VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 28/11/2019.

 Có một Hoàng tử thực sự đang thi đấu tại SEA Games 30;  Duterte nổi giận về cách Philippines tổ chức SEA Games;  Trung Quốc dọa ‘trả đũa quyết liệt’ Trump ký luật Hong Kong;  Trump ký luật về Hong Kong;Nguy hiểm cận kề, NATO buộc phải đầu hàng trước uy lực của Mỹ?…là những tin chính được cập nhật.

 Có một Hoàng tử thực sự đang thi đấu tại SEA Games 30

  Hoàng tử Brunei đang thi đấu ở SEA Games 30. Ảnh: ABS-CBN.    Hoàng tử Brunei đang thi đấu ở SEA Games 30. Ảnh: ABS-CBN.
(NLĐO) – Hoàng tử Abdul Mateen Bolkiah con trai của Quốc vương Hassanal Bolkiah của Brunei, là VĐV của đội tuyển polo Brunei đang cạnh tranh tấm huy chương vàng tại SEA Games 30 kỳ này.
Hôm 24-11 vừa qua, Hoàng tử Brunei Abdul Mateen Bolkiah cùng đội tuyển quốc gia đã giành chiến thắng trước chủ nhà Philippines trong trận đấu polo tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2019 diễn ra trên sân Polo Inigo Zobel. Ở kỳ SEA Games 2017, đội tuyển polo Brunei đã giành được tấm huy chương đồng chung cuộc sau khi thất bại trước nhà ĐKVĐ Malaysia.
Bên cạnh Hoàng tử Mateen, cô em gái là công chúa Azemah Ni’matul Bolkiah cũng là thành viên trong đội tuyển polo Brunei tham dự sự kiện SEA Games kỳ này. Hai anh em của vận động viên 28 tuổi đặc biệt này đang cố gắng tìm kiếm tấm huy chương vàng SEA Games ở Philippines kỳ này.
Hoàng tử Mateen chính là anh họ của hoàng tử Brunei Faiq Bolkiah – đội trưởng tuyển bóng đá U22 Brunei tại SEA Games 30 – đang thu hút sự chú ý từ dân mạng Việt nhờ xuất thân danh giá, được thừa hưởng khoảng tài sản lên đến 15 tỉ bảng Anh và được xem là cầu thủ bóng đá giàu nhất thế giới hiện nay.
Với thân hình gợi cảm và khuôn mặt điển trai cùng dòng máu hoàng tộc, Abdul Mateen Bolkiah có hơn 1 triệu lượt theo dõi trên trang Instagram cá nhân. Ngoài polo, chàng hoàng tử này còn có thể thi đấu nhiều môn thể thao khác nhau. Không những vậy, anh còn là trung úy dự bị sau khi tham gia khóa học sĩ quan tại Học viện Quân sự Hoàng gia Sandhurst, từng tham dự các cuộc đua F1 tại Singapore, có bằng lái trực thăng và là một tay chơi đàn ghi-ta điệu nghệ.

