VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 28/2/2021.

      Thế giới ra tay giải cứu có đủ giúp Ấn Độ chặn đứng sóng thần COVID-19?; Philippines sẽ gặp kịch bản thảm hoạ COVID-19 của Ấn Độ?; Mỹ lập ‘đội phản ứng nhanh’ giúp Ấn Độ chống Covid; Điều gì đang xảy ra với Ấn Độ trong cơn ác mộng Covid-19?; Biến chủng nCoV Ấn Độ xuất hiện ở ít nhất 17 nước; Nóng: Ấn Độ tiếp tục là tâm dịch COVID-19…là những tin chính được cập nhật.
Thế giới ra tay giải cứu có đủ giúp Ấn Độ chặn đứng sóng thần COVID-19?
Máy bay vận tải C-17 của Không quân Ấn Độ đang tiếp nhận các bồn chứa oxy tại sân bay Changi Singapore. Nguồn: ANI   Máy bay vận tải C-17 của Không quân Ấn Độ đang tiếp nhận các bồn chứa oxy tại sân bay Changi Singapore. Nguồn: ANI
(VTC News) – Thế giới mở rộng vòng tay giúp đỡ Ấn Độ trong cơn bão COVID-19, nhưng nỗ lực này có thể không đủ để chặn đứng cơn sóng thần dịch bệnh đang càn quét nước này.
Khi làn sóng COVID-19 thứ hai hoành hành khắp Ấn Độ, thế giới ra tay giải cứu. Máy tạo oxy từ Ả-rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) được gửi sang New Delhi. Hàng triệu USD được chuyển về từ các công ty do các doanh nhân người Mỹ gốc Ấn đứng đầu quyên góp giúp Ấn Độ chống dịch.
Các nước Mỹ, Anh, Pháp cam kết sẽ hỗ trợ quốc gia Nam Á vượt qua tình hình khó khăn hiện tại.
Nhưng theo New York Times, chừng đó không đủ để bịt lỗ hổng trong hệ thống y tế đang bị dịch bệnh đè bẹp của Ấn Độ.
“Đó là một tình huống tuyệt vọng”, Tiến sĩ Ramanan Laxminarayan, Giám đốc Trung tâm động lực học dịch bệnh, kinh tế và chính sách có trụ sở tại Washington nói.
Ông Laxminarayan cho rằng các khoản quyên góp sẽ được hoan nghênh, nhưng sẽ chỉ giải quyết được một phần nhỏ của vấn đề.
Vào những tháng đầu năm 2021, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi hành động với tâm thế đã chiến thắng dịch bệnh dù biến thể COVID-19 khi đó lan rộng khắp thế giới.
Các cuộc bầu cử ở năm bang Ấn Độ vẫn diễn ra đúng kế hoạch. Chính phủ cho phép hàng nghìn người tụ tập để tham gia một lễ hội tôn giáo của người Hindu.
Nhưng tuần trước, ông Modi thừa nhận cơn bão COVID-19 đang làm rung chuyển Ấn Độ.
Các bệnh nhân chết ngạt ở thủ đô New Delhi và các thành phố khác vì nguồn cung cấp oxy cho các bệnh viện đã hết. Người thân của họ đỏ mắt săn lùng bình oxy khi không tìm thấy giường bệnh trống trong các bệnh viện. Những giàn hỏa táng tạm bợ được dựng lên ở bãi đậu xe, công viên thành phố.
Khi bản thân Ấn Độ khó có thể tự mình gắng gượng, ông Modi dường như đang hướng tới phần còn lại của thế giới.
Một số quốc gia đang tăng cường hỗ trợ Ấn Độ.
Anh cam kết hỗ trợ 495 máy tạo oxy, 120 máy thở không xâm lấn và 20 máy thở bằng tay từ nguồn dự trữ quốc gia. Pháp và Australia cũng tuyên bố sẽ gửi nguồn cung cấp oxy. Ngay cả Pakistan – quốc gia duy trì mối quan hệ lạnh nhạt với Ấn Độ thời gian qua đề nghị cung cấp máy thở, máy X-quang kỹ thuật số và phương tiện bảo vệ cá nhân cho người láng giềng.
Hai doanh nhân người Mỹ gốc Ấn – Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella và Giám đốc Google, Sundar Pichai cho biết công ty của họ sẽ hỗ trợ tài chính cho Ấn Độ.
“Thật đau lòng khi chứng kiến cuộc khủng hoảng COVID-19 ngày càng tồi tệ ở Ấn Độ”, ông viết trên Twitter, cam kết sẽ hỗ trợ 18 triệu USD cho các nhóm làm việc tại nước này.
