VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 27/2/2019.

Mỹ mong Việt Nam có thể truyền cảm hứng cho Triều Tiên; Cuộc họp chiến lược trong khách sạn Melia của ông Kim Jong Un; Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ – Triều Tiên lần 2: AP đưa tin cả thế giới hồi hộp theo dõi ngày họp đầu tiên…là những tin chính được cập nhật.

Mỹ mong Việt Nam có thể truyền cảm hứng cho Triều Tiên

  Tấm ám phích đặt giữa ngã ba Nghi Tàm - Âu Cơ -Yên Phụ ở Hà Nội.    Tấm áp phích đặt giữa ngã ba Nghi Tàm – Âu Cơ -Yên Phụ ở Hà Nội trước thềm hội nghị Mỹ – Triều.

Mối quan hệ Việt – Mỹ là minh chứng cho thấy hai cựu thù có thể khép lại quá khứ bi thương để trở thành đối tác.
Trước khi cuộc chiến kết thúc năm 1975, Hà Nội đã phải hứng chịu hàng chục nghìn tấn chất nổ do người Mỹ thả xuống. Cuộc chiến kéo dài gần hai thập niên đã khiến hàng triệu người Việt và hơn 58.000 người Mỹ thiệt mạng. Dù chiến thắng, cơ sở vật chất của Việt Nam bị tàn phá nghiêm trọng bởi hỏa lực Mỹ. Các thành phố đổ nát, chất độc còn lưu lại trên các cánh đồng và rừng, bom mìn chưa nổ nằm rải rác.
Tuy nhiên, hai bên chỉ mất 20 năm để hòa giải. Mỹ dỡ bỏ cấm vận thương mại với Việt Nam năm 1994 và một năm sau, Việt – Mỹ bình thường hóa quan hệ.
Giờ đây, Việt Nam là nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 27-28/2. Một số chuyên gia hy vọng đây là nơi Mỹ và Triều có thể đưa ra cách giải quyết cho căng thẳng đã tồn tại gần 7 thập niên giữa hai bên. Họ cho rằng khi đến Hà Nội, ông Kim Jong-un có thể nhận thấy thành phố này không có sự oán hận với cựu thù Mỹ, theo AP.
Trong khi Bình Nhưỡng vẫn là kẻ thù của Washington 65 năm sau khi Chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953 chấm dứt bằng hiệp định đình chiến, Việt Nam hiện là đối tác của Mỹ. Thương mại song phương tăng 8.000% trong hai thập niên qua, hàng tỷ USD đầu tư của Mỹ đổ về Việt Nam. Mỹ năm 2016 dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.
Trong khi cơ quan tuyên truyền của Triều Tiên duy trì những lập luận chống Mỹ thì ở Việt Nam gần như không có sự thù địch.
“Tôi sinh ra sau thời chiến và chỉ được nghe những câu chuyện chiến tranh từ sách hay phim ảnh”, Đinh Thanh Huyền, sinh viên 19 tuổi, đang xếp hàng tại một cửa hàng đồ ăn nhanh Mỹ ở Hà Nội, nói. Cô rất vui khi hai nước cựu thù đã khép lại quá khứ. “Chúng ta học hỏi từ lịch sử, chứ không phải để giữ mối hận thù”.
Năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại Hà Nội rằng giữa Mỹ với Việt Nam có “sự phồn vinh và mối quan hệ đối tác từng không thể tưởng tượng nổi”.
“Tôi có một thông điệp cho Chủ tịch Kim Jong-un: Tổng thống Trump tin rằng đất nước của bạn có thể đi theo con đường giống như vậy. Việc nắm bắt cơ hội là tùy thuộc vào các bạn”, ông nói. “Đây cũng có thể là phép màu của các bạn ở Triều Tiên”.