 Duterte nổi giận về cách Philippines tổ chức SEA Games
Tổng thống Philippines Duterte tỏ ra tức giận sau khi nhận được những khiếu nại về vấn đề hậu cần khi nước này tổ chức SEA Games 30.
Phát ngôn viên Phủ Tổng thống Philippines Salvador Panelo hôm 26/11 cho biết hàng loạt khiếu nại của các vận động viên tham gia Đại hội Thể thao khu vực Đông Nam Á (SEA Games) 2019 đã đến tai Tổng thống Rodrigo Duterte, người đang ở Busan, Hàn Quốc chiều cùng ngày.
“Tất nhiên, Tổng thống không hài lòng về những gì đang xảy ra. Tổng thống rất tức giận”, Panelo nói.
Panelo ủng hộ lời kêu gọi điều tra về việc tổ chức SEA Games sau khi sự kiện kết thúc và áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những người chịu trách nhiệm cho những sự cố về hậu cần và công tác tổ chức.
Thượng nghị sĩ Bong Go cho biết ông sẽ khởi xướng một cuộc điều tra của Thượng viện về các vấn đề khiến các vận động viên không thoải mái. Theo thượng nghị sĩ Manny Pacquiao, người sẽ cầm đuốc trong lễ khai mạc SEA Games, các vấn đề liên quan đến công tác hậu cần của SEA Games nên được thảo luận sau sự kiện để không làm ảnh hưởng tới các vận động viên Philippines.
Rắc rối về hậu cần tiếp tục diễn ra tại quốc gia chủ nhà khi các vận động viên nước ngoài đến và tập luyện cho đại hội thể thao khu vực, sự kiện sẽ khai mạc vào ngày 30/11. Nhiều đoàn vận động viên đã kêu ca về vấn đề chỗ ở, giao thông, xe đưa đón từ sân bay và thực phẩm không đủ. Trên mạng xã hội cũng xuất hiện phàn nàn của vận động viên Philippines về việc thiếu thực phẩm bổ dưỡng.
Truyền thông nước ngoài liên tục đưa tin về cách tổ chức SEA Games 30 thiếu chuyên nghiệp của Philippines trong những ngày vừa qua. Panelo hôm 26/11 kêu gọi các nhà tổ chức đảm bảo biện pháp dự phòng để giải quyết mọi rắc rối hậu cần hoặc sự bất tiện có thể xảy ra.
Ông dẫn trường hợp các cầu thủ Campuchia phải ngủ trên sàn khách sạn ở Manila chỉ vì đến sớm hơn thời gian nhận phòng. “Nếu các vận động viên đến sớm hơn, vậy tại sao không đưa họ đến một khách sạn khác? Tại sao phải bắt họ chờ đợi và ngủ vạ vật”, Panelo nói.

 Trung Quốc dọa ‘trả đũa quyết liệt’ Trump ký luật Hong Kong
Trung Quốc cảnh báo nước này sẵn sàng thực hiện “biện pháp trả đũa quyết liệt” chống lại Mỹ sau khi Trump ký thông qua luật Hong Kong.
“Bản chất của việc này là vô cùng ghê tởm và chứa chấp những ý đồ vô cùng nham hiểm”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong tuyên bố hôm nay, gọi việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông qua Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong là can thiệp nghiêm trọng vào công việc của Trung Quốc và sẽ chịu thất bại “thảm hại”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cảnh báo nước này sẵn sàng thực hiện “các biện pháp trả đũa quyết liệt” và Mỹ phải gánh chịu hậu quả, song không nêu rõ biện pháp là gì.
Chính quyền Hong Kong hôm nay cũng nói rằng họ “cực kỳ lấy làm tiếc” việc Trump ký thông qua đạo luật Hong Kong, cáo buộc Washington can thiệp công việc nội bộ của thành phố.
“Hai đạo luật rõ ràng can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Hong Kong”, một quan chức chính quyền Hong Kong hôm nay cho biết trong thông báo, cảnh báo động thái của Mỹ sẽ “gửi thông điệp sai cho người biểu tình”.
Trump ký thông qua luật hôm 27/11 sau khi Thượng viện và Hạ viện Mỹ lần lượt thông qua dự luật vào ngày 19 và 20/11. Theo đạo luật, Ngoại trưởng Mỹ hàng năm có trách nhiệm chứng nhận Hong Kong duy trì quyền tự quyết để đặc khu có thể hưởng ưu đãi thương mại từ Mỹ, duy trì vai trò trung tâm tài chính của thế giới. Hong Kong vốn được hưởng ưu đãi đặc biệt, giúp đặc khu mua các công nghệ nhạy cảm, đồng thời đảm bảo trao đổi tự do giữa đồng dollar Mỹ và dollar Hong Kong cũng như cho phép thành phố đàm phán các thỏa thuận thương mại và đầu tư độc lập với Bắc Kinh. Trạng thái đặc biệt còn giúp cư dân Hong Kong tránh các hạn chế về thị thực áp dụng cho công dân Trung Quốc đại lục.
Đạo luật mới cho phép Mỹ phong tỏa tài sản và cấm vận các quan chức bị coi là vi phạm nhân quyền ở Hong Kong, tiến hành đánh giá thường niên để xem xét liệu Hong Kong có thực thi đầy đủ các quy định xuất khẩu cùng các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và Liên Hợp Quốc hay không.
Sau khi Trump ký thông qua đạo luật, thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio và thượng nghị sĩ Dân chủ Jim Risch đã ra tuyên bố chung hoan nghênh quyết định của Tổng thống, cho rằng Mỹ hiện đã có các công cụ mới và thiết thực để ngăn Trung Quốc gây ảnh hưởng và can thiệp các vấn đề nội bộ của Hong Kong.
Trung Quốc trước đó đã hai lần triệu đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh để trao công hàm “phản đối mạnh mẽ” việc quốc hội Mỹ thông qua dự luật, yêu cầu Mỹ ngăn dự luật trở thành luật, đồng thời đe dọa sẽ có những “biện pháp đối phó quyết liệt và Mỹ sẽ phải chịu mọi hậu quả”.

