Kiều hối về Việt Nam năm 2019 ước đạt 16,7 tỉ USD; Syria cảnh báo sẽ tấn công quân Mỹ; Chiến tranh thương mại nói riêng, quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng, kéo dài; Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, hành động ngang ngược tại Biển Đông; Nước Nga đang vượt qua khó khăn, lớn mạnh về mọi mặt…là những tin chính được cập nhật.
Kiều hối về Việt Nam năm 2019 ước đạt 16,7 tỉ USD
Liên tiếp trong 3 năm Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất. Ảnh minh họa: KT
VOV.VN – Năm 2019, lượng kiều hối về Việt Nam ước đạt 16,7 tỉ USD, tăng 800 triệu USD so với năm 2018.
Năm 2019, TP HCM là thành phố nhận lượng kiều hối đổ về cao nhất cả nước, ước đạt 5,6 tỉ USD.
Theo công bố từ Ngân hàng thế giới, liên tiếp trong 3 năm Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất.
Ông Lương Thanh Nghị, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài khẳng định, trong những năm gần đây, nhờ các chính sách ngày càng cởi mở của Đảng và Nhà nước đối với kiều bào nên nguồn lực từ kiều bào đã được phát huy mạnh mẽ.
Hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài đang hoạt động đầu tư trên cả nước với tổng số vốn góp và đăng ký lên tới 4 tỷ USD.
Việc thu hút nguồn vốn và tri thức của kiều bào đang là một trong những trọng tâm trong chính sách trọng dụng nhân tài là người Việt Nam, từ nước ngoài về nước để cống hiến và phát triển quê hương./.
Syria cảnh báo sẽ tấn công quân Mỹ
– Một cố vấn hàng đầu của Tổng thống Syria Bashar al-Assad vừa lên tiếng tuyên bố Mỹ “hoàn toàn không có quyền” đối với dầu mỏ của Syria và cảnh báo sẽ phát động “các chiến dịch” chống lại quân đội Mỹ.
Tổng thống Bashar al-Assad rất tức giận trước việc Mỹ để lại quân ở chiến trường Syria với mục đích bảo vệ các nguồn dầu mỏ ở Syria.
Bà Bouthaina Shaaban – cố vấn truyền thông và chính trị hàng đầu của Tổng thống Assad, cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump “đang nói về việc ăn cắp dầu mỏ” khi thảo luận các kế hoạch mở rộng chiến dịch quân sự ở Syria. Bà Shaaban nhấn mạnh, Mỹ “tuyệt đối không có quyền và đó là dầu mỏ của chúng tôi”.
Bà Shaaban cảnh báo có thể sẽ có “sự phản đối và chiến dịch chống lại lực lượng Mỹ đang chiếm dầu mỏ của chúng tôi”.
Nữ phát ngôn viên Shaaban tiết lộ với hãng tin NBCnews rằng, Tổng thống Assad cảm thấy Syria nên được “giải phóng hoàn toàn và triệt để khỏi các lực lượng chiếm đóng nước ngoài”. Bà này sau đó đã liệt kê lực lượng chiếm đóng nước ngoài gồm “những kẻ khủng bố”, đội quân của Thổ Nhỉ Kỳ và người Mỹ.
Theo bà Shaaban, cuộc xung đột kéo dài hơn 8 năm qua ở Syria không phải là nhằm vào Tổng thống Assad mà là nhằm vào đất nước và người dân Syria.
Kể từ khi cuộc nội chiến ở Syria bùng lên, đã có hơn 600.000 người thiệt mạng. Hiện tại, lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã bị đánh đổ ở chiến trường Syria và thành trì cuối cùng của phe nổi dậy ở Idlib đang bị các lực lượng vũ trang Syria bao vây. Vì thế, bà Shaaban nhấn mạnh, tiến trình tái thiết đất nước thời hậu chiến tranh của Damascus sẽ sớm bắt đầu.
Tuy nhiên, nữ phát ngôn viên của Tổng thống Syria khẳng định, chỉ có các quốc gia thân thiết với Damascus như Trung Quốc và Nga mới được mời tham gia vào tiến trình tái thiết Syria sau chiến tranh.
Bà Shaaban cho hay, Syria đã bắt đầu tiến hành dự án khai thác dầu mỏ và khí đốt ở biển Địa Trung Hải với các công ty Nga.
