WB: Để trở thành nền kinh tế thu nhập cao năm 2045, Việt Nam cần ưu tiên 4 lĩnh vực sau trong thập kỷ tới; Singapore chiếm gần 60% vốn FDI vào Việt Nam; Vì sao nước Mỹ như ‘thùng thuốc súng’; Donald Trump tung đòn ‘sát thương’, Mỹ – Trung ngập vào khủng hoảng mới; Trung Quốc ngày càng hung hăng với ‘ngoại giao chiến lang’; Đô đốc Mỹ: Không thể làm ngơ trước sự hung hăng của TQ ở Biển Đông; Cảnh báo thời điểm làn sóng Covid-19 thứ 2 bùng phát ở Hàn Quốc; Nga cấp phép thuốc điều trị COVID-19 đầu tiên…là những tin chính được cập nhật.
WB: Để trở thành nền kinh tế thu nhập cao năm 2045, Việt Nam cần ưu tiên 4 lĩnh vực sau trong thập kỷ tới
Ảnh minh họa.
Theo báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới, với một mô hình phát triển dựa vào năng suất, kết hợp đổi mới, sáng tạo với phát triển cân bằng và phân bổ hiệu quả vốn tư nhân và nhà nước, vốn nhân lực và vốn tự nhiên, sẽ là yếu tố then chốt để Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.
Một vài yếu tổ thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam hiện đang chậm lại. Dân số đang già hóa, thương mại toàn cầu đang giảm dần, trong khi những thách thức khác – như sự ô nhiễm và sự gia tăng của tự động hóa, đang gia tăng. Cuộc khủng hoảng COVID-19 đang diễn ra có thể là động lực thúc đẩy những xu hướng này.
Báo cáo cho rằng để tiếp tục tăng trưởng trong một môi trường có nhiều biến động như vậy, Việt Nam cần tập trung củng cố các tài sản sản xuất, trong đó ưu tiên 4 lĩnh vực sau:
– Doanh nghiệp năng động: Khuyến khích cạnh tranh và tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng gia nhập và rời thị trường để đảm bảo nguồn lực được đưa đến những công ty sáng tạo và hiệu quả nhất. Điều này chỉ có thể xảy ra trong một môi trường kinh doanh thuận lợi, doanh nghiệp được đảm bảo khả năng tiếp cận tài chính, quy định pháp lý minh bạch và được pháp luật bảo vệ.
– Cơ sở hạ tầng hiệu quả: Việt Nam đã xây dựng rất nhiều công trình cơ sở hạ tầng, nhưng hiện nay Chính phủ cần nâng cao hiệu quả và tính bền vững của dịch vụ hạ tầng, đặc biệt trong việc huy động tài chính, vận hành và bảo trì.
– Lao động có tay nghề cao và cơ hội cho tất cả mọi người: Việt Nam có thứ hạng cao về giáo dục phổ thông, nhưng với một mô hình tăng trưởng dựa vào năng suất cần nâng cao chất lượng giáo dục đại học và các chương trình đào tạo kỹ thuật và dạy nghề. Những lực lượng lao động phải đối mặt với các rào cản khi gia nhập thị trường lao động, bao gồm các dân tộc thiểu số, cần được tạo cơ hội lớn hơn để thúc đẩy cả công bằng xã hội và tăng trưởng kinh tế khi dân số già đi và lực lượng lao động bị thu hẹp.
– Kinh tế xanh: Phát triển bền vững đòi hỏi phải quản lý hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên tái tạo như đất, rừng và nước; kiểm soát ô nhiễm chặt chẽ hơn, đặc biệt ở các trung tâm đô thị lớn; giảm thiểu và thích ứng với các tác động không thể tránh khỏi của biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng.
Báo cáo này do của Hiệp hội đối tác chiến lược nhóm Úc – Thế giới thứ hai tại Việt Nam (Second Australia – World Bank Group Strategic Partnership – ABP2), với sự đóng góp tài chính từ Quỹ toàn cầu của Hàn Quốc về tăng trưởng cho Quỹ ủy thác phát triển.
Singapore chiếm gần 60% vốn FDI vào Việt Nam
(Doanhnhan.vn) – Với 4,3 tỷ USD được cấp mới, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến 20/5, trong 58 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp phép mới tại Việt Nam 5 tháng đầu năm, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4,3 tỷ USD, chiếm 58% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp sau đó là Đài Loan 743,2 triệu USD (chiếm 10%), Trung Quốc 694,9 triệu USD (chiếm 9,3%),….