 Trump ký luật về Hong Kong
Trump ký thông qua đạo luật “Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong”, mở đường cho hành động ngoại giao và trừng phạt kinh tế nhằm vào đặc khu.
“Tôi ký dự luật này vì sự tôn trọng đối với Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc và người dân Hong Kong”, Trump ra tuyên bố ngày 27/11. “Chúng được ban hành với hy vọng rằng các lãnh đạo và đại diện của Trung Quốc đại lục và đặc khu Hong Kong có thể giải quyết một cách thân thiện sự khác biệt của họ, dẫn đến hòa bình và thịnh vượng lâu dài cho tất cả mọi người”.
Theo đạo luật, Ngoại trưởng Mỹ hàng năm có trách nhiệm chứng nhận Hong Kong duy trì quyền tự quyết để đặc khu có thể hưởng ưu đãi thương mại từ Mỹ, duy trì vai trò trung tâm tài chính của thế giới.
Đạo luật cho phép Mỹ phong tỏa tài sản và cấm vận các quan chức bị coi là vi phạm nhân quyền ở Hong Kong. Chính quyền Mỹ còn tiến hành đánh giá thường niên để xem xét liệu Hong Kong có thực thi đầy đủ các quy định xuất khẩu cùng các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và Liên Hợp Quốc hay không.
Đạo luật cũng có khả năng khiến Hong Kong bị hủy trạng thái đặc biệt, vốn giúp đặc khu mua các công nghệ nhạy cảm, đồng thời đảm bảo trao đổi tự do giữa đồng dollar Mỹ và dollar Hong Kong cũng như cho phép thành phố đàm phán các thỏa thuận thương mại và đầu tư độc lập với Bắc Kinh. Trạng thái đặc biệt còn giúp cư dân Hong Kong tránh các hạn chế về thị thực áp dụng cho công dân Trung Quốc đại lục.
Nó cũng có thể khiến các quan chức chính quyền, cảnh sát Hong Kong phải cân nhắc kỹ hơn mỗi khi có các hành động chống lại người biểu tình, bởi họ có thể bị cấm đặt chân lên đất Mỹ, mua tài sản hay mở một tài khoản ngân hàng ở Mỹ, theo luật sư Jason Y. Ng.
Tuy nhiên, Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Hong Kong cho rằng đạo luật cũng tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến “những hậu quả khó lường và phản tác dụng” đối với các lợi ích kinh tế Mỹ tại khu vực.
Mỹ hiện có 1.344 công ty tại Hong Kong và khoảng 85.000 công dẫn Mỹ đang sinh sống tại đặc khu. Hong Kong cũng là đối tác đem lại thặng dư thương mại song phương lớn nhất của Mỹ trên thế giới, với 33 tỷ USD trong năm 2018. Nếu hủy trạng thái đặc biệt của Hong Kong, Mỹ có thể đánh mất lợi ích từ hoạt động thương mại, đầu tư này.

