một chiến dịch lớn nhằm tiêm chủng cho 2/3 dân số gồm 270 triệu người. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã được tiêm liều vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên do Trung Quốc sản xuất.
Diễn biến liên quan tới dịch Covid-19 trên thế giới
– Hãng tin AP cho biết, cảnh sát Hà Lan đã bắt giữ hơn 180 người phản đối phong toả và lệnh giới nghiêm ban đêm nhằm hạn chế sự lây lan của virus corona. Bạo động đã kéo dài 3 đêm liên tiếp với các nhóm bạo loạn phóng hoả ô tô, cướp phá các cửa hàng ở nhiều thị trấn và thành phố. Bất ổn nổ ra sau khi chính phủ đưa ra lệnh giới nghiêm ban đêm.
– Chính phủ Đức đang thảo luận giảm số chuyến bay vào Đức xuống gần bằng không nhằm ngăn chặn các biến thể dễ lây nhiễm của virus corona có được chỗ đứng ở nước này. Đức cũng đang cân nhắc một số biện pháp khác gồm đóng cửa biên giới các vùng, những nơi biến thể của virus đang hoành hành, theo Guardian.
– Theo thống kê của Worldometer, tổng số ca nhiễm virus corona trên toàn cầu là 100.783.057 trường hợp, số ca tử vong là 2.164.231, số trường hợp bình phục là 72.791.013.
*** Những vũ khí giúp quân đội Nga tác chiến giữa băng giá -50 độ C
Gần như toàn bộ kho vũ khí của quân đội Nga được thiết kế có tính đến điều kiện khí hậu trong các khu vực hoạt động quân sự khác nhau.
Những nhóm vũ trang bị FBI điều tra sau vụ bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội Mỹ
Quyền chưởng lý Columbia Michael Sherwin cho biết FBI đang bắt đầu điều tra những kẻ chủ mưu trong vụ kích động vụ bạo loạn tại Đồi Capitol, bao gồm một số thành viên của các băng nhóm vũ trang cực hữu theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng và tôn thờ phát xít Đức.
Australia sẽ tiếp nhận sinh viên quốc tế có hộ chiếu tiêm chủng?
Reuters ngày 26/1 đưa tin, Thủ tướng Australia đã lên tiếng về thông tin mà Bộ trưởng Giáo dục nước này đưa ra hồi tuần trước, rằng Canberra sẽ tạo điều kiện cho sinh viên quốc tế có giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19.
Nga dỡ bỏ lệnh cấm đi lại với Việt Nam
Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin hôm 25/1 đã ký quyết định dỡ bỏ lệnh cấm đi lại đối với Phần Lan, Việt Nam, Ấn Độ và Qatar kể từ ngày mai (27/1), theo Reuters.
Tiết lộ mới nhất về việc Anh từng can thiệp bầu cử ở Chile
Hồ sơ của Bộ Ngoại giao Anh được giải mật tiết lộ nước này từng tiến hành một cuộc tấn công tuyên truyền bí mật nhằm ngăn nhà lãnh đạo Salvador Allende của Chile giành chiến thắng trong hai cuộc bầu cử tổng thống dân chủ – và giúp chuẩn bị cơ sở cho chế độ quân sự của Tướng Augusto Pinochet.
Thủ tướng Italia đệ đơn từ chức
Tờ La Repubblica đưa tin, Thủ tướng Italia Giuseppe Conte chiều 26/1 (giờ Việt Nam) sẽ đệ đơn từ chức lên Tổng thống Sergio Mattarella. Theo giới chuyên gia, sự việc này có thể khiến Italia một lần nữa rơi vào khủng hoảng chính trị.
Hy vọng mới giảm căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp
Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp ngày 25/1 bắt đầu các cuộc đàm phán thăm dò tại Istanbul sau 5 năm gián đoạn, nhằm giải quyết các vấn đề về biên giới trên biển, một trong những nguồn cơn xung đột đáng báo động tại khu vực trong năm qua.
Hạ viện Mỹ chính thức buộc tội ông Trump
Hạ viện Mỹ ngày 25/1 chính thức buộc tội cựu Tổng thống Donald Trump vì “kích động nổi dậy” trong bài phát biểu trước người ủng hộ của ông trước khi Quốc hội họp bàn công nhận chiến thắng của ông Joe Biden, Reuters đưa tin.
Quân đội Trung – Ấn lại xô xát tại biên giới tranh chấp?
Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã xảy ra xô xát vào tuần trước tại khu vực biên giới tranh chấp giữa hai nước ở phía đông dãy Himalaya, quân đội Ấn Độ cho biết hôm 25/1.
Điện Kremlin lên tiếng về tin đồn ông Putin có cung điện tỷ USD
Điện Kremlin khẳng định đoạn video do nhân vật đối lập tai tiếng Navalny công bố về cái gọi là dinh thự trị giá hơn một tỷ USD của Tổng thống Nga Vladimir Putin bên bờ Biển Đen là “lời nói dối”.
Ông Trump không có ý định lập đảng chính trị mới
Ngay trước khi ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức, một số tờ báo Mỹ đưa tin ông Trump, dường như thất vọng khi phe Cộng hòa không ủng hộ cáo buộc gian lận bầu cử của ông, đã thảo luận về ý tưởng thành lập một đảng chính trị mới.
Lo ngại biểu tình, 5.000 binh sĩ ở lại thủ đô nước Mỹ đến hết tháng 3
Sau vụ người biểu tình ủng hộ ông Trump “xâm chiếm” Điện Capitol ngày 6/1, hơn 25.000 binh sĩ Vệ binh quốc gia đã được huy động để bảo vệ cho lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden.
Tổng thống Mexico vẫn lạc quan dù nhiễm COVID-19
Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador ngày 24/1 (giờ địa phương) cho biết ông đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 và các triệu chứng ở mức độ nhẹ.
Mỹ tái khẳng định tăng cường quan hệ với các nước đồng minh
Chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tái khẳng định quan hệ liên minh quốc phòng với Hàn Quốc, Nhật Bản; cam kết tăng cường quan hệ với Anh cũng như các nước đồng minh trong
Cơ hội để hồi sinh mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương
Lãnh đạo nhiều nước trên thế giới, nhất là ở châu Âu, và giới quan sát đang hy vọng tân Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể khiến mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương hồi sinh sau nhiều năm rơi vào tình trạng khá lạnh nhạt và thiếu thiện chí dưới thời Tổng thống Donald Trump. Họ hoàn toàn có lý do để lạc quan.
Hơn 2,1 triệu người chết vì Covid-19, các nước chia rẽ vì phân phối vaccine
Toàn cầu ghi nhận hơn 100 triệu ca nhiễm nCoV, hơn 2,1 triệu người chết, giữa lúc lãnh đạo các nước bất đồng về phân phối vaccine trên thế giới.
Thế giới ghi nhận 100.788.281 ca nhiễm và 2.164.319 người chết do Covid-19, tăng lần lượt 561.331 và 16.375 ca trong 24 giờ qua. 72.791.837 người đã bình phục, theo trang cập nhật thời gian thực Worldometers.
Lãnh đạo các nước trên thế giới hôm qua tham gia hội nghị thượng đỉnh thường niên tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, được tổ chức theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của Covid-19, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác toàn cầu trong công tác chống dịch.
Tuy nhiên, bất đồng đã xuất hiện xung quanh vấn đề phân phối vaccine. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen lập luận rằng châu Âu đã “đầu tư hàng tỷ giúp phát triển những vaccine Covid-19 đầu tiên của thế giới”, nên các công ty giờ đây phải có nghĩa vụ cung cấp hàng.
Phát ngôn được đưa ra trong bối cảnh AstraZeneca và Pfizer thông báo sẽ giao hàng trễ cho EU. Trước lo ngại các hãng dược phẩm có thể bán vaccine cho những bên trả giá cao hơn nằm ngoài EU, Von der Leyen cho biết họ sẽ “thiết lập một cơ chế xuất khẩu vaccine minh bạch”, nhằm đảm bảo các công ty tuân thủ hợp đồng.
Dù ủng hộ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu vaccine, Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn kêu gọi phân phối một cách “công bằng”. Von der Leyen cũng nhấn mạnh EU đã tìm cách đảm bảo quyền tiếp cận vaccine cho các nước nghèo hơn ngoài liên minh, thông qua việc tham gia chương trình COVAX do WHO đồng dẫn dắt.
Tuy nhiên, những bình luận này vẫn không giúp các nước đang phát triển cảm thấy yên tâm. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã chỉ trích “chủ nghĩa dân tộc vaccine”, cáo buộc những nước giàu mua hàng với số lượng lớn và tích trữ, gây tổn hại cho các quốc gia khác.
Tổng hợp-TT