Cơ quan thống kê cho biết, tổng vốn FDI bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 13,9 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước.
Có 1.212 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 7,4 tỷ USD. Trong khi đó, số vốn FDI thực hiện 5 tháng đầu năm ước tính đạt 6,7 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ.
Về đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài, theo Tổng cục Thống kê từ đầu năm đến nay có 60 dự án được cấp mới với tổng số vốn 161,9 triệu USD.
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 5 tháng đạt 180,7 triệu USD, bằng 98,7% cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tới 55,6% tổng vốn đầu tư.
Vì sao nước Mỹ như ‘thùng thuốc súng’
Dịch bệnh, thất nghiệp cùng biểu tình bạo lực liên quan tới phân biệt chủng tộc biến nước Mỹ thành “thùng thuốc súng” có thể bắt lửa bất cứ lúc nào.
Hai tháng rưỡi qua ở nước Mỹ như đoạn mở đầu trong một bộ phim đen tối về quốc gia này, và bộ phim vẫn chưa đi tới đoạn kết. Đầu tiên, đại dịch Covid-19 tấn công, khiến các bệnh viện trở nên quá tải và biến Mỹ trở thành vùng dịch lớn nhất toàn cầu. Nền kinh tế số một thế giới đóng băng và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt. Kể từ tháng ba, cứ 4 lao động ở Mỹ thì có một người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp.
Dòng xe xếp hàng dài hàng km tại các ngân hàng thực phẩm. Biểu tình phản đối phong tỏa ngăn Covid-19 nổ ra trên khắp cả nước. Tại Michigan, cơ quan lập pháp phải hủy họp vì người biểu tình. Số ca tử vong trên toàn nước Mỹ vì một căn bệnh mà hầu như chưa ai nghe đến hồi năm ngoái đã vượt 100.000.
Khủng hoảng chưa dừng lại ở đó khi tuần này, một sĩ quan cảnh sát thành phố Minneapolis, bang Minnesota, bị quay video cảnh ghì gáy người đàn ông da màu George Floyd, 46 tuổi. Khi cận kề cái chết, Floyd kêu lên thảm thiết rằng anh không thể thở được, giống hệt lời cuối cùng của Eric Garner, người đã chết năm 2014 dưới tay cảnh sát New York và trở thành nguồn cơn của phong trào “Người da màu đáng được sống” (Black Lives Matter). Floyd sau đó chết tại bệnh viện.
Cái chết của Floyd diễn ra chỉ vài ngày sau khi ba người đàn ông ở bang Georgia bị bắt vì truy đuổi và giết chết một người da màu khác là Ahmaud Arbery, gây chấn động nước Mỹ. Công tố viên ban đầu từ chối buộc tội những người này với lý do rằng hành động của họ hợp pháp theo luật tự vệ của bang.
Những người biểu tình ở Minneapolis đã đổ ra đường sau cái chết của Floyd và vào tối 27/5, biểu tình biến thành bạo loạn, khiến thống đốc Minnesota phải ban hành lệnh giới nghiêm và đề nghị triển khai Vệ binh Quốc gia đến bang này.
Trong một khoảnh khắc, cái chết của Floyd thách thức phản ứng của Tổng thống Donald Trump và những người ủng hộ phong trào “Coi trọng mạng sống của cảnh sát Mỹ” (Blue Lives Matter). Chính quyền buộc phải hành động, tất cả 4 cảnh sát liên quan đến cái chết của Floyd đều bị sa thải, các lãnh đạo cảnh sát trên khắp nước Mỹ đã lên án họ và Bộ trưởng Tư pháp William Barr hứa sẽ ưu tiên điều tra vụ án. Tổng thống Trump gọi những gì xảy ra với Floyd là điều “rất, rất tồi tệ”.
Donald Trump tung đòn ‘sát thương’, Mỹ – Trung ngập vào khủng hoảng mới
Quan hệ Mỹ-Trung ngày càng lún sâu vào khủng hoảng khi mà 2 cường quốc mâu thuẫn trên nhiều vấn đề, như đại dịch Covid-19 hay mới đây là Hong Kong. Các thị trường tài chính biến động mạnh và trở nên bất định hơn bao giờ hết.