Nguy hiểm cận kề, NATO buộc phải đầu hàng trước uy lực của Mỹ?
– Các nước thành viên trong liên minh NATO đã gần đi đến một thỏa thuận về việc đóng góp ngân sách nhiều hơn cho liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương nhằm giảm gánh nặng cho Mỹ, ba nhà ngoại giao có liên quan chặt chẽ đến vấn đề này mới đây đã tiết lộ như vậy. Nếu thông tin được xác minh là đúng thì đây là một bước nhượng bộ của các thành viên NATO trước sức ép mạnh mẽ từ phía Mỹ. Rõ ràng, đứng trước nguy cơ tan vỡ, liên minh quân sự mạnh nhất thế giới không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải chấp nhận đòi hỏi của Washington.
Thỏa thuận nếu được ký kết sẽ đáp ứng yêu cầu quyết liệt mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra. Tuy nhiên, Pháp đã khẳng định rõ nước này không tham gia vào thỏa thuận đó. NATO đang hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận về vấn đề chi tiêu quốc phòng trước khi liên minh quân sự này có cuộc họp thượng đỉnh kỷ niệm 70 năm thành lập ở thủ đô London vào tháng tới.
Thỏa thuận mới sẽ giúp NATO chấm dứt nhiều tháng đàm phán sau khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đưa vấn đề cải cách tài chính ra liên minh.
Với việc đạt được thỏa thuận, các nước thành viên NATO gồm Thổ Nhĩ Kỳ và Canada sẽ tiến tới đóng góp ngân sách 2,5 tỉ USD hàng năm để điều hành Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). So với hàng trăm tỉ USD mà các nước NATO đầu tư cho lực lượng vũ trang của họ mỗi năm, đây là con số nhỏ. Nhưng đó là một con số mà các nước thành viên NATO hy vọng sẽ làm hài lòng Tổng thống Trump sau khi ông này hồi tháng Bảy năm 2018 từng tức giận nói rằng Mỹ phải “trả hàng chục tỉ USD, con số quá nhiều, để bảo vệ Châu Âu”.
“Đó là một động thái mang tính chính trị. Không có liên minh NATO nếu không có Mỹ”, một vị quan chức ngoại giao cấp cao của NATO đã thừa nhận như vậy.

***  Vì sao ông Franklin D. Roosevelt tại vị 4 nhiệm kỳ Tổng thống?
Trước khi có Tu chính án Hiến pháp Hoa Kỳ thứ 22, các tổng thống Mỹ có thể tại nhiệm hơn 2 nhiệm kỳ. Thế nhưng, chỉ có Franklin D. Roosevelt có thể chiến thắng hơn 2 cuộc bầu cử liên tiếp.

NATO đối mặt với nhiều thách thức lớn
Chỉ còn một tuần nữa, Hội nghị thượng đỉnh các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ diễn ra tại London, Anh, trong bối cảnh khối này đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ chính nội bộ của mình trước thềm kỷ niệm 70 năm.

Kinh tế Hong Kong điêu đứng
Các cuộc biểu tình biến thành bạo động đã khiến nền kinh tế Hong Kong dường như rơi vào suy thoái. Ga tàu điện ngầm đóng cửa sớm. Nhà hàng, cửa hiệu bị cản đường kinh doanh vào buổi tối, đường sá bị phong tỏa, các hộ bán lẻ lo sợ kinh doanh thua lỗ, các chủ nhà hàng lo ngại việc giao hàng bị chậm trễ do tắc nghẽn giao thông sẽ phải đền tiền và họ buộc phải thay đổi phương thức kinh doanh…

Ông Netanyahu bị truy tố, chính trường Israel hỗn loạn
Gần 2 tháng sau cuộc bầu cử thứ hai trong năm (tháng 9-2019), các chính khách hàng đầu Israel vẫn chưa lập được chính phủ. Trong khi đó, tình hình chính trị còn có thể rối ren thêm sau khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu bị truy tố hình sự và có khả năng phải ngồi tù.