Hôm 25/4, Liên minh châu Âu thông báo sẽ cung cấp oxy và thuốc men.
“EU đang tổng hợp các nguồn lực để đáp ứng nhanh chóng yêu cầu hỗ trợ của Ấn Độ thông qua Cơ chế bảo vệ dân sự của EU”, Ursula von der Leyen – Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho hay.
Từ tháng 9/2020, Ấn Độ nói ở thời điểm đỉnh dịch lần đầu, họ phụ thuộc rất nhiều vào vaccine Sputnik V của Nga khi ký kết thỏa thuận mua 100 triệu liều. Nhưng Sputnik V sẽ không có sẵn ở Ấn Độ cho tới tháng sau.
Nếu Ấn Độ tăng cường đáng kể năng lực sản xuất vaccine của mình và cấp phép khẩn cấp cho các nhà sản xuất vaccine khác, nước này có thể hạn chế tác động tồi tệ nhất của làn sóng thứ hai.
“Đây là giải pháp lâu dài duy nhất. Ấn Độ có khả năng làm vậy nếu nước này thực sự lưu tâm vào điều đó”, ông Udayakumar cho hay.
Philippines sẽ gặp kịch bản thảm hoạ COVID-19 của Ấn Độ?
(VTC News) – Các chuyên gia y tế cảnh báo Philippines có thể phải đối mặt với sự gia tăng các ca mắc COVID-19 tương tự như Ấn Độ trong tháng này.
Tiến sĩ Rodrigo Ong, thuộc OCTA – nhóm nghiên cứu độc lập chuyên đưa ra các dự báo về sự lây lan của COVID-19, cho biết Philippines đang “cùng nút giao” với khoảng 10.000 ca nhiễm mỗi ngày như Ấn Độ từng trải qua. Ở thời điểm đó, New Delhi quyết định dỡ bỏ các hạn chế với các hoạt động tụ tập đông người vì cho rằng COVID-19 đã được kiểm soát.
Theo ông Ong, dịch bệnh ở Philippines đang trong tình thế “cân bằng mong manh” khi hơn 80% giường bệnh đã được sử dụng.
“Khi chúng ta tiến gần tới cuối tháng 4 và khả năng các biện pháp hạn chế được nới lỏng hơn, sự cân bằng mong manh này có thể lấn át hoàn toàn năng lực chăm sóc sức khỏe”, ông Ong cảnh báo.
Hôm 27/4, Philippines ghi nhận 7.204 ca mắc COVID-19 mới, bằng gần một nửa so với mức kỷ lục hơn 15.000 hôm 2/4. Philippines hiện là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á với hơn một triệu ca bệnh.
Nhưng OCTA kêu gọi giới chức duy trì các hạn chế chống dịch để giảm mạnh tỷ lên lây nhiễm, giảm bớt áp lực cho bệnh viện các nhân viên y tế.
Tiến sĩ Anthony Leachon, cựu cố vấn cho lực lượng đặc nhiệm COVID-19 của chính phủ cho biết các hạn chế có thể không đủ để hạn chế sự gia tăng đột biến các ca nhiễm. Ông này nhấn mạnh tiêm chủng mới thực sự là viên đạn bạc.
“Ngay cả khi chúng ta duy trì các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, cuộc khủng hoảng vẫn có thể trở nên tồi tệ hơn bởi các biến thể mới”, ông Leachon cho hay.
Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết chính phủ của ông đã mua đủ vaccine để tiêm cho 70 triệu người – con số cần thiết để quốc gia Đông Nam Á đạt miễn dịch cộng đồng. Nhưng nhiều mũi tiêm trong số đó sẽ chỉ tới Philippines vào cuối năm nay.
Tới nay, mới chỉ có 1,7 triệu người Philippines được tiêm ít nhất một liều vaccine.
Bên cạnh vấn đề tiêm chủng, ông Leachon cho biết chính phủ hiện vẫn chưa thực hiện đầy đủ các xét nghiệm, truy vết hoặc cách ly những người nhiễm bệnh.
Mỹ lập ‘đội phản ứng nhanh’ giúp Ấn Độ chống Covid
Lo ngại tình trạng ở Ấn Độ sẽ gây nên làn sóng lây nhiễm mới trên toàn cầu, nhiều quốc gia đang bắt đầu gửi các lô hàng cứu trợ y tế đến Ấn Độ nhằm giúp nước này chống lại đợt bùng phát Covid-19 trong nhiều ngày qua.