Mỹ – Trung căng thẳng
Ông Donald Trump đã tuyên bố chỉ đạo bắt đầu quá trình loại bỏ các chính sách ưu đãi Hong Kong, tước bỏ trạng thái đặc biệt của Hong Kong.
Trước đó, Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng đã tuyên bố Hong Kong không còn duy trì mức độ tự chủ cao với Trung Quốc đại lục. Và, Hong Kong không còn đủ điều kiện để được đối xử theo luật
Một số nguồn tin cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu từ Hong Kong cũng như ban hành lệnh trừng phạt nhằm vào các cá nhân và công ty có liên quan.
Căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng.
Đây là một bước leo thang căng thẳng mới sau khi Mỹ-Trung liên tục mâu thuẫn về hàng loạt vấn đề, trong đó có cuộc chiến thương mại và đại dịch Covid-19, khiến hơn 6 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh. Mỹ chứng kiến hơn 1,7 triệu người nhiễm và hơn 100 ngàn người tử vong.
Nền kinh tế thế giới được cho rằng cần mất nhiều năm để trở lại mức trước đại dịch. Và điều này càng trở nên khó khăn hơn khi mà căng thẳng Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục leo thang không ngừng nghỉ.
Các thị trường tài chính chao đảo
Căng thẳng Mỹ – Trung leo thang đã ngay lập tức kéo giá vàng tăng mạnh lên trở lại ngưỡng 1.730 USD/ounce.
Trên Kitco, các dự báo cho thấy, thị trường vàng sẽ có một tháng 6 sắp tới biến động chưa từng có so với tháng 6 các năm trước đó. Các vấn đề địa chính trị có thể khiến giá vàng biến động “điên loạn”.
Trung Quốc ngày càng hung hăng với ‘ngoại giao chiến lang’
Giữa sự đối đầu với Mỹ ở nhiều phương diện, các nhà ngoại giao Trung Quốc không còn tỏ ra mềm mỏng mà ngày càng hung hăng, đáp trả một cách gay gắt.
Trong quá khứ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng có thời gian ưu tiên các lời lẽ mềm mỏng khi ứng xử các nước. Đến nỗi một người chỉ trích nặc danh đã gửi viên canxi đến các nhà ngoại giao đại lục, cùng bức thư mỉa mai họ hãy uống để “cho cứng xương”, trang Nikkei Asian Review dẫn một nguồn tin ngoại giao Trung Quốc giấu tên.
Tình hình hiện nay đã hoàn toàn khác hẳn, bài viết của Nikkei Asian Review bình luận. Chính sách đối ngoại cứng rắn và tỏ ra “trên cơ” của Bộ Ngoại giao Trung Quốc gần đây khiến những nhà quan sát quốc tế kinh ngạc và gây chú ý với với cả người dân trong nước.
Giới quan sát phương Tây gọi kiểu hành xử này của Trung Quốc là “ngoại giao chiến lang”, trong khi các quan chức ở Mỹ ngày càng tỏ ra cứng rắn để đáp trả sự hung hăng này.
Ngoại giao chiến lang
Một chỉ dấu cho thấy sự thay đổi thể hiện qua buổi họp báo cuối tuần trước của ông Vương Nghị, Ngoại trưởng kiêm Ủy viên Quốc vụ viện phụ trách đối ngoại của Trung Quốc.
Khi đó, ông Vương không trả lời trực tiếp khi được hỏi rằng Bắc Kinh có phải đã từ bỏ chủ trương “thao quang dưỡng hối” hay không. “Thao quang dưỡng hối” nghĩa là che giấu ánh sáng, nuôi dưỡng bóng tối, ý nói “giấu mình chờ thời”, một chính sách do cựu lãnh Đặng Tiểu Bình khởi xướng.
Thay vào đó, ngoại trưởng Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ Mỹ về những cáo buộc nước này che giấu thông tin trong dịch Covid-19.
Ông Vương Nghị cho rằng một loại “virus chính trị” đang lây lan ở Washington và đẩy quan hệ hai nước đến “bờ vực cuộc Chiến tranh Lạnh mới”.
Đô đốc Mỹ: Không thể làm ngơ trước sự hung hăng của TQ ở Biển Đông
Đô đốc James Stavridis cho biết thế giới không thể làm ngơ, dù đứng trước những lựa chọn khó khăn, trong bối cảnh Trung Quốc hành xử ngày càng hung hăng trên Biển Đông.