Cuộc họp chiến lược trong khách sạn Melia của ông Kim Jong Un
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc về kết quả của hội nghị thượng đỉnh sắp tới với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp chiến lược tại khách sạn Melia.
Ngày 26/2, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đã đăng tải một bức ảnh cho thấy ông Kim Jong Un đang tổ chức một cuộc họp với các nhà đàm phán bao gồm đặc phái viên Triều Tiên về Mỹ Kim Hyok-chol và người đứng đầu văn phòng tác chiến của Bộ Mặt trận Thống nhất Kim Song-hye.
Tham dự cuộc họp còn có Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho và Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son-hui. Cuộc họp diễn ra tại khách sạn mà ông Kim lưu trú sau khi tới Hà Nội vào hôm 26/2.
“Tại khách sạn Melia, nhà lãnh đạo tối cao Kim Jong Un đã lắng nghe báo cáo chi tiết về liên lạc giữa các đoàn công tác được Triều Tiên và Mỹ cử tới Hà Nội vì thành công của các cuộc đàm phán tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2”, KCNA đưa tin.
Đặc phái viên Triều Tiên về các vấn đề Mỹ Kim Hyok-chol đã có các cuộc đàm phán với người đồng cấp Mỹ Stephen Biegun tại Hà Nội trong 5 ngày liên tiếp kể từ 22/2 để vạch ra một thỏa thuận sẽ được hoàn tất tại cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Kim vào 27 và 28/2.

 Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ – Triều Tiên lần 2: AP đưa tin cả thế giới hồi hộp theo dõi ngày họp đầu tiên
Hãng tin AP của Mỹ ngày 27/2 đã đưa tin về không khí chuẩn bị cho ngày họp đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam.
AP cho biết cả thế giới đang hồi hộp dõi theo Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Kim Châng Un) sẽ bắt đầu Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai trong ngày hôm nay với cuộc gặp riêng và một bữa tối thân mật, giữa lúc có nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh việc liệu Tổng thống Mỹ đòi hỏi những gì và Bình Nhưỡng sẽ sẵn sàng nhượng bộ ra sao.
Hai nhà lãnh đạo và đoàn tùy tùng đã đến Hà Nội sau những chuyến hành trình dài bằng máy bay, tàu hỏa và ô tô, để tham dự cuộc đàm phán kéo dài hai ngày nhằm giải quyết thách thức an ninh lớn nhất thế giới: chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Giao thông đổ dồn về những con phố vốn đã đông đúc. Tổng thống Trump sẽ mở màn buổi sáng bằng các cuộc gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước khi hướng sự chú ý tới nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Theo thông báo của Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên sẽ chào hỏi nhau vào lúc 18h30′ (giờ Hà Nội) tại khách sạn Sofitel Legend Metropole ở Hà Nội. Sau đó, hai bên sẽ có cuộc gặp riêng trong khoảng 20 phút, trước khi dùng bữa tối. Theo kế hoạch bữa tối sẽ kéo dài khoảng 1 giờ rưỡi và kết thúc vào khoảng 20h 35′.
Nhà Trắng cho biết tháp tùng Tổng thống Trump trong bữa tiệc tối là Ngoại trưởng Mike Pompeo và quyền Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney. Bên phía nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng sẽ có sự tham dự của hai trợ lý.
Hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ có một loạt cuộc gặp chính thức trong ngày 28/2./

***   Hình ảnh ông Trump lên chiếc Không lực 1 đến Việt Nam
(VnMedia) – Tổng thống Mỹ Trump đã lên chiếc Không lực 1 (Air Force One) để bay tới Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai. Trong khi đó, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã đến Việt Nam trên chiếc xe bọc thép hạng nặng đặc biệt.

Truyền thông Nga đưa tin đậm nét Chủ tịch Triều Tiên đến Việt Nam
Hãng thông tấn TASS của Nga đưa tin, sáng ngày 26/2, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tới Việt Nam để tham dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội.

Ông Trump gây bất ngờ với ông Kim Jong Un trước thềm cuộc gặp ở Hà Nội
– Trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây bất ngờ khi ca ngợi tiềm năng của Triều Tiên, nói rằng nước này có thể trở thành một “cường quốc“ mà không cần có vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Trump cam kết gì trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều?
– Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai, Tổng thống Donald Trump cam kết đạt được một tương lai tươi sáng và an toàn cho tất cả mọi người trên bán đảo Triều Tiên và trên toàn thế giới.

