Hơn 40 quốc gia cam kết hỗ trợ Ấn Độ đối phó “cơn sóng thần” Covid-19; WHO cảnh báo thảm hoạ Covid-19 Ấn Độ có thể xảy ra ở bất cứ đâu; Mỹ chạy đua giải cứu Ấn Độ khỏi “siêu bão” Covid-19; Mỹ khuyến cáo công dân rời Ấn Độ càng sớm càng tốt; Campuchia ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 cao chưa từng thấy; Covid-19 “nóng” trở lại khắp châu Á; Hơn 15 nghìn người chết trong 1 ngày vì COVID-19…là những tin chính được cập nhật.
Hơn 40 quốc gia cam kết hỗ trợ Ấn Độ đối phó “cơn sóng thần” Covid-19
Thế giới chung tay giúp Ấn Độ đối phó thảm kịch Covid-19
Kinhtedothi – Ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla cho biết, nước này đã được cam kết giúp đỡ từ hơn 40 quốc gia nhằm đối phó khủng hoảng Covid-19.
Phát biểu tại buổi họp báo ngày 29/4, Ngoại trưởng Shringla khẳng định New Dehli đang cảm nhận được sự chan chứa tình đoàn kết từ khắp nơi trên thế giới.
Bộ trưởng Shringla cho biết, Ấn Độ đã ưu tiên nhập khẩu oxy y tế, đồng thời thông báo rằng nước này đã nhận được cam kết hỗ trợ từ 40 quốc gia để đối phó với dịch Covid-19 đang bùng phát nghiêm trọng.
Theo Ngoại trưởng Shringla, Ấn Độ đang chuẩn bị tiếp nhận khoảng 550 máy tạo ôxy, 4.000 máy trợ thở và 10.000 bình oxy cùng nhiều trang thiết bị y tế khác từ nước ngoài.
Bộ trưởng Shringla nói rằng Ấn Độ đang rất thiếu thốn các loại thuốc như Remdesivir và Tocilizumab, trong khi hoạt động sản xuất trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu.
Trong vài ngày tới, Ấn Độ sẽ đón tiếp các máy bay chở hàng cứu trợ từ Mỹ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Trước đó, hôm 28/4, Nhà Trắng cho biết, Mỹ sẽ cung cấp vật tư y tế trị giá hơn 100 triệu USD trong những ngày tới để hỗ trợ khẩn cấp Ấn Độ trong cuộc chiến đối phó với “cơn sóng thần” Covid-19.
Theo Nhà Trắng, các chuyến bay chở đồ hỗ trợ của Chính phủ Mỹ sẽ bắt đầu đến Ấn Độ từ ngày 29/4 và những ngày tiếp sau đó.
WHO cảnh báo thảm hoạ Covid-19 Ấn Độ có thể xảy ra ở bất cứ đâu
Kinhtedothi – Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo mạnh mẽ với các quốc gia châu Âu rằng việc nới lỏng hạn chế ngăn dịch Covid-19 có thể dẫn đến cơn “sóng thần” như tại Ấn Độ.
“Khi các biện pháp bảo vệ cá nhân được nới lỏng, tụ tập đông người diễn ra, xuất hiện nhiều biến thể dễ lây lan hơn và tỷ lệ tiêm chủng vẫn còn thấp, tất cả có thể tạo ra cơn bão lớn ở bất kỳ quốc gia nào. Điều vô cùng quan trọng là phải nhận thức được rằng tình hình ở Ấn Độ có thể xảy ra ở bất cứ đâu”, giám đốc khu vực châu Âu của WHO Hans Kluge phát biểu với báo giới hôm 29/4.
Mỹ chạy đua giải cứu Ấn Độ khỏi “siêu bão” Covid-19
(DTO) Mỹ đang tìm cách hỗ trợ Ấn Độ nhanh chóng và tăng nguồn cung ôxy cho quốc gia Nam Á khi dịch Covid-19 bùng phát ngày càng mạnh.
Máy bay quân sự đầu tiên của Mỹ chất đầy vật tư y tế, gồm gần 1 triệu bộ xét nghiệm nhanh và 100.000 khẩu trang N95, đã đến thủ đô New Delhi của Ấn Độ vào sáng sớm 30/4.