Giữa lúc thế giới phân tâm trong bối cảnh dịch bệnh, Bắc Kinh đang ngày càng trở nên hung hăng hơn, theo bài viết của đô đốc James Stavridis của Hải quân Mỹ, cựu tư lệnh các lực lượng NATO, trên Nikkei Asian Review.
Mới đây nhất, Trung Quốc đã sử dụng lực lượng hải quân để gây sức ép lên các nước láng giềng. Trong tháng 4, tàu Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá của ngư dân Việt Nam, hành động sau đó vấp phải sự lên án rộng rãi của cộng đồng quốc tế.
Cựu tư lệnh các lực lượng NATO vạch rõ rằng Trung Quốc đang gia tăng áp lực lên sự hiện diện của tàu chiến Mỹ trong khu vực, thông qua các tín hiệu gây hấn, sử dụng máy bay và tàu chiến áp sát ở khoảng cách nguy hiểm, hay hướng radar điều khiển hỏa lực về phía tàu chiến Mỹ, tín hiệu chuẩn bị khai hỏa.
Sau khi kiểm soát thành công sự lây lan của virus corona và nhanh chóng tái khởi động nền kinh tế, Trung Quốc rõ ràng cho rằng họ ở vị thế có thể đưa ra các sáng kiến về kinh tế và quyền lực mềm nhằm lôi kéo các nước ít có liên quan tại Biển Đông.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý với gần như toàn bộ Biển Đông, từ bờ biển đại lục tới rìa ngoài của đường 9 đoạn phi pháp. Điều này có tác động quốc tế to lớn, bởi đây là vùng biển có giao thương hàng hải với khối lượng lớn, cùng trữ lượng dầu khí và tài nguyên thiên nhiên khổng lồ.
Bất chấp đường 9 đoạn đã bị Tòa trọng tài quốc tế tuyên bố là không có giá trị pháp lý từ năm 2016, cũng như sự phản đối quyết liệt từ các quốc gia trong khu vực, Trung Quốc vẫn ngang nhiên thực thi các tuyên bố chủ quyền phi pháp.
Đáp lại, Bắc Kinh ráo riết mở rộng sức mạnh của hải quân, bổ sung thêm nhiều tên lửa siêu thanh “sát thủ tàu sân bay”, cũng như phát triển công nghệ tàu ngầm. Sự gia tăng nhanh chóng năng lực hải quân khiến Bắc Kinh tự tin hơn trong đối đầu với các cuộc tuần tra của Mỹ.
Lựa chọn khó khăn của thế giới
Chiến lược của Bắc Kinh ngày càng trở nên hung hăng, bởi những vấn đề mâu thuẫn nội tại của Trung Quốc. Trong bối cảnh Chủ tịch Tập Cận Bình đang nỗ lực củng cố quyền lực, nhà lãnh đạo Trung Quốc cần duy trì sự ủng hộ của tầng lớp trung lưu.
Khi tốc độ phát triển kinh tế chậm lại, Bắc Kinh cần một lý do để quy tụ sự ủng hộ. Chiến lược hung hăng trên Biển Đông, với cách thức thể hiện của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, trở thành lựa chọn của Bắc Kinh.
Phần còn lại của thế giới giờ bị đẩy tới những lựa chọn khó khăn. Không quốc gia nào muốn rơi vào cuộc chiến tranh lạnh toàn diện, hay thậm chí chiến tranh vũ trang, với Trung Quốc, đô đốc James Stavridis cảnh báo.
Cảnh báo thời điểm làn sóng Covid-19 thứ 2 bùng phát ở Hàn Quốc
Các chuyên gia y tế Hàn Quốc dự đoán làn sóng lây nhiễm virus corona thứ hai ở nước này sẽ tới sớm hơn, vào mùa hè thay vì mùa đông như dự đoán trước đó.
Dự báo mới này được đưa ra trong bối cảnh số ca mới nhiễm dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) gây ra tăng vọt ở khu vực Seoul trong vài ngày qua, Chosun Ilbo đưa tin.
Các ca nhiễm mới xuất phát từ các câu lạc bộ ở quận Itaewon ở Seoul và từ một nhà kho do công ty thương mại trực tuyến Coupang ở tỉnh Gyeonggi đã tăng cao. Hồi đầu tháng này, số ca nhiễm Covid-19 ở Hàn Quốc đã sụt xuống một con số nhưng tới giữa tháng nó lại tăng mạnh.