Theo Nikkei Asia, Tổng thống Joe Biden đã vận động các đồng minh của Mỹ viện trợ cho Ấn Độ đối phó đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất trong một năm qua khi số ca nhiễm mới hàng ngày tại đây đứng đầu thế giới trong nhiều ngày liền.
“Chúng tôi đang giữ liên lạc chặt chẽ với các quan chức Ấn Độ và phối hợp với các đồng minh để tìm được phương án hỗ trợ chung tốt nhất cho nước này.” – Một quan chức cấp cao trong chính quyền ông Joe Biden tiết lộ.
Trước đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cũng cho biết Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã gặp gỡ với các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ, Phòng Thương mại Hoa Kỳ và Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Ấn vào thứ Hai để thảo luận về cách các nước có thể tận dụng chuyên môn và nguồn lực của khu vực tư nhân để cung cấp các đợt cứu trợ khẩn cấp ứng phó với Covid-19 tại Ấn Độ.
Theo Nikkei, Mỹ sẽ triển khai một loạt các hỗ trợ khẩn cấp cho Ấn Độ, trong đó bao gồm các vật phẩm y tế đang cực kì khan hiếm tại quốc gia 1,4 tỷ dân này như: oxy, máy thở thuốc điều trị Covid-19, mẫu xét nghiệm chẩn đoán nhanh, nguyên vật liệu thô để sản xuất vaccine. Nhà Trắng cho biết nước này cũng sẽ xem xét chia sẻ vaccine AstraZeneca cho Ấn Độ nếu cần thiết.
Điều gì đang xảy ra với Ấn Độ trong cơn ác mộng Covid-19?
Ấn Độ có vẻ đã kiểm soát được Covid-19 hồi tháng 2, với số ca nhiễm hàng ngày giảm gần 90% so với đỉnh điểm đợt bùng phát đầu tiên năm ngoái.
Giờ đây, đất nước này đang trải qua cơn ác mộng Covid-19 tồi tệ nhất thế giới. Số ca nhiễm hàng ngày không ngừng tăng suốt 10 ngày qua.
Tính đến nay, nước này đã ghi nhận trên 17,6 triệu người dương tính với virus corona chủng mới và gần 198.999 trường hợp tử vong. Riêng ngày 26/4, Ấn Độ có thêm 352.991 ca mới, phá kỷ lục toàn cầu về số ca nhiễm trong một ngày đơn lẻ, theo trang thống kê Worldometers.
Những con số trên đã khiến dư luận thế giới sốc khi chúng còn được thể hiện qua những bức ảnh thực tế ghi cảnh nhiều người khóc gục ở lề đường hoặc đau đớn làm thủ tục hỏa thiêu thi thể người thân chết vì Covid-19. Các bệnh viện cạn kiệt nguồn lực, với nhiều bệnh nhân chết vì thiếu oxy.
Chính phủ đã nỗ lực ứng phó cuộc khủng hoảng, với một loạt quốc gia trên thế giới sẵn sàng cung cấp viện trợ. Nhưng đến nay, đợt bùng phát vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm và các chuyên gia cảnh báo tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn.
“Tôi e rằng đây chưa phải đỉnh điểm”, CNN dẫn lời Tiến sĩ Giridhara R. Babu thuộc Tổ chức Y tế Công cộng của Ấn Độ cho biết ngày 26/4. “Theo số liệu mà chúng tôi thấy thì ít nhất 2-3 tuần nữa mới đến đỉnh điểm”.
Một số người lại cho rằng, Ấn Độ đang đạt đỉnh dịch lúc này, sớm hơn ước tính của Tiến sĩ Babu. Tuy nhiên, với quá nhiều người nhiễm trong khi nguồn cung y tế khan hiếm, nước này sẽ chứng kiến nhiều người chết hơn trước khi làn sóng thứ 2 lắng xuống.
Biến chủng nCoV Ấn Độ xuất hiện ở ít nhất 17 nước
Biến chủng B.1.617 tại Ấn Độ đã được phát hiện trong hơn 1.200 trình tự gene thu thập từ ít nhất 17 nước, theo WHO.
“Biến chủng nCoV B.1.617 xuất hiện đầu tiên ở Ấn Độ đã được ghi nhận trong hơn 1.200 trình tự gene trên cơ sở dữ liệu mở GISAID. Phần lớn được gửi đến từ Ấn Độ, Anh, Mỹ và Singapore, tổng cộng có ít nhất 17 nước đã phát hiện biến chủng này”, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hôm 27/4.
WHO đang xếp B.1.617 vào nhóm “biến chủng đáng chú ý” (VOI), nhưng chưa coi đây là “biến chủng đáng lo ngại” (VOC). Nhóm VOC gồm những biến chủng nCoV nguy hiểm hơn bản gốc nhờ khả năng lây nhiễm và gây chết người cao hơn hoặc kháng vaccine mạnh hơn.