Truyền thông Triều Tiên ca ngợi chuyến thăm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới Việt Nam
Ngày 25/2, báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, đã có bài nổi bật về chuyến thăm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới Việt Nam tham dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó ca ngợi đây là ‘hành trình trọng đại của lòng yêu nước’.

***   Hé lộ bến đỗ tạm cho đoàn tàu bọc thép của ông Kim Jong Un
Các nguồn thạo tin cho hay, sau khi chở nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đến ga Đồng Đăng sáng 26/2, đoàn tàu bọc thép đặc biệt của ông đã di chuyển về phía bắc.
Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, đoàn tàu chở ông Kim đã khởi hành từ Bình Nhưỡng chiều 23/2, chạy khoảng 66 tiếng đồng hồ đồng hồ qua nhiều thành phố Trung Quốc như Thiên Tân, Vũ Hán, Nam Ninh và Bằng Tường trước khi vượt qua biên giới đến ga Đồng Đăng, Lạng Sơn. Từ đây, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã đi xe limousine về Hà Nội để chuẩn bị dự hội nghị thượng đỉnh lần hai với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
“Đoàn tàu đặc biệt mà Chủ tịch Kim đã sử dụng được nhìn thấy đang di chuyển từ Bằng Tường về hướng Nam Ninh”, một nguồn của Yonhap ở Bắc Kinh cho hay.
Theo một số nhà quan sát, đoàn tàu của nhà lãnh đạo Triều Tiên dường như được đưa về phía bắc để bảo trì, có thể nhằm chuẩn bị cho chuyến hồi hương của ông sau chuyến công du Việt Nam.
Một số khác nhận định, đoàn tàu có thể đỗ lại đâu đó ở Trung Quốc, chẳng hạn như Bắc Kinh hoặc Quảng Châu để đợi ông Kim đáp chuyến bay từ Việt Nam tới. Hiện cũng có đồn đoán về việc nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ chỉ sử dụng máy bay để trở về Bình Nhưỡng sau khi gặp ông Trump và thăm chính thức Việt Nam.

– Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26/2 đã tới Hà Nội để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa họ. Theo lịch trình do Nhà Trắng tiết lộ, hai nhà lãnh đạo sẽ khởi động sự kiện kéo dài hai ngày bằng một cuộc trò chuyện riêng và một “bữa tối xã giao” vào ngày 27/2.

– Theo hãng thông tấn Yonhap, ông Trump và ông Kim có thể sẽ gặp nhau ít nhất 5 lần tại Hà Nội trong thời gian diễn ra thượng đỉnh Mỹ – Triều lần hai. Hai nguyên thủ được tin có thể tổ chức một cuộc họp báo chung nếu đạt thỏa thuận như mong muốn.

– Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bày tỏ hy vọng, hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un sẽ đạt được một “bước tiến mới” hướng tới phi hạt nhân hóa và hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

– Thủ tướng Anh Theresa May đề xuất, nếu Quốc hội nước này không phê chuẩn thỏa thuận Brexit (Anh rời liên minh châu Âu) của bà vào tháng 3 năm nay, các nhà lập pháp sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu mới trong vòng 2 tuần sau đó nhằm quyết định liệu có nên trì hoãn Brexit hay tiếp tục “ly hôn” EU mà không có bất kỳ thỏa thuận nào.

– Phát biểu tại Đại hội Di động thế giới ở Barcelona, Tây Ban Nha, ông Quách Bình, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei  khẳng định, việc Mỹ cáo buộc các thiết bị 5G của họ được dùng để do thám cho Bắc Kinh là “vô căn cứ”.

– Ấn Độ ngày 26/2 thử thành công tên lửa đất đối không phản ứng nhanh (QRSAM) do tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng DRDO chế tạo, tại một căn cứ ngoài khơi bang Odisha. Động thái diễn ra chỉ vài giờ sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Vijay Gokhale xác nhận, các máy bay chiến đấu của nước này đã tiến hành không kích một trại huấn luyện khủng bố ở vùng biên Kashmir đang tranh chấp với Pakistan. Tuy nhiên, phía Pakistan lên án Không quân Ấn Độ đã xâm phạm không phận nước này.