Giáo sư Kim Woo-joo thuộc Bệnh viện trường đại học Guro Hàn Quốc cho hay: “Làn sóng lây nhiễm thứ hai vẫn chưa tới, nhưng nó có thể xảy ra vào mùa hè nếu số ca nhiễm tiếp tục tăng và các cá nhân, cộng đồng không tuân thủ các chỉ dẫn vệ sinh.
Hiện thời, đa phần các ca nhiễm mới xảy ra ở khu vực Seoul. Chúng tôi vô cùng lo ngại vì dân số ở khu vực này lớn gấp 3 lần Daegu và tỉnh bắc Gyeongsang -những nơi đỉnh dịch từng xảy ra”.
Các ca nhiễm mới sẽ lây lan nhanh hơn do số lượng người đi làm cùng di chuyển trên các phương tiện giao thông công cộng cũng như mật độ dân cư đông đúc. Nỗi lo ở đây là do có quá nhiều ca lây nhiễm, các bác sĩ sẽ không thể giải quyết một cách hiệu quả. “Nhà chức trách y tế sẽ không thể kiểm soát tình hình nếu các ca lây nhiễm mới bùng nổ, giáo sư Kim cho hay.
Theo Yonhap, cho tới giờ, nhà chức trách đã phát hiện hơn 100 trường hợp nhiễm Covid-19 liên quan tới nhà kho của Coupang kể từ khi bệnh nhân đầu tiên ở đây được xác nhận vào tuần trước.
Nga cấp phép thuốc điều trị COVID-19 đầu tiên
Bộ Y tế Nga hôm 30/5 đã chính thức phê duyệt loại thuốc nội địa đầu tiên dùng trong điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19. Loại thuốc này được phát triển bởi Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) và Tập đoàn đầu tư & nghiên cứu dược phẩm R&D.
Thông báo từ Bộ Y tế Nga nêu rõ, tên của loại thuốc điều trị COVID-19 này là Avifavir, được phát triển dựa trên cơ sở một loại thuốc có tên là Favipiravir. Loại thuốc này đã được thử nghiệm một thời gian trong các thử nghiệm lâm sàng tại Nga.
“Avifavir đã chứng minh hiệu quả cao trong việc điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19 trong giai đoạn đầu tiên của các cuộc thử nghiệm lâm sàng. Giai đoạn cuối của quá trình thử nghiệm này đang được tiến hành, với sự tham gia của 330 bệnh nhân”, ông Kirill Dmitriev, CEO của RDIF cho hay.
Theo giới chuyên gia, đây là loại thuốc chống COVID-19 đầu tiên được cấp phép tại Nga và đồng thời cũng là loại thuốc hứa hẹn nhất thế giới hiện nay.
Nga hiện là nước có số người mắc COVID-19 cao thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ và Brazil. Giới chức Kremlin cho biết các nhà nghiên cứu nước này hiện đang tham gia gần 50 dự án vaccine khác nhau.
Tính tới cuối tháng 5, COVID-19 đã lây lan chohơn 6 triệu người và là nguyên nhân khiến gần 370.000 người chết trên toàn cầu. Thế giới hiện đang có khoảng 10 loại vaccine COVID-19 được thử nghiệm trên người. Các chuyên gia ước tính, một loại vaccine an toàn và hiệu quả có thể mất từ 12-18 tháng kể từ giai đoạn đầu phát triển.
*** Mỹ Latinh trở thành “tâm chấn” mới của đại dịch COVID-19
(ĐCSVN) – Thế giới tuần qua tiếp tục chứng kiến đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) diễn biến phức tạp tại một số khu vực trên thế giới, đáng ngại là khu vực Mỹ Latinh đã trở thành “điểm nóng” mới của đại dịch với tốc độ lây lan khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo khu vực này sắp trải qua những tuần lễ cực kỳ khó khăn phía trước.
Mỹ Latinh – “tâm chấn” mới của đại dịch COVID-19
Tính đến sáng ngày 31/5 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận đã vượt mốc 6,1 triệu ca nhiễm COVID-19. Mỹ Latinh đã trở thành “tâm chấn” mới của đại dịch COVID-19 trong tuần qua. Tại cuộc họp trực tuyến ngày 26/5, dựa trên các dự báo nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tử vong do COVID-19 sẽ tăng cao tại Brazil và các nước Mỹ Latinh đến hết tháng 8, Giám đốc WHO khu vực châu Mỹ và là người đứng đầu Tổ chức Y tế Bắc và Nam Mỹ (PAHO) Carissa Etienne nhận định: “Giờ không phải là thời điểm để các quốc gia nới lỏng các biện pháp hạn chế”.