*** Chiến tranh thương mại nói riêng, quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng, kéo dài
Mỹ hạn chế Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ; đưa Huawei vào danh sách cấm; kiểm soát chặt công nghệ; siết chặt quản lý du học sinh. Trung Quốc đáp trả bằng cách hạn chế nhập khẩu nông sản Mỹ; siết chặt nguồn cung đất hiếm; phá giá đồng Nhân dân tệ… Cuộc chiến không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế hai nước, mà còn tác động nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng và nền kinh tế thế giới.
Cuộc khủng hoảng chính trị-xã hội ở Hong Kong (Trung Quốc) xuất phát từ phản đối dự luật dẫn độ của chính quyền Hong Kong, các cuộc biểu tình quy mô lớn, đặc biệt là của giới trẻ nổ ra từ tháng 3/2019, bùng phát dữ dội sau đó, gây hỗn loạn an ninh, trật tự ở Hong Kong. Cảnh sát Hong Kong đã trấn áp, bắt giữ hàng trăm người. Tiếp đó, Mỹ ban hành luật “Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong” và luật cấm xuất khẩu các vũ khí kiểm soát đám đông cho cảnh sát Hong Kong, khiến quan hệ Mỹ-Trung Quốc căng thẳng về cả chính trị, ngoại giao và kinh tế.
Tình hình Bán đảo Triều Tiên tiếp tục diễn biến phức tạp
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 tại Hà Nội và cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Bàn Môn Điếm không mang lại kết quả. Quan hệ hai miền Triều Tiên đóng băng, Bình Nhưỡng nhiều lần thử vũ khí, trong đó có cả tên lửa đạn đạo. Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo không loại trừ việc tiến hành biện pháp quân sự với Triều Tiên.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (bên trái) gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump (bên phải) tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2, ở Hà Nội vào tháng 2/2019. Ảnh: AP
Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, hành động ngang ngược tại Biển Đông
Tiếp tục thực hiện âm mưu hiện thực hóa “Đường chín đoạn” (còn gọi là Đường lưỡi bò) để độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục xây dựng cái gọi là “thành phố Tam Sa”; quân sự hóa các đảo nhân tạo mà họ xây ở Trường Sa; nhiều lần, nhiều ngày đưa tàu HD 8 xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Cộng đồng quốc tế đã lên tiếng mạnh mẽ. Nhiều hội nghị, diễn đàn, hội thảo quốc tế và khu vực đã chỉ rõ những hành vi phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông, kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng chủ quyền các quốc gia và luật pháp quốc tế.
Nước Nga đang vượt qua khó khăn, lớn mạnh về mọi mặt
Mặc dù phải đối mặt với sự bao vây, cấm vận gay gắt, liên tục nhiều năm của Mỹ và phương Tây, nước Nga đang lớn mạnh dần về nhiều mặt. Năm 2019, GDP của Nga đạt 1,3%, phấn đấu đạt 2% năm 2020, đến năm 2024 đạt 3,3%, trở thành nền kinh tế thứ 5 của thế giới. Cùng với đó, Nga có vai trò ngày càng quan trọng trên trường quốc tế, ở Trung Đông, châu Phi, châu Âu, châu Á. Nga đang triển khai dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” với tổng vốn đầu tư trên 11 tỷ USD, nối Nga với Đức.
Cuộc điều tra luận tội Tổng thống Mỹ
Cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump không chỉ là sự kiện của riêng nước Mỹ, bởi còn liên quan tới Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky. Tổng thống Donald Trump bị cáo buộc đã giữ lại khoản viện trợ dành cho Ukraine để gây sức ép, buộc nhà lãnh đạo Ukraine tiến hành cuộc điều tra nhằm vào đối thủ lớn nhất của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, là cựu Phó Tổng thống Joe Biden. Vụ việc thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận Mỹ và quốc tế, bởi nó diễn ra khi Tổng thống Trump còn chưa thoát khỏi vụ lùm xùm liên quan đến cuộc điều tra Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Nhiều nhận định cho rằng, vụ việc này có thể khiến Tổng thống Trump mất nhiều phiếu bầu trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.