– Trưởng công tố Ukraina Yuriy Lutsenko cáo buộc, Vladimir Zaman, cựu Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang là người phải chịu trách nhiệm cho việc Kiev để mất bán đảo Crưm vào tay Nga. Theo ông Lutsenko, khi còn đương chức, ông Zaman đã ra một chỉ thị buộc Tư lệnh Hải quân Yury Ilyin phải tuân theo, khiến đơn vị thuộc nhóm chiến thuật Crưm mất tinh thần chiến đấu.

– Hãng tin Al Masdar dẫn lời một quan chức tình báo cấp cao Iraq nhận định, Abu Bakr Al-Baghdadi, thủ lĩnh tối cao của nhóm khủng bô Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể đang ẩn náu trong hang ổ cuối cùng của chúng ở khu vực thung lũng sông Euphrates ở Syria.

***  “Ghi điểm” tuyệt đối trong lòng phóng viên quốc tế
Dù được hoàn thành trong thời gian gấp rút, nhưng công tác chuẩn bị và các tiện ích của Trung tâm Báo chí quốc tế được các phóng viên đánh giá rất cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng tin trong cuộc chạy đua tin tức.

Bí ẩn ngành công nghiệp xe hơi ở đất nước Triều Tiên
Tuy giao thương với thế giới rất hạn chế, thế nhưng đất nước Triều Tiên cũng phát triển ngành công nghiệp xe hơi riêng theo cách của mình. Nếu Hàn Quốc có những thương hiệu ô tô phổ biến như Hyundai, Kia,… thì Triều Tiên cũng có thương hiệu nổi tiếng của riêng họ là Pyeonghwa – với tên gọi mang ý nghĩa là hòa bình.

Những “chiến binh áo trắng” của Thế chiến II
Có những bác sĩ, nhân viên y tế phục vụ trong quân đội thời chiến nhưng cũng cầm vũ khí chiến đấu hy sinh để bảo vệ tính mạng của các đồng đội mình. Có những bác sĩ, nhân viên y tế phục vụ trong quân đội thời chiến nhưng cũng tham gia các nhiệm vụ mật chẳng khác nào đặc vụ. Sự quả cảm và hy sinh thầm lặng của họ ít được biết đến và ghi nhận, hoặc phải trải qua cả một chặng đường dài mới được vinh danh cho đời sau.

Những bức hình đầu tiên của Tổng thống Trump tại Hà Nội
20h55 tối 26-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đáp chuyên cơ Không lực Một xuống sân bay quốc tế Nội Bài để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần hai tại Hà Nội.

Cuộc đời hai mặt của nhà nữ thám hiểm Bắc Cực đầu tiên trên thế giới
Vào đầu thế kỷ 20, bà Louise Arner Boyd đã sống trong hai hoàn cảnh rất sinh động: vừa là nhà từ thiện ở Mỹ, vừa là vị anh hùng trên đại dương. Dưới đây là bài viết của học giả độc lập Joanna Kafarowski, bà cũng đồng thời là tác giả của cuốn sách “Những cuộc phiêu lưu vùng bắc cực của quý bà Mỹ giàu có: Cuộc đời của Louise Arner Boyd”.

Truyền thông Triều Tiên dồn dập đưa tin ông Kim Jong-un đến Việt Nam
Truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 26-2 đã đưa tin vô cùng đậm nét về chuyến công du Việt Nam của Chủ tịch Kim Jong-un; trong đó, ca ngợi chuyến thăm tới Hà Nội và dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 với Tổng thống Donald Trump là “một hành trình trọng đại của lòng yêu nước”.