Các giám đốc PAHO đã cảnh báo về những tuần “vô cùng khó khăn” phía trước trong khu vực và Brazil, nước có số ca COVID-19 cao thứ 2 thế giới, vẫn còn một chặng đường dài để chấm dứt đại dịch. Một nghiên cứu mới đây của Viện Đo lường và Đánh giá Y tế (IHME) thuộc trường Đại học Washington của Mỹ dự báo số người tử vong vì đại dịch COVID-19 ở Brazil có thể tăng 5 lần lên mức 125.000 vào tháng 8. Các chuyên gia WHO cũng bày tỏ lo ngại về các đợt bùng phát dịch bệnh ở Peru, Chile, El Salvador, Guatemala, và Nicaragua.
Bên cạnh đó, những diễn biến đáng chú ý khác liên quan đến đại dịch COVID-19 cũng được ghi nhận trong tuần qua. Ngày 25/5, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus thông báo tạm thời đình chỉ các thử nghiệm lâm sàng đối với thuốc chữa sốt rét hydroxychloroquine trên các bệnh nhân COVID-19, trong khi Hội đồng Giám sát An toàn Dữ liệu tiến hành đánh giá về loại thuốc này. Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến diễn ra cùng ngày, người đứng đầu WHO cho biết, vào cuối tuần trước, tuần san y khoa Lancet công bố một nghiên cứu cho thấy việc sử dụng hydroxychloroquine (một dạng thuốc liên quan tới chloroquine) điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 có thể làm gia tăng khả năng tử vong của những người này.
Trong một diễn biến khác, ngày 29/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo Mỹ chấm dứt mối quan hệ với WHO do phản ứng của tổ chức này đối với đại dịch COVID-19. Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump nêu rõ: “Chúng tôi đã nêu chi tiết các cải cách mà tổ chức này cần thực hiện, nhưng họ đã từ chối hành động. Vì họ đã không thực hiện các cải cách được yêu cầu và rất cần thiết, nên hôm nay chúng tôi sẽ chấm dứt mối quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới”.
Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng cho biết Mỹ sẽ chuyển hướng các khoản tiền đã cam kết hỗ trợ cho WHO sang các nhu cầu y tế công cộng cấp bách khác trên toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh thế giới cần câu trả lời từ Trung Quốc về virus SARS-CoV-2 và cần sự minh bạch.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần cáo buộc WHO đã bỏ qua những báo cáo đáng tin cậy về sự lây lan của virus SARS-CoV-2 tại Vũ Hán hồi đầu tháng 12/2019 hoặc thậm chí sớm hơn nữa. Tiếp theo những chỉ trích, ngày 14/4, Tổng thống Trump đã tuyên bố chính quyền Mỹ tạm dừng đóng góp tài chính cho WHO để chờ kết luận điều tra của họ với cách “phản ứng thất bại” của WHO trước dịch COVID-19. Gần đây nhất, trong bức thư dài 4 trang đề ngày 18/5 gửi Tổng Giám đốc WHO, Tổng thống Donald Trump tuyên bố WHO có 30 ngày để “sửa sai”, nếu không Mỹ sẽ vĩnh viễn cắt nguồn tài trợ và xem xét lại việc tham gia tổ chức này.
*** Người dân Mỹ phẫn nộ vì tình trạng phân biệt sắc tộc
Việc ông George Floyd tử vong trong khi bị Cảnh sát giam giữ ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota đã gây ra làn sóng giận dữ trong cộng đồng dân cư trên cả nước Mỹ. Các cuộc biểu tình bày tỏ sự phẫn nộ trước cái chết của công dân Mỹ gốc Phi này nổ ra tại Minneapolis, tràn tới nhiều thành phố trên toàn nước Mỹ và lan đến cả trụ sở các cơ quan công quyền ở Thủ đô Washington.