Mâu thuẫn, xung đột Arab-Israel leo thang
Một loạt các chính sách gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông đi vào ngõ cụt. Việc Mỹ chuyển Đại sứ quán đến Jerusalem, công nhận tính hợp pháp của các khu định cư Do Thái của Israel ở Bờ Tây, công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan chiếm đóng của Syria, đã gây ra làn sóng căng thẳng tại Trung Đông, khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa thế giới Arab và Israel. Hành động này bị coi là chà đạp lên luật pháp quốc tế, khiến vai trò của Mỹ trở nên mờ nhạt trong tiến trình hòa bình Trung Đông. Nhiều quốc gia Arab, khu vực và thế giới, trong đó có cả các đồng minh của Mỹ, đã công khai lên tiếng chỉ trích Mỹ gay gắt.
Tiến trình Brexit trễ hẹn, chính trường Anh chao đảo
Tiến trình nước Anh rút khỏi Liên minh châu Âu tiếp tục sa lầy, không thể diễn ra đúng dự định là ngày 31/10/2019. Bất đồng nội bộ nghiêm trọng đã khiến Chính phủ của Thủ tướng Theresa May bị hạ bệ và phe Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson lên nắm quyền. Tuy nhiên, vấn đề thuế quan, biên giới cứng của Bắc Ireland vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa, tiếp tục là trở ngại lớn nhất của tiến trình. Để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng, các bên nhất trí ấn định tiến hành bầu cử Quốc hội Anh vào ngày 12/12/2019. Ngày 28/10/2019, EU đành chấp thuận gia hạn Brexit đến ngày 31/01/2020.
Khủng hoảng chính trị nghiêm trọng tại khu vực Mỹ Latin
Ở Venezuela, xuất phát từ những vấn đề kinh tế-xã hội, nhất là từ khi Chủ tịch Quốc hội Juan Guaido tự xưng là Tổng thống lâm thời kêu gọi quân đội lật đổ Tổng thống hợp hiến Maduro ngày 30/4, một ngày sau, Tổng thống Maduro tuyên bố phá tan được âm mưu đảo chính. Tại Bolivia, hơn một tháng sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, Tổng thống Evo Morales phải từ chức do sức ép từ quân đội và Tổ chức quốc gia châu Mỹ với cáo buộc cuộc bầu cử có gian lận. Phó Chủ tịch thứ hai Thượng viện Jeanine Anez Chavez tuyên bố trở thành Tổng thống lâm thời. Những người ủng hộ ông Morales và lực lượng an ninh đã đụng độ. Các lực lượng tại Bolivia đã đạt được thỏa thuận bầu cử Tổng thống sớm, nhằm thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.
Báo động tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu
Năm 2019, thế giới chứng kiến những đợt nắng nóng bất thường tại châu Âu, những vụ cháy rừng chưa có tiền lệ xảy ra từ Nam Mỹ cho tới Australia; những trận lũ lụt lịch sử ở Sri Lanka, Congo; hiện tượng mưa tuyết nghiêm trọng, bão trái mùa tại Mỹ; hạn hán chưa từng thấy tại thác lớn nhất thế giới Victoria. Đây là những hệ quả trực tiếp nhưng chưa phải là cuối cùng của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn biến hết sức phức tạp. Tại Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 25) ngày 02/12 ở Tây Ban Nha, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres khẳng định cuộc khủng hoảng khí hậu đang đe dọa nền văn minh của loài người. Đây được coi là lời cảnh báo cuối cùng về biến đổi khí hậu đang đe dọa sự tồn vong của loài người và thế giới phải chung tay hành động trước khi quá muộn.
Cháy nhà thờ Đức Bà Paris (Pháp)
Nhà thờ Đức Bà Paris, công trình kiến trúc lịch sử 850 tuổi, một trong những biểu tượng của nước Pháp, đã bốc cháy dữ dội tối 15/4, khiến cả thế giới bàng hoàng. Ngọn lửa bùng phát từ khoảng 18h chiều và kéo dài tới giữa đêm, đã phá hủy hoàn toàn phần mái vòm bằng gỗ sồi hàng trăm năm tuổi cực kỳ quý hiếm, cùng phần tháp nhọn và khung gỗ của công trình. Quá trình phục dựng có thể mất cả thập kỷ, tiêu tốn hàng tỷ euro. Vụ hỏa hoạn không chỉ làm hư hại nghiêm trọng một công trình biểu trưng văn hóa, lịch sử, tôn giáo và kiến trúc của nước Pháp, mà còn là đòn giáng nặng nề vào ngành du lịch của Pháp vốn đã lao đao vì chiến dịch biểu tình Áo vàng kéo dài trong nhiều tháng trước đó, cùng những nguy cơ đáng lo ngại về ô nhiễm./.