“Mô hình sơ bộ dựa trên những chuỗi được gửi lên GISAID cho thấy B.1.617 có tốc độ phát triển nhanh hơn những biến chủng khác tại Ấn Độ, cho thấy nguy cơ lây nhiễm cao hơn”, WHO cho hay, thêm rằng các biến chủng đang xuất hiện ở nước này đều có khả năng lây lan nhanh hơn, khiến dịch bệnh bùng phát nhanh hơn nhiều so với làn sóng đầu tiên.
Ấn Độ hiện là vùng dịch lớn thứ hai thế giới, liên tục ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm nCoV mỗi ngày trong suốt nhiều ngày qua. Tổng số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 tại nước này hiện nay là gần 18 triệu và hơn 201.000. Tình hình đại dịch tại Ấn Độ đang là tâm điểm chú ý của toàn thế giới.
*** Nóng: Ấn Độ tiếp tục là tâm dịch COVID-19
(ĐCSVN) – Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến sáng ngày 28/4/2021 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 149.315.073 ca nhiễm COVID-19, trong đó 3.148.021ca tử vong và 126.970.796 ca bình phục. Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 826.728 ca mắc và 14.697 ca tử vong mới vì đại dịch.
    Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 32.927.058 ca nhiễm COVID-19, trong đó 587.373 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (362.902 ca); Brazil (76.085 ca); Mỹ (52.013 ca); Thổ Nhĩ Kỳ (43.301 ca); Argentina (25.495 ca)…Các quốc gia ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong ngày gồm: Ấn Độ (3.285 ca); Brazil (3.120 ca; Mỹ (874 ca); Argentina (512 ca); Iran (462 ca); Ba Lan (460 ca)…
Tại châu Âu, số người nhiễm COVID-19 hiện tại là 44.139.770 người, với 1.004.477 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận đã có thêm 125.950 ca nhiễm mới và 3.467 ca tử vong vì COVID-19. Pháp hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 tại châu Âu. Hiện Pháp ghi nhận đã có 5.534.313 ca mắc COVID-19 và 103.603 ca tử vong vì dịch bệnh. Ngày 27/4, nước này có thêm 30.317 ca nhiễm mới và 333 ca tử vong mới vì dịch bệnh. Xếp sau Pháp về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 tại châu lục gồm Nga, Anh, Italy, Tây Ban Nha, Đức…
Châu Á đã có tổng cộng 37.974.205 ca nhiễm và 504.890 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 489.419 ca mắc và 4.938 trường hợp tử vong mới. Riêng tại châu Á, có 32.560.711 ca được điều trị khỏi; 4.908.604 ca đang được điều trị tích cực và chỉ còn 31.094 ca bệnh nặng.
Ấn Độ hiện đang được coi là tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới. Ngày 27/4, Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ thông báo đã ghi nhận thêm 362.902 ca mắc mới, tiếp tục là mức cao nhất thế giới và 3.285 ca tử vong do dịch COVID-19 trong ngày. Đây là ngày thứ 6 liên tiếp Ấn Độ ghi nhận kỷ lục về số ca mắc mới và tử vong hàng ngày vì COVID-19. Hiện quốc gia châu Á này ghi nhận số trường hợp mắc và không qua khỏi do dịch bệnh nguy hiểm này lên lần lượt là 17.988.637 ca và 201.165 ca.
Hiện tình trạng thiếu vaccine COVID-19 rất nghiêm trọng ở Ấn Độ. Dự báo, các trung tâm tiêm phòng vaccine của nước này sẽ chứng kiến tình trạng thiếu vaccine trong những ngày tới. Trong bối cảnh tình hình đại dịch COVID-19 đang diễn biến vô cùng căng thẳng tại Ấn Độ, nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế đã thông báo sẽ tích cực hỗ trợ quốc gia này ứng phó với đại dịch. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết sẽ cung cấp cho Ấn Độ nhiều thiết bị quan trọng cũng như hàng tiếp tế, trong đó có hàng nghìn máy tạo oxy, bệnh viện dã chiến di động và vật tư phòng thí nghiệm. Ngoài ra, hơn 2.600 nhân viên từ các chương trình khác của WHO sẽ được cử tới hỗ trợ Ấn Độ.