Dư luận quốc tế về quyết định của Mỹ rút khỏi WHO
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn vừa lên tiếng chỉ trích quyết định mới của Tổng thống Donald Trump chấm dứt tư cách thành viên của Mỹ tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Ông Trump nói G7 “lỗi thời”, muốn mời Tổng thống Putin tham dự
Sputnik ngày 31/5 đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ lùi thời gian tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đến tháng 9, đồng thời bày tỏ ý muốn mời Nga tham dự.
Bắt được kẻ cầm đầu vụ 39 người Việt tử nạn ở Anh
Nghi phạm chính trong vụ vận chuyển người trái phép dẫn đến cái chết thương tâm của 39 người Việt trong container ở Anh hồi tháng 10 năm ngoái đã bị bắt tại Đức.
Châu Âu ra tuyên bố chung chỉ trích Mỹ
Ba nước dẫn đầu châu Âu là Anh, Pháp và Đức chỉ trích quyết định của Mỹ chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt đối với các nước còn lại trong thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Quan chức Hong Kong phát ngôn “sốc” sau khi ông Trump tước đặc quyền
Quan chức Hong Kong khẳng định việc Tổng thống Mỹ Donald Trump xoá bỏ đặc quyền không ảnh hưởng gì nhiều đến nền kinh tế của thành phố.
Xả súng vào đám đông biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc ở Mỹ, một người chết
Nam thanh niên 19 tuổi trúng đạn và tử vong ở trung tâm thành phố Detroit sau khi một nghi phạm chưa rõ danh tính nổ súng vào đám đông người biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc.
Chống dịch kiểu kì lạ, Brazil vượt Mỹ về số ca COVID-19 mới
Số ca nhiễm mới COVID-19 theo ngày tại Brazil đã vượt Mỹ, “ổ dịch” lớn nhất toàn cầu, khiến các chuyên gia bày tỏ quan ngại đặc biệt về tình hình dịch bệnh tại quốc gia Nam Mỹ.
Những loại tàu ngầm mang đầu đạn hạt nhân trên thế giới
Có một thực tế là những siêu tàu ngầm này luôn chìm trong vòng bí mật, song nhiều thông tin về chúng cũng có độ mở khá cao. Có bao nhiêu loại tên lửa có khả năng tàng hình, tàu ngầm có thể lặn sâu bao nhiêu, những nơi mà chúng thường xuyên hoạt động.
Mỹ giới nghiêm nhiều khu vực, báo động quân đội vì biểu tình bạo loạn
Làn sóng biểu tình bùng phát dữ dội khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper chuẩn bị các phương án đối phó trong trường hợp cần thiết.
Sau loạt bước đi “sốc”, ông Trump lại lệnh tổng điều tra công ty Trung Quốc
Tổng thống Donald Trump yêu cầu điều tra mọi hành vi khác thường của các công ty Trung Quốc niêm yết tại thị trường tài chính Mỹ với mục tiêu bảo vệ các nhà đầu tư Mỹ.
Thủ tướng Đức bất ngờ từ chối lời mời tới Mỹ của ông Trump
Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel đã từ chối lời mời của Tổng thống Donald Trump tới Mỹ dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 vào cuối tháng 6 tới do những lo ngại về tình hình COVID-19.
Tiêm kích Nga mang tên lửa săn đuổi oanh tạc cơ B-1B Mỹ trên Biển Đen
Nga triển khai tiêm kích Su-27 và Su-30 cùng đầy đủ vũ khí đuổi theo oanh tạc cơ B-1B của Mỹ trên Biển Đen và ngăn nó tiến vào không phận Nga.
Số người nhiễm COVID-19 toàn cầu vượt mốc 6 triệu
Đúng 5 tháng từ khi khởi phát ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, dịch COVID-19 đến nay đã lan ra 213 quốc gia và vùng lãnh thổ, gây ra cái chết của hơn 366.000 người trong tổng số 6 triệu ca nhiễm.
Biểu tình lan đến Washington, Nhà Trắng bị phong toả
Các cuộc biểu tình liên quan đến cái chết của người đàn ông da màu tên George Floyd đã lan tới thủ đô Washington DC, buộc Nhà Trắng phải tạm phong toả để đảm bảo an ninh.
Ông Trump tước vị thế đặc biệt của Hong Kong
Tổng thống Donald Trump tuyên bố từng bước xóa bỏ đối xử ưu đãi mà Washington áp dụng cho Hong Kong nhằm đáp trả việc Bắc Kinh thông qua luật an ninh cho đặc khu này.