Phá vỡ bế tắc Brexit bằng bầu cử sớm
Nhằm phá vỡ mọi bế tắc về Brexit, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đề xuất tổ chức bầu cử nghị viện trước thời hạn. Nếu thắng, ông sẽ đưa nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu trong “tích tắc” nhưng nếu thua, chiếc ghế thủ tướng của ông sẽ khó mà giữ được và “cơn đau đẻ” mang tên Brexit của nước Anh không biết chừng nào mới dứt.

“Kịch bản nói dối” đang lặp lại với Iran
Dường như đang có một chiến dịch quy mô của phương Tây nhằm vào Iran. Cách thức cũng giống như kịch bản trước kia tấn công Iraq. Họ cần tạo ra một cái cớ để tấn công Iraq, rằng Iraq là mối nguy của thế giới.

Bangladesh tuyên án tử 7 thủ phạm vụ khủng bố đẫm máu
Tòa án thủ đô Dhaka, Bangladesh ngày 27-11 đã tuyên án tử hình đối với 7/8 thành viên của một nhóm phiến quân Hồi giáo thực hiện vụ tấn công đẫm máu vào năm 2016, Reuters đưa tin.

Lửa cháy đến bao giờ?
Bằng việc công bố đảo ngược chính sách của mình đối với các khu định cư Do Thái mà Israel xây dựng ở Bờ Tây, nước Mỹ của đương kim Tổng thống Donald Trump đã và đang bảo đảm rằng những ước vọng hòa bình ở Trung Đông sẽ ngày càng trở nên mờ mịt, khi chính những đồng minh truyền thống cũng không thể tán đồng với họ được nữa.

Không cần Google, Huawei vẫn sẽ đứng ở Top1
Đó là lời tuyên bố hùng hồn mà CEO Huawei vừa đưa ra mới đây bất chấp những khó khăn mà lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt vẫn chưa dừng lại.

Làm quan phải đoan chính
Thời gian gần đây, trên mạng loan truyền hình ảnh người đàn ông quyền lực nhất đất nước Phần Lan, Tổng thống ngồi bệt trên bậc cầu thang để lắng nghe bài phát biểu trong một hội chợ sách đã gây ấn tượng trong dân chúng.

Tương lai nào cho NATO
Ngày 4-4-1949, Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương được ký kết giữa Mỹ và 5 quốc gia châu Âu đầu tiên làm nền tảng hình thành một liên minh quân sự tồn tại lâu nhất thế giới hiện đại: NATO. Nhưng, lịch sử 70 năm của liên minh quân sự này đang đứng trước câu hỏi về giá trị sự tồn tại của mình khi thế giới đã và đang biến đổi mạnh mẽ.

Gập ghềnh đích đến thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung
Trong cuộc điện đàm sáng 26-11, Trưởng đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc và Mỹ đã thảo luận việc giải quyết các vấn đề quan ngại cốt lõi của nhau và đạt được nhận thức chung trong việc hoàn tất giải quyết những vấn đề này, đồng thời nhất trí tiếp tục duy trì trao đổi về “những việc còn lại” trong tham vấn thỏa thuận giai đoạn một.

Ông Trump tuyên chiến với băng đảng ma túy Mexico
Trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng ngày 26-11, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ coi các băng đảng ma túy Mexico là các nhóm khủng bố.

Hơn 20 người thiệt mạng trong trận động đất ở nước nghèo nhất châu Âu
Ít nhất 21 người thiệt mạng trong trận động đất mạnh tại Albania, khiến thủ đô Tirana và miền Tây, Bắc nước này rung chuyển trong ngày 26-11, phá hủy nhiều tòa nhà và chôn vùi nhiều người dân trong các đống đổ nát.

Hai trực thăng đâm nhau, 13 quân nhân Pháp thiệt mạng
Toàn bộ 13 quân nhân trên hai máy bay trực thăng của Pháp đã thiệt mạng trong một vụ va chạm trên không xảy ra ở miền Bắc Mali.

Máy bay của hãng Tropicair bị cướp
Ít nhất 8 người đàn ông có vũ trang đã ép phi công điều khiển một máy bay của hãng Tropicair đến khu vực hẻo lánh để đánh cắp toàn bộ hàng hoá rồi bỏ trốn.

Tổng hợp-TT