“Cũng giống như Ấn Độ đã gửi hỗ trợ cho Mỹ khi các bệnh viện của chúng tôi bị căng thẳng trong giai đoạn đầu của đại dịch, Mỹ quyết tâm hỗ trợ Ấn Độ trong thời điểm cần thiết”, Nhà Trắng khẳng định trong thông cáo ngày 29/4.
Ông Jeremy Konyndyk, giám đốc điều hành của lực lượng ứng phó Covid tại Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ, cho biết ưu tiên hàng đầu “là cố gắng đáp ứng một số nhu cầu trước mắt để giải quyết những thách thức cấp bách” mà các bệnh viện Ấn Độ đang phải đối mặt.
“Chúng tôi cũng cần hỗ trợ họ giải quyết một số thách thức cơ bản, như lượng ôxy y tế mà họ có thể sản xuất”, Konyndyk nói với AFP.
Mỹ khuyến cáo công dân rời Ấn Độ càng sớm càng tốt
Trong thông cáo được đưa ra ngày 29/4, Bộ Ngoại giao Mỹ đã khuyến cáo công dân nước này nên rời khỏi Ấn Độ càng sớm càng tốt.
“Công dân Mỹ được dặn không đến Ấn Độ, hoặc nên rời đi ngay khi thấy đã an toàn. Những ai muốn rời khỏi Ấn Độ nên tận dụng các lựa chọn di chuyển thương mại sẵn có hiện nay. Các chuyến bay thẳng từ Ấn Độ về Mỹ luôn có sẵn, hay công dân Mỹ có thể chuyển máy bay ở một số nơi như thủ đô Paris, Pháp hoặc thành phố Frankfurt, Đức”, hãng tin BBC dẫn thông cáo được ghi trên trang web đại sứ quán Mỹ ở Ấn Độ cho biết.
“Nhiều ca mắc mới và tử vong do Covid-19 đã tăng mạnh trên khắp Ấn Độ ở mức kỷ lục. Các cơ sở hạ tầng xét nghiệm Covid-19 được cho là bị hạn chế ở nhiều nơi. Các báo cáo cho thấy, nhiều bệnh viện luôn gặp phải tình trạng thiếu thốn thuốc men, oxy y tế và giường cho bệnh nhân. Một số công dân Mỹ cho biết, họ bị từ chối cho nhập viện do thiếu giường bệnh”, thông cáo cho biết thêm.
Theo số liệu từ trang thống kê Worldometers, Ấn Độ trong ngày 29/4 đã ghi nhận kỷ lục mới với 386.888 ca nhiễm Covid-19 mới và 3.501 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và thiệt mạng do Covid-19 ở quốc gia này lên lần lượt là 18.754.984 và 208.313 người.
Campuchia ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 cao chưa từng thấy
Tính tới sáng 30/4, Campuchia đã ghi nhận thêm 880 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mắc Covid-19 lên hơn 12.640.
Theo tờ Thời báo Khmer, thủ đô Phnom Penh vẫn là ‘điểm nóng’ Covid-19 ở Campuchia khi các cơ quan y tế tại đây trong 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 518 ca nhiễm mới. Tiếp đó là tỉnh Preah Sihanouk với 187 trường hợp và tỉnh Kandal với 73 ca. Toàn bộ số ca dương tính mới được phát hiện đều liên quan đến một sự kiện cộng đồng được tổ chức hồi tháng 2/2021.
Các cơ quan y tế Campuchia cũng ghi nhận thêm 3 người chết trong ngày 29/4, nâng tổng số người thiệt mạng vì dịch bệnh ở nước này lên 92.
*** Covid-19 “nóng” trở lại khắp châu Á
(DTO) Không chỉ Ấn Độ, một số nước ở châu Á cũng đang gồng mình đối phó với đợt bùng phát dịch Covid-19 mới.
Theo số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ, trong ngày 29/4, nước này ghi nhận thêm kỷ lục gần 380.000 ca mắc mới, nâng tổng số người mắc Covid-19 ở nước này lên xấp xỉ 18,4 triệu người. Ấn Độ cũng ghi nhận thêm 3.645 ca tử vong vì Covid-19, cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số người tử vong vì đại dịch ở nước này lên 204.832 ca.