Các bệnh viện tại Ấn Độ trở nên quá tải, thiếu giường bệnh và các vật tư y tế để chăm sóc cho bệnh nhân. (Ảnh: AFP)
Các quốc gia xếp sau Ấn Độ về mức độ ảnh hưởng do dịch bệnh tại châu Á là Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Indonesia, Iraq. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận đã có hơn 4,7 triệu ca nhiễm; Iran có hơn 2,4 triệu ca và Indonesia cũng ghi nhận hơn 1,6 triệu ca nhiễm COVID-19…
Tại ASEAN, trong 24 giờ qua, khu vực này có thêm 17.484 ca mắc mới và 262 ca tử vong vì COVID-19. Tính đến nay, toàn khối ASEAN ghi nhận có tổng cộng 3.344.050 người mắc COVID-19, trong đó 66.577 ca tử vong.
Trong ngày 27/4, khối này có 5 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Campuchia. Indonesia vẫn đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Bộ Y tế Indonesia ngày 27/4 cho biết, nước này ghi nhận thêm 4.656 ca mắc COVID-19 và 168 ca tử vong mới vì dịch bệnh. Tính đến nay, Indonesia ghi nhận đã có 1.651.794 ca mắc và 44.939 ca tử vong vì COVID-19. Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 27/4 đã hối thúc tất cả các bên liên quan nỗ lực nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới đang bùng phát tại một số quốc gia.
Cùng ngày, tại Philippines, Bộ Y tế nước này cho biết, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á cũng đã lên tới 16.916 ca. Tình hình dịch bệnh tại Philippines vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều gần gấp đôi Indonesia và cao nhất trong số các nước Đông Nam Á. Trong 24 giờ qua, Bộ Y tế Philippines thông báo ghi nhận thêm 7.204 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh tại quốc gia Đông Nam Á này lên là 1.013.618 ca. Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng Philippines có thể phải đối mặt cơn “sóng thần” lây nhiễm COVID-19 như đang nhấn chìm Ấn Độ trong tháng này.
Bộ Y tế Campuchia chiều 27/4 thông báo trong 24 giờ qua, nước này đã có thêm 508 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này lên tới 11.063 người, trong đó 3.704 trường hợp đã bình phục và 82 người không qua khỏi. Thái Lan ngày 27/4 ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 trong ngày ở mức cao nhất từ trước đến nay sau khi quốc gia Đông Nam Á này xác nhận thêm 15 bệnh nhân không qua khỏi.
Giới chức Thái Lan ngày 27/4 cũng ghi nhận thêm 2.179 ca nhiễm mới, mức cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số các ca bệnh từ trước tới nay lên 59.687 ca, trong đó có 163 ca tử vong. Trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng, Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 30 triệu người trong 3 tháng tới và 50 triệu người vào cuối năm nay trên tổng dân số gần 70 triệu người.
Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận thêm 65.976 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 38.095.624 ca, tổng số người tử vong là 857.383 người. Số ca phục hồi ở khu vực này là 29.790.867 trường hợp. Sau Mỹ, Mexico là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhiều thứ 2 lại khu vực này, với 2.329.534 ca nhiễm và 215.113 ca tử vong.
Đại dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp ở khu vực Nam Mỹ với những làn sóng dịch mới khiến số ca nhiễm theo ngày liên tục được ghi nhận những con số kỷ lục mới bất chấp những biện pháp đối phó tăng cường của nhiều nước. Khu vực Nam Mỹ có tổng cộng 24.479.627 ca nhiễm; 658.955 ca tử vong và 22.127.010 ca phục hồi. Brazil vẫn tiếp tục dẫn đầu khu vực và thứ 3 thế giới về mức độ ảnh hưởng do COVID-19. Tính đến nay, tổng số ca bệnh ở Brazil đã lên tới 14.446.541 ca nhiễm, trong đó 395.324 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, trong 24 giờ qua, Australia, Papua New Guinea, French Polynesia, New Zealand, Wallis and Futuna và Fiji là các quốc gia ghi nhận có ca mắc mới COVID-19. Hiện, Ausralia đang dẫn đầu châu lục vì số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận đã có thêm 23 trường hợp mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm vì dịch bệnh tại nước này lên tới 29.718 ca. Hiện, Australia ghi nhận có 910 trường hợp tử vong vì COVID-19.
Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này có tổng cộng 4.562.512 ca mắc COVID-19, trong đó 121.111 ca tử vong. Trong đó, những nước chịu tác động mạnh nhất về số ca nhiễm tại châu lục này gồm, Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ethiopia và Ai Cập. Nam Phi hiện vẫn dẫn đầu châu lục về số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2, với 1.577.200 trường hợp, trong đó 54.237 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận có thêm 880 ca mắc mới COVID-19 và 51 ca tử vong vì đại dịch./.

Tổng hợp-TT