Phóng viên túc trực tại sân bay Nội Bài chờ đón Tổng thống Trump
Dù còn hơn 2 tiếng đồng hồ nữa, chiếc Chuyên cơ Air Force One chở Tổng thống Mỹ Donald Trump mới hạ cánh xuống sân bay Nội Bài nhưng đã có rất đông phóng viên cũng như trong nước túc trực tại đây.

Lệnh tái áp đặt trừng phạt Iran: Trai cò tranh đấu…
Rời khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran là một trong những lời hứa mà ông Donald Trump đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Ông đã thực hiện lời hứa, đồng thời cho rằng thỏa thuận hạt nhân Iran không đủ mạnh, nên không thể kiềm chế các hoạt động hạt nhân của Iran, cũng như không thể ngăn chặn nước này sở hữu các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Thế nhưng câu chuyện lại không chỉ đơn giản ở việc nói rút là được.

Hòa bình cho Syria sau ngày tàn của IS
Lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang bị dồn vào chân tường tại Syria. Mặc dù vậy tương lai của chúng ở khu vực Trung Đông cũng như của Syria vẫn chưa có gì rõ ràng. Chừng nào các cường quốc chưa lật lá bài của họ tại Syria, đất nước này vẫn chưa thể được yên ổn.

Cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Đan Mạch lĩnh án tù
Tòa án thủ đô Copenhagen vừa ra phán quyết, tuyên phạt ông Jakob Scharf, 52 tuổi, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo và An ninh quốc gia Đan Mạch (PET) mức án 4 tháng tù, vì đã cố ý tiết lộ thông tin mật cho báo giới, trở thành nhà lãnh đạo tình báo đầu tiên trong lịch sử Vương quốc Đan Mạch dính vòng lao lý.

Mexico: Cuộc chiến chống ma túy chưa hồi kết
Cuộc chiến chống ma túy tại Mexico từ năm 2006 dường như vẫn chưa có hồi kết bởi sự phức tạp đã ăn sâu bám rễ vào cuộc sống của người dân đất nước Bắc Mỹ này. Dường như, họ đã quá quen thuộc với tiếng súng chiến đấu tranh giành lãnh thổ kiểm soát của các băng đảng ma túy. Mọi thứ sẽ thay đổi?

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un tìm kiếm gì ở cuộc gặp Hà Nội?
Để lịch sử thực sự được viết tiếp, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un cần đạt được những cam kết cụ thể trong cuộc gặp mang tính quyết định từ ngày mai tại Hà Nội.

Dư luận quốc tế: “Việt Nam rất chiến lược trong công tác đảm bảo an ninh”
Trong tất cả các khâu chuẩn bị để hướng đến một Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 diễn ra thành công, bảo đảm an ninh là yếu tố cấu thành đóng vai trò mấu chốt. Đưa tin về khía cạnh này, dư luận quốc tế đều dành cho Việt Nam những dòng tin đầy tích cực với tinh thần của nước chủ nhà “chiến lược”.

Phóng viên quốc tế tác nghiệp tại Việt Nam: Câu chuyện sau những dòng tin
Thủ đô Hà Nội đang bước vào những ngày náo nhiệt một cách đặc biệt, khi chỉ còn chưa đầy 48 tiếng đồng hồ nữa, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ 2 sẽ chính thức bắt đầu. Tại một số khách sạn lớn và khu vực ngoại giao, hàng chục máy ảnh, chân máy quay luôn được dựng sẵn. Những người đứng sau ống kính ấy, họ là ai?

Ga Đồng Đăng sẵn sàng đón tàu của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un
Các công nhân đã hoàn thiện công tác sang sửa, nâng cấp nhà ga Đồng Đăng; trong khi các phương án đón tiếp, hậu cần khác cũng đã sẵn sàng cho việc đón tàu của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.

Những vấn đề nào sẽ được “cân đo” tại Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2?
Chỉ vài ngày nữa Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ 2 sẽ chính thức diễn ra tại Hà Nội. Tuy nhiên, nội dung cuộc gặp giữa hai bên vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Ngày 25-2, Reuters dẫn lời một số chuyên gia dự đoán về các vấn đề chính có thể sẽ được đặt lên bàn thảo luận.

Tổng hợp-TT