Số ca mắc mới và số người tử vong vì Covid-19 tăng nhanh khiến các bệnh viện và lò hỏa táng ở Ấn Độ đều quá tải. Để đối phó tình trạng cạn kiệt ôxy, Ấn Độ đã tăng cường nhập khẩu ôxy từ nước ngoài. Ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla hôm qua cho biết, ít nhất 40 nước đã cam kết cung cấp ôxy cho nước này.
Tại Campuchia, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Campuchia cho biết, nước này tiếp tục ghi nhận kỷ lục 880 ca mắc mới trong ngày 29/4, nâng tổng số người mắc Covid-19 tại đây lên 12.641 ca. Trong đó, thủ đô Phnom Penh chiếm hơn 500 ca. Đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 92 ca tử vong vì Covid-19.
Thủ đô Phnom Penh và một số địa phương của Campuchia như Siem Reap đã ban bố các lệnh hạn chế nhằm phòng dịch như cấm bán đồ uống có cồn thêm 2 tuần nữa, hạn chế việc người dân tương tác ở nơi công cộng. Chính phủ Campuchia cũng phân chia các khu vực thành “vùng đỏ”, vùng cam” và “vùng vàng” theo mức độ nghiêm trọng của dịch.
Hiện Campuchia đã nới lỏng quy định cấm đi lại đối với người dân ở các “vùng vàng”, nhưng vẫn duy trì lệnh cấm đi lại trừ lý do y tế tại các vùng đỏ và cam.
Tại Philippines, số người nhiễm Covid-19 đã vượt mốc 1 triệu ca từ đầu tuần này, buộc giới chức tại đây cân nhắc gia hạn lệnh phong tỏa ở đô thị Manila và một số khu vực lân cận.
John Wong, một thành viên ban ứng phó Covid-19 của chính phủ Philippines, cho rằng Philippines cần đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng. Ước tính trung bình 350.000 người Philippines cần được tiêm chủng vắc xin mỗi ngày để đạt mục tiêu tiêm chủng cho 70 triệu người trong năm nay.
Lào hôm qua cũng ghi nhận thêm 68 ca mắc Covid-19, trong đó riêng thủ đô Vientiane chiếm 34 ca. Chỉ trong vòng 10 ngày qua, Lào ghi nhận hơn 600 ca mắc, phần lớn là ca nhập cảnh từ Thái Lan lây ra cộng đồng. Ngoài thủ đô Vientiane, dịch có dấu hiệu lan rộng ở những tỉnh có đặc khu kinh tế như Champasak, Savanakhet, Bokeo và Luang Prabang.
Giới chức Luang Prabang cuối tuần qua đã ban bố lệnh phong tỏa kéo dài đến ngày 5/5. Theo đó, các cơ quan chính phủ sẽ giảm số lượng nhân viên, ngoại trừ những nhân sự thiết yếu như binh lính, cảnh sát, lính cứu hỏa và truyền thông. Các điểm giải trí, karaoke, cà phê đều bị đóng. Hoạt động đi lại từ Luang Prabang đến các tỉnh khác và từ các tỉnh khác vào Luang Prabang bị cấm.
Giới chức y tế Thái Lan hôm qua cho biết, làn sóng Covid-19 mới ở nước này đã qua đỉnh sau khi ghi nhận số ca mắc và tử vong trong ngày cao kỷ lục. Trong ngày 29/4, Thái Lan ghi nhận gần 1.900 ca mắc mới, nâng số người nhiễm Covid-19 lên 63.570 ca. Cùng ngày, Thái Lan có thêm 10 ca tử vong, nâng tổng số người tử vong lên 188 ca. Đây là lần đầu tiên, số ca mắc mới trong ngày ở Thái Lan dưới 2.000 ca kể từ ngày 23/4. Dù tin rằng đã qua đỉnh dịch, nhưng giới chức Thái Lan vẫn thực hiện các lệnh hạn chế mới từ ngày 1/5 để đẩy lùi đại dịch.