*** Bốn người một gia đình chết bí ẩn trong đêm Giáng sinh
Sau khi thức đêm để ăn mừng Giáng sinh, 4 người trong cùng một gia đình được phát hiện đã chết bởi các vết thương do đạn bắn…
Thủ tướng Israel chiến thắng áp đảo trong cuộc bỏ phiếu nội đảng
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 27-12 dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu giữ quyền lãnh đạo của mình trong đảng Likud, một sự củng cố sức mạnh đáng kể trước một cuộc tổng tuyển cử vào tháng 3-2020.
15 người thiệt mạng trong vụ rơi máy bay tại Kazakhstan
Số người thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay ở Kazakhstan đã lên đến con số 15, chính quyền đất nước Trung Á này cho biết.
Máy bay chở 100 người rơi ở Kazakhstan
Một chiếc máy bay với 95 hành khách và 5 thành viên phi hành đoàn đã rơi gần thành phố Almaty ở Kazakhstan ngày 27-12, làm ít nhất 7 người thiệt mạng.
Australia oằn mình đối đầu với “giặc lửa”
Người dân Australia đang trải qua một kỳ nghỉ Giáng sinh không hề yên bình, với nền nhiệt lên tới 40 độ C cùng những vụ cháy rừng “vượt quá tầm kiểm soát”, theo Reuters. Vấn đề môi trường, những tưởng sẽ không thể làm nóng nghị trường xứ sở chuột túi, giờ đây lại đang đe dọa uy tín của Thủ tướng Scott Morrison.
Leo thang căng thẳng quan hệ Mỹ-Triều Tiên
Nhiều chuyên gia nhận định ngay những ngày đầu năm mới 2020, quan hệ ngoại giao giữa Mỹ với Triều Tiên có thể sẽ biến chuyển rất quan trọng. Ngày càng nhiều lo ngại về nguy cơ căng thẳng bắt đầu bùng phát trở lại bởi hàng loạt dấu hiệu từ cả CHDCND Triều Tiên và Mỹ.
Cận cảnh cây cầu vĩ đại nối Crimea và lục địa Nga
Cầu Kerch nối bán đảo Crimea và lục địa Nga được xem là công trình vĩ đại nhất lịch sử nước Nga hiện đại. Với kinh phí xây dựng khoảng 3,7 tỷ USD và độ dài lên đến 19km, nó cũng là cây cầu dài nhất châu Âu.
Nhóm người bịt mặt xả súng vào đám đông, 3 người bị thương
Một nhóm khoảng 3-4 tay súng bịt mặt đã xả súng ở thành phố Besancon (Pháp) khiến 3 người bị thương, trong đó có một cậu bé 14 tuổi…
Phiến quân Idlib không chịu đầu hàng, quân đội Syria thề quyết chiến
Phiến quân thân Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib từ chối đề nghị đầu hàng trong hòa bình của quân đội Chính phủ Syria, kéo nguy cơ giao tranh diễn biến ác liệt hơn trong những ngày tới.
Israel thừa nhận không kích nhầm làm gia đình 9 người thiệt mạng
Israel thừa nhận gây ra vụ tấn công ở Dải Gaza tháng trước khiến 9 thành viên trong cùng một gia đình thiệt mạng do đánh giá sai về rủi ro đối với dân thường.
Chiến đấu cơ MiG-29 rơi ở Iran
Một tiêm kích chiến đấu MiG-29 thuộc biên chế quân đội Iran đã rơi tại khu vực đồi núi tại tỉnh Ardebil, Tây Bắc nước này, khiến hai phi công thiệt mạng.
Vì một EU nhìn về tương lai
Thời gian qua, Liên minh châu Âu (EU) liên tục phải đối diện với những thách thức đến từ vấn đề kinh tế-xã hội cũng như sự rạn nứt trong quan hệ giữa các quốc gia thành viên. Điều này gây nhiều khó khăn cho định hướng phát triển chung của toàn khối, đồng thời đặt EU trước nguy cơ tan rã.
Số người chết trong vụ tai nạn xe buýt đã lên tới con số 28
Thông tin mới nhất liên quan đến vụ tai nạn xe buýt kinh hoàng xảy ra vào đêm ngày 23-12 được lực lượng cứu hộ cho hay, số người chết đã lên tới con số 28…
Tổng hợp-TT