*** Hơn 15 nghìn người chết trong 1 ngày vì COVID-19
(ĐCSVN) – Đến sáng 30/4, thế giới có tổng số 151.209.994 ca nhiễm và 3.178.544 ca tử vong vì dịch COVID-19. Trong một ngày qua có thêm 888.317 ca nhiễm và 15.013 ca tử vong mới. Tính đến nay, Mỹ vẫn là nước có tổng số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất do đại dịch này.
Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 30/4, đã có 128.444.355 ca nhiễm CODVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 19.487.095 ca bệnh đang điều trị, có 19.375.356 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,4%) và 111.739 ca (chiếm 0,6%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 222 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, với thêm tới 386.888 ca nhiễm, Ấn Độ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Brazil (69.079 ca) và Mỹ (59.269 ca). Cùng với đó, Ấn Độ cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 3.501 ca, sau đó là Brazil (3.074 ca) và Mỹ (870 ca).
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy trong 24 giờ qua, châu Âu đã ghi nhận thêm 144.824 ca nhiễm và 3.169 ca tử vong mới vì COVID-19. Đây là châu lục có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất thế giới. Pháp, Nga và Anh tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 5.592.390; 4.796.557 và 4.414.242 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, Anh lại hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 127.502 ca, sau khi có thêm 22 ca trong 24 giờ qua; tiếp sau đó là Italy (120.544 ca) và Nga (109.731 ca).
Với 38.994.918 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 30/4, châu Á trở thành khu vực có nhiều ca nhiễm thứ hai thế giới. Trong đó, 515.518 ca đã tử vong do COVID-19 và 33.371.095 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 18.754.984; 4.788.700 và 2.479.805 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 208.313; 39.737 và 71.351 ca.
Là khu vực có số ca nhiễm nhiều thứ ba thế giới, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ tiếp tục gia tăng, với tổng số 38.252.610 ca, trong đó có 860.315 ca tử vong và 29.942.529 ca được điều trị khỏi. Với 33.044.068 ca nhiễm và 589.207 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 2.336.944 và 1.211.083 ca nhiễm, cùng 215.918 và 24.169 ca tử vong vì COVID-19.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 135.477 ca nhiễm và 4.858 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 24.762.994 ca và 668.429 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 69.079 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 14.592.886 vào thời điểm hiện tại. Với 3.074 ca tử vong được ghi nhận trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19; tiếp sau đó là Argentina với 561 ca tử vong mới và Colombia với 505 ca tử vong mới do COVID-19.
Tính đến sáng 30/4, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 4.587.788 ca, trong đó có 121.848 ca tử vong và 4.112.028 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 1.579.536 ca nhiễm và 54.331 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 1.086 ca nhiễm mới và 46 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 510.886 và 307.215 ca nhiễm bệnh cùng 9.020 và 10.641 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 62.858 ca nhiễm (tăng 128 ca) và 1.194 ca tử vong (tăng 2 ca) do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 28 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 29.777 ca, trong đó 910 ca tử vong.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến nghiêm trọng, ngày 29/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo mạnh mẽ với các quốc gia châu Âu rằng việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 có thể kích hoạt một “cơn bão lớn” khiến số ca nhiễm gia tăng chóng mặt như trường hợp xảy ra tại Ấn Độ.
Người đứng đầu WHO khu vực châu Âu, ông Hans Kluge nêu rõ: “Khi mà các biện pháp bảo vệ cá nhân được nới lỏng, khi có các hoạt động tụ tập đông người, khi xuất hiện nhiều biến thể lây lan nhanh hơn và công tác tiêm chủng vaccine còn thấp, những điều này có thể tạo ra một cơn bão lớn ở bất kỳ quốc gia nào. Điều quan trọng là phải nhận thức được rằng tình trạng ở Ấn Độ có thể xảy ra ở bất cứ đâu”.
Biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Ấn Độ, có ký hiệu B.1.617, hiện đang bùng phát mạnh mẽ tại quốc gia này, nhưng WHO vẫn chưa xác nhận liệu nó có khả năng lây truyền cao hơn hoặc gây tử vong nhiều hơn các chủng virus khác hay không. Các chuyên gia cho rằng các cuộc tập trung đông người là một phần nguyên nhân dẫn đến bùng nổ số ca mắc COVID-19 mới ở Ấn Độ./.
Tổng hợp-TT